27/03/2018
Trân Văn
Ngạn ngữ “Tất cả các con đường đều dẫn tới La Mã” (All roads lead to Rome) – biểu thị cho sự tự hào của đế chế La Mã (khởi đầu từ năm 27 trước Công nguyên và kéo dài cho đến thế kỷ thứ 16) về sự hùng mạnh của đế chế ấy, giờ có thể dùng để truy nguyên hiện tình chính trị, kinh tế, xã hội của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo hướng… ngược lại.
***
Những kiểm sát viên thay mặt hệ thống bảo vệ pháp luật của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực thi vai trò công tố trong vụ án “cố ý làm trái”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), vừa đề nghị Hội đồng xét xử, phạt ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên của PVN vào giai đoạn xảy ra vụ án mà Tòa đang xử) từ 18 đến 19 năm tù.
Cách nay hai tháng, ông Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, từng phải hầu Tòa và đã bị phạt 13 năm tù cũng vì “cố ý làm trái” khiến công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình bị thất thoát 119 tỉ đồng.
Lần này ông Thăng hầu Tòa vì bị xem là thủ phạm chính trong vụ đem 800 tỉ của PVN góp cho Ocean Bank rồi mất trắng.
So với phiên xử lần trước, trong phiên xử lần này – khi không còn hy vọng được làm “ma tự do” nữa – ông Thăng khai báo rõ ràng hơn. Theo ông Thăng, chuyện đem 800 tỉ giao cho Ocean Bank không phải là sự tùy tiện, vụ góp vốn này đã tham khảo ý kiến chính phủ và được Thủ tướng lúc ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng cho phép. Bốn năm sau (2012), PVN đã tính đến chuyện rút lại 800 tỉ đã góp vào Ocean Bank. Lúc đầu, chính phủ đồng ý với đề nghị của PVN - được rút lại 800 tỉ đã góp cho Ocean Bank trong ba năm từ 2013 đến 2015. Đã có hai doanh nghiệp, một của Singapore, một của Việt Nam đồng ý mua lại 20% cổ phần của PVN trong Ocean Bank (tương đương 800 tỉ đồng) nhưng giờ chót vì Ngân hàng Nhà nước ngăn cản, một Phó Thủ tướng đã ra lệnh cho PVN ngưng chuyển nhượng cổ phần. PVN mất trắng 800 tỉ là vì sau đó, Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Ông Thăng nhấn mạnh: Ai ra lệnh cho PVN ngưng chuyển nhượng cổ phần của PVN trong Ocean Bank để thu hồi lại 800 tỉ mà PVN đã góp vào Ocean Bank, người đó phải chịu trách nhiệm (1).
Phó Thủ tướng nào đã ra lệnh cho PVN ngưng chuyển nhượng cổ phần trong Ocean Bank? Không thấy ông Thăng kể tên! Cũng có thể ông Thăng đã hài tên nhưng báo chí cách mạng không tường thuật. Báo chí cách mạng bám rất sát diễn biến phiên xử Đinh La Thăng và các đồng phạm “cố ý làm trái”, tuyệt nhiên không làm gì thêm, dẫu ông Thăng đã tặng họ một tình tíết đặc biệt hấp dẫn: Dường như một trong năm Phó Thủ tướng của chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016 mới là thủ phạm vụ công quỹ mất 800 tỉ. Đồng chí ấy là ai? Tại sao lại làm như vậy?
Chẳng riêng báo chí cách mạng, hệ thống bảo vệ pháp luật – thực thi công lý ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng… chủ động bỏ qua tình tiết vừa kể khi tính sổ Ocean Bank và PVN. Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát không thèm chú ý đã đành, các Hội đồng xét xử những vụ án đã xảy ra ở Ocean Bank và PVN cũng “chủ động” lờ luôn.
Lúc 15 giờ 50 phút ngày 1 tháng 9 năm 2017, khi thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm trong phiên xử sơ thẩm lần thứ hai ông Hà Văn Thắm và 47 cá nhân bị cáo buộc “tham ô tài sản”, “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, khiến Ocean Bank thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng, lúc ông Thắm trình bày những tình tiết liên quan đến việc PVN xin chuyển nhượng cổ phẩn của tập đoàn này trong Ocean Bank cho hai đối tác khác…. Hội đồng Xét xử đã ra lệnh cho bị cáo Thắm ngưng, không kể lể nữa… (2).
***
Cho đến giờ này, dấu hỏi về quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi 2015: Mua lại ba ngân hàng thương mại (Ngân hàng Xây Dựng - VNCB, Ngân hàng Đại Dương - Ocean Bank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) với giá… 0 đồng, càng lúc càng lớn.
Tuy Ngân hàng Nhà nước giải thích, quyết định mua lại ba ngân hàng thương mại vừa kể với giá… 0 đồng là nhằm tiếp tục “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”, bảo vệ an ninh kinh tế - tài chính quốc gia nhưng tháng 10 năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau hai năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá… 0 đồng – thực chất là quốc hữu hóa, dùng công quỹ để duy trì hoạt động của ba ngân hàng này - thực trạng tài chính của cả ba ngân hàng vẫn thế, vẫn tiếp tục thua lỗ lớn, chủ sở hữu tiếp tục phải rót thêm vốn và nếu không có biện pháp hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều ngàn tỉ đồng (3).
Cũng tháng 10 năm ngoái, sau khi hoàn tất vụ ông Hà Văn Thắm và 47 cá nhân bị cáo buộc “tham ô tài sản”, “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Tòa án thành phố Hà Nội đề nghị chính phủ xem xét lại chuyện mua các ngân hàng thương mại với giá 0 đồng vì “không bảo đảm quyền lợi của các cổ đông” (4).
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã thực hiện ba đợt “tái cơ cấu” hệ thống ngân hàng. Đợt “tái cơ cấu” nào cũng có chuyện đóng cửa một số ngân hàng thương mại, cho ngân hàng này mua lại ngân hàng khác, hợp nhất ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với công ty tài chính cổ phần, chuyển ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần vào với nhau.
Mỗi đợt tái cơ cấu lại tạo ra những đại gia mới và theo sau đó là hàng loạt đại án ngân hàng: Nguyễn Đức Kiên – Ngân hàng Á châu (ACB), Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Trầm Bê – Ngân hàng Phương Nam (PNB) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Những đại gia này kéo theo nhiều thuộc cấp vốn chỉ thực hiện mệnh lệnh của ông chủ vào tù và chỉ có thế mà thôi. Theo thời gian, thiệt hại mà các đại án ngân hàng gây ra cho kinh tế - xã hội càng ngày càng lớn và càng ngày, các đại án càng có quan hệ mật thiết với nhau.
Sau khi mua đa số cổ phần của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng chỉ vì “thấy thích, chứ chưa có kế hoạch gì” vào năm 2003, ông Hà Văn Thắm trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này vào năm 2004. Nhờ chủ trương “tái cơ cấu” ngân hàng, năm 2006, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng được chuyển từ ngân hàng khu vực nông thôn thành ngân hàng khu vực đô thị rồi xin đổi tên. Ocean Bank ra đời. Năm 2007, vốn điều lệ của Ocean Bank chỉ có 1,2 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2013 tăng lên thành 11.424 tỉ đồng, gấp…7.000 lần!
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng thì năm 2012, ông Thắm dọa bà Hứa Thị Phấn – người nắm giữ 85% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín - là sẽ bạch hóa những sai phạm của bà Phấn trong điều hành Ngân hàng Đại Tín để ép bà Phấn bán lại toàn bộ cổ phần với giá 4,5 tỉ. Có một điều mà ông Thắm không dè là nợ xấu của Ngân hàng Đại Tín quá lớn. Khi thấy bị hố, ông Thắm gạ bán Ngân hàng Đại Tín cho ông Phạm Công Danh và đòi khoản hoa hồng cho việc môi giới là 800 tỉ. Để ông Danh có thể làm chủ Ngân hàng Đại Tín, ông Thắm dùng tiền của Ocean Bank cho một công ty của ông Danh vay 500 tỉ. Mua được Ngân hàng Đại Tín, ông Danh xin đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). VNCB vỡ nợ gây ra khoản thiệt hại 9.500 tỉ, trong đó Ocean Bank mất 500 tỉ mà ông Thắm đã cho ông Danh vay để mua Ngân hàng Đại Tín. Xử ông Danh không thể bỏ qua ông Thắm và chẳng còn cách nào khác hơn là phải bắt ông Trầm Bê vì ông Bê phải chịu trách nhiệm về việc cho ông Danh vay 1.800 tỉ sai qui định…
***
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loan báo, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Thế nhưng đến tháng 6 năm ngoái - một năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng thôi làm Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Bình thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính phủ Việt Nam thú thật, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng và vì các đại biểu Quốc hội được nhắc nhở rằng đó là tiền của dân nên họ lập tức thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi).
Chưa ai tính xem nợ xấu làm bao nhiêu công trình phúc lợi liên quan tới dân sinh bị đình trệ, nợ xấu tương ứng thế nào với tình trạng tận thu thuế và phí vắt kiệt sức dân. Bởi tạo ra nợ xấu, gây ra thiệt hại, các “đại gia” đã và sẽ phải trả giá bằng tự do, thậm chí bằng sinh mạng của họ, song còn trách nhiệm của những cá nhân ban hành các chủ trương, phê duyệt các quyết định, góp phần biến những cá nhân vốn hết sức bình thường thành “đại gia” tung hoành ngang dọc một thời thì sao?
***
Tin mới nhất cho biết, Viện Kiểm sát Tối cao vừa quyết định truy tố ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hồi tháng 7 năm ngoái, ông Bình bị khởi tố bị can vì được xác định là liên đới về trách nhiệm trong vụ mua bán Ngân hàng Đại Tín, tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh đẩy VNCB đến chỗ thất thoát 9.000 tỉ đồng.
Ngoài ông Bình, Viện Kiểm sát Tối cao còn truy tố bốn viên chức khác của Ngân hàng Nhà nước vốn nằm trong nhóm giám sát hoạt động của VNCB với cùng tội danh.
Ngân hàng Nhà nước còn một ông Bình nữa – giữ vai trò Thống đốc – nhạc trưởng của các đợt “tái cơ cấu” hệ thống ngân hàng, tác giả của khối nợ xấu trị giá chừng 600.000 tỉ đồng vẫn bình an vô sự. Cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN.
Tuy nhiên xét cho đến cùng, những Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình, Đặng Thanh Bình dường như chỉ là đồng phạm. Sẽ không có các đại án nếu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được xác định là “trụ cột” của “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, được tạo điều kiện tối đa để hút kiệt toàn bộ nguồn lực quốc gia và phung phá. Sẽ không có các đại án nếu hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung được điều hành theo đúng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Khi kinh tế kế hoạch – nền tảng của chủ nghĩa xã hội hết hạn sử dụng trên toàn cầu, “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được đem ra dùng như một phát kiến để vừa có thể gá nghĩa với kinh tế thị trường, vừa duy trì được thể chế chính trị theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Đó mới là chính phạm. Đó mới là… “La Mã” của các bi kịch. Vở bi kịch mới nhất đang công diễn mang tên “Đốt lò”!
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét