Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Ông Nguyễn Tấn Dũng dự hội nghị cơ chế đặc thù TP.HCM; Bất thường: Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Tôi rất thanh thản”

Ngày 23/2, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị cán bộ thành phố quán triệt Nghị quyết của Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Dự hội nghị có nhiều cán bộ cao cấp Trung ương nghỉ hưu. Ảnh PLO
Dự hội nghị có nhiều cán bộ cao cấp Trung ương đã nghỉ hưu, trong đó có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: TP.HCM là TP lớn nhất cả nước về dân số và kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, dân số thành phố ước đạt trên 10 triệu người, gấp 15 lần tỉ lệ dân số cả nước trên 1km2.

Mỗi năm, thành phố đóng góp khoảng 22% vào ngân sách cả nước. Thế mạnh hiện có của thành phố là nguồn nhân lực trí thức cao, các chính sách phát triển đồng bộ, tập trung số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, thu hút số lượng ngoại tệ và vốn đầu tư cao…

Tuy có nhiều thế mạnh nhưng thành phố vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi một cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết kịp thời, quyết liệt các vấn đề đang tồn tại.

Mặc dù đã rất cố gắng nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, tốc độ phát triển của hệ thống hạ tầng không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Đây là vấn đề bất cập cần điều chỉnh ngay.

Bên cạnh đó, tỉ trọng thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu của thành phố đang trên đà giảm so với cả nước.

Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân triển khai, quán triệt Kết luận số 21 ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo ông Nhân, Nghị quyết 54 sẽ tạo cơ chế cho TP.HCM phát triển, làm tăng thu cho thành phố, cho cả nước và không ảnh hưởng đến các địa phương khác.

TP.HCM có 5 thách thức lớn của thành phố nếu không có cơ chế đặc thù sẽ không giải quyết được. Cụ thể như cơ sở hạ tầng như quy hoạch, ngập nước, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm về tỉ trọng; thách thức về dân số...

“Nếu 5 thách thức này mà không có đổi mới thể chế thì TP.HCM sẽ không phát triển được. Cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện cho thành phố phát triển và đóng góp cho cả nước”, ông Nhân nói.

Bí thư Thành ủy cũng khái quát lại nội dung của Nghị quyết 54 xác định năm lĩnh vực điều chỉnh gồm: Thẩm quyền quản lý đất đai, thẩm quyền quản lý đầu tư, thẩm quyền quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và cơ chế tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Sau phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã triển khai, quán triệt Nghị quyết số 08 ngày 6/12/2017 của Thành ủy và Kế hoạch số 171 ngày 28/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng triển khai, quán triệt nghị quyết của HĐND TP về thực hiện nghị quyết này.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong triển khai, quán triệt Kế hoạch số 8127 của UBND TP về thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Sơn Ca (Tổng hợp)

(Đất Việt)

Bất thường: Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Tôi rất thanh thản”

Đại tướng Lê Đức Anh và Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Đó là điều đầu tiên Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trước khi kết thúc nhiệm vụ.

Phóng viên: Thưa Thủ tướng, Thủ tướng đã tham gia 6 khóa Trung ương, 4 khóa Bộ Chính trị, 2 nhiệm kỳ là Phó thủ tướng thường trực và 10 năm đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu Chính phủ. Ngày 6-4-2016, theo chương trình làm việc của Quốc hội, đồng chí sẽ thôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ. Xin Thủ tướng cho biết những cảm nghĩ của mình?

— Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi rất thanh thản. Sau gần 55 năm chiến đấu, công tác, được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chính sách, được trở về sống với đời thường, được thường xuyên quây quần với gia đình con cháu và được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, đang trên đà hội nhập, phát triển và sánh vai với bạn bè trên thế giới, tôi cảm thấy hạnh phúc.

Tôi chân thành cảm ơn những tình cảm cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế.

Tôi luôn biết ơn sự hi sinh to lớn của đồng chí, đồng bào chúng ta để đất nước mình có được ngày hôm nay.

* Thưa Thủ tướng, xin Thủ tướng cho biết khi rời khỏi chính trường, những điều gì mà Thủ tướng cảm thấy còn trăn trở, day dứt nhất?

- Hơn nửa thế kỷ qua, tôi luôn hết lòng, hết sức — kể cả bằng máu xương, tính mạng của mình — để phấn đấu hoàn thành chức trách nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chỉ tiếc là trong khả năng có hạn, tôi đã không làm được nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa cho dân, cho nước.

Những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chỉ ra có phần trách nhiệm của tôi trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm chính trị trên cương vị người đứng đầu Chính phủ — cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Đây cũng chính là những trăn trở, day dứt nhất của tôi.

* Xin Thủ tướng cho biết Thủ tướng có mong muốn gì với những người kế nhiệm?

— Tôi chỉ có một mong muốn là Đảng, Nhà nước ta thật sự vững mạnh, đoàn kết, trong sáng, gắn bó máu thịt với nhân dân; đổi mới mạnh mẽ, vượt qua những nhận thức, phương thức không còn phù hợp, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc; giữ vững hòa bình và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quốc gia; bảo đảm dân chủ, tự do, pháp quyền; thực hiện nhất quán, hiệu quả mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển nhanh — bền vững, hội nhập thành công và tiến cùng thời đại.

Làm được những điều này là hồng phúc của đất nước ta, dân tộc ta. Tôi đặt niềm tin vào những người kế nhiệm.

* Xin trân trọng cảm ơn.

Cuộc phỏng vấn đăng trên báo Tuổi Trẻ 06/04/2016 07:59 GMT+7

(Sputnik)

Không có nhận xét nào: