Sáng 1.2, UBND TP.Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung (Thạch Thất, Hà Nội), rộng 120 ha, đã được Thủ tướng phê duyệt, để phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước với kinh phí lên tới 1.400 tỉ đồng.
Với người Việt,“nghĩa tử là nghĩa tận” nên người chết luôn được cố gắng chăm lo hậu sự trong khả năng có thể của người sống. Khổ nỗi, người sống cứ tăng thêm từng giờ, từng ngày mà đất thì không chịu sinh sôi. Thậm chí còn bị sút giảm vì sạt lở, xói mòn, ngập úng. Việc hậu sự của người chết vì vậy ngày càng khó khăn. Nghĩa trang nào cũng quá tải và chật cứng, phải nới rộng hoặc xây mới.
Tỉnh thành nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ - những người đã hy sinh mạng sống mình vì an nguy của tổ quốc và nghĩa trang dành cho cán bộ viên chức.Thú thật, vào các nghĩa trang Việt Nam là lạnh gáy. Nghĩa trang liệt sĩ thường có các mộ phần giống nhau như đồng phục, chen chúc và lặng lẽ. Các nghĩa trang dành cho cán bộ thì to nhỏ bất thường, khác nhau từ vị trí, kiểu dáng cho đến vật liệu. Mấy nghĩa trang dòng họ ở Huế còn là nơi người sống khoe mẽ với nhau, nhìn vào cứ ngỡ lăng tẩm hoàng gia hoặc quý tộc. Chẳng bù cho nghĩa trang các nước. Các mộ phần chỉ tượng trưng. Bia nhỏ ghi tên, năm và nơi sinh và năm mất. Bên cạnh là những khóm hoa đủ loại, đủ sắc; lúc nào cũng tươi xanh và những câu nói bất hủ của họ hoặc lời nhắn gởi cho đời sau. Đại loại “Tự do hay là chết”, “Anh đã chết cho chúng tôi được sống”, “Anh sống mãi trong lòng gia đình và bạn bè”, “Chúng tôi không bao giờ quên chị”…
Nghĩa trang các nước trầm mặc như những công viên tự nhiên, mộ phần và cả tượng của chủ nhân cũng khiêm tốn như tính cách từng người. Người thân và cả du khách có thể vào dạo chơi, tìm hiểu về những nhân vật mình yêu thích hoặc suy gẫm những triết lý của cuộc sống.
Các nghĩa trang liệt sĩ Đồng Tháp, Lâm Đồng được xây dựng theo mô típ này nhưng chỉ tương đối chứ chưa thể so sánh. Gần đây, mấy đại gia có mở thêm các hoa viên dành cho những người chết có điều kiện về kinh tế. Đẹp, trang trọng nhưng không phải muốn vào là được. Ít ra cũng phải có vài trăm triệu đồng trở lên. Số người có quê, có điều kiện thì thích về nằm chung với bà con thân tộc. Số đông thì chọn biện pháp hỏa táng, chỉ lấy ít tro về thờ hoặc đem vào chùa. Cách làm này tiết kiệm được nhiều thứ, cả tiền bạc lẫn môi trường.
Một số người,sau khi chết vẫn muốn giúp ích cho đời nên tự nguyện hiến tạng, hiến xác cho ngành y. Hiến tạng để cứu người, để thay thế những bộ phận của người bệnh giúp họ sống khỏe và tốt hơn. Hiến xác để sinh viên ngành y nghiên cứu và thực hành chuyên môn. Những việc này đang được nhà nước khuyến khích, kêu gọi. Lạ là chỉ thấy đa phần người dân tham gia, còn cán bộ và những người giàu có rất ít. Cán bộ cao cấp lại càng hiếm. Trong khi, đáng lẽ họ phải nêu gương tham gia và vận động người thân tham gia vì họ là tầng lớp ưu tú và hiểu biết nhất.
Con số 1.400 tỉ dành cho cán bộ cao cấp sau khi chết có thật sự cần thiết? Sao việc này không để cho các gia đình tự lo liệu như một cách xã hội hóa thay vì lấy ngân sách. Nói trắng ra là lấy tiền thuế của dân để lo hậu sự muôn đời cho cán bộ. Hầu hết các cán bộ cao cấp ở phía Nam đều không thích vào đó. Ngay cả đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng về quê mình an nghỉ. Đã có nghĩa trang cán bộ cao cấp thì phải có nghĩa trang cán bộ trung cấp, sơ cấp. Trung ương làm được thì tỉnh thành cũng làm được. Rồi các thành phố, thị xã, quận, huyện trực thuộc. Rồi các phường xã. Khắp nơi ganh đua để chứng tỏ đẳng cấp. Người chết vui đâu chưa thấy nhưng người dân đang sống thì méo mặt vì thuế.
Có bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Bến Tre, rất tiếc là tôi không nhớ tên. Mẹ sống một mình vì cả chồng và con duy nhất hy sinh. Căn nhà lá của má tuềnh toàng, xem ti vi phải qua nhà hàng xóm. Vậy mà má gom góp “tiền chế độ”, ky cóp tiền bán dừa cả năm để xây cái cầu xi măng nhỏ, thay cầu khỉ cho “bọn trẻ trong xóm đi học dễ dàng hơn”. Cuộc đời và nhân cách của má là vậy, bình dị mà phi thường. Tôi chưa nghe bà mẹ Việt Nam anh hùng nào muốn có nghĩa trang hoành tráng cho riêng mình. Bạn bè tôi nhiều người đã nằm xuống cho tôi được sống. Họ và cả người thân của họ cũng chưa bao giờ mong có nghĩa trang bề thế. Chỉ mơ đất nước thanh bình, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Tết này, có công nhân ở Vĩnh Phúc (nơi lãnh đạo dám chi 65 tỉ để mua ấm chén làm quà tặng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh) chỉ được thưởng 20.000 đồng ăn Tết. Bệnh viện Đa khoa Long An, thưởng 50.000 đồng cho bác sĩ tham quan nghỉ dưỡng, sau cả năm làm việc cật lực. Bao nhiêu nông dân và người nghèo không có ai thưởng, đang vất vả mưu sinh từng ngày. Nhiều người trong số họ không có tết và chưa bao giờ biết tết. Số tiền 1.400 tỉ có thể làm được bao nhiêu việc lợi ích cho cộng đồng; có thể cứu sống được bao nhiêu bệnh nhân hiểm nghèo đang chờ chết vì không có tiền chạy chữa. Những chủ trương lớn như vậy, sao không ai hỏi ý dân vì đó là tiền của họ đóng thuế. Cũng cần hỏi ý cả những cán bộ trong diện được vào đó sau khi chết. Bởi chưa chắc họ đã muốn vậy.
Xin hãy đoạn tuyệt với tư duy bao cấp, nghĩ thay và muốn thay người khác. Người xấu miệng bảo phải vẽ ra các dự án để tạo thêm công ăn việc làm cho người sống và chủ đầu tư, chủ dự án mới có điều kiện phết phẩy. 1.400 tỉ chỉ là dự toán. Thế nào cũng phát sinh thêm vài trăm tỉ. Rồi cả bộ máy vận hành để quản lý và duy trì hoạt động.
Xin đừng làm khác thiên hạ và bớt lãng phí nguồn lực eo hẹp của đất nước vì những dự án như vậy.
Trần Trung Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét