Đoạn phim Trung Quốc tuyên truyền ‘chủ quyền’ Biển Đông lọt ra rạp VN?
LTS: Trong khi lãnh đạo CSVN không dám đưa chuyện chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa, dạy cho các em học sinh, mà chỉ mới đưa chủ quyền hai quần đảo này vào chương trình địa lý, thì Trung Quốc không chỉ đưa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) vào sách giáo khoa dạy cho cho học sinh của họ, mà họ còn in trên bản đồ, in trên quả địa cầu, phổ biến khắp thế giới.
Bây giờ Trung Quốc còn mang chuyện chủ quyền biển đảo cho vào phim ảnh, không chỉ phục vụ cho dân của họ, mà còn đưa qua Việt Nam, tuyên truyền cho dân mình. Việt Nam thua xa Trung Quốc trên mặt trận truyền thông, chẳng phải vì họ tài giỏi hơn ta, mà bởi vì ta có lãnh đạo hèn hơn họ. Lãnh đạo ta chỉ biết đánh đập, bắt bớ dân chúng, khi người dân xuống đường biểu tình, lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thế thì trách ai khi biển đảo rơi vào tay Trung Quốc?
____
Đoạn phim Trung Quốc tuyên truyền ‘chủ quyền’ Biển Đông lọt ra rạp?
Tuấn Lương
24-3-2018
Sau khi chiêu đãi khán giả hàng loạt pha hành động mãn nhãn, “Điệp vụ Biển Đỏ” bỗng trở thành tác phẩm tuyên truyền kệch cỡm ở khoảng vài phút cuối phim.
Trailer bộ phim ‘Điệp vụ Biển Đỏ’ Tác phẩm hành động – giật gân tiếp theo của đạo diễn Lâm Siêu Hiền sau “Operation Mekong” (Điệp vụ Tam Giác Vàng).
Ra mắt tại Trung Quốc vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2018, Operation Red Sea(Điệp vụ Biển Đỏ) – tác phẩm mới nhất của đạo diễn Lâm Siêu Hiền – lập tức trở thành cú hit lớn.
Dẫu phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh như Truy lùng quái yêu 2, Thám tử phố Tàu 2 hay Tây du ký 3: Nữ nhi quốc, bộ phim vẫn giành thắng lợi vang dội với thành tích trên 550 triệu USD, qua đó trở thành phim Hoa ngữ có doanh thu cao thứ hai lịch sử, chỉ xếp sau Chiến lang 2 (2017).
Thắng lợi của Điệp vụ Biển Đỏ có thể được dự đoán từ trước. Bộ phim sở hữu chất lượng sản xuất ấn tượng cùng phần hành động tốt, mang đậm tính giải trí.
Quan trọng hơn, giống như Điệp vụ Tam Giác Vàng (2016) hay Chiến lang 2, Điệp vụ Biển Đỏ mang nội dung kích động lòng tự tôn dân tộc và tinh thần Đại Hán thông qua việc đề cao và tôn vinh hình ảnh người lính Trung Quốc nói riêng, và quân đội Trung Quốc nói chung.
So với các tác phẩm trước cùng thể loại, bộ phim mới còn mang tham vọng lớn hơn. Được đặt hàng riêng bởi Bộ Quốc phòng, tác phẩm của đạo diễn họ Lâm tập trung ca ngợi lực lượng Hải quân Trung Quốc hiện đại. Với trang thiết bị tối tân, cá nhân tinh nhuệ, họ trở thành “những vị cứu tinh” cho người dân lương thiện trên toàn thế giới, bất kể là ai hay ở vùng lãnh thổ nào.
Dưới sự sáng tạo của đội ngũ biên kịch, hải quân Trung Quốc – với đại diện là chiến hạm Lâm Nghi cùng biệt đội Giao Long – không chỉ giải cứu kiều dân Trung Quốc và người dân Yemen khỏi quân phiến loạn, mà còn “tranh thủ” tấn công luôn vào tổng chỉ huy của chúng, tiêu diệt lãnh đạo đầu não, thu hồi hàng tấn nguyên liệu phóng xạ để ngăn chặn âm mưu chế tạo bom bẩn. Từ đó, bộ phim mang dáng dấp chủ nghĩa anh hùng giải cứu thế giới đúng kiểu Hollywood.
Và đỉnh điểm cho tham vọng của Điệp vụ Biển Đỏ nằm ở hai phút cuối cùng có phần nhạt nhòa, nhưng lại hàm chứa ý đồ thâm sâu, mang đậm tính thời sự. Sau khi các sự kiện chính kết thúc, bộ phim xuất hiện hình ảnh một vùng biển với chú thích “South China Sea” (cách Trung Quốc gọi biển Đông).
Tại vùng biển đó là hình ảnh một con tàu không rõ quốc tịch, bị bao vây bởi các tàu chiến và hải giám Trung Quốc. Phía quốc gia tỷ dân dùng loa thông báo rằng đây là hải phận của Trung Quốc, và yêu cầu con tàu phía trước ngay lập tức rút lui khỏi vùng biển.
Vấn đề là đoạn này lạc điệu, không thực sự liên quan đến nội dung phim trước đó và chỉ nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền lệch lạc, hiếu chiến về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Thời gian qua, Trung Quốc liên tục quân sự hóa Biển Đông khi bồi lấn phi pháp và triển khai vũ khí trên 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành vi của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án là đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Và với Điệp vụ Biển Đỏ, điện ảnh cũng trở thành công cụ để chính quyền Trung Quốc phục vụ ý đồ xâm chiếm Biển Đông.
Xuyên suốt bộ phim là những lời ca ngợi chiến tích của hải quân Trung Quốc, từ đó ngầm khoe khoang đây là lực lượng vô địch, vừa hiện đại, vừa thiện chiến, có thể tiêu diệt bất cứ kẻ thù nào vì hòa bình và lợi ích chung của nhân loại. Nhưng thế giới cũng đừng thấy vậy mà vội mừng.
Thực tế hải quân Trung Quốc thực tế vẫn chỉ phục vụ cho lợi ích Trung Quốc, và Biển Đông được bộ phim tuyên bố là vùng biển của họ. Điệp vụ Biển Đỏ nói rằng bất cứ ai “xâm phạm” đến vùng biển hoặc phải biến đi, hoặc sẽ phải chịu hậu quả như những kẻ phản diện “xấu số” trong phim.
Cũng thật khó để xác định liệu vùng biển trong phim thực sự thuộc về Trung Quốc hay quốc gia nào. Nhưng vài phút cuối cùng đã biến Điệp vụ Biển Đỏ từ một tác phẩm hành động giải trí bỗng trở thành bộ phim tuyên truyền thô lỗ và kệch cỡm với mục đích dằn mặt các bên về chủ quyền biển đảo. Không hiểu sao, các đoạn phim tuyên truyền đầy chủ đích này lại lọt qua các khâu kiểm duyệt của Việt Nam.
Rút phim Điệp vụ Biển Đỏ ở tất cả các cụm rạp Việt
Một cảnh trong phim Điệp vụ Biển đỏ
TTO - Tin từ nhà phát hành CGV Việt Nam cho biết họ vừa yêu cầu chấm dứt mọi suất chiếu phim Điệp vụ Biển Đỏ từ tối 24-3, vì lý do phim không có khán giả.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online nhận được phản ứng từ một khán giả xem phim Điệp vụ Biển Đỏ như sau:
Điệp vụ Biển Đỏ: 2 phút cuối phim có ý gì?
Bộ phim Trung Quốc Điệp vụ Biển Đỏ của đạo diễn Lâm Siêu Hiền đang được chiếu tại các rạp ở Việt Nam.
Nội dung câu chuyện là việc sơ tán Hoa kiều ở một đất nước châu Phi đang bị một nhóm khủng bố quốc tế chiếm giữ.
Nhóm khủng bố này bắt giữ 2 mẹ con người Trung Quốc, và một hạm đội hải quân có nhiệm vụ phải giải thoát con tin.
Được biết phim dựa trên một câu chuyện có thật.
Toàn bộ bối cảnh của bộ phim với những cuộc đấu súng, đấu trí ngoạn mục và hấp dẫn diễn ra ở châu Phi với thành phố cổ đổ nát, vùng núi hiểm trở, sa mạc rộng lớn...
Thế nhưng, 2 phút cuối của bộ phim là cảnh một vùng biển rộng lớn, với những chiếc chiến hạm tối tân, hiện đại của hải quân Trung Quốc.
Các nhà làm phim Trung Quốc đã có ý gì khi cho đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ cho là "South China Sea"?
Những phút phim này lạc lõng, cũng chưa chắc có liên quan gì đến nội dung, bối cảnh trong 131 phút phim trước đó.
Nếu cắt bỏ vài phút "dư thừa" cuối phim, có thể chẳng ảnh hưởng gì đến nội dung, cảm xúc của khán giả đối với bộ phim này.
Điều mà khán giả ngạc nhiên, khó hiểu là tại sao Hội đồng duyệt phim của Việt Nam lại cho qua một cách dễ dàng những phút phim mà đa số khán giả cho là "dư thừa" kia?
Trương Quang Thịnh (Bình Thạnh, TP.HCM)
Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với Cục Điện ảnh về vụ việc phim Điệp vụ Biển Đỏ.
Được biết, theo quy trình Phòng Phổ biến và Phát hành phim của Cục sẽ tiếp nhận thông tin này và gửi cho Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hội đồng nói trên sẽ có trách nhiệm xem xét hoặc thẩm định lại phim.
Lãnh đạo của Cục Điện ảnh và lãnh đạo của Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cho Tuổi Trẻ Online biết họ đã tiếp nhận thông tin. Sau khi thẩm định thông tin, họ sẽ có câu trả lời chính thức với báo chí.
Phim Điệp vụ Biển Đỏ là phim nước ngoài, do đó sẽ được Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, cấp phép phổ biến.
Hội đồng này có ít nhất chín thành viên, làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận để đánh giá và xếp loại phim (cả phim nước ngoài và phim Việt).
Buổi thẩm định phim của Hội đồng phải có trên 1/2 tổng số thành viên tham dự. Kết luận của Hội đồng phải được trên 2/3 số thành viên có mặt tán thành.
Theo quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim, cơ quan cấp giấy phép phổ biến phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Cục Điện ảnh.
Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục thông tin khi có ý kiến phản hồi từ Cục Điện ảnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét