Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

20.000 nhà khoa học đồng loạt cảnh báo về thảm họa diệt vong của nhân loại; Rừng Amazon sắp mất nửa số loài vì biến đổi khí hậu

Theo sự việc gần 20.000 nhà khoa học ký vào một bức thư cảnh báo về vận mệnh của loài người, tình hình của Trái Đất đang trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

trái đất, cảnh báo, 20.000 nhà khoa học,
Tình hình Trái đất đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Cụ thể, bức thư có tựa đề: “Khoa học thế giới cảnh báo nhân loại: Lời cảnh tỉnh thứ hai” (Nguyên văn: World Scientists’ Warning to Humanity: A Second Notice). Đây là thông báo tiếp sau lá thư đầu tiên vào năm 1992 do Uỷ ban khoa học quan ngại (UCS) phát hành, nhằm cảnh báo về vận mệnh của nhân loại.

Được biết, UCS là một cộng đồng gồm nhiều nhà khoa học trên thế giới, bao gồm cả những cái tên từng đạt giải Nobel. Mục đích của lá thư là để khuấy động các chính trị gia hàng đầu trên thế giới. Chúng ta cần họ quan tâm đến những vấn đề đang đe dọa vận mệnh của Trái đất, như biến đổi khí hậu và nạn tàn phá rừng xanh.
Theo các chuyên gia ký tên, con người cần có hành động cụ thể ngay và luôn, nhằm gìn giữ hành tinh xanh cho các thế hệ tương lai.
“Từ năm 1992, ngoại trừ việc phục hồi và ổn định lại tầng ozone, thì nhân loại đã thất bại trong rất nhiều thách thức khác liên quan đến môi trường. Và đáng ngại hơn, có vẻ như mọi chuyện đang trở nên xấu đi“, một đoạn trích trong lá thư.
“Thêm vào đó, nhiều khả năng chúng ta đã khởi động quá trình Đại Tuyệt Chủng. Đây là lần thứ 6 quá trình này xảy ra trong 540 triệu năm qua. Nhiều sinh vật sống có nguy cơ biến mất vĩnh viễn, thậm chí có thể tuyệt chủng ngay cuối thế kỷ này”.
trái đất, cảnh báo, 20.000 nhà khoa học,
Một tương lai u ám đang chờ đợi chúng ta?
Trên thực tế, bức thư này đã được đưa ra vào tháng 11/2017, với hơn 15.000 chữ ký. Nhưng hiện tại, có thêm 4.500 nhà khoa học tham gia, đẩy con số lên gần 20.000 người. Và có thể trong tương lai, con số sẽ còn cao hơn nữa, biến đây trở thành lá thư được công bố trên tạp chí khoa học nhận được nhiều chữ ký nhất từ trước đến nay.
“Cảnh báo của giới khoa học đến nhân loại nhằm kêu gọi sự hợp tác giữa cộng đồng khoa học toàn cầu và công chúng”, GS. William Ripple từ ĐH Bang Oregon, cũng là tác giả của bức thư cho biết.
GS. Ripple hy vọng rằng bức thư cùng những báo cáo liên quan có thể góp phần đưa ra giải pháp cho nhân loại. Ví dụ, ông đề xuất việc áp thuế mạnh hơn cho các nhiên liệu carbon, khôi phục thảm thực vật trên từng địa phương, và một số giải pháp xử lý khủng hoảng săn trộm.
“Để ngăn chặn thảm họa đa dạng sinh học bị phá hủy, con người cần hành động khẩn cấp. Chúng ta phải đưa ra giải pháp thay thế cho những ngành nghề xâm hại môi trường như bây giờ”.
“Sẽ sớm thôi, mọi thứ sẽ lệch ra khỏi quỹ đạo. Thời gian đang cạn dần. Chúng ta phải sớm nhận ra và đưa nó vào hành động, từ cuộc sống thường ngày đến các quyết định của chính phủ. Bởi vì Trái đất là nhà của chúng ta”.
Bức thư được công bố trên website của Viện khoa học sinh học Hoa Kỳ.
Theo helino

Rừng Amazon sắp mất nửa số loài vì biến đổi khí hậu

Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) cảnh báo. biến đổi khí hậu do nạn phá rừng hay Trái Đất nóng lên có thể làm mất một nửa số loài động và thực vật của rừng Amazon vào cuối thế kỷ này.

rừng amazon, mất 50% số loài, biến đổi khí hậu,
Rừng Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. (Ảnh: resegoneonline.it)
Những cánh rừng trên thế giới đang thu hẹp lại. Trong hàng năm trời, chúng đã chịu đựng nhiều tác động của con người. Nhưng theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science Advances, chúng có lẽ đã chạm đến ngưỡng khủng hoảng. Nếu nạn phá rừng vượt quá 20% sự lan rộng ban đầu, Rừng mưa nhiệt đới Amazon sẽ chạm đến “ngưỡng không thể quay lại”.
Trong nghiên cứu, Thomas Lovejoy và Carlos Nobre đã trình bày một cách ngắn gọn điểm bùng phát này, cũng như xác định cụ thể phải làm gì để đạt được ngưỡng này. Về cơ bản, họ muốn biết nạn phá rừng có thể đi xa đến đâu trước khi vòng tuần hoàn nước của khu rừng ngừng hỗ trợ những hệ sinh thái trong đó.
Nobre nói với Euronews, nhấn mạnh rằng trong vòng 50 năm qua, nạn phá rừng đã lên tới con số 17% lượng thực vật của rừng Amazon. Theo ước tính của họ, chỉ thêm 3% thực vật nữa bị phá hủy, khu rừng sẽ không thể cứu vãn được.
rừng amazon, mất 50% số loài, biến đổi khí hậu,
Một thung lũng có đa dạng sinh học cao ở Amazon (Ảnh: Rhett A. Butler)
Bên cạnh đó, theo trang tin Quartz, rừng Amazon, nơi có tới 10% các giống loài đã biết của thế giới, có thể mất một nửa số loài động và thực vật vào cuối thế kỷ này do tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tình trạng mất đa dạng sinh học tại rừng Amazon chỉ là một phần trong tổng thể những gì đang xảy ra với các khu rừng, vùng đất ngập nước và các đại dương trên thế giới.
Theo một nghiên cứu phối hợp thực hiện giữa WWF, Đại học East Anglia và Đại học James Cook, công bố ngày 14/3 trên trang Springer (trang web của nhà xuất bản Springer của Đức), ngay cả khi các nước đáp ứng được những mục tiêu của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, các khu rừng lớn trên thế giới dự kiến vẫn sẽ mất một phần tư số loài thực vật và động vật.
Các nhà nghiên cứu là nhóm tác giả của báo cáo này đã xem xét tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu với gần 800.000 loài từ 33 khu vực trên thế giới.
Bà Tanya Steele, giám đốc điều hành WWF, cảnh báo: “Vào thời của thế hệ con cháu chúng ta, những nơi như Amazon và quần đảo Galapagos có thể sẽ không thể nhận ra được nữa, một nửa số loài sống tại đó sẽ bị xóa sổ vì tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra”.
Các nhà khoa học đã nêu ra 3 viễn cảnh có thể xảy ra dưới những thay đổi nhiệt độ khác nhau cho tới cuối thế kỷ này:
1. Mức tăng nhiệt độ Trái Đất sẽ dưới 2 độ C, đây là mục tiêu mà Thỏa thuận khí hậu Paris đặt ra.
2. Mức tăng nhiệt độ Trái Đất là 3,2 độ C, mục tiêu dựa trên những cam kết hiện tại của các chính phủ.
3. Mức tăng nhiệt độ Trái Đất là 4,5 độ C, mức độ được dự đoán trong trường hợp các xu thế phát thải khí nhà kính hiện tại sẽ tiếp tục.
Với mức tăng nhiệt độ Trái Đất là 3,2 độ C, 60% loài thực vật và gần một nửa các loài động vật của rừng Amazon có thể biến mất trong thế kỷ này.
Theo phân tích của WWF, trong viễn cảnh tồi tệ nhất, nhiệt độ Trái Đất tăng 4,5 độ C, các loài động vật lưỡng cư, nhóm được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất, sẽ sụt giảm gần 75% và các loài thực vật sẽ giảm gần 70% vào những năm 2080.

Hồng Liên (t/h)

Không có nhận xét nào: