Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Vụ "Điệp vụ biển Đỏ": Cục Điện ảnh, Hội đồng Duyệt phim phải chịu trách nhiệm; Điệp vụ Biển Đỏ: Ban Tuyên giáo đang bỏ trống lĩnh vực điện ảnh!

28-3-2018
Phim “Điệp vụ Biển Đỏ” (Operation Red Sea) đang làm cho công chúng phẫn nộ vì tuyên truyền sức mạnh hoang vẽ của hải quân Trung quốc tại Biển Đông Nam Á. Để lọt phim này là tội của “Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện”.
Nhưng tội đầu têu là công ty TNHH CJ CGV – đơn vị nhập phim. Vì lợi nhuận CJ CGV đã nhập bất phim “Điệp vụ Biển Đỏ”, bất chấp mọi lợi ích của Việt Nam.
I. TẠI SAO LẠI QUẢNG CÁO CHO SỨC MẠNH HOANG VẼ CỦA HẢI QUÂN TRUNG QUỐC?
1. Có bao nhiêu phim trên thế giới, hà cớ chi mà phải tuyên truyền không công cho hải quân Trung Quốc?

2. MỘT TẤC LÊN TRỜI là máu bốc phét muôn đời của Trung Quốc. Đưa sức mạnh của hải quân Trung quốc lên mây xanh để đe dọa và làm nhụt ý chí của người Việt phải không?
3. Bối cảnh của phim Điệp vụ Biển Đỏ (Operation Red Sea) xảy ra ở Biển Đỏ châu Phi. Nhưng kết thúc phim thì “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Qúy vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy rời đi ngay lập tức!” (với phụ đề rành rành “South China Sea”). Thế mà 7 thành viên “Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện” vẫn duyệt!
4. Lỗi của “Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện” là rất lớn. Phải kỷ luật các thành viên thẩm định và giải tán Hội đồng.
II. BAN TUYÊN GIÁO ĐÃ BỎ TRỐNG LĨNH VỰC ĐIỆN ẢNH!
Theo Hiệp hội Phát hành – Phổ biến phim thì doanh nghiệp nước ngoài chiếm hơn 65% thị phần rạp chiếu phim và gần 70% thị phần phát hành phim.
Công ty TNHH CJ CGV (đơn vị nhập phim Điệp vụ Biển Đỏ) có 80% vốn đầu tư là của nước ngoài.
Theo Wikipedia thì tại Việt Nam, CJ CGV hiện sở hữu 53 rạp chiếu phim, chiếm hơn 40% thị phần rạp chiếu phim của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Phát hành – Phổ biến phim thì CJ CGV thống lĩnh hơn 40% thị phần rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim điện ảnh tại Việt Nam.
Ban Tuyên giáo chỉ chăm chăm quản lý 800 tờ báo và truyền hình mà thả lĩnh vực điện ảnh để cho nước ngoài nắm quyền kiểm soát. Có phải Ban Tuyên giáo cho rằng lĩnh vực điện ảnh thì ít nguy cơ tự diễn biến?
III. NGƯỜI VIỆT ĐANG CHỊU NỀN THỐNG TRỊ CỦA PHIM TRUNG QUỐC
1. Công ty CJ CGV và các công ty kinh doanh điện ảnh khác, vì lợi ích kinh tế sẽ nhập bất cứ phim gì về Việt Nam. Họ bất chấp lợi ích của Việt Nam. Họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Những phim ăn khách, bất chấp độc hại cho người xem Việt hay xâm phạm lợi ích quốc gia Việt Nam, họ sẽ tìm mọi cách để được thông qua cửa “Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện”. Kể cả sử dụng tiền bạc, quà cáp.
2. Trung Quốc là nước có mục tiêu xâm lược văn hóa. Nhiều phim Trung quốc được cho không. Không chỉ không mất tiền mua mà còn được hỗ trợ tài chính, vật chất và phương tiện để quảng cáo cho Trung Quốc. Phim Trung Quốc là nguồn lợi nhuận lớn của các hãng kinh doanh phim. Do vậy phim Trung Quốc đã đang và sẽ ngày càng tràn ngập nhiều hơn ở thị trường điện ảnh Việt Nam.
3. Ngoài các rạp chiếu, phim Trung Quốc được chiếu nhiều trên truyền hình. Mỗi tỉnh thành (và thậm chí đến huyện) đều có kênh truyền hình riêng. Việt Nam đang có trên 70 kênh truyền hình được nuôi bằng nguồn kinh phí nhà nước. Hơn 70 kênh truyền hình này, hầu như ngày nào cũng chiếu phim Trung Quốc.
4. CJ CGV có vốn đầu tư áp đảo đứng tên từ Hàn Quốc. Cho nên, ngoài nguồn phim Trung Quốc, thì phim Hàn Quốc cũng sẽ tràn ngập thị trường điện ảnh Việt Nam.
IV. DUYỆT PHIM RÁC THÌ LÀM SAO CHO XUỂ?
1. Như ở trên đã đề cập, các công ty kinh doanh phim sẽ nhập bất cứ phim nào có lợi nhuận lớn, bất chấp lợi ích của Việt Nam. Họ sẽ sử dụng mọi biện pháp, kể cả biếu xén, để các phim đưa về cho họ nhiều lợi nhuận được chiếu ở Việt Nam.
2. “Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện” làm sao đủ thời gian để kiểm duyệt?
3. Người xả rác, người quét rác thì làm sao quét cho xuể?
VI. AI TRẢ TIỀN CHO HỘI ĐỒNG DUYỆT PHIM?
Có hai câu hỏi hiển nhiên là:
1.Ai trả tiền cho Hội đồng duyệt phim?
2. Các công ty nhập phim có tác động lên Hội đồng duyệt phim?
VII. HÃY TỈNH GIẤC
Con đường xâm lược văn hóa qua phim ảnh là to lớn và vô cùng nguy hiểm.
Người Việt Nam đang phải chịu đựng sự thống trị của phim Trung Quốc.
Hãy tỉnh giấc.

Vụ "Điệp vụ biển Đỏ": Cục Điện ảnh, Hội đồng Duyệt phim phải chịu trách nhiệm


25/03/2018 21:30

Dư luận đang chờ câu trả lời và cách xử lý khi phim "Điệp vụ biển Đỏ" của Trung Quốc sản xuất có cảnh uy hiếp của quân đội Trung Quốc trên biển Đông được phép chiếu tại các rạp của Việt Nam

Phim "Điệp vụ biển Đỏ" được Công ty CGV Việt Nam phát hành, sau khi Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cấp phép, từ ngày 16-3. Đến 24-3, nhà phát hành phim tuyên bố ngừng chiếu trên toàn quốc với lý do phim rất ít người xem.
Công chúng bức xúc
Dù Công ty CGV Việt Nam tuyên bố ngừng chiếu phim "Điệp vụ biển Đỏ" trên toàn quốc với lý do vắng khách sau 10 ngày ra rạp. Tuy nhiên, đây là phim gây nên sự bức xúc cho công chúng bởi nội dung quá đề cao sức mạnh quân đội Trung Quốc và đầy ẩn ý về chính trị khi ngang nhiên tuyên bố bất hợp pháp chủ quyền của họ trên biển Đông. Khán giả nhận ra và phản ứng sau khi xem những thước phim cuối của bộ phim.
"Điệp vụ biển Đỏ" do đạo diễn Lâm Siêu Hiền thực hiện, nội dung lấy cảm hứng từ sự kiện có thật về cuộc di tản 225 người nước ngoài và gần 600 công dân Trung Quốc ở cảng Aden, miền Nam đất nước Yemen khi nơi đây xảy ra nội chiến (tháng 3-2015). Tương tự những phim Trung Quốc gần đây, "Điệp vụ biển Đỏ" phô diễn sức mạnh quân sự, sự quả cảm của chiến binh Trung Quốc. Phim đạt doanh thu hơn 550 triệu USD ở thị trường nội địa nhưng khi đến Việt Nam không thu hút nhiều người xem. Nhiều bình luận tiêu cực của khán giả xuất hiện trên mạng xã hội tập trung vào 2 phút cuối phim được cho là đầy ẩn ý chính trị, tham vọng thâu tóm biển Đông vốn là vùng lãnh hải đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Trong 2 phút cuối phim, "Điệp vụ biển Đỏ" dựng cảnh một vùng biển rộng lớn với nhiều tàu chiến tối tân của Trung Quốc xuất hiện, bao vây tàu nước khác, tuyên bố chủ quyền và đề nghị tàu này rời khỏi trong khi vùng biển này vẫn là khu vực đang tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Trong đó, Trung Quốc gọi là "South China Sea" (Nam Trung Hoa hoặc Nam Hải) còn Việt Nam gọi là biển Đông. Mặc dù có ý kiến cho rằng cảnh biển trên phim không phân định rõ hải phận nước nào nhưng cách nhà làm phim Trung Quốc sử dụng từ "South China Sea" lên vùng biển chưa rõ ràng được cho là ẩn ý khẳng định bất hợp pháp chủ quyền lãnh hải. Vấn đề nhạy cảm này khiến người xem khó có thể nghĩ khác khi rõ ràng cảnh cuối không liền mạch với cả nội dung phim.
"Đây là sản phẩm tuyên truyền không hơn không kém!"; "Không hiểu sao, các đoạn phim tuyên truyền đầy chủ đích này lại lọt qua các khâu kiểm duyệt của Việt Nam?" - khán giả bình luận và đặt vấn đề. Nhiều khán giả bức xúc nói thẳng rằng: "Ở đây, năng lực kiểm duyệt của cơ quan chức năng yếu kém nên không phát hiện ra hoặc biết nhưng lại phớt lờ". Nhiều người kêu gọi mọi người sáng suốt tẩy chay những bộ phim mang tính tuyên truyền xâm lấn chủ quyền như thế này...
Vụ Điệp vụ biển Đỏ: Cục Điện ảnh, Hội đồng Duyệt phim phải chịu trách nhiệm - Ảnh 1.
Phim đề cao sức mạnh của quân đội Trung Quốc
Vụ Điệp vụ biển Đỏ: Cục Điện ảnh, Hội đồng Duyệt phim phải chịu trách nhiệm - Ảnh 2.
Vụ Điệp vụ biển Đỏ: Cục Điện ảnh, Hội đồng Duyệt phim phải chịu trách nhiệm - Ảnh 3.
Cảnh cuối phim mang nội dung truyên truyền mưu đồ xâm chiếm biển Đông trái phép của Trung Quốc. (Ảnh cắt từ phim)
Không làm tốt trách nhiệm
Ngay khi thông tin về việc ngừng phim "Điệp vụ biển Đỏ" được đăng tải, bạn đọc Báo Người Lao Động cũng bày tỏ bất bình. Bạn đọc có biệt danh Trung Trần viết: "Đề nghị thẩm định lại người trong Hội đồng Thẩm định trung ương. Tại sao lại cho phép công chiếu phim nội dung như vậy?"; "Rõ ràng là phim tuyên truyền của Trung Quốc về xâm chiếm biển Đông, thật nguy hiểm, tại sao khán giả Việt Nam phát hiện nhưng những người kiểm duyệt không nhận ra?" - bạn đọc Thái Bảo đặt vấn đề.
Trước những bức xúc này, ông Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim quốc gia, cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi từ phía báo giới. Tuy nhiên, vấn đề này không thể trả lời qua điện thoại mà cần gửi câu hỏi qua hộp thư của Cục Điện ảnh để được trả lời chung trong thời gian sớm nhất có thể. Những thành viên khác của Hội đồng Duyệt phim quốc gia từ chối trả lời.
Đa phần người trong giới được hỏi đều cho rằng khán giả rất tinh tường khi phát hiện sự việc, xem đây là tín hiệu đáng mừng. Bởi nếu khán giả thấy nghi ngờ phim có ý đồ tuyên truyền, đi ngược lợi ích dân tộc mà vẫn hưởng ứng là càng nguy hại hơn. Riêng cơ quan quản lý chức năng là Hội đồng Duyệt phim quốc gia và Cục Điện ảnh, họ đã không làm tốt trách nhiệm "gác cửa" của mình. "Thông thường, phía kiểm duyệt có vai trò ngăn chặn những phim có vấn đề chính trị, bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục,... Tuy nhiên, tôi thấy qua những bức xúc của công chúng về phim "Điệp vụ biển Đỏ" được phép ra rạp, hội đồng kiểm duyệt phải rút kinh nghiệm khi không nhạy cảm trước vấn đề chính trị vẫn đang nóng. Đây là trách nhiệm của phía kiểm duyệt, bộ phận "gác cổng" quan trọng trước khi phim được công chiếu rộng rãi đến khán giả!" - nhà báo Cát Vũ nhấn mạnh. Nhà biên kịch Thanh Hương cho rằng: "Hội đồng Duyệt phim quốc gia chặn những cái không đáng chặn và không chặn những cái đáng chặn".
Đây không phải lần đầu Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự, tuyên truyền thông qua phim. Trước đó, phim "Chiến lang 2" cũng tương tự "Điệp vụ biển Đỏ" phô diễn ảnh hưởng của lực lượng quân sự Trung Quốc. "Chiến lang 2" không được cấp phép chiếu ở Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng nếu "Điệp vụ biển Đỏ" cũng xử lý tương tự "Chiến lang 2" hoặc Hội đồng Duyệt phim quốc gia tinh tường hơn để cắt 2 phút cuối phim chẳng ăn nhập nội dung sẽ bớt gây búc xúc như đang có. 
Nằm trong nội dung cấm phổ biến
Căn cứ ý kiến của các Hội đồng Duyệt phim quốc gia, cục trưởng Cục Điện ảnh xem xét, quyết định cho phép hoặc không cho phép phổ biến phim được trình duyệt và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Quyết định cho phép phổ biến phim phải ghi rõ đối tượng, phạm vi được phổ biến.
Không cho phép phổ biến những phim có nội dung sau đây: Chống lại nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục và môi trường sinh thái; tiết lộ bí mật của Đảng, nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
(Quy chế duyệt phim ban hành theo Quyết định số 2455/QĐ-ĐA ngày 9-8-1997 của bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin)
Minh Khuê

Không có nhận xét nào: