Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

BÓNG DÁNG "ĐỒNG CHÍ X." VÀ ÔNG NGUYỄN NGỌC THIỆN TRONG VỤ BẢO KÊ HỒ XUÂN MÃN; Hồ Xuân Mãn làm ô uế Đảng Cộng sản Việt Nam đến khi nào?

Ai bảo kê cho Hồ Xuân Mãn

Hoàng Phước Sum
7-9-2014

Từ trái sang: các ông Hoàng Tiến Dũng, Hoàng Văn Phận, Hồ Văn Nghĩa, Trần Văn Thuận, Hoàng Phước Sum. Ảnh: Trường An/ báo TT

Từ một Quyết định của Ban bí thư trung ương Đảng cộng sản VIỆT NAM về xử lý vụ việc ông Hồ Xuân Mãn, nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế khai gian dối thành tích để được phong tặng “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ”, qua tám tháng không có hiệu lực, đã gây nhiều thắc mắc và dư luận khác nhau trong cán bộ, đảng viên và người dân Thừa Thiên Huế.
Họ hỏi nhau mắc kẹt ở đâu, cấp nào? Có sự chạy chọt, bao che chăng?

Xin được chia sẻ những thông tin, dư luận hiên nay ở Thừa Thiên Huế để mọi người theo dõi. Nghe rằng trước khi Ủy ban kiểm tra trung ương họp nghe đoàn kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra xử lý đơn thư tố cáo ông Hồ Xuân Mãn khai gian dối thành tích để được phong tặng danh hiệu anh hùng vũ trang nhân dân, ông Lê Hồng Liêm-phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương-trưởng đoàn kiểm tra vụ việc này có về làm việc với ông Hồ Xuân Mãn thông báo ý kiến kết luận của đoàn kiểm tra và yêu cầu ông Hồ Xuân Mãn còn có những tài liệu, chứng cứ gì khác để chứng minh, bảo vệ thành tích tự khai của mình thì cung cấp thêm để cấp trên xem xét.
Nghe rằng Mãn rất cay cú bực tức chửi tục ông Liêm: “Đ.m thằng Liêm bây giờ nó nghe mấy tên cựu chiến binh, hưu trí Phong Điền mà không bảo vệ ủy viên trung ương Đảng, tao phải đi gặp anh Ba để ngăn chặn vụ này”. Thế là Hồ Xuân Mãn đi Hà Nội. Dịp này anh Ba đang chuẩn bị đi dự hội nghị ở phương Tây; Mãn được anh Ba ưu ái cho đi Tây luôn. Không biết anh Ba có hứa hẹn gì không, nhưng sau chuyến đi này Mãn về Huế rất oách, lên giọng với đàn em yên trí vụ này còn lâu mới giải quyết được. Nhưng không ngờ Ủy ban kiểm tra trung ương sau khi họp, nghe đoàn kiểm tra báo cáo đã quyết định báo cáo lên Ban bí thư trung ương Đảng tại cuộc họp ngày 17 thánh 12 năm 2013, sau đó Ban bí thư trung ương Đảng có Quyết định như chúng ta đã biết. Lần này với sự chuẩn bị của đàn em Hồ Xuân Mãn vội vàng bay ra Hà Nội gặp anh Ba kêu cứu, nghe đâu được lời hứa: “Anh chưa ký thì chúng nó chưa làm gì được em đâu”.
Quả thật tám tháng qua của năm 2014 từ khi có thông báo về quyết định của Ban bí thư trung ương Đảng đến nay chưa có một tổ chức, cá nhân nào có liên quan vụ việc này thực hiện gì cả. Sự im lặng đáng suy ngẫm này không chỉ làm những người có đơn tố cáo bất bình mà nhiều cán bộ, đảng viên và người dân hiểu biết vụ này cũng bất bình và nghi ngờ. Nhiều đơn thư lại tiếp tục gửi lên các cơ quan trung ương và các tỉnh thành trong cả nước.
Dư luận lại tiếp tục sôi nổi nhiều chiều hơn.
Ai cũng biết rằng: Hồ sơ người được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân phải tiến hành từ cơ sở qua các cấp xem xét, cuối cùng phải được Hội đồng thi đua khen thưởng cấp nhà nước nhất trí báo cáo lên Chủ tịch nước, lúc đó Chủ tịch nước mới có quyết định phong tặng danh hiệu cao quý này. Bây giờ muốn hủy Quyết định phong danh hiệu này cũng phải qua Hội đồng thi đua khen thưởng cấp nhà nước. Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng cấp nhà nước chưa ký văn bản gửi sang thì Chủ tịch nước cũng chưa ra quyết định hủy được.
Tóm lại anh Ba chưa ký thì anh Tư cũng phải chờ, mà anh Ba có hàng chục lý do để kéo dài dài. Điều đáng xấu hổ là thủ tục qua nhiều cấp chặt chẽ như vậy thế mà cái báo cáo thành tích lếu láo của Hồ Xuân Mãn lọt qua dễ dàng. Bây giờ biết sai rồi nhưng Chủ tịch nước là Nguyên thủ quốc gia cũng không ra được quyết định sửa sai được.
Dư luận cho rằng: Anh Ba vận dụng quy định 181 của Bộ chính trị cho trường hợp Hồ Xuân Mãn để kéo dài thời gian thực hiện câu nói dân gian: “để lâu cức trâu hóa bùn”. Nhưng không thể vận dụng như vậy được vì quy định 181 của Bộ chính trị về xử lý đảng viên, thật ra trong thông báo về quyết định của Ban bí thư trung ương Đảng đã vận dụng rồi nên có nêu chưa xem xét kỷ luật đối với ông Mãn vì đang mắc bệnh hiểm nghèo theo tờ trình của Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe miền Trung. Còn ở đây là phải hủy quyết định phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với Hồ Xuân Mãn vì phong không đúng người, không đúng thành tích, đã phong sai thì phải hủy.
Vụ này đúng ra phải xử lý theo Luật thi đua khen thưởng.
Có dư luận hiểu biết hơn cho rằng: anh Ba chưa ký vì muốn bảo vệ thằng em, vì nó có công trong việc giới thiệu và tích cực vận động đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI bầu cậu con trai của anh Ba vào ủy viên dự khuyết trung ương Đảng, mở ra một tương lai tươi sáng về quyền lực cho nó sau này.
Chưa hủy bỏ quyết định phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Hồ Xuân Mãn nên hiện nay Hồ Xuân Mãn vẫn còn là “anh hùng” vẫn ngông nghênh cho rằng chúng nó chẳng làm đếch gì được tao và tự cho mình là người quân tử, nói như cách của người Tầu: “quân tử mười năm sau trả thù chưa muộn” để hăm dọa những người tích cực đấu tranh; Đồng thời tiếp tục chỉ đạo bọn đàn em sắp xếp bố trí số cán bộ tay chân của Mãn chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần tới.
Dư luận đang xì xào về việc đưa con rể của Mãn vào quy hoạch, đi học đào tào tạo cán bộ nguồn sau này giữ chức vụ chủ chốt từ phó chủ tịch, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, cũng có thể là bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Người ta cho rằng đây cũng là vụ đặc biệt, ít gặp. Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng; Ban bí thư trung ương Đảng đã thống nhất xử lý một vụ việc gian dối, tiêu cực. Thế mà một cá nhân dây dưa kéo dài không thực hiện thông báo về quyết định của Ban bí thư trung ương Đảng. Như vậy nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, vấn đề uy tín của tổ chức cấp trên như thế nào? Phải chăng giữa các quan bác có mắc míu nhau rồi, có lủng củng nội bộ rồi?
Thông báo về quyết định của Ban bí thư trung ương Đảng còn nêu rõ giao cho Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong việc xét phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Hồ Xuân Mãn. Nghe thì rất nghiêm nhưng đến nay đã xử lý, kiểm điểm được ai? Quyết định phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho Hồ Xuân Mãn còn chưa được hủy bỏ thì làm sao kiểm điểm người khác được. Vả lại liên quan đến vụ này là cả một hệ thống từ cơ sở lên đến cấp trung ương, có nhiều cá nhân còn đương chức hoặc đã nghĩ hưu.
Tính từ cấp huyện trở lên, trước hết là huyện Phong Điền vào thời điểm làm hồ sơ thủ tục phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Hồ Xuân Mãn có:
1/ Ông Bùi Thanh Hà, nguyên bí thư huyện ủy Phong Điền (một đàn em trung thành với Hồ Xuân Mãn trước đây thông tin trên mạng có nhắc đến) nay là Ủy viên thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
2/ Ông Nguyễn Viết Hoạch, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân huyên Phong Điền (là đệ tử ruột của Hồ Xuân Mãn, một kẻ đã vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai, rừng ở huyện Phong Điền, đáng lý phải xử lý theo pháp luật, nhờ Mãn can thiệp chỉ xử nhẹ trong nội bộ, mặc dù có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo lên tỉnh, lên trung ương, báo chí của Nhà nước cũng nêu nhiều nhưng vụ việc cũng chìm xuồng) nay là phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều người cho rằng cái chức ấy nhằm giữ rừng cho Mãn vì Mãn là kẻ có nhiều đất đai rừng ở Thừa Thiên Huế, không đứng tên Mãn mà đứng tên vợ hoặc những người thân tín của Mãn, cho kiểm tra sẽ ra ngay.
3/ Ông Nguyễn Văn Lương, thượng tá – nguyên chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền, nay đã nghỉ hưu.
Ở cấp tỉnh Thừa Thiên Huế (ký vào hồ sơ bản thành tích cho Mãn và đề nghị lên cấp trên) có:
1/ Ông Nguyễn Văn Cường, nguyên phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, nay đã nghỉ hưu.
2/ Ông Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, nay là ủy viên trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại Thừa Thiên Huế.
3/ Ông Ngô Hòa, nguyên ủy viên thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân, chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Thừa Thiên Huế, nay đã nghỉ hưu.
4/ Ông Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên đại tá, ủy viên thường vụ tỉnh ủy, nguyên chỉ huy trưởng bộ chị huy quân sự tỉnh, là người chủ chốt trong việc làm thành tích của Mãn. (Cần nói thêm để mọi người hiểu rõ thủ đoạn của Mãn lúc đó là bí thư đảng ủy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Mãn đạo diễn đưa ra trong cuộc họp đảng ủy quân sự làm văn bản gửi lên thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị làm hồ sơ phong tặng danh hiệu anh hùng lượng vũ trang cho 3 người: ông Vũ Thắng, ông Huỳnh An và Hồ Xuân Mãn, nhưng 2 người kia chỉ làm đệm cho khách quan còn hồ sơ thì ông Đặng Ngọc Nghĩa chỉ làm cho Mãn), ông Nghĩa đã được điều ra công tác ở Quân khu bốn, được phong hàm thiếu tướng, là đại biểu Quốc hội.
5/ Ông Hồ Viết Bá, nguyên tỉnh ủy viên, chánh văn phòng tỉnh ủy, một nhân vật chủ chốt trong việc làm bản thành tích cho ông Mãn, nay là ủy viên thường vụ, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
6/ Ông Nguyễn Văn Chánh, nguyên phó bí thư thường trực huyện ủy Phong Điền, được điều chuyển lên tỉnh ủy Thừa Thiên Huế công tác một thời gian rồi nghỉ hưu.
Ở cấp trên: phải nói liên quan đến cơ quan thi đua khen thưởng của Quân khu bốn, Bộ quốc phòng, Bộ nội vụ, v.v…
Liệu Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng có chỉ đạo làm kiểm điểm hết được chăng, theo tôi ngay ở địa phương cũng chưa làm được.
Hồ Xuân Mãn làm bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế hai nhiệm kỳ đã để lại lắm vụ việc tai tiếng hủ bại, nhiều vụ việc sai quấy báo chí chính thống trong nước đã nêu, thanh tra có vào cuộc, nhiều đơn thư phản ảnh lên nhưng cấp trên dập hết. Cơ quan quản lý cán bộ thuộc diện trung ương quản lý không quan tâm. Đến nay cái ung nhọt mưng mủ lâu ngày đã bung ra, thế mà có kẻ chức cao quyền trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ còn cố tìm cách che chắn, bảo vệ.
Xin nhắc lại lời phát biểu của một cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu trong cuộc hội nghị do Thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trì để báo cáo kết quả kiểm điểm thực Nghị quyết 4 khóa XI về xây dựng ĐẢNG: “Hiện nay lòng dân bất an, Đảng đã đưa một tên lưu manh làm bí thư tỉnh ủy đến hai nhiêm kỳ”.
Thế đấy hãy chờ xem người ta bảo vệ tên này như thế nào?
Hoàng Phước Sum
Điện thoại di động: 098624965
Nguồn: Hồ Xuân Mãn cuộc

Hồ Xuân Mãn làm ô uế Đảng Cộng sản Việt Nam đến khi nào?

Nguyễn Đăng Quang
3-2-2018
Trong các đảng viên cao cấp của ĐCSVN (từ Bộ trưởng hoặc Ủy viên Trung ương trở lên) có lẽ chẳng có nhân vật nào đạt mức man trá, khả ố, gian dối và làm ô uế ĐCSVN như kẻ có cái cái tên là Hồ Xuân Mãn (HXM). Bản chất lưu manh chính trị và đạo đức suy đồi của HXM không chỉ là nỗi xấu hổ chung cho cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí CCB quê hương Thừa Thiên-Huế trong 6 năm qua, mà nó còn để lại tác hại xấu cho sự lãnh đạo của ĐCSVN cũng như uy tín, danh dự và thể diện của tổ chức này.
Giải quyết dứt điểm việc này không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là trách nhiệm pháp lý và đạo lý của ĐCSVN, cụ thể là Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương và nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Các cơ quan trên không thể làm ngơ, nên giải quyết triệt để, và trả lời dứt khoát cho 4 triệu đảng viên, đặc biệt là các đảng viên – CCB quả cảm ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Các đ/c đã im lặng suốt những năm qua, liệu ta có nên và có thể im lặng mãi mãi?
Hồ Xuân Mãn khi đang chức: Y là 1 trong 3 Bí thư Tỉnh ủy được TBT Nông Đức Mạnh tuyên dương là gương sáng điển hình trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 21/8/2010. Ảnh: internet
HXM sinh năm 1949 tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông ta được cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN 2 khóa liên tiếp (khóa IX và X, từ 2001-2011) và được tín nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế trong 2 khóa liên tục (2000-2010). HXM nổi danh là kẻ lưu manh chính trị, lường gạt siêu hạng, đạt mức “tột đỉnh” của bệnh gian dối, man trá và lừa bịp! Căn bệnh này lan truyền vào nước ta đã khá lâu và lây lan rất mạnh, mấy chục năm qua khiến nhiều người mắc phải. Tuyệt đại đa số người mắc bệnh này là các quan chức trung cao cấp, và mỗi ngày càng thêm đông đảo. Nhưng bị bại lộ như HXM là rất hy hữu, đây có lẽ là trường hợp đầu tiên, nhưng tôi tin chắc đây không phải là kẻ cuối cùng.
Cách đây hơn 3 năm, ngày 24/10/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải ra quyết định “lột” danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” (AHLLVT) đối với HXM, và thu lại toàn bộ số tiền thưởng mà ông ta đã nhận. Đây là sự ô nhục đối với cá nhân HXM, hủy hoại sạch sành sanh thanh danh của y, đồng thời vụ việc này còn để lại vết nhơ khó rửa đối với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiệm kỳ 2006-2011!
Theo quy định, người xin xét tặng danh hiệu AHLLVT phải làm Bản báo cáo thành tích cá nhân, có xác nhận của tập thể lãnh đạo nơi công tác. Ngoài ra, lãnh đạo nơi đó phải làm Tờ trình về việc này, rồi chuyển lên Trung ương. Qua vụ việc này, người dân thấy “một bộ phận không nhỏ” trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế suy đồi đến mức nào! Trong quá trình xin xét duyệt, vai trò và trách nhiệm của ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND Thừa Thiên-Huế (nhiệm kỳ 2006-2011) là rất rõ ràng, không thể chối bỏ. Chính ông Thiện đã thảo Tờ trình “rất đẹp” cho HXM, được tất cả 15 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký xác nhận “thành tích rởm” này, rồi với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thiện ký vào Tờ trình và gửi lên Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương. Ngày 21/8/2010, HXM được gắn vào ngực danh hiệu cao quý AHLLVT. Thế là một cú lừa lịch sử được thực hiện rất ngoạn mục và suôn xẻ, được người ta tiến hành nó rất bài bản và rất “đúng quy trình”!
(Xin mở ngoặc nói thêm cho rõ: Sau vụ việc nói trên, tại Đại hội ĐCSVN lần thứ XI, tháng 1/2011, ông Nguyễn Ngọc Thiện được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế thay cho HXM (nhiệm kỳ 2011-2015). Từ tháng 4/2016, ông Thiện được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho đến nay. Ông Thiện chỉ có học vị tiến sỹ về chính trị-kinh tế Mác-Lê, chẳng có bằng cấp nào về lĩnh vực Văn-Thể-Du cả! Nhiều người cho rằng nếu ông Thiện được bố trí làm Trưởng Bộ môn Golf của Tổng cục TDTT thì phù hợp hơn vì ông này hay đi đánh golf và giỏi đánh golf, đã từng là Á quân trong giải Vô địch Golf 18 lỗ mang tên “Laguna Park Lăng Cô Classic” tổ chức hồi tháng 9/2014 khi ông ta là đương kim Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế).
Vụ việc trên được thực hiện trót lọt, êm đẹp như vậy chính là do sự thông đồng, bao che của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh TTH (nhiệm kỳ 2006-2011). Nhưng các đảng viên chân chính ở đây đã kiên quyết đấu tranh. Khi nghe tin HXM được phong tặng danh hiệu AHLLVT, trên 20 CCB ở huyện Phong Điền (quê HXM) là những đồng đội, đồng hương, cùng công tác, cùng chiến đấu với HXM, có nhiều người từng là cấp trên của y, tất cả đều bất bình và phẫn nội. Họ đã tìm cách lấy được “Bản báo cáo thành tích cá nhân” của HXM, “Tờ trình của UBND tỉnh”, và đặc biệt là “Hồ sơ lý lịch đảng viên” của HXM. Té ra, HXM không chỉ man khai thành tích, cướp công đồng đội để được phong AHLLVT, mà nghiêm trọng hơn, y còn lừa bịp, gian dối, man khai lý lịch để chui vào Đảng từ 44 năm trước!
Theo các CCB huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), việc Nhà nước tước bỏ danh hiệu AHLLVT đối với HXM là thỏa đáng và rất đúng! Nhưng về mặt Đảng, đến nay, các cơ quan TƯ vẫn thoái thác, chưa giải quyết 4 yêu cầu còn lại mà các CCB đòi hỏi. Bốn yêu cầu này là:
1/. Phải kỷ luật đuổi HXM ra khỏi Đảng. Kẻ đã dối trên, lừa dưới, man khai thành tích, cướp công đồng đội, đồng chí chẳng nhẽ vẫn xứng đáng đứng trong hàng ngũ ĐCSVN? Vậy vì lý do gì mà Đảng không khai trừ HXM để làm trong sạch, vững mạnh tổ chức của mình?
2/. Phải thu hồi danh hiệu “Cá nhân tiêu biểu” trong phong trào“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc tuyên dương và gắn tên tuổi HXM vào đây chỉ có tác dụng ngược và tai hại cho cuộc vận động chính trị này của Đảng trên phạm vi toàn quốc!
3/. Phải xem xét trách nhiệm và có hình thức kỷ luật thích đáng đối với ông Nguyễn Ngọc Thiện và 15 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế (nhiệm kỳ 2006-2011) vì đã bao che và đồng lõa ký xác nhận hồ sơ gian dối xin phong tặng AHLLVT cho HXM!
4/. Và đây là yêu cầu quan trọng nhất: Đảng phải công khai công bố cho toàn thể đảng viên Đảng bộ Thừa Thiên-Huế biết HXM có phải là đảng viên không? Và có đúng là HXM khai man lý lịch để chui và Đảng đúng như các đảng viên và CCB ở huyện Phong Điền đã tố cáo?
Cách đây hơn 3 năm, ngày 9/11/2014, Trung tá CCB Hoàng Phước Sum, nguyên Đội trưởng An ninh huyện Phong Điền (cấp trên trực tiếp của HXM trước đây) thay mặt cho hơn 20 CCB ở TTH gửi đơn đến BCT, BBT, UBKTTƯ, và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, một lần nữa nhắc lại và yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và tỉnh TTH phải giải quyết dứt điểm 4 yêu cầu còn lại như đã nói ở trên, đặc biệt là vấn đề Đảng tịch của HXM. Với tư cách là nhân chứng sống và nguyên là cấp trên trực tiếp của HXM, ông Sum khẳng định HXM không hề là đảng viên, y đã gian dối man khai lý lịch để chui vào Đảng. CCB Hoàng Phước Sum còn đính kèm “Đơn phản ánh” của đảng viên lão thành Lê Văn Uyên, 82 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, nguyên Huyện ủy viên, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phong Điền từ năm 1972 đến sau ngày giải phóng (1975).
Đơn phản ánh của đảng viên Lê Văn Uyên khẳng định: “Từ cuối năm 1973 và cả năm 1974, tôi chưa hề nắm hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng HXM để báo cáo cho Thường vụ Huyện ủy Phong Điền chuẩn y! (Lý lịch đảng viên của HXM ghi ngày và nơi vào Đảng là 11/01/1974 tại chi bộ xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh TTH). CCB Hoàng Phước Sum còn cho biết, trong Lý lịch đảng viên, HXM khai 2 đảng viên giới thiệu ông ta vào Đảng là Hoàng Thị Lan và Nguyễn Thị Quyện. Cả 2 nữ đảng viên này đều còn sống, và cả 2 đồng chí đều khẳng định họ không hề giới thiệu HXM vào Đảng!
HXM khi đã về hưu: Y là bậc tha62y trong việc tìm kiếm sự che chở và nâng đỡ của các bậc tiền bối! Ảnh: internet
Thật là hai năm rõ mười và như một với một là hai: Rõ ràng HXM đã khai man lý lịch để chui vào Đảng! Y không chỉ là con sâu, mà là con dòi, một con dòi cỡ bự! Ngày nào “con dòi” này còn ẩn nấp trong cơ thể ĐCSVN, nó không hề làm vẻ vang cho Đảng, mà ngược lại nó chỉ làm ô uế Đảng mà thôi. Vậy xin hỏi, vì lý do gì mà Đảng đến nay vẫn giữ “con dòi” này trong hàng ngũ của mình? Đảng còn luyến tiếc chi mà không tống cổ “con dòi” này ra khỏi tổ chức của mình đi “để làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” như Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI (tháng 1/2012) đã kêu gọi?
Hà Nội, ngày 3/2/2018
N.Đ.Q.
(Viết tặng Trung tá Hoàng Phước Sum và các CCB huyện Phong Điền (TTH) nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập ĐCSVN. Xin coi đây như một món quà nhỏ gửi tặng các CCB huyện nhà cũng như của tỉnh TTH để cảm ơn các anh đã 2 lần lặn lội đến thăm tôi tại nhà riêng. Xin chúc các anh nhiều sức khỏe, mọi sự an lành, tiếp tục kiên cường và giữ vững niềm tin. NĐQ.)
____
Mời đọc lại: Đất cố đô có “vua” (LĐ/ QC). – Những người dũng cảm (TT). – Ai “tiếp tay” cho ông Hồ Xuân Mãn thành Anh hùng? (PLVN). – Dư luận Thừa Thiên-Huế thất vọng về Anh hùng “rởm” Hồ Xuân Mãn (VOV). – Những điều ông Hồ Xuân Mãn học từ ông Hồ Chí Minh? (RFA). – Vì sao ông Hồ Xuân Mãn bị tước danh hiệu Anh hùng?(ĐS&PL). – Nguyên bí thư tỉnh Hồ Xuân Mãn khai man anh hùng vì… 1 triệu đồng/tháng? (MTG). – Ông Hồ Xuân Mãn trả lại tiền trợ cấp anh hùng (TT). – Ông Hồ Xuân Mãn đã làm hư hỏng cán bộ Thừa Thiên Huế như thế nào? (Ngô Minh). – Bí thư tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn tự kể về nhiều cái nhất… (HXM cuộc).

Không có nhận xét nào: