Tóm tắt bài viết

  • Sau khi Quốc hội Trung Quốc bãi bỏ qui định giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với một đội ngũ phụ tá đáng tin cậy, được lựa chọn kỹ lưỡng.
  • Đã có thêm nhiều người trung thành với ông Tập được giữ lại hoặc được điều động vào các vị trí chính thức cấp cao, trong đó nổi bật là ông Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch nước và ông Lưu Hạc, phó thủ tướng.
  • Trong 5 năm tới, ông Tập sẽ phải đối mặt với một thách thức ghê gớm: đối thoại với Mỹ để tránh một cuộc chiến tranh thương mại, kiềm chế nợ nần, đảm bảo tăng trưởng ổn định đối với thu nhập của các hộ gia đình, giảm sự bất bình đẳng và ô nhiễm môi trường, cũng như đưa ra các giải pháp cho những vấn đề xã hội.
Chắc chắn nắm quyền lực vô thời hạn, ông Tập loại bỏ cơ cấu lãnh đạo mà ông ‘được thừa hưởng’, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với một đội ngũ phụ tá đáng tin cậy, được lựa chọn kỹ lưỡng, theo Thời báo Phố Wall (WSJ).
Trong 5 năm tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trông cậy vào nhóm những người thân cận để xốc lại nền kinh tế chậm chạp, xoá đói nghèo, và tăng cường vị thế toàn cầu của Trung Quốc, trong khi bảo vệ cho chương trình đầy tham vọng của mình khỏi bị trật bánh, bởi những quan hệ khó khăn với Mỹ.

Đặc biệt, có 2 người đã nổi lên với những vai trò quan trọng. Đó là ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng trước đây, nay đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch nước từ hôm thứ Bảy (17/3), và ông Lưu Hạc (Liu He), kiến trúc sư về các chính sách kinh tế của ông Tập, người đã được đề bạt làm Phó thủ tướng Trung Quốc hôm thứ Hai (19/3).
Ông Vương Kỳ Sơn giữ chức vụ Phó chủ tịch nước Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Ông Vương Kỳ Sơn, một phụ tá thân cận của ông Tập, giữ chức vụ Phó chủ tịch nước Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Trong những tuần qua, ông Tập và 2 người đại diện của mình đã gặp gỡ trực tiếp với các quan chức Mỹ, những người am hiểu những lo ngại sâu sắc của Chủ tịch Tập về mối quan hệ Mỹ – Trung.
Ông Tập đã đón tiếp ông Terry Branstad, đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, trong một cuộc gặp gỡ không chính thức của gia đình hai bên vào đầu tháng 2/2018. Hai bên quen biết nhau kể từ khi ông Tập đến thăm nước Mỹ trong năm 1985.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã phái ông Vương và ông Lưu đến gặp đại sứ Mỹ Branstad một cách riêng rẽ. Ngay trước khi bắt đầu kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, ông Lưu đã tới Washington, đôi khi tiến hành các cuộc đàm phán đầy tranh cãi, với các quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump đã không thực hiện được.
Những lời đe dọa trừng phạt về đầu tư và thương mại của chính quyền Mỹ hiện ra lù lù trước Trung Quốc khi Bắc Kinh phải đối mặt với những thách thức đáng kể ở cả trong và ngoài nước, bao gồm xung đột có thể xảy ra ngay ‘sát vách’, trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh vào năm ngoái, được thúc đẩy bởi những chi tiêu của chính phủ và khu vực nhà nước, cũng như bởi nhu cầu toàn thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng xu hướng này có thể nhanh chóng biến mất trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại.
Kết thúc phiên họp vào hôm thứ Ba (20/3), Quốc hội Trung Quốc đánh dấu đỉnh điểm những nỗ lực của ông Tập trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, làm lay chuyển toàn cảnh chính trị, đặt ông Tập và Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào trung tâm của xã hội Trung Quốc.
Với chiến dịch chống tham nhũng ‘đả hổ diệt ruồi’, ông Tập đã ‘quét sang bên lề’ những đối thủ được ‘cài cắm’ dưới thời những người tiền nhiệm của mình, mở đường cho một cuộc cải tổ sâu rộng đối với bộ máy quan liêu của chính phủ.
Rất nhiều trong số những kẻ bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng này, đều có một điểm chung chưa được công bố, đó là họ đều tham gia vào cuộc đàn áp nhằm loại bỏ Pháp Luân Công, môn khí công ôn hòa được ưa chuộng tại nhiều quốc gia nhưng bị đàn áp thảm khốc tại Trung Quốc từ năm 1999.
Quốc hội Trung Quốc đã bãi bỏ những giới hạn trong Hiến pháp về nhiệm kỳ của chủ tịch nước, cho phép ông Tập tại vị vô thời hạn. Hôm chủ Nhật (18/3), Quốc hội Trung Quốc đã bổ nhiệm một quan chức phụ trách kỷ luật hàng đầu của ĐCSTQ làm giám đốc một ủy ban giám sát mới của quốc gia, mở rộng phạm vi chống tham nhũng của ông Tập, bao gồm tất cả những người làm việc trong khu vực nhà nước.
Đã có thêm nhiều người trung thành với ông Tập được giữ lại hoặc được điều động vào các vị trí chính thức cấp cao trong những bổ nhiệm nội các, được thông báo hôm thứ Hai (19/3).
Là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng trước đây, ông Vương Kỳ Sơn nay đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch nước. Khi gặp gỡ các quan chức Mỹ trong những tuần gần đây, ông Vương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại Mỹ – Trung.
Là người nghiên cứu chính sách công của Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Béclin, ông Matthias Stepan cho rằng: “Những gì mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là [ông Tập] đang đưa ra cấu trúc [bộ máy nhà nước], giúp thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của mình”.
Trong hai tuần vừa qua, các đại biểu tham gia kỳ họp Quốc hội đã ca ngợi ông Tập là một nhà lãnh đạo khôn ngoan, trong khi tờ Nhân dân Nhật báo, một tờ báo hàng đầu của ĐCSTQ, đã gọi ông Tập là “người cầm lái vĩ đại”, và là người “dẫn dắt nhân dân”, khi lặp lại các danh hiệu liên quan đến Chủ tịch Mao Trạch Đông trước đây.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự thống trị của ông Tập không đảm bảo việc đưa ra quyết định táo bạo hay đột phá cho những bế tắc về chính sách của Trung Quốc. Ví dụ như Bắc Kinh đã trì hoãn đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được công bố và đầu năm 2017, một biện pháp sống còn nhưng không được nhiều người ưa thích, để đối phó với một dân số già đi nhanh chóng; cũng như việc đánh thuế bất động sản mà các quan chức đã thả nổi trong nhiều năm, nhằm kiềm chế giá bất động sản. Tuy nhiên, việc đánh thuế bất động sản cũng đang đối mặt với sự chậm trễ kéo dài, ngay cả khi rất nhiều dự án nhà ở mới, vẫn không có người ở.
Theo tờ WSJ, vẫn cần phải xem liệu ông Tập có sẵn lòng sử dụng ‘vốn liếng chính trị’ của mình trong các cuộc cải tổ quy mô lớn, nhằm đưa nền kinh tế Trung Quốc lên một chỗ đứng vững chắc, và làm dịu bớt những lo ngại của Washington về việc mất cân bằng thương mại.
Là kiến trúc sư của những chính sách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Lưu Hạc, 66 tuổi, sẽ giám sát ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính khác. Cuối cùng ông Lưu đã trở thành người lãnh đạo nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Lưu Hạc, kiến trúc sư của những chính sách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, giữ chức vụ Phó thủ tướng Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Ông Lưu Hạc, kiến trúc sư của những chính sách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, giữ chức vụ Phó thủ tướng Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Mặc dù đã cam kết cho những lực lượng thị trường có vai trò quyết định trong nền kinh tế Trung Quốc, nhưng ông Tập đã phải mất 5 năm để tăng cường kiểm soát nhà nước.
Bà June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, đã đặt ra một câu hỏi: “Liệu ông [Tập] có thể thực hiện những thay đổi mạnh mẽ ngay cả khi với quyền lực này?”
“Có những tranh cãi hợp lý chống lại những biện pháp cứng rắn. Hàng triệu người có thể sẽ bị mất việc làm”, bà Dreyer nhận định.
Một ‘lá bài lớn bất ngờ’ đối với ông Tập là chính quyền của Tổng thống Donald Trump, người mà trong những tuần gần đây đã khiến Bắc Kinh hầu như ‘đau đầu hàng ngày’, chẳng hạn như việc nâng cấp quan hệ với Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh luôn xem là lãnh thổ của Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu (16/3), ông Trump ký một đạo luật, cho phép các đại diện Hoa Kỳ gặp gỡ các quan chức Đài Loan, khiến cho Bộ ngoại giao Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ.
Một quan chức Trung Quốc tham gia vào việc hoạch định chính sách cho biết: “Chúng tôi đang bị ông Trump ‘hành hạ’ đến chết”.
Cũng theo tờ WSJ, cho đến nay, Bắc Kinh đã phản ứng thận trọng trước các tấn công thương mại của Mỹ, cố gắng cân bằng các biện pháp trả đũa, với mong muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Mỹ. Một điều nữa khiến Bắc Kinh cũng lo ngại là họ không có người nào có vai trò quan trọng ở Nhà Trắng, để cùng thương thảo.
Nhấn mạnh với ông Branstad về tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại, ông Vương cho rằng áp lực bên ngoài thường giúp Bắc Kinh đẩy mạnh cải cách. Về phần mình, đại sứ Branstad lại cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự định chỉ thương thảo với những người trong nhóm thân cận của ông Tập.
Với ông Lưu, ông Branstad thúc giục Bắc Kinh phải giải quyết nhanh chóng thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ. Hai tuần sau đó, ông Lưu được yêu cầu đưa ra một kế hoạch cắt giảm thâm hụt thương mại song phương khoảng 100 tỷ USD.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, đó là một yêu cầu rất khó thực hiện được. Đổ lỗi cho sự mất cân bằng một phần là do Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn (Zhong Shan) cho rằng Washington có thể thu hẹp thâm hụt thương mại 35% nếu Mỹ cho phép Bắc Kinh mua nhiều sản phẩm hơn, như siêu máy tính và các vật liệu tiên tiến. Tuy nhiên các quan chức Mỹ nói rằng doanh số những mặt hàng này cũng sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ so với mức thâm hụt, trong khi có khả năng đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Ngay cả khi không có triển vọng của một cuộc chiến tranh thương mại, ông Tập đang phải đối mặt với một thách thức ghê gớm, theo WSJ. Theo nhà nghiên cứu Stepan tại Berlin, ông Tập phải kiềm chế nợ nần, đảm bảo tăng trưởng ổn định đối với thu nhập của các hộ gia đình, giảm sự bất bình đẳng và ô nhiễm môi trường, cũng như đưa ra các giải pháp cho những vấn đề xã hội như việc tiếp cận với chăm sóc sức khoẻ của người dân.
“Quyền lực và vốn liếng chính trị của ông Tập Cận Bình cơ bản dựa trên các mục tiêu chính sách và đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Stepan nhận định.
Phạm Duy
Có thể bạn quan tâm :