Từ cố Bí thư Kim Ngọc đến “tư lệnh” Đinh La Thăng
“Hiện tượng Đinh La Thăng” chỉ ra rằng: Không phải bây giờ, mà đã hàng chục năm nay, xã hội đã tích dồn rất nhiều vấn đề bức xúc đến độ sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện những nhân tố mới, tích cực hơn nhằm tháo gỡ” (Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an – trao đổi trên Vietnamnet ngày 20.2.2016). Cũng vì thực tiễn đòi hỏi, những năm 70 của thế kỷ trước, trong bối cảnh bao cấp nặng nề, vì lo dân đói, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã “xé rào” và phải trả giá bằng cả sinh mệnh chính trị của mình.
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.
Từ hoài nghi đến…
So sánh giữa ông Thăng với cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, hai người ở hai thời điểm quá khác biệt là khá khập khễnh, nhưng chúng tôi ôn lại việc của ông Kim Ngọc ngày ấy chỉ nhằm làm rõ hơn: Những phát ngôn, hành động, cách triển khai thực hiện của “tư lệnh” Đinh La Thăng những ngày mới nhậm chức cho đến cuối nhiệm kỳ vẫn phải không ít lần “xé rào” từng khâu, từng khâu với lòng quả cảm. Và quan trọng là, kết quả rất tốt nên đem lại hiệu ứng rất mạnh với cả xã hội.
Phát biểu với báo giới sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào chức Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Thăng đã từng nói:
Phát biểu với báo giới sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào chức Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Thăng đã từng nói:
“Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”.
Đây là phát ngôn rất ấn tượng với dư luận, nhưng với tôi lúc ấy, sự hoài nghi vẫn là chính. Bởi lẽ, là người theo dõi Quốc hội nhiều khóa, tôi cũng đã từng được nghe không ít những thành viên Chính phủ phát biểu hay và rất hay, nhưng không ít nội dung nó cứ mãi bay bay như gió thoảng. Nhưng với Đinh La Thăng, ông đã thể hiện rất rõ khí chất “tư lệnh” xuyên suốt cả thời gian làm bộ trưởng của mình.
Hành động “trảm tướng” đã thể hiện rõ ràng nhất yêu cầu, đòi hỏi của ông: Phải là một “tư lệnh” đúng nghĩa. Nói đúng ra, đây là hành động dũng cảm trong cơ chế dày đặc những quy trình. Bởi, việc “trảm” đó có thể ai cũng thấy là đúng, nhưng không đúng quy trình là bị khiếu kiện. Mà trong mớ bòng bong những nhóm lợi ích chằng chịt như hiện nay, chỉ ngồi trả lời chất vấn của các loại thanh-kiểm tra, báo giới thì không còn tâm trí nào để nghĩ chứ đừng nói là làm các việc tiếp theo.
Một “tư lệnh” đúng nghĩa
Một “tư lệnh” đúng nghĩa
Củ Chi làm đường vào nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Em sau 4 ngày chỉ đạo của ông Đinh La Thăng. Ảnh: T.L Do đó, thực tế cho thấy có mấy vị lãnh đạo dám “trảm” kiểu Đinh La Thăng? Việc “trảm” của ông Thăng không ít, nên việc liệt kê ra không biết bao giờ cho hết, chúng tôi chỉ nêu hai, ba vụ “trảm” có tính chất khác nhau đã cho thấy mục tiêu rất rõ của vị “tư lệnh” này.
Tháng 10.2011, khi thị sát xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “trảm” ngay tổng chỉ huy công trình vì để dự án chậm tiến độ gần 2 năm. Với hành động này, ngay thời điểm đó, ủng hộ ông Thăng rất nhiều nhưng cũng không ít ý kiến hoặc hồ nghi về động cơ hoặc lo lắng cho ông. Nhưng tiến độ công trình này sau đó đã nói tất cả.
Do đó, những quyết định “trảm” sau đó của ông Thăng thuận hơn rất nhiều. Thậm chí, chỉ với phát ngôn thiếu trách nhiệm liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng cũng mất chức. Hoặc như Tổng Giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Đạt Tường, một người được ông Thăng đánh giá là “quá tốt, đạo đức trong sáng, phẩm chất tốt”, nhưng vẫn bị “trảm” chỉ vì để ngành trì trệ.
Gần đây nhất, việc “tư lệnh” Thăng yêu cầu HĐTV TCty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo cách chức ông
Nguyễn Viết Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vì liên quan đến việc đề xuất mua 160 toa xe cũ (từ 12-20 năm) của Trung Quốc. Dù rằng, việc đề xuất này mới chỉ dừng ở bước khảo sát, nghiên cứu, nhưng dư luận vẫn thực sự “nóng” dù là những ngày sát tết cổ truyền dân tộc. Rất nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất, dư luận ủng hộ mạnh mẽ hành động “trảm” này, bởi ông Thăng đã đập nát ý tưởng tồi này ngay từ trong trứng nước. Và chính động thái này cũng khiến các TCty, không chỉ trong ngành giao thông, cũng phải cẩn thận hơn khi nghĩ đến việc mua sắm các thiết bị đã qua sử dụng. Do đó, với những phát ngôn của ông Thăng, thuộc cấp đều phải hiểu, đó là những mệnh lệnh: “Nếu biển báo còn thì người phải đi”; “Phải coi xe quá tải là “giặc””; “Nhiều lãnh đạo sở 7 – 7h30, tôi gọi mà vẫn đang ngủ, thế thì làm lãnh đạo làm gì?”…
Đặc biệt, trong buổi làm việc với Tổng thầu EPC dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) tháng 1.2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải gay gắt nói: “Không đánh đổi tính mạng người Việt để vay vốn”. Còn gì rõ ràng hơn phong cách, suy nghĩ và hành động của vị “tư lệnh” này.
Theo https://laodong.vn/thoi-su/tu-co-bi-thu-kim-ngoc-den-tu-lenh-dinh-la-thang-520418.bld
Ông Thăng: Không có hy vọng thì có nên sống nữa không?
(PLO)- "Trong đêm tối vẫn còn một vì sao chiếu sáng, vì sao đó chính là hy vọng. Không có hy vọng thì có nên sống nữa không?...", ông Thăng nói lời sau cùng.
Clip: Ông Đinh La Thăng nghẹn ngào nói lời sau cùng tại tòa.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng nói:
Trước hết, bị cáo xin hết sức cảm ơn HĐXX đã cho bị cáo cơ hội được nói lời sau cùng. Bị cáo cám ơn VKS, cơ quan điều tra, luật sư bào chữa cho bị cáo đã tận tâm chia sẻ những biến cố của cuộc đời bị cáo.
Bị cáo cám ơn các cấp lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp... đã đến thắp hương chia buồn với sự ra đi của bố bị cáo. Ông đã mất trong tâm trạng u uất, đau buồn vì chuyện của bị cáo. Nếu không có những chuyện xảy ra với bị cáo thì bố bị cáo không mất sớm như vậy.
Gia đình của bị cáo đã rơi vào sự tột cùng của đau thương, mất mát. Bị cáo trở thành người con bất hiếu vì khi bố mình mất đi, không được lo các công việc hậu sự cho bố. Đây là điều day dứt trong suốt quãng đời còn lại của bị cáo.
Ngay sau lễ viếng bố bị cáo, trong đầu bị cáo luôn ám ảnh hình ảnh ông cụ hiện về... Bị cáo đã xin phép được về gặp mặt bố lần cuối nhưng không được phép. Đây thực sự là điều ám ảnh.
Trước việc VKS vẫn giữ quan điểm buộc tội với bị cáo, trong khi các luật sư đã chứng minh từ chính kết quả điều tra vụ án. Trước mức án quá nặng, gần như hết khung của điều luật, sau lưng bị cáo là bản án 13 năm của phiên tòa trước.
Xin HĐXX hãy lắng nghe tiếng nói của lương tâm, để công tâm xem xét tôi như số phận của một con người.
Bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều về những năm tháng đã qua, với sự quan tâm, chỉ bảo, dìu dắt của các đồng chí lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè, người thân... Bị cáo được giao giữ trọng trách ở nhiều cương vị khác nhau. Bị cáo suy nghĩ rất nhiều. Trong suốt năm làm ở PVN, không có Tết nào bị cáo ở nhà.
Năm vừa rồi, bị cáo hy vọng được có mặt ở nhà ăn Tết với gia đình, vợ con thì lại phải vào tù. Vô cùng đau xót. Những phiên tòa và những bản án thế nào đặt lên bị cáo không chỉ là những năm tháng tù tội trước mắt. Chắc chắn bị cáo không còn đủ thời gian để thực hiện hết các bản án. Quan trọng hơn, bị cáo nghĩ đó là sự mất mát về niềm tin của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người dân...
Trong những đêm dài trằn trọc không ngủ được trong bốn bức tường trong nhà giam, bị cáo luôn nghĩ đến câu nói: Trong đêm tối vẫn còn một vì sao chiếu sáng, vì sao đó chính là hy vọng. Không có hy vọng thì có nên sống nữa không? Vì vậy bị cáo hy vọng sự thật khách quan sẽ được làm rõ qua diễn biến phiên tòa mấy ngày nay...
Ngày phiên tòa được mở là 49 ngày bố bị cáo ra đi, bị cáo không được thắp nén hương cho bố. Tôi thành tâm mong vong linh của bố tôi tha thứ cho tôi. Giờ bị cáo không thể nói gì được nữa, xin một lần nữa cám ơn HĐXX, cảm ơn đại diện VKS đã tạo điều kiện cho các luật sư được bào chữa cho bị cáo và các bị cáo khác.
Trước đó, sau phần đối đáp của các luật sư, đại diện VKS tranh luận lại và vẫn giữ nguyên quan điểm như đã truy tố, ông Đinh La Thăng đã trình bày thêm trước tòa.
Ông Thăng nói: Như bị cáo đã nói sáng nay là bị cáo không muốn trình bày gì thêm. Hôm qua, bị cáo nói với luật sư là cáo trạng đã truy tố vậy rồi có nói cũng không thay đổi được gì, nhưng các luật sư vẫn động viên bị cáo trình bày. Y như rằng bị cáo nói xong thì sáng nay bị kết tội là độc đoán, chuyên quyền.
Ông Thăng cũng nhắc lại thoái vốn và vẫn khẳng định việc giao NHNN xử lý chính là nguyên nhân trực tiếp, làm mất cơ hội PVN thoái vốn. "Bây giờ cho con cái đi học, mấy năm đầu nó học tốt, sau học kém bị đuổi học thế là quy kết nguyên nhân do bố mẹ cho đi học hay sao?", ông Thăng ví von.
Đặc biệt ông Thăng cho rằng "30 năm bị cáo công tác, chưa có bất kỳ cơ quan đơn vị nào nói bị cáochuyên quyền độc đoán. Đây vừa là vấn đề danh dự, vừa là nhân phẩm của bị cáo".
Ông Thăng cũng bày tỏ sự tin tưởng việc ông Thắm có thể có phương án xử lý để trả cho PVN 800 tỉ, thậm chí 1.600 tỉ.
"Bị cáo xin phép được trình bày sự thật khách quan, để khi bị cáo chấp hành bản án của tòa, vào tù thì thấy được thanh thản, được tĩnh tâm... Ít nhất bị cáo còn được ngẩng mặt lên nhìn các bạn tù khác. Bị đi tù thật nhưng đi tù trong bối cảnh như vậy chứ không phải do cố ý làm việc này, việc kia, tham ô, tham nhũng bao nhiêu tiền. Đi tù mà không dám ngẩng mặt lên nhìn các phạm nhân khác thì nhục nhã...
Bị cáo rất tha thiết mong HĐXX, mong đại diện VKS tiếp tục đối đáp làm sáng tỏ sự thật, sáng tỏ chân lý. Thực sự bị cáo thấy khó tin tưởng các vị đại diện VKS có thể thay đổi quan điểm nhưng cái mà bị cáo mong muốn là sự thật khách quan phải được công nhận và tôn trọng", ông Thăng tha thiết.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh nói lời sau cùng:
Bị cáo bị truy tố bởi hai tội, tội cố ý làm trái và tội thứ hai đáng xấu hổ hơn là tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, bị cáo đã tích cực hợp tác, thành khẩn...
Trong 37 năm công tác, bị cáo đã có nhiều thành tích, nhưng điều này không thể bù đắp dược cho những sai phạm bị cáo mắc phải. Bị cáo mong HĐXX xem xét, phán quyết cho bị cáo mức án nhẹ để bị cáo có cơ hội trở về với gia đình.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn:
Bị cáo đã khai báo thành khẩn về hình vi của mình. Quá trình làm việc, bị cáo có thể do nhận thức pháp luật còn hạn chế mà dẫn đến sai phạm.
Xin HĐXX cho phép bị cáo nhận trách nhiệm của mình đã khiến các anh trong HĐTV PVN phải ra trước tòa hôm nay. Mong HĐXX có chính sách khoan hồng không cách ly, hai anh được đề xuất mức án không cần cách ly khỏi xã hội.
Bị cáo bị tạm giam gần ba năm rồi, bị cáo có nhận thức và mong muốn sự thật được làm sáng tỏ, để lòng mình được thanh thản. Bị cáo đã thành thật khai báo trước tòa cũng như các cơ quan tố tụng, đã được đại diện VKS ghi nhận.
Bị cáo chỉ có một mong muốn duy nhất là làm rõ sự thật để bị cáo và những người có liên quan được thanh thản. Đề nghị quý tòa, cám ơn HĐXX có đánh giá, nhìn nhận, tạo điều kiện cho bị cáo và các bị cáo khác có được sự khoan hồng của pháp luật, khi mình đã làm tất cả để làm sáng tỏ sự thật vụ án và những vụ án khác có liên quan.
Do vụ án có tính chất phức tạp, HĐXX tuyên bố sẽ nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 14 giờ ngày 29-3.
Đ.MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét