Câu chuyện cậu bé người dân tộc Thái bị mất cây hoa hồng mà cậu coi như người thân trong gia đình đang thu hút sự chú ý của cộng đồng. Không phải bởi cây hoa là loài cổ quý hiếm 20 năm tuổi, mà bởi cái cách người ta cho hẳn xe ô tô vào tận vườn, nhổ nguyên gốc cái cây giữa thanh thiên bạch nhật. 
Đạo tặc xưa lén lút đêm hôm, chỉ cướp của người giàu có. “Hoa tặc” nay ngang nhiên, phi xe vào tận nhà, cướp của người chẳng có gì ngoài một cây hoa. Lại hổ thẹn thay, người ta cướp bóc ấy là vì cái thú chơi vốn tao nhã, cầu và hiểu đạo nhân sinh.
Hoa tặc để phục vụ nhu cầu chơi hoa của người yêu hoa? 
Một vài năm gần đây, mỗi dịp xuân về, người chơi hoa miền bắc lại tìm đến hoa hồng cổ (giống hoa hồng của người Pháp được mang lên trồng ở miền núi phía bắc) khi thị trường ngập tràn các loại hoa lai rực rỡ, đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ, nhưng hữu sắc vô hương. Hồng cổ miền núi vừa cho hoa to hơn hồng ta, lại vừa có hương thơm quyến rũ hơn các loài hoa hồng lai khác. Có những cây hoa có giá từ 35 tới 100 triệu đồng.

Người truyền người, những ngôi biệt thự ở dưới xuôi giờ đây đều được các nhà vườn tư vấn trồng hồng cổ cho theo kịp xu hướng thưởng thức tinh tế. Người trong giới chơi hoa và bán hoa đã bắt đầu đi thu thập hoa hồng cổ ở các tỉnh miền núi phía bắc. Những gốc hoa được mua với giá 3-5 triệu đồng, qua khâu chăm sóc, thuần hóa cho hợp khí hậu rồi đem bán với giá gấp nhiều lần.
Cây hoa hồng trước và sau khi bị mất (Ảnh: Kênh 14).
Nhưng không phải người dân miền núi nào cũng đồng ý bán cây. Em Hà Văn Lương (dân tộc Thái ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đã coi cây hoa chăm bẵm 10 năm của mình như một người thân trong gia đình. Là tri kỷ, người bạn tinh thần, ai nỡ bán đi, dù số tiền có đáng giá một gia tài lớn đối với cậu trai trẻ người dân tộc đã thi đỗ đại học mà không thể đi học vì không có tiền.
Hà Văn Lương chia sẻ rằng: “Cây hoa là tài sản tinh thần quý giá nhất của nhà em, ai cũng coi nó như một thành viên trong gia đình. Sáng nay em đi làm cây hoa vẫn còn đó, nhưng đến trưa về thì đã bị trộm mất, không chỉ em mà cả nhà ba người đều khóc hết nước mắt vì tiếc cây hoa, tiếc công chăm bón”.
Người chủ chỗ cậu làm, chị Lan, đã đăng lên trang mạng cá nhân của mình rằng:
”Mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền nhưng thời gian thì không. Cây hoa hồng cổ gần 20 tuổi, mùa xuân hoa nở rộ vài trăm bông ai đi qua cũng trầm trồ. Nhiều người đã hỏi mua trả giá đến 30 triệu mà cháu không bán, vậy mà sáng nay có những kẻ đã mang cả ô tô đến bứng trộm hoa.
Em Hà Văn Lương chụp bên cây hoa hồng bị trộm cách đây 2 năm (Ảnh: Kênh 14).
Không hiểu những kẻ kia nghĩ gì khi đi ăn cắp niềm đam mê của người khác? Trong khi nhà chỉ có một cụ già 100 tuổi, vừa mới mừng thọ cách đây vài hôm không có khả năng tự vệ. Tại sao xấu tính như vậy mà học đòi chơi hoa”.
Câu hỏi ám ảnh tâm trí tôi. Tôi tự giải thích rằng có thể cũng không phải là một trọc phú rởm đời nào đó cất công đánh xe đi bứng trộm hoa, mà là đám con buôn hoa cảnh cho các nhà vườn. Chứ người thưởng được hoa, chăm hoa, yêu hoa sao có thể hành động như vậy. Hoặc cũng có thể là tôi vẫn còn niềm tin ngây thơ vào đạo của người chơi hoa quá chăng. Giờ đây, “tao nhân” lại cũng có thể trở thành “hoa tặc” sao?
Đạo của người chơi hoa
Hoa là tạo vật của đất trời, mỗi loài, mỗi giống đều hàm chứa trong mình những bài học nhân sinh, những thông điệp về sự vô thường, về đạo vĩ đại của vũ trụ. “Hoa có tiếng nói của hoa, cũng như tất cả những cảnh đẹp thiên nhiên đều có tiếng nói: Biển cả, đại dương, sông núi, ruộng, đồng đều bày tỏ hùng hồn làm con người thấm thía, không còn gì để nói thêm, mà có nói thì cũng nghèo nàn thô thiển, chẳng đáng vào đâu so với tiếng nói của muôn đời ấy” (Hoa Đạo).
Chơi hoa ấy, yêu hóa ấy, nếu chỉ nhìn thấy nó mang lại vẻ đẹp trang hoàng cho nhà mình, tô điểm thêm cho sự “cao quý” của mình thì cũng chỉ là thứ tình yêu phù phiếm, ích kỷ. (Ảnh: hoahongleo.net)
Cùng là ngắm, có người chỉ “nhìn” thấy, có người lại “ngộ” thấy. Chơi hoa ấy, yêu hóa ấy, nếu chỉ nhìn thấy nó mang lại vẻ đẹp trang hoàng cho nhà mình, tô điểm thêm cho sự “cao quý” của mình thì cũng chỉ là thứ tình yêu phù phiếm, ích kỷ.
Trong Hoa Đạo của George Ohsawa có đoạn viết:
Hoa dùng để biểu dương vinh quang của tạo hóa, chứ không phải để phô trương thanh thế của phàm nhân.
Thế nên, kẻ trưng những cây hoa to ngất, trĩu cành để ra vẻ ta là người sành sỏi cũng chỉ là kiểu cách, thanh tao giả hiệu mà thôi. Sao có thể gọi là người chơi hoa được. Người Nhật Bản có Hoa Đạo. Bởi họ biết rằng thông qua việc ngắm hoa cũng có thể thấy được những tầng nghĩa nông cạn cho tới thâm sâu của Đạo.
Thiền sư Mãn Giác đời thứ 8 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông nhìn mai ra hoa mà thấy được Pháp lý vượt qua được sinh tử bằng tu luyện:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hếtĐêm qua, sân trước, một nhành mai” 
Thiền sư Linh Vân 30 năm cần mẫn tu đạo trên núi mà vẫn chưa thật sự đắc Đạo. Một ngày kia, khi đang ngồi tham thiền trong rừng đào, một cơn gió khiến những cánh hoa vương đầy trên mặt đất, ngài bỗng ngộ ra chân Pháp chân Đạo từ những cánh hoa rơi.
Người chơi hoa, dù chưa thể thấu triệt được Đạo của Đất Trời, thì cũng hiểu được cái công phu, cái tình sâu đậm từ việc chăm hoa
Vì lẽ đó mới có câu chuyện người phu kéo xe tay ở Nhật Bản:
“Họ thường ngồi hàng giờ với những chậu cảnh tí hon trong khi chờ khách. Họ tỉa tót, lau chùi, dịu dàng xới đất, nhất là yên lặng ngắm nhìn. Đôi khi có người hỏi mua một chậu, nhưng chưa chắc họ đã bán, mặc dù vài chục đồng yên không phải là điều bác kéo xe không thèm muốn, hơn nữa bác còn bị bạn bè, những người chỉ thích cờ bạc đỏ đen chế nhạo. Có thể một người sẽ hỏi: ‘Tại sao cậu không bán? Giữ lại để làm gì cho tổ khổ thân?’. Bác kéo xe trả lời: ‘Thế tại sao cậu không đem con cậu ra bán?’” – (Hoa Đạo).
Thế nên, đã yêu hoa, chăm hoa thì sẽ hiểu được cái công phu, tình cảm của người trồng hoa, sao có thể cướp đi tất cả những gì họ có bằng cách đê hèn và ngang ngược như những kẻ đi xe bán tải đỏ vào vườn nhà em Hà Văn Lương được. Thế nên, tôi cũng mạnh dạn một lần dám cá rằng, cái kẻ cướp hoa của cậu bé không phải là một người chơi hoa chân chính.
Người chơi hoa chân chính sẽ không tạo thị trường cho những kẻ chỉ biết trục lợi từ mất mát của người khác. Nếu cứ thích có ngay những gốc cây lâu năm, um tùm, lộng lẫy mà không cần phải bỏ công chăm bẵm, đầu tư thời gian, thì đó cũng là kẻ chơi giả hiệu. Là muốn hoa tô điểm cho mình. Là thứ tình yêu ích kỷ, chỉ muốn có kết quả như ý mà không mất công mất sức.
Đã yêu hoa, và hiểu đạo của hoa, cần phải bỏ công chăm bẵm, đầu tư thời gian cho hoa khi có thành quả rồi mới thấy vui vẻ tận hưởng thành quả của chính mình. (Ảnh minh họa: eva.vn)
Đã yêu hoa, và hiểu đạo của hoa, sao không mua những gốc non về chăm bẵm, để cảm được hết niềm hân hoan khi nụ hoa đầu tiên chớm nở. Để biết phải hòa mình theo nhịp điệu vận tiết của thiên nhiên thì mới hiểu và chăm được một cây hoa đẹp và khỏe mạnh. Để rung cảm và phập phồng trước những thay đổi nhỏ bé mà biểu đạt sức mạnh vĩ đại của tự nhiên trên thân cây mong manh.
Người yêu hoa, biết ngắm hoa, sẽ nghe được lời nói của hoa lá, cỏ cây. Chúng đều đồng thanh rằng mỗi suy nghĩ, hành động của chúng ta đều vị tư và sai lầm
Chúng ta muốn quá nhiều mà không chịu tự mình trở nên tốt đẹp nhất có thể ở vị trí của mình. Nhưng hoa kia vô tư tỏa hương, trổ sắc cho đời, không cần ai ngắm, ai khen, không cần ai cảm ơn, trân trọng. Đó là việc của hoa, và hoa cứ vậy không cần điều kiện gì hết.
Con người muốn thì sẽ làm mọi cách để có, dù mình có khả năng, điều kiện hay không. Hoa chỉ cần làm theo đúng sự vận hành của Thiên Địa, hòa hợp với chim muông, cỏ cây. Người lại chẳng bao giờ chịu yên vị với ảo tưởng rằng có thể sở hữu mọi thứ mình muốn.
Cùng là yêu vẻ đẹp của hoa, người Việt có thể trộm cây của người khác để kinh doanh hoặc về trồng ngắm, người Tây lại để khô để lưu giữ vẻ đẹp vĩnh cửu. Nhưng người Nhật sẽ có những chuyến leo núi ngắm hoa, bởi vẻ đẹp của thiên nhiên chỉ đẹp nhất khi được giữ nguyên hoàn cảnh và trạng thái.
Chắc chỉ có ở Nhật Bản mới có những chuyến xe lửa chở khách đi nghe tiếng chim sơn ca hót lúc nửa đêm, xem hoa anh đào nở, ngắm lớp tuyết đầu mùa phủ lên những ngọn núi hùng vĩ. Những lễ hội xem đom đóm trong đêm hè, những chuyến xe chở người đi ngắm trăng tròn trên đỉnh đồi thông mờ sương.
Đó là cách họ thưởng thức thú vui tao nhã mà không vi phạm cái Thiện của Pháp vũ trụ. Bởi Thiện là khi bạn không phạm vào lợi ích của người khác, biết ơn, trân trọng sản vật của thiên nhiên, Đất Trời. Không ích kỷ thỏa mãn sự thèm khát của bản thân mà hành động vô luân.
Thuần Dương
Có thể bạn quan tâm :

Chia Sẻ
4.6K