Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

CÓ XÁC THỰC THÔNG TIN: TBT LÊ DUẨN TỔ CHỨC CƯỚI CHO CON NGÀY 17/2/1979?; PHẢN HỒI CỦA BLOG HIỆU MINH VỀ ĐÁM CƯỚI NÀY

Phạm Viết Đào.

Một cựu chiến binh cung cấp cho chủ Blog-FB thông tin: TBT Lê Duẩn đã tổ chức đám cưới cho con đúng ngày 17/2/1979?
Chuyện TBT lo cưới xin cho con là chuyện bình thường, vì chuyện này liên quan tới đối tác thông gia nên bao giờ cũng phải bàn định từ trước đó. Hơn nữa Hà Nội cách biên giới gần nhất là Lạng Sơn hơn 150 km, do đó chuyện chiến tranh, bom đạn không mấy ảnh hưởng tới chuyện cưới xin kể cả cưới xin của con TBT Lê Duẩn…
Có điều, theo nguồn tin của CCB này cung cấp thì: trước đó TBT đã cho hỏi cặn kẽ 2 cơ quan chức năng là Bộ Tổng tham mưu và Cục tình báo quân đội xem có thể xảy ra chiến tranh, Trung Quốc có đánh Việt Nam không? Vì chuyện cưới xin của con TBT không có gì là bí mật cả. Thế nhưng các cơ quan này đều đã tham mưu, khẳng định với TBT cứ yên tâm tổ chức đám cưới cho con trong ngày 17/2/1979…
Trong khi đó thì theo Đại tá Quách Hải Lượng, từ cuối 1978, TBT Lê Duẩn đã quán triệt với cán bộ tham mưu quân sự cao cấp: Chuẩn bị sẵn sàng đối phó với 1,5 triệu quân Trung Quốc xâm lược?
Căn cứ vào thông tin này và đối chiếu với người thân của gia đình TBT Lê Duẩn, rất có thể đây là đám cưới của TS Lê Kiên Thành?
Người viết xin chuyển thông tin này tới TS Lê Kiên Thành, con trai của Cố TBT Lê Duẩn và người nhà cố TBT Lê Duẩn nhờ xác minh; Bởi vì thông tin này liên quan tới một sự kiện lịch sử trọng đại và liên quan tới chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan quan trọng của Bộ Quốc phòng…
Xin sẵn sàng cải chính và cáo lỗi gia đình TBT Lê Duẩn, cộng đồng cư dân mạng nếu thông tin mà CCB đã cung cấp là không chuẩn xác!

P.V.Đ.



Ngày 17-2-1979 bạn ở đâu?



Không thể nào quên.
Chiều tối nay ở DC (sáng 17-2-2014 ở Hà Nội), tôi vào VNN thấy một bài viết ngay trang đầu tiên “Chiến tranh biên giới: Không thể quên lãng”. Trong bài có phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và phần cuối tổng kết cuộc chiến.
Thanh Niên online cũng có vài bài, “Mười bảy tháng hai”, rồibài viết của anh Lê Kiên Thành, con trai của TBT Lê Duẩn, nhân kỷ niệm 35 ngày cưới, đúng vào ngày 17-2-1979.
Thế là may lắm, vì các báo vẫn đăng bài. Cảm ơn các tòa soạn dũng cảm. Tòa soạn Cua Times cũng đăng bài theo cách của mình với sự đóng góp của bạn đọc.
Đoạn sau anh Kiên Thành kể khá ấn tượng
Ngày 16.2, báo động cấp 1 toàn quân được chuyển xuống cấp 3.
Sáng thứ bảy,17.2.1979, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới.
Tối hôm đó, đám cưới của tôi vẫn diễn ra. Vẫn gần đông đủ những cán bộ cao cấp: Trường Chinh, Tố Hữu, Đại tướng Văn Tiến Dũng… Gọi là đám cưới nhưng thực ra thì cũng là một bữa tiệc nhà có chút rượu, trà thuốc và kẹo. Tôi thoáng thấy sự căng thẳng trên gương mặt của những lãnh đạo đơn vị và quân chủng không quân.
Cha tôi – Tổng bí thư Lê Duẩn – và các lãnh đạo cao cấp vẫn nói chuyện bình thường, không nhắc gì về những gì đang diễn ra ở biên giới. Đặc biệt, nét mặt cha tôi rất bình thản, không hề để lộ (hoặc có thể không có) cảm giác âu lo hay căng thẳng gì
Cũng có thể nhờ thế, chỉ vài chục phút sau khi bắt đầu hôn lễ, không khí căng thẳng trong nhóm sĩ quan quân đội được giải tỏa, trở lại bình thường. Hôm sau, một người bạn binh ngũ nói với tôi: “Hôm qua thấy đám cưới vẫn diễn ra, thấy mọi việc vẫn bình thường, và đặc biệt, nhìn nét mặt của ông già mày, bọn tao tin Trung Quốc chẳng đánh đến Hà Nội được đâu…”.
Tôi nhớ vụ này vì lúc đó mới 26 tuổi, về Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển được 2 năm.
Cách đó mấy ngày, TBT báo Nhân Dân, ông Hoàng Tùng, đến hội trường lớn ở Nghĩa Đô  của VKHVN để nói chuyện thời sự. Khi đó chỉ có cán bộ khoa học, trí thức nhất định mới được nghe kiểu “tin mật” này.
Ông Hoàng Tùng là người biết lối ăn nói, thuyết phục người nghe. Ông đi sâu vào vụ Việt Nam tấn công Campuchia, chiếm Phnom Penh trong vài ngày, đuổi Pol Pot sang tận Thái Lan, thế ta mạnh như chẻ tre.
Bỗng ông thì thầm như người buôn thuốc phiện, ta đánh Campuchia là mó dái thằng Tầu, mó dái nó mà nó không làm gì được. Nói rồi ông lấy hai tay xoa xoa như đang mó dái ngựa thật. Cả hội trường cười vui, và không ai tin rằng, mấy ngày sau Trung Quốc tấn công Việt Nam.
Quay lại chuyện đám cưới anh Lê Kiến Thành. Viện KH VN nổi tiếng là vườn trẻ trung ương, toàn con ông cháu cha làm ở đó. Chuyện gì của đất nước cũng biết, một đồn mười, mười đồn một trăm, và thường là đúng.
Chuyện TBT Lê Duẩn cưới con trai buổi tối và sáng sớm Trung Quốc ào ạt tấn công Việt Nam, bị dân đồn rằng, phía Việt Nam hoàn toàn bị động, đến TBT cũng không biết gì. Cộng thêm với lời tuyên bố của ông Hoàng Tùng “mó dái ngựa thằng Tầu”, chẳng ai tin chiến tranh có thể xảy ra.
Đến khi đài tiếng nói Việt Nam lên tiếng, mọi người bàng hoàng. Tuy vậy, không ai tin Trung Quốc có thể thắng Việt Nam. Một sự bình tĩnh lạ thường.
Nhiều người có thể không thích ông Lê Duẩn, nhưng trong chuyện đối đầu với Bắc Kinh, tôi vẫn cho ông là number 1. Anh Kiên Thành kể tôi mới nhớ lại thời đó của ông Ba Duẩn.
Những ngày ấy, thanh niên trẻ như tôi, dưới 28 tuổi, có lệnh nhập ngũ. Tôi cũng trong danh sách, nhưng vì có chính sách rõ ràng, gia đình nào có anh, chị, em đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, sẽ được tạm hoãn.
Tôi thành người đi đào hào cho phòng tuyến sông Cầu. Đó là hệ thống hào chạy từ đồi này sang đồi khác, dải khắp vùng phía bắc sông Cầu. Đi từ Hà Nội lên Lạng Sơn, thấy phòng tuyến thật hùng vĩ. Còn nhớ các lỗ châu mai bằng bê tong ở Hà Nội được lệnh sửa sang lại.
Khi Trung Quốc tuyên bố chiếm được thị xã Lạng Sơn, Hà Nội cũng căng thẳng, nhộn nhạo. Tuy vậy, không ai tin Trung Quốc dám đánh xuống đồng bằng. Dân Việt mình được cái bình tĩnh trước cái chết.
Ông Hoàng Tùng (trái) cùng với Tô Hoài và Nguyễn Đình Thi. Ảnh: Internet
Ông Hoàng Tùng (trái) cùng với Tô Hoài và Nguyễn Đình Thi. Ảnh: Internet
Chả hiểu sao, TQ rút quân, vài tuần sau ông Hoàng Tùng lại lù lù xuất hiện ở Viện KHVN, nói về cuộc chiến thần thánh. Không ai trong chúng tôi dám hỏi ông về chuyện mó dái ngựa.
Ông tự hào kể, quân chủ lực Việt Nam chưa tham chiến, mà mới là quân địa phương đánh nhau với chủ lực TQ, thế mà tầu đã rút chạy.
Quân Trung Quốc có kiểu đánh biển người và vu hồi, nhưng liên lạc kém, tiếp tế không kịp, nên đoàn đi trước bỏ xa đoàn sau, đầu đuôi không cứu được nhau, bị ta làm cỏ.
Có đoàn quân TQ bơi qua sông, phía ta ngầm để dây điện cao thế dưới sông, giặc bơi qua, ta đóng cầu dao, chúng chết hàng trăm đứa.
Sau này tôi hiểu là chuyện đó khá vô lý, vì điện cao thế mà đưa xuống sông thì cả ta lẫn địch đều chết. Nhưng xác lính TQ trôi theo sông Hồng về Hà nội là có thật, thỉnh thoảng mắc kẹt ở cầu phao Chèm.
Nhớ lần về Ninh Bình thăm bố mẹ, thấy máy bay lên thẳng cất cánh liên tục ở nông trường Đồng Dao, chuyển quân suốt một đêm liền. Quân đoàn 1 tinh nhuệ nhất, đã lên biên giới, sẵn sàng tham chiến.
Ông Hoàng Tùng còn nói, ta có Cachiusa của Liên Xô, bắn 40 tên lửa một lúc, đốt cháy cả quả đồi và một sư đoàn trong 1 phút.
Đưa vũ khí hiện đại lên biên giới đã sẵn sàng cùng với mấy quân đoàn, nhưng Trung Quốc tuyên bố thắng trận và rút quân. Cụ Hoàng Tùng tiếc mãi, không được thử chủ lực với phía Trung Quốc.
Sau hơn một tháng sau khi Trung Quốc rút quân, tôi lên Lạng Sơn cùng với đoàn chuyên gia Nga và Ba Lan để làm phiên dịch tiếng Ba Lan.
Đi qua nơi nhà báo Takano bị pháo kích bắn chết, còn bia tạm để đó. Vào thị xã Lạng Sơn không còn nhà nào nguyên vẹn. Bệnh viện, UBND, công sở…bị lính Trung Quốc đánh bộc phá, san bằng địa. Chỉ nhà nào do Trung Quốc xây chúng mới chừa lại.
Lính tầu đánh đấm thì kém nhưng riêng đoạn cài bộc phá hết sức chuyên nghiệp. Nhà đổ toàn sụp vào giữa, nghĩa là chúng gài chất nổ vào các cột, châm dây cháy chậm, ùm một phát là sụp xuống.
Cầu Kỳ Cùng bị đánh sập ở nhịp giữa thành hình chữ V (Victoria – Việt Nam), đứng phía bên này vẫn thấy bên kia sông có người thấp thoáng, chẳng biết ta hay địch.
Thỉnh thoảng có biển đề, còn mìn chưa nổ, nguy hiểm, cấm vào. Có nhà sụp vẫn ngửi thấy mùi thối, chắc do xác chết chưa dọn hết.
Thị xã Lạng Sơn bị tàn phá. Ảnh: Internet.
Thị xã Lạng Sơn bị tàn phá. Ảnh: Internet.
Trên các bờ tường nham nhở, có những dòng chữ “Đả đảo tập đoàn Lê Duân” viết bằng sơn đỏ, dù bên ta đã xóa đi, nhưng chưa hết. Cánh tây cứ hỏi họ viết gì đó, nhưng bên an ninh dặn, các anh đừng dịch. Rất tiếc hồi đó không có máy ảnh kỹ thuật số như bây giờ.
Chuyến đi chỉ vài giờ vào thị xã Lạng Sơn để lại cho tôi ấn tượng đến tận 35 năm sau. Sau này tôi hiểu lần đi công tác đó hết sức nguy hiểm, mìn chưa nổ, pháo kích bất ngờ hoặc bắn tỉa. Mãi tận 1989 mới yên. Nhưng tâm trạng lúc đó lại thấy bình tĩnh lạ thường.
Thế hệ sinh sau đẻ muộn không biết về 17-2-1979 có thể họ không quan tâm. Nhưng người chứng kiến như anh Kiên Thành và tôi thì vẫn nhớ.
Còn ai từng đứng trong chiến hào biên giới năm xưa thì không thể quên những ngày máu lửa. Người ngã xuống càng không thể bị vùi dập vào quên lãng, chính họ đổ máu cho chúng ta hôm nay.
HM. 17-2-1979
PS. Mong bạn đọc chia sẻ mình đã làm gì vào ngày 17-2-1979 và một tháng trong thời gian chiến tranh với Trung Quốc. 


Ký ức đám cưới ngày 17.2.1979 của con trai Tổng bí thư Lê Duẩn

 26
(TNO) Hôm nay, 17.2.2014, đúng 35 năm ngày mở đầu cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc, cũng là kỷ niệm 35 năm ngày cưới của tôi.


Ký ức đám cưới ngày 17.2.1979 của con trai Tổng bí thư Lê Duẩn - ảnh 1
Chú rể Lê Kiên Thành và cô dâu Nguyễn Thị Tú Khanh
trong đám cưới ngày 17.2.1979 - Ảnh tư liệu gia đình 
Năm 1979, tôi 24 tuổi, 7 năm quân ngũ và bắt đầu làm việc tại Viện kỹ thuật không quân.
Năm 1979, đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ được bốn năm. Có thể lớp trẻ bây giờ khó mà hình dung nổi bối cảnh đất nước lúc đó nhưng tôi cũng không thể nói gì cho đủ nghĩa hơn bằng ba chữ: Rất khó khăn! Hồi đó, bộ đội như chúng tôi được phát mỗi tháng 21 kg gạo nhưng vẫn đói bởi thiếu chất. Hồi đó, mỗi năm, mỗi người dân khó có nổi một bộ quần áo mới. Hồi đó, mẹ tôi làm ở Ban tuyên giáo An Giang, thỉnh thoảng lại phải “cứu viện” chất đạm cho các con, khi thì gửi ít tôm khô, hoặc các loại mắm Nam Bộ. Những đứa con miền Bắc của bà tập quen ăn mắm từ những ngày thiếu mặc, đói ăn đó.
Đầu năm 1979, khi quyết định sẽ cưới vợ, tôi vào An Giang thăm mẹ. Bà, người phụ nữ nhiều năm xa chồng con, biền biệt chiến trường có vẻ như chưa hề được sống một ngày của thời bình. Bà cho tôi xem những bức ảnh chụp những người dân bị Pol Pot giết hại. Lần đầu tiên, trong đời, tôi nhìn thấy hình ảnh những con người bị giết một cách khủng khiếp và man rợ như thế. Hàng chục, hàng trăm người đều chết cùng một tư thế: Miệng há ra, mắt mở man dại. Mẹ tôi giải thích họ bị đâm bằng những que nhọn từ hậu môn lên đến đỉnh đầu...
Năm 1979, trước ngày 17.2, những người lính chúng tôi đã được phổ biến về những va chạm lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Nói như thế để nhắc lại rằng, ở thời điểm đó, đất nước chúng ta ở vào thời điểm vô cùng khó khăn. Thiếu, đói... chỉ là yếu tố rất nhỏ trong 2 chữ KHÓ KHĂN đó.
Thế nhưng, cũng sẽ chẳng ai hình dung nổi, khi còn thiếu mặc và đói ăn đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ thử nghiệm chế tạo máy bay...
Ngày 16.2, báo động cấp 1 toàn quân được chuyển xuống cấp 3.


Sáng thứ bảy,17.2.1979, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới.
Tối hôm đó, đám cưới của tôi vẫn diễn ra. Vẫn gần đông đủ những cán bộ cao cấp: Trường Chinh, Tố Hữu, Đại tướng Văn Tiến Dũng... Gọi là đám cưới nhưng thực ra thì cũng là một bữa tiệc nhà có chút rượu, trà thuốc và kẹo. Tôi thoáng thấy sự căng thẳng trên gương mặt của những lãnh đạo đơn vị và quân chủng không quân.
Cha tôi - Tổng bí thư Lê Duẩn - và các lãnh đạo cao cấp vẫn nói chuyện bình thường, không nhắc gì về những gì đang diễn ra ở biên giới. Đặc biệt, nét mặt cha tôi rất bình thản, không hề để lộ (hoặc có thể không có) cảm giác âu lo hay căng thẳng gì. Cũng có thể nhờ thế, chỉ vài chục phút sau khi bắt đầu hôn lễ, không khí căng thẳng trong nhóm sĩ quan quân đội được giải tỏa, trở lại bình thường. Hôm sau, một người bạn binh ngũ nói với tôi: “Hôm qua thấy đám cưới vẫn diễn ra, thấy mọi việc vẫn bình thường, và đặc biệt, nhìn nét mặt của ông già mày, bọn tao tin Trung Quốc chẳng đánh đến Hà Nội được đâu...”.
Tôi không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ có một đám cưới như trong nhiều bộ phim mà mình từng xem thời niên thiếu: Sau đám cưới, chú rể trở về ngay đơn vị...
Ngay sau ngày cưới, tôi trở về đơn vị và bắt đầu cuộc sống của người lính thời chiến tranh. Thỉnh thoảng chủ nhật vợ tôi đến thăm chồng; khi ra về mắt đỏ hoe, làm tôi thấy thương cảm vô cùng!


Ký ức đám cưới ngày 17.2.1979 của con trai Tổng bí thư Lê Duẩn - ảnh 2
  Những người tham gia thiết kế, chế tạo chiếc máy bay Việt Nam đầu tiên TL-1.
Từ trái qua phải: Lê Kiên Thành, Trần Mạnh Chung, Nguyễn Văn Hải, Bùi Thanh Châu.
Đây là những ngày bay thử trên sân bay Hoà Lạc - Ảnh tư liệu gia đình
Lúc đó, nghe nói rằng, chúng ta đã chuẩn bị cho một cuộc chiến bằng không quân để bảo vệ biên giới.
Thế nhưng, điều đặc biệt là những ngày tháng đó, Hà Nội vẫn bình thường. Bình thường trong một cuộc chiến hết sức không bình thường. Khi tiếng súng đã nổ ra ở biên giới nhưng mấy tháng sau thì kết thúc, người Hà Nội điềm tĩnh pha chút tự hào kín đáo nhìn lại: Trung Quốc đã không thể kéo dài cuộc chiến và không thể đánh đến Hà Nội...
Cha tôi còn nói: Nếu theo lẽ bình thường, Trung Quốc không nên đánh Việt Nam...
Nhưng có lẽ người Việt Nam là vậy, một khi điều bất bình thường nhất đã xảy ra, họ bình thản đón nhận.
Và tới năm 1980, chiếc máy bay đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế và chế tạo mang tên TL-1 đã bay trên bầu trời Tổ quốc. Năm 1981, đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời, tôi đặt tên là Lê Kiên Dũng.
Và cũng là bình thường khi kỷ niệm 35 năm ngày cưới, tôi không thể quên, ngày cưới của mình trùng với ngày nổ ra chiến tranh biên giới. Tất nhiên không nên ôm chặt những chuyện không vui của quá khứ nhưng hãy hiểu quá khứ để nhìn về tương lai một cách chuẩn xác hơn!
Lê Kiên Thành

Không có nhận xét nào: