Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Mua ngân hàng 0 đồng là phạm luật, vi hiến và trái đạo lý; Vụ dùng 4.000 tỷ ‘mua ngân hàng giá 0 đồng’ có truy ngược tới Nguyễn Văn Bình?

26-3-2018

Ảnh: internet

Người dân được làm những gì luật pháp không cấm, còn công chức thì chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Đó là nguyên tắc hành xử của xã hội ta.
Và toàn thể cán bộ, công chức thi hành công vụ không thể không hiểu điều sơ đẳng này: Trong hệ thống luật pháp nước ta thì Hiến pháp là cao nhất. Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội không được trái với Hiến pháp. Nghị quyết, nghị định, các văn bản điều hành của Chính phủ không được trái luật và Hiến pháp. Thông tư và tất tần tật các văn bản pháp quy của Bộ và của chính quyền địa phương đều không được trái với tất cả những thứ nói trên.

Hiến pháp ghi rõ: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.” (Điều 51). Quốc hữu hóa là hành động đơn phương của nhà nước chuyển tài sản tư thành tài sản công mà không phụ thuộc vào chủ sở hữu của tài sản đó có đồng ý hay không. Điều này đã lùi xa trong quá khứ. Nhưng ngay cả việc quốc hữu hóa trong quá khứ cũng không phải trường hợp nào tài sản của tư nhân cũng bị nhà nước đơn phương mua với giá 0 đồng để biến thành tài sản nhà nước như trường hợp các ngân hàng được mua 0 đồng trong thời gian qua.
Việc mua ngân hàng 0 đồng được giải thích là căn cứ vào Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng và một quyết định bí mật của người đứng đầu Chính phủ tiền nhiệm. Luật Ngân hàng thì không có điều nào cho phép. Còn Luật các tổ chức tín dụng 2010, điều 149, khoản 3 quy định như thế này:
“Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi Ngân hàng Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng”. Khoản 4 ghi tiếp : “Việc góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.
Để tránh mất an toàn của hệ thống, Luật như vậy là cho phép NHNN “góp vốn, mua cổ phần” ngân hàng trong diện bị kiểm soát đặc biệt khi số lỗ lũy kế vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ. Tuy khoản 2 của điều 149 có cho phép mua bắt buộc, nhưng là “mua cổ phần” chứ không phải cho phép đơn phương mua cả ngân hàng với giá 0 đồng.
Viện dẫn vốn chủ sở hữu âm nên mua 0 đồng là cố tình không hiểu nguyên tắc kế toán và quan hệ thị trường. Theo quy định, “nợ xấu” tức là nợ khó có khả năng thu hồi, đều phải trích lập dự phòng, trích lập dự phòng bao nhiêu tùy vào mức độ khó thu hồi của nợ, khoản trích lập này được đưa vào chi phí, nợ xấu cao khiến cho chi phí lớn, lớn hơn doanh thu sẽ lỗ, lỗ lũy kế nhiều hơn tổng tài sản sẽ khiến vốn chủ sở hữu âm. Vấn đề là một phần, nếu không muốn nói là phần lớn nợ xấu đều có tài sản thế chấp và có khả năng thu hồi được trong tương lai, tỉ lệ thu hồi được bao nhiêu còn phụ thuộc vào mức độ “xấu” của nợ. Vì vậy mà trên thế giới và cả ở nước ta hiện nay mới có thị trường mua bán nợ xấu, là lãnh vực kinh doanh rất béo bở cho những doanh nghiệp có trường vốn. Cái nợ xấu đó vẫn là tài sản của chủ sở hữu, sao lại triệt tiêu nó đi?
Vả lại, trên thị trường chứng khoán của chúng ta hiện nay, có không ít công ty vốn chủ sở hữu âm, thậm chí âm rất lớn, nếu tính theo giá trị sổ sách thì cổ phiếu của nó dưới 0 đồng, nhưng cổ phiếu vẫn được giao dịch trên sàn (Upcom) với giá khác nhau, dù là thấp nhưng vẫn trên dưới 1000 đồng/CP, do đó vốn hóa của các công ty đó vẫn là dương. Tôi không có thì giờ liệt kê, chỉ đơn cử : Công ty CP Container phía Nam (VSG), vốn chủ sở hữu âm hơn 250 tỷ đồng, cổ phiếu vẫn được giao dịch với giá 1.200 đồng/CP. Công ty CP vận tải và thuê tàu biển (VST) vốn chủ sở hữu âm 681 tỷ đồng, vẫn được giao dịch với giá 800 đồng/CP. Có công ty bê bét như Công ty CP Sông Đà-Thăng Long (STL), vốn chủ sở hữu âm đến hơn 2.300 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 150 tỷ đồng, cổ phiếu vẫn được giao dịch với giá 600 đồng.
Tôi không được đọc báo cáo tài chính và kiểm toán của các ngân hàng bị mua 0 đồng, nhưng những gì đọc được cũng đủ để nói rằng việc mua 0 đồng này là vi hiến, sai luật và trái đạo lý.
Tuy nhiên, trong cơ sở pháp lý để NHNN mua 0 đồng còn có một Quyết định của Thủ tướng tiền nhiệm, đó là Quyết định số 255/QĐ-TTg (ngày 1-2-2012). Đó là quyết định bí mật, nội dung của nó như thế nào không ai biết vì không được phép công bố. Cần phải giải mật quyết định này mới biết là ai sai chính và ai liên đới. Nếu như Quyết định kia mà không cho phép NHNN mua 0 đồng thì người ký quyết định mua 0 đồng sai luật. Nếu Quyết định kia cho phép mua 0 đồng thì người ký quyết định cho phép sai luật và vi hiến, người ký quyết định mua 0 đồng sai liên đới.
Các bị cáo trong các vụ án liên quan đến các ngân hàng nói trên, công luận hoàn toàn ủng hộ tòa án xử đúng người đúng tội đúng pháp luật. Nhưng tài sản của các cổ đông tại các ngân hàng này cần được luật pháp bảo vệ, dù họ có phải là bị cáo của các vụ án nói trên hay không.

Vụ dùng 4.000 tỷ ‘mua ngân hàng giá 0 đồng’ có truy ngược tới Nguyễn Văn Bình?

Đang hé ra một khả năng các cơ quan tư pháp, dưới “sự lãnh đạo toàn diện” của đảng cầm quyền và hơi nóng bốc lên ngùn ngụt từ “lò” của Nguyễn Phú Trọng, có thể truy ngược vụ “Ngân hàng nhà nước mua lại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng”.

Theo Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (người đứng), việc mua ngân hàng giá 0 đồng không chỉ là cố ý làm trái mà còn nằm trong nhóm tội phạm về tham nhũng.
Tín hiệu trên lộ ra trong phiên tòa xử “Đinh La Thăng giai đoạn 2” – liên quan vụ 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi vào OceanBank nhưng đã không cánh mà bay.

Cho tới thời điểm này, chi tiết đáng chú ý của phiên tòa trên là cả cơ quan điều tra lẫn Viện Kiểm sát tối cao đều không đưa ra được những chứng cứ chứng minh là Đinh La Thăng đã bỏ túi riêng một phần nào dó trong số 800 tỷ đồng của PVN. Tuy nhiên và như “kịch bản” của vụ xử Đinh La Thăng vào tháng Hai năm 2018, Viện Kiểm sát tối cao vẫn đề nghị xử nặng ông Thăng với mức án từ 18 – 19 năm tù giam về tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.

Một chi tiết đáng chú ý khác trong phiên xử “Đinh La Thăng giai đoạn 2” là lời tự bào chữa của ông Thăng: “Thực tế, việc mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển thành ngân hàng TNHH MTV thì Ngân hàng nhà nước đã bỏ đồng nào vào Ngân hàng Đại Dương chưa khi vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng? Ngân hàng nhà nước lấy tiền đâu để bỏ vào đấy? Nếu Ngân hàng nhà nước lấy tiền ngân sách bỏ vào đấy là vi phạm Luật Ngân sách nhà nước vì theo quy định, không thể lấy tiền của nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp”.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp – người bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho rằng: “Hôm qua, có luật sư đặt ra rằng việc mua 0 đồng chính là cố ý làm trái. Tôi cho rằng nghiêm trọng hơn, nó nằm trong nhóm tội phạm về tham nhũng: lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Chi tiết đáng chú ý thứ ba là những phát biểu trên của hai ông Đinh La Thăng và Nguyễn Huy Thiệp đã được một số tờ báo nhà nước đăng lại nguyên văn, cho dù đây có thể là những nội dung thuộc loại “nhạy cảm” và có thể không thật thuận lợi với ý chỉ “án bỏ túi” của đảng tại phiên xử này.

Có dấu hiệu cho thấy thêm một lần nữa sau vụ cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình bị truy tố, vòng vây dần siết lấy Nguyễn Văn Bình – cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước và hiện thời là Ủy viên bộ chính trị kiêm Trưởng ban Kinh tế trung ương.

Có một sự thật không thể chối bỏ là vào năm 2015, trước khi Đại hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra, Ngân hàng nhà nước đã quyết định mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng – Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GP) và Ngân hàng Đại Dương. Nhân vật quyết định mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng chính là Nguyễn Văn Bình – thống đốc Ngân hàng nhà nước vào thời gian đó.

Cũng vào năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Cả ba ngân hàng này lại đều có quan chức lãnh đạo bị khởi tố và sau đó bị truy tố lẫn án tù.

Tại sao Ngân hàng nhà nước mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng? Phải chăng Thống đốc Bình làm theo lệnh của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng để “đạt thanh tích trước đại hội 12”, nghĩa là vừa bảo đảm “nợ xấu không vượt quá 3%”, vừa “khoanh” những ngân hàng xấu mà không để bị phá sản – một bằng chứng mà nếu xảy ra thì chắc chắn sẽ bị những đối thủ chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng lợi dụng triệt để để quy trách nhiệm “điều hành yếu kém” đối với ông?

Hay hành động Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng trên với giá 0 đồng là một chiêu thức thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích ngân hàng? Với “đặc thù” cùng có 2-3 cán bộ lãnh đạo bị bắt và sau đó không lâu đều “được” Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng, trường hợp của GP, VNCB và OceanBank đang đặt ra dấu hỏi rất lớn: phải chăng có một thế lực bí ẩn và thâm sâu nào đó muốn mượn tay Ngân hàng nhà nước để “thôn tính” các ngân hàng nhỏ thông qua “cơ chế bắt chủ ngân hàng”?

Và Ngân hàng nhà nước lấy tiền ở đâu để mua các ngân hàng trên, dù là tuyên bố mua giá 0 đồng”?

Từ sau vụ mua bán có vẻ rất ám muội trên, rất nhiều dư luận đã đặt dấu hỏi lớn về ý đồ Ngân hàng nhà nước đã dùng tiền ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để giải cứu những ngân hàng thương mại sắp đổ bể.

Nhưng từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, bất chấp nhiều dư luận và cả đại biểu quốc hội nêu nghi vấn về việc Ngân hàng nhà nước lấy đâu ra tiền để mua 3 ngân hàng trên, vẫn không hề có câu trả lời từ phía Ngân hàng nhà nước và Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình. Tất cả đều “trốn biệt”.

Hãy quay trở lại lời khai của Đinh La Thăng tại tòa: “Thực tế, việc mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển thành ngân hàng TNHH MTV thì Ngân hàng nhà nước đã bỏ đồng nào vào Ngân hàng Đại Dương chưa khi vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng? Ngân hàng nhà nước lấy tiền đâu để bỏ vào đấy?”.

Rất đáng chú ý, đây là lần đầu tiên xuất hiện một con số (4.000 tỷ đồng) liên quan đến vụ “mua ngân hàng giá 0 đồng”, bởi trước đó đã không hề tồn tại bất kỳ con số nào, trong bất kỳ báo cáo hay phát ngôn nào của Ngân hàng nhà nước và các cơ quan, cá nhân liên quan về vụ việc đầy khuất tất này.

Vậy con số 4.000 tỷ trên từ đâu ra? Có phải được lấy từ ngân sách?

Con số 4.000 tỷ trên lại chỉ mới chứng minh cho vụ mua giá 0 đồng đối với OceanBank, mà chưa tính tới những con số tương tự hoặc có thể còn lớn hơn để mua giá 0 đồng tại VCB và GP.

Trách nhiệm trả lời những câu hỏi trên thuộc về cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Nếu quả đúng là Ngân hàng nhà nước đã lấy 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để mua OceanBank, đây chính là một vụ cố ý làm trái với mức độ ghê gớm, xứng đáng để Nguyễn Văn Bình bị “hồi tố”, sau đó bị khởi tố và truy tố, phải nhận một mức án không thua gì Đinh La Thăng.

Phần lớn, nếu không muốn nói là toàn bộ tương lai của Nguyễn Văn Bình, lại đang tùy thuộc vào một quyết định của Nguyễn Phú Trọng.

Phạm Chí Dũng

Không có nhận xét nào: