Với người Việt,“nghĩa tử là nghĩa tận” nên người chết luôn được cố gắng chăm lo hậu sự trong khả năng có thể của người sống. Khổ nỗi, người sống cứ tăng thêm từng giờ, từng ngày mà đất thì không chịu sinh sôi. Thậm chí còn bị sút giảm vì sạt lở, xói mòn, ngập úng. Việc hậu sự của người chết vì vậy ngày càng khó khăn. Nghĩa trang nào cũng quá tải và chật cứng, phải nới rộng hoặc xây mới.
Tỉnh thành nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ - những người đã hy sinh mạng sống mình vì an nguy của tổ quốc và nghĩa trang dành cho cán bộ viên chức.Thú thật, vào các nghĩa trang Việt Nam là lạnh gáy. Nghĩa trang liệt sĩ thường có các mộ phần giống nhau như đồng phục, chen chúc và lặng lẽ. Các nghĩa trang dành cho cán bộ thì to nhỏ bất thường, khác nhau từ vị trí, kiểu dáng cho đến vật liệu. Mấy nghĩa trang dòng họ ở Huế còn là nơi người sống khoe mẽ với nhau, nhìn vào cứ ngỡ lăng tẩm hoàng gia hoặc quý tộc. Chẳng bù cho nghĩa trang các nước. Các mộ phần chỉ tượng trưng. Bia nhỏ ghi tên, năm và nơi sinh và năm mất. Bên cạnh là những khóm hoa đủ loại, đủ sắc; lúc nào cũng tươi xanh và những câu nói bất hủ của họ hoặc lời nhắn gởi cho đời sau. Đại loại “Tự do hay là chết”, “Anh đã chết cho chúng tôi được sống”, “Anh sống mãi trong lòng gia đình và bạn bè”, “Chúng tôi không bao giờ quên chị”…
Mộ danh hài Yury Nikulin (1921 - 1997), diễn viên điện ảnh nổi tiếng Liên Xô và thế giới vào những năm 1960 - 1970 trong nghĩa tranh danh nhân Moskva - Ảnh: T.L