RFI
Bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh tiếp một chỉ huy hải quân Trung Quốc tại Phnom Penh, ngày 17/10/2016.REUTERS/Samrang Pring
Trong khuôn khổ « Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện », Trung Quốc và Cam Bốt sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự « Rồng Vàng » lần thứ hai vào tháng 03/2018. Trong khi đó, Cam Bốt đã hủy bỏ cuộc tập trận « Angkor Sentinel » hàng năm với Hoa Kỳ, và nêu lý do là cần huy động quân đội để bảo đảm sự ổn định trong việc tổ chức các cuộc bầu cử trong năm 2017 và 2018.
Ngày 08/02/2018, giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, trả lời các câu hỏi của báo giới về quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Cam Bốt. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
Quan điểm của ông về những tham vọng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Châu Á (Indo) Thái Bình Dương là gì ? Điều gì thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc ?
Carlyle Thayer : Trung Quốc tìm cách khôi phục toàn bộ mức độ ưu tiên trong nhận thức về châu Á, theo đó, chủ nghĩa thực dân phương Tây đã bị lật đổ. Động lực thúc đẩy Trung Quốc đưa ra ưu tiên này bao gồm việc thống nhất đất nước bằng cách sáp nhập Đài Loan và giành lại các vùng lãnh hải bị mất, mà theo quan điểm của Bắc Kinh là đã bị Nhật chiếm cứ một cách bất hợp pháp ở biển Hoa Đông, quần đảo Senkaku, và các thực thể, đảo ở Biển Đông.
Việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc là nhằm đối phó với các tình huống liên quan đến Đài Loan và giành chiến thắng nếu một cuộc xung đột nổ ra và để ngăn chặn hoặc phòng ngừa quân đội Mỹ đóng vai trò quyết định trong một cuộc xung đột vũ trang có liên quan đến Đài Loan.
Trung Quốc nuôi dưỡng những tham vọng này vì phải kế thừa di sản của một « thế kỷ quốc gia bị sỉ nhục » vì quy mô dân số và trọng lượng kinh tế. Trung Quốc coi Mỹ và hệ thống liên minh của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là một trở ngại cho tham vọng của họ.
Cam Bốt hưởng lợi ra sao về việc Trung Quốc ngày càng gia tăng viện trợ quân sự ?
Carlyle Thayer : Quyết định của Cam Bốt đồng hành với Trung Quốc là nhằm tránh áp lực của phương Tây đòi duy trì một nền dân chủ đa đảng tự do và tôn trọng nhân quyền. Cam Bốt biết là nếu tôn trọng lập trường của Trung Quốc, thì họ sẽ chịu rất ít hoặc không có việc can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước.
Hun Sen và Đảng Nhân Dân Cam Bốt của ông muốn giữ quyền kiểm soát quân đội và nghi ngờ các sĩ quan quân đội Cam Bốt được đào tạo ở nước ngoài, một đội ngũ sĩ quan không có gì bảo đảm về sự trung thành của họ đối với chính quyền của ông.
Trung Quốc đào tạo và hỗ trợ vật chất cho Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Cam Bốt để bảo vệ biên giới và khi cần, để bảo đảm cả an ninh trong nước. Khi chấp nhận viện trợ của Trung Quốc, các lãnh đạo Cam Bốt đang cố làm hài lòng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Các nước láng giềng kề cận của Cam Bốt như Việt Nam và Thái Lan sẽ nhìn nhận thế nào về mối quan hệ quân sự chặt chẽ của Cam Bốt với Trung Quốc ?
Carlyle Thayer : Cả Thái Lan và Việt Nam, mỗi nước đều có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Thái Lan từ lâu đã mua vũ khí của Trung Quốc. Kể từ cuộc đảo chính năm 2014, Hoa Kỳ cho đến thời gian gần đây, đã tránh bán vũ khí quân sự cho Thái Lan. Khía cạnh tiêu cực duy nhất là Trung Quốc cũng cung cấp vũ khí cho Cam Bốt và chúng sẽ được sử dụng nếu lại xẩy ra đụng độ biên giới Thái Lan – Cam Bốt. Quân đội Thái Lan có khả năng đương đầu với một cuộc xung đột với Cam Bốt.
Tình hình Việt Nam thì khác. Đây là một cường quốc quân sự nếu so sánh với Cam Bốt. Việt Nam có một lực lượng bộ binh hùng hậu được trang bị tốt. Từ năm 2015, Việt Nam đã ưu tiên hiện đại hóa lực lượng bộ binh. Cũng trong tiến trình hiện đại hóa quân đội, Việt Nam sẽ mua 64 xe tăng chiến đấu T-90 của Nga. Cần nhớ rằng viện trợ quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả cố vấn, cho Khmer Đỏ đã không ngăn cản được Việt Nam xâm lược Cam Bốt vào cuối năm 1978.
Quân đội Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ tương đối ổn định. Trong bốn năm qua, hai bên đã lần lượt thay nhau tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, bao gồm cả các cuộc gặp thường niên giữa các bộ trưởng Quốc Phòng. Các sĩ quan Việt Nam theo học ở các trường chính trị tại Trung Quốc và giữa hai nước có chương trình trao đổi đào tạo thường xuyên ở cấp hạ sĩ quan.
Việt Nam không mua vũ khí của Trung Quốc. Nga là nhà cung cấp chính. Cả Trung Quốc và Nga sẽ phải quyết định nên phản ứng thế nào nếu xẩy ra đụng độ giữa Cam Bốt và Thái Lan, giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Quan hệ quân sự giữa Cam Bốt và Trung Quốc tác động ra sao đối với trật tự an ninh khu vực ? (trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông).
Carlyle Thayer : Quan hệ quân sự Cam Bốt - Trung Quốc không phải là duy nhất ở Đông Nam Á. Mặc dù Trung Quốc có quan hệ quân sự với tất cả các nước thành viên ASEAN, nhưng phạm vi và mức độ quan hệ với từng quốc gia có khác nhau. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc có mối quan hệ ổn định với các định chế đa phương của ASEAN và với ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Plus (ADMM + Plus).
Trung Quốc đang sử dụng ngoại giao quân sự để tranh giành ảnh hưởng với các đối tác đối thoại khác của ASEAN như Hoa Kỳ. Trung Quốc trực tiếp chủ trì các cuộc họp quân sự giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời Bắc Kinh tham gia vào các cuộc tập trận quân sự cấp thấp trong khuôn khổ ADMM Plus. Việc quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc chỉ liên quan trực tiếp đến bốn quốc gia khu vực là Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.
Việc quân sự hóa của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến Indonesia. Lập trường chính thức của Jakarta là bác bỏ việc coi Indonesia là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Rồi kể từ cuộc bầu cử đưa ông Rodrigo Duterte, người chủ trương thân thiện với Bắc Kinh, lên làm tổng thống, quan hệ quân sự giữa Manila và Washington đã bị thu hẹp. Duterte đã ra lệnh cho quân đội Philippines xem xét việc mua vũ khí của Trung Quốc (và Nga).
Tuy vậy, chưa thấy có tiến triển rõ nét nào trong lúc Hoa Kỳ vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính và ngày càng quan trọng cho Philippines (và cả Hàn Quốc nữa). Malaysia « quản lý » được về mặt chính trị hồ sơ tranh chấp lãnh thổ nhưng tiếp tục hiện đại hóa quân đội và hoan nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.
Brunei là một bên trong tranh chấp biển với Trung Quốc nếu như trong khu vực đường chín đoạn – theo như bản đồ mà Bắc Kinh đưa ra – có chỗ nối hai đoạn, cắt ngang qua vùng đặc quyền kinh tế của Brunei. Cho đến nay, Brunei thường xuyên giữ khoảng cách với tranh chấp ở Biển Đông. Việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông là động lực chính thúc đẩy Việt Nam hiện đại hóa bộ máy quân sự.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí đứng thứ 10 trên thế giới. Việt Nam đã phát triển « lực lượng răn đe » chống máy bay đa năng hiện đại, đặt các dàn tên lửa chống hạm ở vùng duyên hải, phát triển lực lượng hải quân, với quy mô khiêm tốn, qua việc mua các loại tầu tấn công nhanh có trang bị tên lửa, các khu trục hạm và sáu tàu ngầm lớp Kilo. Cả ba binh chủng đều được trang bị tên lửa.
Indonesia quan ngại về cái mà Trung Quốc gọi là những đòi hỏi lịch sử liên quan đến vùng biển xung quanh quần đảo Natuna. Chính quyền Jakarta rất chủ động trong việc bắt giữ tàu đánh cá nước ngoài, bao gồm cả tàu đánh cá của Trung Quốc. Quốc gia Đông Nam Á này cũng bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự để có thể đối phó nhanh chóng với các sự cố và tàu bè nước ngoài (hàm ý là Trung Quốc) xâm nhập vào vùng biển của nước này.
Tóm lại, theo quan điểm của Cam Bốt, việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông cho thấy nước này sẽ sớm trở thành cường quốc quân sự thống trị trong khu vực và tất cả các nước khác sẽ phải điều chỉnh để thích ứng với thực tế này.
Theo tính toán của Campuchia, họ có được các ưu ái của Bắc Kinh nếu ủng hộ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Và một ngày nào đó, Cam Bốt có thể phải kêu gọi Trung Quốc ủng hộ trong trường hợp có xung đột với một quốc gia khác, trong hoặc ngoài khu vực.
Giới lãnh đạo ở Phnom Penh cảm thấy yên tâm trước những căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bởi vì trong một chừng mực nào đó, những căng thẳng này làm giảm bớt sự « chú ý » của Việt Nam tới Cam Bốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét