Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải: sự tiếc nuối và may rủi chính trị!

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào ngày 17.03 sau thời gian chống chịu với bệnh tật! Trước đó những chia sẻ của nhà báo Nguyễn Công Khế, Osin Huy Đức, Minh Hữu Quang,... về vị Thủ tướng này đã cho thấy một phần tình trạng con người, suy nghĩ và hành động của ông.

Ông Nguyễn Tấn Dũng (thời cương vị Thủ tướng) trao bằng khen và huy hiệu 55 tuổi Đảng cho ông Phan Văn Khải. Ảnh: infonet
Trong khi Facebooker Minh Hữu Quang cho biết: trong các đời Thủ tướng do ĐCSVN cử ra, có lẽ ông Phan Văn Khải là có cuộc đời chính trị “yên ổn” nhất so với 4 ông Thủ tướng khác. Thì ông Nguyễn Công Khế - nguyên TBT báo Thanh Niên đã chia sẻ về sự ‘chạnh lòng’ của mình, trong đó, ông Sáu Khải từng một lần ‘nói như trách’ ông: Không phản biện với chính phủ thì phản biện với ai.

Ông Sáu Khải thừa nhận, ông không thể giải thích nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là thế nào. Điều quan trọng nhất, khi nghỉ chức Thủ tướng, ông Phan Văn Khải bày tỏ: thời tau để lại cỡ 30 tỷ USD (?), bây giờ tiêu tán hết.

‘Tiêu tán hết’, điều mà ông Sáu Khải ám chỉ người kế nhiệm là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã đưa mức tăng trưởng GDP từ 8.5% xuống còn 3.1% chỉ sau 1 năm cầm quyền (2008-2009). Người đã thay vì loại bỏ 122 giấy phép ‘hành dân’ mà dưới thời ông Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ ra thì lại bỏ mặc nó và làm phát sinh thêm hàng ngàn giấy phép con.

Và tham nhũng vẫn tiếp tục diễn ra ở mức, nhìn đâu cũng thấy quan chức ‘ăn uống’ vui vẻ.

Chính vì vậy, nhiều Facebooker bày tỏ sự tiếc nuối về cái thời đã qua đó. Facebooker Đông Phương Nguyễn chia sẻ: Nhiệm kỳ cụ Phan văn Khải đồng tiền ổn định, lạm phát thấp, giá vàng năm 2006 chưa tới 1/3 những năm sau, nợ công mới có 24 tỷ usd, kinh tế ổn định theo hướng bền vững, xã hội ổn định... đặc biệt không có nạn tham nhũng, nhóm lợi ích, bom chứng khoán, bong bóng nhà đất, xung đột lợi ích thượng tầng, nợ công bùng nổ như hiện nay.

Còn GS Nguyễn Đăng Hưng cũng nhấn mạnh, cái thời ông Kiệt hay ông Khải làm Thủ tướng, thì ông có ‘nhiều kỳ vọng cho tương lai Việt Nam’. Vì nghĩa đổi mới sẽ đi bước tiếp, đem lại sự hòa nhập và dân chủ, nên ông đã ‘hăm hở vận động thành lập CLB khoa học kỹ thuật VK’. Kết quả, mọi sự không như ông mong đợi sau hai kỳ cầm quyền của ông ‘Ba Dũng’.

Những lời ca tụng đó dành cho ông Sáu Khải có thể đúng, có thể sai. Bởi thời ông Sáu Khải, Facebook chưa ra đời, sự thật chưa được có điều kiện phơi lộ nhiều như hiện nay. Thậm chí ở mức độ nào đó, có thể trong tương lai không xa, quan điểm về ông Sáu Khải có thể thay đổi, giống như 'Thánh Ba' tại Đà Nẵng - người từng có một fanclub hâm mộ, người cách đây không lâu còn được yêu cầu đặt tên đường. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, hàng tá fan phải vỡ mộng bởi ông có dính líu sâu đến một nhân vật mang tên Vũ 'Nhôm'!

Trở lại câu chuyện 'danh thơm'. Ai cũng rồi phải ra đi, dù quyền lực có tối thượng đến mức nào. Nhưng ra đi trong sự tiếc nuối hay khinh bỉ của người đời là một chuyện khác. Ông Phan Văn Khải đi ra từ trong chiến tranh, rời đi trong cái độ tuổi ‘Bát thập đắc hi hỉ’ như nhiều lão thành cách mạng khác từ trần trước đó, nhưng sự tiếc nuối của dân chúng dành cho ông - hẳn cũng sẽ khác nhau dựa vào đóng góp cho dân, cho nước đến đâu; dựa vào cái thời quyền lực còn trong tay thì sử dụng quyền lực để ‘hành dân’ hay ‘giúp dân’. Nhất là những lão thành mất trong thời đại Facebook này, khi thông tin nguồn mất không còn độc quyền bởi VOV hay VTV.

Do vậy, trong không khí lễ tang, thì một nén nhang trầm cho sự ra đi theo hướng 'nghĩa tử là nghĩa tận' là một điều đúng đắn. Và ông Sáu Khải trước mắt xứng đáng với sự cảm thương của mọi người, ít nhất khi rời chính trường, ông để lại kho dự trữ 30 tỷ USD; ông ủng hộ sự phản biện của báo chí đối với Chính phủ, và ông thừa nhận không hiểu cái bản chất thị trường định hướng XHCN là gì.

Nhưng cũng qua nén nhang trầm, sự ra đi của ông Sáu Khải cũng đặt câu tự vấn về những ‘cựu hoàng’, bảo trợ chính trị và sự nuối tiếc.

Khi Bảo Đại trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng, người ta cứ nghĩ – ‘minh quân’ sẽ bị chôn vùi trong quá khứ, mà không ai nghĩ rằng, cách mạng đã biến sự lựa chọn ‘minh quân’ trong một lớp bọc mới. Và do đó, khi về già, khi sự phá hoại về kinh tế và lũng đoạn diễn ra ở tầm cán bộ cấp cao, những ai từng bảo trợ, những ai từng ủng hộ hoặc thậm chí bỏ phiếu trắng cho một người ‘ăn tàn phá hoại’ phải nuối tiếc.

Đó là bởi, người dân hàng chục năm nay đã không được chạm vào việc chọn người lãnh đạo, mà ngược lại lãnh đạo được chọn qua sự ‘bảo trợ’ hay sự ‘thỏa thuận giữa một nhóm người’, thành ra – cái trò may rủi này lại trở thành một sự đen đủi của dân tộc. Sự 'nuối tiếc' của một lãnh đạo về hưu từng ủng hộ hay thờ ơ trước một lãnh đạo phá hoại khác sẽ không đem lại 30 tỷ USD ngân sách, nó cũng chẳng thể giúp trở lại cái thời kỳ vàng son, bước ngoặt sự chuyển mình của Việt Nam – cái thời mà nhiều nhà tư vấn chính sách phải ngậm ngùi là 'giá như lúc đó có một nhà lãnh đạo có tầm nhìn hơn', quay trở lại.

Nhưng quan trọng hơn, sẽ không ai chịu trách nhiệm về sự lỡ thời đó của dân tộc! Vì đó là ý chí, trách nhiệm tập thể, hay không là ai cả!

Một bạn đọc TTO ghi nhận: thời Đổi mới đến nay có lẽ Ông Kiệt và Ông Khải là hai nguyên Thủ tướng ghi được nhiều dấu ấn nhất, dân yêu quý, nể trọng nhất.

Điều đó cũng có thể? Nhưng cũng có thể là không! Bởi như đề cập ở trên, khác với những người kế nhiệm sau này, thời ông Sáu Khải hay ông Văn Kiệt chưa các mạng xã hội Facebook, và vì thế, người dân ai cũng chăm chú lắng nghe và tin tưởng những gì mà VOV, VTV phát ra.

Ánh Liên

(VNTB)

Không có nhận xét nào: