Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Cấp phó bị truy tố nhưng cựu Thống Đốc Ngân Hàng CSVN ‘vô sự’

Ông Nguyễn Văn Bình. (Hình: Báo InfoNet)

HÀ NỘI, Việt Nam – Hôm 22 Tháng Ba, công luận tiếp tục đặt dấu hỏi về cựu Thống Đốc Nguyễn Văn Bình khi có tin cựu Phó Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Đặng Thanh Bình và các “đồng phạm” bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khi để xảy ra sai phạm tại Ngân Hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân Hàng Xây Dựng – VNCB).


Ông cựu phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm” khi để tổng giám đốc Ngân Hàng Xây Dựng và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9,000 tỷ đồng.

Báo Tuổi Trẻ loan tin, ngày 22 Tháng Ba, Viện Kiểm Sát Tối Cao đã tống đạt cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình, cựu phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) và các đồng phạm.

Tại NHNN, ông Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp Chế, giúp thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.

Kết quả điều tra xác định, vào Tháng Tám, 2012 ông Bình đã ký tờ trình chính phủ về “phương án tái cơ cấu Ngân Hàng Xây Dựng”và đã được chính phủ chấp thuận chủ trương. Và ông Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.

Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ, do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh, do ông Phạm Công Danh làm đại diện, thì VNCB được xếp loại “ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt.”

Tuy nhiên, theo cáo trạng, ông Bình đã “không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.”

Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao. Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18,000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38,000 tỷ đồng. Vụ án “Phạm Công Danh và đồng phạm” đã xác định thiệt hại là hơn 9,000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, dù có nhiều đồn đoán từ nhiều tháng qua, chưa có chỉ dấu nào cho thấy nhân vật cộm cán nhất trong các vụ bê bối của ngành ngân hàng là cựu Thống Đốc Nguyễn Văn Bình (tại vị từ năm 2011-2016) cũng sẽ dính vòng lao lý như thuộc cấp.


Ông Đặng Thanh Bình vừa bị truy tố. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Thực tế, ông Đặng Thanh Bình được cho là “cánh tay mặt” của ông Nguyễn Văn Bình vì theo quyết định phân công công tác của ban lãnh đạo Ngân Hàng Nhà Nước, Phó Thống Đốc Bình “giúp thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm.”

Cụ thể là: Phụ trách công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; Phòng chống rửa tiền; Thông tin tín dụng; Công tác pháp chế; Hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động bảo hiểm tiền gửi, hoạt động của các hiệp hội trong ngành ngân hàng; Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị gồm Cơ Quan Thanh Tra, Giám Sát Ngân Hàng, Vụ Pháp Chế, Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng. Cho nên, nếu phó thống đốc “bị xử” mà thống đốc lại “vô can” thì giống như Đặng Thanh Bình đang làm “Lê Lai cứu chúa.”

Từ hồi Tháng Tám, năm 2017, khi các “đại án ngân hàng” được công bố đồng loạt, công luận cho rằng tất cả các vụ này đều liên quan đến chủ trương, quyết định vốn của ông Nguyễn Văn Bình hồi còn đương chức. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Bình, người bị tạp chí Global Finance liệt vào danh sách “20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới năm 2012,” vẫn không bị truy cứu trách nhiệm về nợ xấu cũng như các bê bối của ngành ngân hàng.

Trong phiên tòa xử ông Đinh La Thăng về cáo buộc gây thiệt hại 800 tỷ đồng ($35 triệu) góp vốn vào Ngân Hàng Đại Dương (Ocean Bank đang diễn ra tại Tòa Án Nhân Dân Hà Nội, Luật Sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho ông Thăng, lập luận: “Ocean Bank bị Ngân Hàng Nhà Nước mua lại với giá zero đồng vào Tháng Tư, 2015, tức là bốn năm sau khi ông Thăng chuyển công tác. Phải chăng PVN bị mất 800 tỷ đồng là do Ngân Hàng Nhà Nước mua Ocean Bank với giá không đồng? Trước thực trạng hoạt động yếu kém của Ocean Bank, lẽ ra Ngân Hàng Nhà Nước cần tái cơ cấu, áp dụng thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá Sản thay vì biện pháp cưỡng chế mua bắt buộc.”

Sau khi rời ghế thống đốc, ông Nguyễn Văn Bình hiện vẫn là ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Trung Ương Đảng đồng thời kiêm chức danh trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương. Người ta không rõ nhiệm vụ thật sự của ban này là gì khi các hoạt động của ông Bình được truyền thông ghi nhận gần đây là phát biểu khai mạc lễ hội hoa ban Tây Bắc hôm 18 Tháng Ba, 2018, tiếp đoàn đại biểu Cộng Sản Liên Bang Nga thăm Việt Nam hôm 13 Tháng Ba,…

Hồi năm 2016, báo điện tử Dân Trí ghi nhận ông Bình có phát ngôn “bất hủ” khi “xin nhận nửa giải Nobel Kinh Tế nếu giải quyết được một nửa bộ ba bất khả thi là tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá.” (T.K-Tr.N)


Người Việt

Không có nhận xét nào: