Chiều 21.3, đại diện của Bộ Tài chính đã có mặt tại phiên tòa xét xử vụ góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào OceanBank để làm rõ những vấn đề luật sư quan tâm.

Theo cáo trạng, ngày 30.9.2008 ông Đinh La Thăng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xin ý kiến về việc góp vốn vào OceanBank. Tại văn bản số 121441 ngày 14.10.2008, Bộ Tài chính có ý kiến: để đảm bảo tính hiệu quả, đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của OceanBank, xác định giá trị thực cổ phiếu của OceanBank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động đầu tư này.
Ngày 16.10.2008, PVN có văn bản số 7698/DKVN-TCKT gửi OceanBank để yêu cầu cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh, nhưng phía ngân hàng không trả lời và ông Đinh La Thăng cũng không báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Trả lời câu hỏi của luật sư, phía Bộ Tài chính cho biết công văn này được Bộ Tài chính gửi trả lời VPCP, đồng thời cũng gửi cho PVN và các bên liên quan. Đây là công văn gửi trước khi PVN có quyết định góp vốn (lần 1) vào OceanBank.
Đại diện Bộ Tài chính trả lời câu hỏi của các luật sư - Ảnh chụp màn hình
Lần 2, góp bổ sung 300 tỉ đồng theo Nghị quyết số 4658/NQ-DKVN ngày 31.5.2010, nâng tổng số vốn góp của PVN tại OceanBank lên 700 tỉ đồng. Theo ông Hưng, công văn thứ hai là công văn của Bộ Tài chính trả lời công văn số 5643 của VPCP ngày 12.8.2010, đồng thời gửi đến PVN để trả lời về việc PVN tham gia góp vốn, tăng vốn điều lệ của OceanBank (góp vốn lần 2).
Công văn này có nội dung: Sau khi nghiên cứu đề nghị của PVN tại công văn 6873 ngày 6.8.2010 và Nghị quyết Đại hội cổ đông của OceanBank, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Nghị định 141-2006/NĐ-CP ngày 22.11.2006 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính ngày 5.8.2010 về cơ chế tài chính của Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước và Nghị quyết Đại hội cổ đông OceanBank, công ty mẹ của PVN có đủ căn cứ để tham gia góp vốn.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận thấy PVN là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, có nghĩa vụ thăm dò và khai thác dầu khí, có nhiều dự án cần vốn đầu tư rất lớn, nhiều dự án của PVN cần đề nghị nhà nước hỗ trợ vốn ưu đãi. Do vậy Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN rà soát tình hình thực hiện, cân đối nguồn vốn các dự án dầu khí, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Trên cơ sở đó xác định nguồn vốn để đầu tư vào OceanBank.
Theo ông Hưng, nội dung công văn cũng yêu cầu việc đầu tư phải đảm bảo tính hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư. Trường hợp không đủ nguồn vốn để tham gia đầu tư góp vốn thì PVN cần thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tăng vốn điều lệ tại OceanBank theo quy định hiện hành.
Cũng theo ông Phạm Đức Hưng, tại công văn 3780 của Bộ Tài chính khẳng định, việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước vào lĩnh vực tài chính ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó VPCP mới chuyển công văn xin ý kiến các bộ ngành có liên quan. Các công văn nói trên là công văn được Bộ Tài chính gửi trả lời VPCP.
Trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, tại thời điểm 2008, việc đầu tư của PVN là có cơ sở; tuy nhiên trên góc độ quản lý ngành, ý kiến của Bộ Tài chính chỉ căn cứ trên vấn đề quản lý vốn, ngoài ra còn nhiều hệ thống pháp luật có liên quan. Việc giới hạn đầu tư ra ngoài ngành có văn bản rà soát chi tiết cụ thể.
Nhã Thanh