Ngày 23/3, BBC đăng bài viết của phóng viên Bill Hayton về việc Việt Nam ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực tại Trường Sa.
Đến ngày 27/3, Việt Nam chưa đưa ra phản ứng chính thức.
Trả lời BBC, ba nhà nghiên cứu Biển Đông từ Singapore, Mỹ, Italy bày tỏ quan điểm khác nhau, nhưng cho rằng Việt Nam đứng trước bài toán khó ở Biển Đông.
Vụ Repsol làm giảm niềm tin nhà đầu tư?
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường S. Rajaratnam, Singapore nhận định dù đe dọa của Trung Quốc có thật hay không, tin tức báo chí về vụ việc không phải là tuyên truyền tốt cho Hà Nội.
"Một là việc này dường như chứng tỏ Hà Nội sẽ nhượng bộ trước đe dọa của Trung Quốc, và thứ hai là nó làm sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư trong ngành khai thác dầu khí."
"Họ có thể giữ ấn tượng là Việt Nam sẽ không cam kết chính trị cho những dự án khai thác ở Biển Đông, và các dự án của họ có thể dễ dàng bị ngừng như Repsol."
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean nhấn mạnh: "Tôi có bạn bè trong ngành khai thác ngoài khơi, và họ nói với tôi rằng an toàn và an ninh là điều quan trọng nhất cho các hoạt động của họ."
"Khu vực khoan dầu khí có thể còn đang tranh chấp, hoặc là không, nhưng an toàn và an ninh cần được nước mời gọi đầu tư trong hợp đồng đảm bảo cho các dịch vụ đó."
Việt Nam 'muốn tránh đụng độ với Trung Quốc'
Từ Mỹ, ông Derek Grossman, làm việc ở Rand Corporation, chỉ ra rằng tin tức truyền thông về việc Việt Nam ngừng hoạt động khai thác dầu của Repsol ở Biển Đông, lần thứ hai trong vòng một năm, cho thấy Hà Nội "muốn tránh làm Bắc Kinh giận dữ".
"Đây cũng sẽ là nét chủ đạo trong quan hệ Việt - Trung trong tương lai gần - trừ phi Hà Nội cảm thấy thật tự tin về khả năng không quân, hải quân để có thể đủ sức ngăn chặn và chiến thắng khi xảy ra đụng độ ở Biển Đông," ông Grossman chia sẻ.
Tiến sĩ Alessandro Uras, Đại học Cagliari, Italy, không ngạc nhiên.
"Câu chuyện càng chứng tỏ các chính phủ Đông Nam Á không thể đối đầu Trung Quốc ở tư thế ngang bằng được. Tình trạng lâu nay trên Biển Đông cũng không thể thay đổi, hay thậm chí bàn bạc thẳng thắn."
Ông Uras cho rằng Trung Quốc có sức mạnh vượt trội trên biển, để "dễ dàng chiến thắng quân lực của mọi nước tranh chấp".
"Chính phủ Việt Nam thì chắc chắn sẽ đối diện thời khắc khó khăn, và những người chỉ trích vốn thường thất vọng bởi chiến lược gần đây của nhà nước."
"Tôi không thấy có thể cân bằng và hòa hợp được lập trường dân tộc chủ nghĩa của đa số người dân và chiến lược của nhà nước Việt Nam," ông Uras nhận xét.
Khó khăn cho Việt Nam ở Asean
Còn nhớ tháng 8/2017, Asean và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC.
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean chỉ ra về mặt chính trị, Việt Nam có thể gặp "tai họa nếu họ dấn tới quá xa trong môi trường địa chính trị hiện nay ở Biển Đông".
"Nếu Việt Nam bị xem là làm nổi sóng môi trường hiện tại đã giảm căng thẳng ở Biển Đông, nước này có thể bị xem là "phá đám", bị Asean cô lập."
"Như thế, cái giá chính trị có thể đáng kể khi so với cái giá thương mại của việc hủy hợp đồng."
Tiến sĩ Alessandro Uras thì cho rằng Việt Nam "luôn chỉ muốn tự mình đối đầu Trung Quốc, từ chối các cơ hội gia nhập một nhóm rộng hơn, mang tính chất thể chế hơn".
"Ví dụ trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, giả sử Việt Nam được mời tham gia. Sự có mặt của Việt Nam có khi đã ngăn không cho Tổng thống Duterte vứt bỏ thành quả đạt được."
"Vụ Repsol lần này là vụ thứ hai trong một năm. Làm gì tiếp theo sẽ rất nguy hiểm về mặt chính trị cho chính phủ Việt Nam."
"Nếu họ công khai khiếu nại, than phiền, thì sẽ chỉ thừa nhận ảnh hưởng của Trung Quốc về một vấn đề mà về lý thuyết chỉ là việc nội bộ của Việt Nam," ông Uras nói.
Hợp tác với Nga và Ấn Độ?
Dù Việt Nam gặp khó khăn, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean nói: "Tôi cho rằng Việt Nam biết rõ làm sao để đối phó với nước láng giềng phương Bắc, xác định đâu là trận để đánh, lúc nào, nơi nào."
"Ngoài các công ty tư nhân như Repsol, cũng cần nhắc tới các công ty nhà nước của các nước khác mà có thể tham gia vì lý do vừa chính trị vừa thương mại."
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean nhắc tới ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ, vốn có hợp tác quan trọng với PetroVietnam, cũng là đối tượng bị Trung Quốc đe dọa nhưng vẫn từ chối rút đi.
"Hay là Nga - Việt Nam cũng có lợi thế chiến lược đáng kể để có thể tìm kiếm hợp tác khai thác của Nga," ông Collin Koh Swee Lean đề cập.
Ông Derek Grossman thì cho rằng hợp tác quốc tế những năm qua khiến Việt Nam tin vào biện pháp ngoại giao hơn.
"Các quan hệ đối tác khu vực sâu sắc hơn của Việt Nam những năm gần đây - đặc biệt với Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Úc - có lẽ làm Việt Nam tự tin hơn rằng ngoại giao có thể giúp giải quyết căn thẳng song phương trong tranh chấp."
Nhưng ông Grossman nói các quan hệ này "cũng không khiến Hà Nội mạo hiểm hơn - ít nhất là chưa xảy ra".
Mỹ không can dự sâu hơn?
Theo Tiến sĩ Alessandro Uras, nhân tố duy nhất có thể thay đổi tình hình đó là "nếu Mỹ có cam kết thực sự, hiệu quả và lớn hơn".
"Nhưng tôi cũng không thấy sẽ có thay đổi gì lớn so với quá khứ cả. Không nên nói là chính phủ Donald Trump đã từ bỏ Biển Đông, nhưng theo tôi họ cũng chỉ duy trì lập trường giống các đời trước."
Ông Uras nói: "Chừng nào Tổng thống Trump vẫn dùng đe dọa thương mại để giải quyết mọi vấn đề, thì Trung Quốc vẫn lấn lướt ở Biển Đông."
Ông cũng cho rằng chỉ là "phóng đại" khi nghĩ Tổng thống Donald Trump đã cứng rắn hơn với Trung Quốc, ít nhất là riêng trong vấn đề Biển Đông.
"Chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Carl Vinson không hề làm Trung Quốc lo lắng - tôi cũng không thấy có lý do gì mà lo lắng."
"Việt Nam và Mỹ sẽ không thể trở thành đối tác chiến lược. Có thể là đối tác chiến lược theo một nghĩa rộng lớn, nhưng hiện nay, tôi không thấy Mỹ thực sự có quan tâm," ông Uras nhấn mạnh.
Một bản tin hôm 27/03 của Reuters đăng ảnh vệ tinh của Planet Labs Inc chụp hôm 26/03 cho thấy hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc đang cùng chừng 40 tàu chiến và tàu ngầm đi vào Biển Đông ở phía Nam đảo Hải Nam trong đợt diễn tập mới nhất.
Xem thêm chủ đề biển đảo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét