Đứng bên mộ anh mà cứ muốn ngước lên bầu trời khoáng đạt với những dải mây trắng trôi nhanh cuốn theo chiều gió để miên man những hoài niệm giằng xé trong đầu.
Và rồi như vẫn văng vẳng dư âm giọng nói hào sảng và xúc động của tướng Lê Trọng Tấn năm nao trong giây phút tiễn đưa người bạn chiến đấu của mình về cõi vĩnh hằng:
"Anh Khánh ơi, anh nằm đây giữa ngọn đồi trong khung cảnh quá thân quen: trước mặt là núi Tản Viên, kia là Đại Bục, Đại Phác đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta, kia là Tu Vũ bên bờ sông Đà, trận công kiên chiến mở đầu cho giai đoạn mới. Anh đang bên cạnh đồng đội của mình như những ngày chiến đấu năm xưa của chúng ta".
Giọng vị Tổng Tham mưu trưởng bỗng chùng xuống. Tôi hiểu rằng ông đang xúc động nhớ đến người Phó của mình trong chiến dịch Sông Thao 1947, "chiến dịch đánh lớn đầu tiên" mà ông là Tư lệnh chiến dịch và Cao Văn Khánh, Khu trưởng Khu V vừa được điều ra Việt Bắc làm Phó Tư lệnh, cho đến mãi sau này khi ông là Tổng Tham Mưu trưởng và Cao Văn Khánh là Tổng tham mưu phó. Họ là hai vị tướng chiến trường gắn bó với nhau tâm đầu ý hợp suốt nửa thế kỷ.
Thế rồi hôm nay, đứng bên mộ anh phủ đầy hoa mà lòng tôi quặn thắt. Bất giác, tôi nắm chặt tay chị Ngọc Toản, phu nhân của vị tướng quá cố, mà tôi đang đứng cạnh, thầm lặng sẻ chia niềm suy nghĩ đồng tình với quyết định của chị.
"Khi anh ấy còn sống, anh ấy là người của quân đội, nay anh ấy mất, anh ấy là của tôi", chị dõng dạc trong dòng nước mắt trả lời về nơi an nghỉ của chồng mình, "vị tướng mà tôi chưa bao giờ thấy đeo một tấm huân chương" như nhận xét của nhà văn Phạm Phú Bằng [Cao Bảo Vân, "Tướng Cao Văn Khánh", NXBTri thức, 2017.tr.14].
Phải hiểu thấu nỗi đau tột cùng của người vợ từng đêm đêm giật thột nghĩ về những hiểm nguy mà chồng mình đang phải đương đầu nơi chiến trường ác liệt mà tính mệnh chỉ là trò chơi súc sắc của số phận trong đằng đẵng mấy chục năm trời mới thấy hết sức nặng của những lời vừa thốt ra ấy.
Trung tướng Cao Văn Khánh (1917 - 1980) từng đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam |
Bất Bạt lộng gió
Đọc cuốn sách "Tướng Cao Văn Khánh" do Cao Bảo Vân viết về cha mình, người đọc sẽ có dịp hiểu thêm về sự đóng góp lớn lao của một bộ óc chiến lược, một trái tim yêu nước thiết tha, một bản lĩnh trí thức tầm cỡ trong tính cách một vị tướng chiến trường, tôi thật sự xúc động và cảm phục nhân cách và sự nghiệp của anh tôi.
Song, tôi lại thấm thía được rằng, trong chiến tranh, đặc biệt các cuộc chiến kéo dài thì sự hy sinh và chịu đựng của người phụ nữ cũng thật là lớn lao, và đứng từ một góc nhìn khác, thì sư chịu đựng đó còn nặng nề hơn gấp nhiều lần người đang đối diện với cái chết nơi chiến trường.
Nhận thức được điều đó, tôi càng hiểu thêm chiều sâu thẳm của người nữ trí thức ấy, và cũng do đó mà thấy ra được tầm vóc của một quyết định vào thời điểm ấy. Không chỉ thế, nếu từ một hướng tiếp cận khác, ở đây có ý nghĩa như một biểu tượng của sự đột phá vượt khỏi những hàng rào vô hình trói buộc sức nghĩ, sức cảm của những bản lĩnh dám tự khẳng định mình.
Bằng một cảm quan nhân ái, mà tôi nghĩ dường như là thiên phú, chị tôi đã từ chối cái "ân huệ" được mai tang chồng Mai Dịch mà người ta tưởng là mọi "thần dân" đều thành kính hân hoan đón nhận. Thế rồi, vượt qua được áp lực vừa hữu hình vừa vô hình đó, chị tôi quyết định chôn cất chồng mình tại nghĩa trang Yên Kỳ trên đồi Bất Bạt lộng gió mà hôm nay tôi đứng đây.
Vì lẽ gì và do đâu mà chị tôi có được sự thản nhiên khi vượt qua những áp lực? Muốn lý giải cái cảm quan dường như là thiên phú đó, có lẽ phải ngoái nhìn lại những chặng đường quanh co của lịch sử mà anh chị của chúng tôi đã trải qua, mà với bài này, chỉ có thể gợi lên đôi nét ghi nhanh về chị tôi năm nay đã bước vào tuổi 89.
Tích cách ấy được tôi luyện trong ngọn lửa chiến đấu, bản lĩnh ấy được hun đúc thêm trong sức chịu đựng nỗi lo thường trực giằng xé trái tim mình về những nguy hiểm của chồng luôn có mặt tại những chiến trường ác liệt nhất. Giọt nước mắt thương cảm và lo lắng đó dù có lúc không ngăn được phải chảy ngược vào trong để giữ được sự bình thản trước mặt con nhằm trấn an chúng.
Ngoài việc thay chồng nuôi dạy con giống như mọi người vợ, người mẹ khác, chị tôi còn phải tự chiến đấu vượt qua những định kiến dai dẳng về thành phần, lý lịch của chính mình và của chồng mình, một vị tướng chiến lược tài ba, từng có mặt tại những vị trí xung yếu, nóng bỏng nhất của chiến trường từ trung, vào nam, ra bắc với quân hàm đại tá suốt 26 năm!
Chỉ cần đọc mấy dòng trong cuốn sách "Tướng Cao Văn Khánh" của con gái ông viết cũng thấy được phần nào cái hệ lụy ấy: "Chú Đoàn Huyên (Thiếu tướng Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu, thành viên Ban Biên soạn Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam từ tháng 10/1989) một hôm bức xúc đến kể cho mẹ tôi :
"Đến khâu xét duyệt bản thảo, ông M. (một thủ trưởng chính trị) cầm cây bút, cứ thấy tên anh Khánh ở đâu là gạch. Vì họ đặt tiêu chuẩn đưa vào Từ điển phải là những người vào Đảng từ những năm 1930, và cả yếu tố "thành phần" nữa. Tôi phải nói anh Cao Văn Khánh mà các anh còn không đưa vào Từ điển thì tôi xin ra khỏi Ban". [sách đã dẫn, tr.17]
Hình như lường trước được những chuyện đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần mời chị Toản đến nhà. Cháu Bảo Vân thuật lại: "Cô Bích Hà gọi cho mẹ tôi: "Toản lên nhà đi, anh Văn muốn gặp Toản". Găp mẹ tôi, ông có vẻ buồn, trầm ngâm nói "Mình nhớ Khánh quá! Toản phải viết sách về Khánh đi để mình ghi đề tựa cho"! * [tr. 14].
Và rồi, quả thật chọn nơi yên nghỉ cho người vừa nằm xuông là biểu thị một thái độ sống, một ứng xử với cuộc đời qua những thử thách nghiệt ngã để làm dạn dày thêm cốt cách bẩm sinh. Vài năm sau, nhân lúc tu sửa mộ, bà thay luôn tấm bia. Bỏ hết quân hàm, chức tước liệt kê kín tấm bia trước, trên bia mới bà chỉ cho ghi mấy chữ: "Tướng Cao Văn Khánh, quê quán: Huế. 1/5/1917-3/10.1980".
Bà bảo ông ra đi cứu nước khi không tham gia đảng phái nào, ông chiến đấu vì tổ quốc vì nhân dân, nay ông về với cát bụi cũng nên giữ nguyên tinh thần đó.
Thâm ý và hệ lụy
Để hiểu sâu hơn có lẽ cần nhắc lại rằng sau "Chiến dịch biên giới" 1950 phá thế cô lập, mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ quốc tế, cùng với vũ khí, các cố vấn Trung Quốc cũng tràn sang Việt Nam ngày càng nhiều, "thâm ý của Trung Quốc là muốn sửa ta… Việc đầu tiên là sửa quân đội đã. Họ sửa cả Đảng trong quân đội nên mới lập ra chức chính ủy.
"Chính ủy là người bao trùm lên tư lệnh, chứ không phải tư lệnh là người quyết định. Lập ra chính ủy là để xác định vị trí của Đảng mà việc đầu tiên là nhằm vào ông Giáp, vì ông Giáp xuất thân từ trí thức…
"Có người đưa cho đoàn cố vấn một danh sách cán bộ trong quân đôi xuất thân gia đình không phải là công nông định để gạt ra khỏi quân đội… Ông Giáp đưa danh sách đó cho Bác, Bác bảo đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đôi không còn cán bộ" [Hoàng Tùng]."
Hệ lụy khủng khiếp của những mưu toan thâm hiểm kia là những trí thức đã dấn thân vì nghĩa lớn với tinh thần cứu nước cứu dân khi sơn hà nguy biến như Cao Văn Khánh và biết bao những nhân cách can trường khác đã phải chịu đựng những bầm giập của thành phần lý lịch không xuất thân công nông.
Hệ lụy ấy sẽ còn dai dẳng như những gì đang phơi bày khi một bộ phận tinh hoa của đất nước bị vùi dập, bị định kiến và gạt bỏ. Tôi chợt nhớ câu nói của ông "Bây giờ thì để cho người khác đánh giặc" rồi thiếp ngay trên ghế xích đu" sau những đêm thức trắng ở Tổng Hành Dinh với trách nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách thường trực Tổ Thường trực chỉ đạo tác chiến chiến lược. *[tr.719]
Nhưng rồi trên cương vị là Phó Tổng Tham Mưu trưởng, ông lại phải gánh vác những trọng trách chống kẻ thù truyền kiếp được khoác bộ cánh mới xảo quyệt hơn, thâm hiểm hơn. Trong cuộc họp báo sau khi đánh tan mưu đồ xâm lược của Trung Quốc ngày 17/2/1979 do Bộ Tổng Tham Mưu chủ trì ông trả lời nhà báo quốc tế:
"Đối với nhân dân Việt Nam, mỗi tấc đất của Tổ quốc là thiêng liêng. Kẻ thù sẽ không bao giờ có thể cướp được dù một tấc đất của chúng tôi. Chúng tôi phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng đánh trả bọn xâm lược nếu như chúng không từ bỏ các âm mưu bành trướng".* [tr.753]
Ông chỉ có thể thiếp đi vĩnh viễn trong tay "người vợ lý tưởng". Phải chăng tấm bia với những dòng chữ tạc trên đá mà chị tôi cho khắc lại đã nói lên tính nghiêm minh và trung thực hết sức nghiệt ngã của lịch sử?
GS. Tương Lai
* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu thành viên Tổ Tư vấn và Ban Nghiên cứu của các cố Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét