Posted on 03/02/2018
Tác giả: Vũ Đức Liêm
Mâu thuẫn bè phái không phải là đặc sản riêng có của triều Nguyễn, tuy nhiên ảnh hưởng của nó ở đầu thế kỷ XIX là cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa sự thống nhất và ổn định của nền chính trị vương triều. Nhưng đó cũng là một thế giới mà vai trò của các nhà lãnh đạo khôn khéo như Gia Long, mạnh mẽ và tài năng như Minh Mệnh đã giúp kiểm soát và hạn chế xung đột phe nhóm, góp phần vào sự ổn định của vương triều. Một bài học mà nền chính trị Việt Nam sau này có thể tham khảo.
Vào năm 1802, nhà vua mới của nước Việt Nam thống nhất, Gia Long đang ngự trên ngai vàng ở Huế. Dù tổ tiên ông cai trị vùng đất này trong gần 200 năm, với ông, đó vẫn là vùng đất xa lạ nằm dưới sự kiểm soát của kẻ thù (quân Trịnh và Tây Sơn) trong gần hai thập kỷ. Ông cùng gia đình bỏ chạy vào Nam lúc 12 tuổi. Phần lớn các thành viên thân thích bị giết hại và ông cai trị trong một hoàng cung đầy sự nghi kỵ, trên một vương quốc với nhiều xung đột. Bắc Hà là một thế giới khác, nơi cư dân chỉ biết có nhà Lê. Họ coi ông đơn giản là một phiên thần nổi loạn. Phía nam của Huế, vùng Quy Nhơn là thành trì cũ của Tây Sơn. Trên điện triều là những văn thần, võ thần đầy quyền lực, nhìn nhau với sự thù địch: Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Đặng Trần Thường, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương, và các viên chức phương Tây nhiều tham vọng.
Hai thập kỷ sau, ngồi trên ngai vàng lúc này là vị hoàng đế 30 tuổi, Minh Mệnh. Tham vọng thống nhất lãnh thổ, thể chế và tập trung quyền lực của ông sẽ tấn công trực diện vào địa vị và quyền lợi của các phe nhóm chính trị lớn. Dù một nửa trong số các lão thần kỳ cựu theo Gia Long đã rời khỏi võ đài vì tuổi tác hay thất thế do xung đột phe phái, phe chiến thắng: Lê Văn Duyệt và Lê Chất đang ở đỉnh cao quyền lực. Hai người này thống trị Bắc Thành (Bắc Kỳ) và Gia Định Thành (Nam Kỳ) như những “phó vương”. Ảnh hưởng của họ không chỉ dựa trên tay chân thân cận trong triều mà còn ở chỗ Minh Mệnh phải dựa vào uy tín quân sự của họ để chống lại các cuộc nổi dậy và giữ vững bờ cõi trước nguy cơ xâm lấn từ Siam. Đến năm 1821, Duyệt đã theo phò nhà Nguyễn 40 năm, hơn cả tuổi đời của Minh Mệnh. Quyền lực của Duyệt, Chất là không thể thách thức.
Những người này can dự vào một thế giới mà mâu thuẫn giữa quyền thần, phe nhóm có thể dẫn đến sự chao đảo của nền chính trị, cũng như tham vọng quyền lực của họ phủ bóng đen lên ngai vàng triều đại. Nhưng đó cũng là một thế giới mà vai trò của các nhà lãnh đạo khôn khéo như Gia Long, mạnh mẽ và tài năng như Minh Mệnh đã giúp kiểm soát và hạn chế xung đột phe nhóm, góp phần vào sự ổn định của vương triều. Một bài học mà nền chính trị Việt Nam sau này có thể tham khảo.
Các xung đột này bắt đầu từ trước khi Tây Sơn bị đánh bại năm 1802. Sự phức tạp trong thành phần những người theo Nguyễn Ánh là nguyên nhân chủ đạo. Đầu tiên là nhóm công thần Vọng Các (những người bôn ba theo Nguyễn Ánh sang Bangkok từ 1784 đến 1787) và những người gia nhập ở miền Nam với nhóm những người đến sau, từ miền Bắc vào, đặc biệt là hàng tướng Tây Sơn như Lê Chất và Nguyễn Văn Trương. Sự dèm pha đối với những hàng tướng lĩnh này luôn là vấn đề gây chia rẽ quân Gia Định, và buộc Nguyễn Ánh nhiều lần trấn an (ĐNTL; I, q.20).
Mâu thuẫn nhóm thứ hai, quyết liệt và lâu dài hơn, giữa phe tướng lĩnh “trận mạc” Lê Văn Duyệt, Lê Chất với các tướng lĩnh “học giả” như Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường. Quân của Nguyễn Ánh chia làm 5 đạo. Duyệt là Chưởng tả quân, xuất thân thái giám, theo Nguyễn Ánh lúc 17 tuổi, trong khi Thành, Chưởng tiền quân được coi là có học thức, cha là cai đội của chúa Nguyễn. Ông cùng cha phò chúa Nguyễn và Nguyễn Ánh từ lúc 15 tuổi (1773), nổi tiếng trong quân không chỉ ở tài năng quân sự mà còn bởi sự uyên thâm văn chương và khả năng bày mưu tính kế. Đối lập với Thành, Duyệt lấy dũng làm cơ sở tiến thân, như ông thể hiện trong trận Thị Nại (1801).
Cùng phe với Thành là Đặng Trần Thường. Ông đỗ sinh đồ nhà Lê và theo Nguyễn Ánh từ 1794 với chức Hữu tham tri Lại bộ (hàm thứ trưởng). Nổi tiếng với khả năng “gây thù chuốc oán”, Thường nhanh chóng trở thành đối thủ của Chất. Cả Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường tập hợp quanh mình các trí thức Bắc Hà như Vũ Trinh, Nguyễn Gia Cát. Họ đóng vai trò quan trọng trong buổi đầu việc xác lập thể chế của triều Nguyễn cho đến khi Thành bị thất thế năm 1816, dẫn đến sự sụp đổ của cả nhóm này. Cạnh tranh với Thành và Thường là các học giả xuất thân từ Gia Định (và Đàng Trong) như Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng. Những người này giúp Nguyễn Ánh xây dựng hệ thống chính trị ở Gia Định trước năm 1802 và sau này là hỗ trợ Minh Mệnh trong những năm đầu.
Bản tấu của mẹ Chưởng hậu quân Lê Chất là Đào Thị Thôn về việc đấu thầu đầm Vũng Lấm, phủ Quy Nhơn và xin giảm nửa thuế kể từ năm Tân Tỵ về sau. (tháng chạp năm 1820). (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 1).
Lời châu phê của vua Minh Mệnh: “Thuế lệ vẫn như cũ, tuy nhiên xét con của thị có công với nước nhà, vì thế gia ân từ năm Tân Tỵ trở về sau, đặc chuẩn cho Đào Thị Thôn lãnh thầu thửa Ghềnh Miệt, đầm Vũng Lấm, mỗi năm miễn nửa tiền thuế 600 quan, chỉ nộp nửa phần 600 quan, để tỏ ý rất ân dưỡng người già của trẫm. Bộ Hộ biết đó để thi hành”.
Lời châu phê của vua Minh Mệnh: “Thuế lệ vẫn như cũ, tuy nhiên xét con của thị có công với nước nhà, vì thế gia ân từ năm Tân Tỵ trở về sau, đặc chuẩn cho Đào Thị Thôn lãnh thầu thửa Ghềnh Miệt, đầm Vũng Lấm, mỗi năm miễn nửa tiền thuế 600 quan, chỉ nộp nửa phần 600 quan, để tỏ ý rất ân dưỡng người già của trẫm. Bộ Hộ biết đó để thi hành”.
Cùng phe với Duyệt là Lê Chất, một người Bình Định. Ông phục vụ dưới trướng Tây Sơn trước khi đến Quy Nhơn đầu hàng Nguyễn Ánh năm 1799. Hai năm sau, ông được phong Quận công, và 1802, thành Chưởng hậu quân, lãnh binh đánh ra Bắc Hà. Duyệt và Chất cùng sát cánh trong nhiều chiến dịch và có vẻ như cả hai coi thường sự “nhút nhát” của Thành (ĐNTL: I, q. 23; QTCBTY, q.1).
Mâu thuẫn giữa hai nhóm này sẽ định hình lịch sử Việt Nam ít nhất là ba thập kỷ sau đó. Gia Long biết rõ điều này và tìm cách tạo ra sự ganh đua giữa hai bên bằng cách phái Đặng Trần Thường đi theo Thành. Nhà vua Nguyễn sau đó tìm cách dung hòa bằng việc cử Duyệt vào Gia Định và Thành ở Hà Nội. Tài năng của họ sẽ giúp ông quản lí vùng đất này gần như trong suốt thời kỳ trị vì. Thành, với tri thức của mình còn được giao biên soạn Hoàng Việt luật lệ (1812), và rõ ràng là đã gây được ảnh hưởng lớn ở Huế trong những năm 1812-1816, trong đó có cuộc vận động cho con của hoàng tử Cảnh (hoàng tôn Đán) lên kế ngôi.
Phe phái, quyền lực và cuộc tranh giành ngôi vị thái tử năm 1816 là một trong những sự kiện quan trọng nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Sử quan nhà Nguyễn chắc chắn đã cố tình làm giảm tính chất nghiêm trọng của các xung đột này nhằm gia tăng tính chính thống cho ngai vàng của Minh Mệnh. Tuy nhiên, những gì diễn ra cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của cuộc chiến ngai vàng đến tập hợp phe phái và phân chia quyền lực chính trị ở Việt Nam.
Gia Long, lúc này 54 tuổi, nhận ra bầu không khí căng thẳng trong triều đình liên quan đến cuộc chiến kế vị, đặc biệt là bắt đầu hoài nghi cuộc vận động của Nguyễn Văn Thành ở Huế. Văn thần kỳ cựu như Trịnh Hoài Đức, trong một bữa tiệc cũng phải can ngăn rằng “Việc lớn của nhà nước, quyết định do ở lòng vua, nếu người bầy tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội lại lớn.” (ĐNTL: I, q. 51). Với sự “đa nghi” được rèn luyện qua hơn nửa đời người bôn ba, Gia Long rõ ràng nhìn hoạt động này hoàn toàn xuất phát từ ý đồ cá nhân của Thành nhằm thao túng triều chính bằng việc đưa lên ngai một ông vua nhỏ tuổi (ĐNTL: I, q. 51). Để tạo ra đối trọng với Thành, năm 1815, Gia Long gọi Lê Văn Duyệt về Huế. Ban đầu, Duyệt có vẻ như cũng không hài lòng với địa vị “không chính thống” của hoàng tử Đảm (con thứ phi), cũng như lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của một ông vua “Nho giáo” đối với giao tiếp của ông với phương Tây, đặc biệt là thương nhân và giáo sĩ. Mặc dù vậy, Duyệt đã tìm cách thoát ra khỏi “cuộc chiến cung đình” ở Huế năm 1816 một cách an toàn bằng cách tuân theo ý chí của Gia Long. Ông thậm chí còn ghi điểm với nhà vua tương lai bằng việc giúp hạ bệ Nguyễn Văn Thành bằng việc tố cáo bài thơ phản nghịch do con Thành là Nguyễn Văn Thuyên làm (ĐNTL: I, q. 51).
Trong cuộc chiến này, đối thủ của Duyệt và Chất bị tổn thất nặng nề. Ba năm trước, đồng minh thân cận của Thành là Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát trở thành nạn nhân của Lê Chất khi Chất được cử thay Thành phụ trách Bắc Thành. Thường bị giết năm 1813. Khi vụ án bài thơ phản nghịch được đưa lên, Duyệt được cử đi tra xét và Thuyên nhận tội. Nguyễn Văn Thuyên sau đó bị giết, Thành tự sát, và một đồng minh khác của ông ở triều đình là Vũ Trinh bị đày đến Hội An.
Với sự thất sủng của Ngô Nhân Tịnh, sau đó cả Tịnh và Lê Quang Định đều qua đời năm 1813, liên minh của Lê Văn Duyệt, Lê Chất chắc chắn là “phe nhóm” lớn nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Điều này không hoàn toàn có nghĩa là nó được hiểu theo nội hàm hiện đại, liên quan đến tham nhũng và lũng đoạn quyền lực. Chất và Duyệt đại diện cho thế hệ các lão thần cuối cùng của thời đại Gia Long: các tướng lĩnh quân sự nắm giữ các vùng đất địa phương trong sự đối đầu với một ông vua cải cách tập quyền hóa, với mong muốn thâu tóm quyền lực địa phương qua con đường trực trị.
Họ chống lại cải cách hành chính với sự gia tăng lễ nghi triều đình và sự phức tạp hóa của nền chính trị. Khi Trịnh Hoài Đức được yêu cầu tham khảo điển chế cũ để tấu lên thi hành, hai người này tấn công trực tiếp vào Đức và cáo buộc ông thao túng, dèm pha vị vua mới lên ngôi (Liệt truyện, q. 24). Cáo buộc này không gì khác là một tấn công trực diện vào dự án chính trị tâm huyết của Minh Mệnh.
Lại bộ Tả thị lang Lê Bá Tú nêu ra 16 tội của Lê Chất (1835). (Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển 24).
Theo sau vụ án, vợ Lê Chất là Lê Thị Sa bị đày lên Cao Bằng. Năm người con (4 trai, 1 gái) bị giết và gia sản bị tịch thu 22,000 quan tiền.
Quan hệ giữa Lê Văn Duyệt, Lê Chất với Minh Mệnh là một trong những ẩn số phức tạp nhất của cấu trúc chính trị Việt Nam trong những năm 1820. Duyệt và Chất phản ánh cách thức vận hành quyền lực cũ, phân tán thời Gia Long trong xung đột với một ông vua tìm cách thâu tóm quyền lực, thiết chế hóa lễ nghi, điển chế. Cuộc tấn công của Minh Mệnh vào Thiên Chúa giáo chắc chắn đã làm Duyệt không hài lòng. Ông đã đi theo Nguyễn Ánh từ những ngày đầu tiên và vẫn còn nhớ sự giúp đỡ của giáo sĩ phương Tây cũng như lính đánh thuê trong đạo quân đã đánh bại Tây Sơn. Ông cũng thấy được vai trò của thương mại trao đổi với phương Tây đối với nền kinh tế vùng hạ lưu Mekong, đặc biệt là các vũ khí mới giúp ông đủ sức đương đầu với quân Siam ở Cambodia. Với Duyệt, sự thịnh vượng và an toàn của vùng đất ông cai trị gắn liền với giao thương với bên ngoài. Vì thế, phản ứng của Duyệt và Chất đối với Minh Mệnh nhằm hạn chế sức ép từ Huế là điều dễ hiểu (Liệt truyện, q. 24, Choi 2004).
Ở một khía cạnh khác của mối quan hệ phức tạp này, cũng chính Duyệt là người thực hiện bản án cuối cùng dành cho vợ của hoàng tử Cảnh vào năm 1824. Sự kiện được ghi lại đó là khi có người cáo việc riêng của Hòa công Mỹ Đường dâm loạn với mẹ là Tống Thị Quyên, Duyệt mật đem việc ấy tâu Minh Mênh. Nhà vua đã sai bắt Tống Thị đóng cũi giải đến cho Duyệt đem dìm chết và giáng Mỹ Đường (hoàng tôn Đán) làm thứ dân (Liệt truyện, q. 22).
Minh Mệnh rõ ràng không hài lòng với hai viên nhất phẩm đại thần, chưởng quân và tổng trấn hai thành Bắc, Nam, nhưng ông có chiến thuật riêng của mình. Thành công của ông trong việc loại bỏ dần quyền thần, chống lại xu thế bè phái và lũng đoạn quyền lực dựa trên ba công cụ chủ yếu.
Thứ nhất, ông tập trung đào tạo lớp nho sĩ mới, những người trung thành với ông và có cùng ý chí thực hiện dự án chính trị tập quyền hóa. Bằng việc mở khoa thi chọn tiến sĩ hai năm sau khi lên ngôi (1822), hơn một thập kỷ sau đó, ông có trong tay gần 80 tiến sĩ và phó bảng để thay thế cho các cựu thần và tướng lĩnh cũ.
Thứ hai, dùng chính công cuộc cải cách hành chính, quân sự như một đòn bẩy để “thay máu” nền chính trị. Dùng sự phức tạp của nền cai trị hậu chiến để đẩy phe “quân sự” dần rút lui khỏi địa hạt chính quyền. Trong dụ về thành lập Nội Các năm 1829, Minh Mệnh tỏ ra cẩn trọng đặc biệt đối với quyền thần và bè phái và quyết tâm sử dụng sự ràng buộc thể chế để kiểm soát hệ thống thay vì đặt niềm tin vào cá nhân (châu bản Minh Mệnh, tờ 83, tập 40).
Thứ ba, dùng hình pháp nghiêm khắc để ngăn chặn nguy cơ của bè phái và lũng đoạn quyền lực trong triều, cho dù là những dấu hiệu nhỏ nhất. Không chỉ cấm quan lại không được làm quan tại quê nhà; cấm quan lại không lấy vợ ở nơi cai trị; cấm quan lại không được kết giao, hôn nhân với vương công, quý tộc; cấm quan lại cấp cao thăm viếng nhau (trừ khi có việc công); cấm quan lại chấm thi khi có người nhà ứng thí, cấm những người trong cùng gia đình bổ nhiệm cùng cơ quan…
Đến năm 1834, Minh Mệnh đã thành công với dự án tập quyền hóa lãnh thổ và chính trị của mình, đồng thời “thay máu” cho nền hành chính bởi một thế hệ quan chức mới. Tuy nhiên, nền cầm quyền ngắn ngủi của Thiệu Trị (1841-1847) và sự yếu ớt của Tự Đức (1848-1883) đã không thể tiếp tục duy trì hệ thống do Minh Mệnh tạo ra. Sự quan liêu hóa là một tất yếu của tất cả các hệ thống hành chính. Minh Mệnh với một bàn tay mạnh có thể giữ được hệ thống vận hành và bảo đảm rằng không một quan chức nào có thể lũng đoạn hệ thống. Việc ông đọc và châu phê hàng chục nghìn tấu sớ trong hai thập kỷ cầm quyền cho thấy không chỉ tỉnh táo và chặt chẽ trong quản lí hệ thống hành chính mà còn là khả năng đủ sức làm việc để bao quát được nền chính trị. Cháu của ông, Tự Đức hoàn toàn không có ý chí chính trị mạnh mẽ đó, và hệ thống vì thế ngày càng lệ thuộc vào các viên chức quyền lực như Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương…
Cuối cùng, phe phái là sản phẩm của sự vận hành các hệ thống chính trị, xã hội nơi mà dựa theo hệ tiêu chí nào đó, các cá nhân tập hợp lại với nhau dưới cùng một mục tiêu, lợi ích. Lợi ích nhóm vì thế luôn song hành và chi phối sự thăng trầm của các xã hội. Mặc dù vậy, sự quyết liệt và chặt chẽ của Minh Mệnh đã góp phần hạn chế hình thành và lũng đoạn của các đại thần quyền lực và các nhóm lợi ích. Lịch sử ghi nhận đóng góp này, mà nhờ đó sự thống nhất chính trị và lãnh thổ của nước Việt Nam hiện đại được bảo tồn và củng cố.
Tham khảo
- Cao Xuân Dục. QTCBTY-Quốc Triều Chính Biên toát yếu. Bản Hán: thư viện Quốc gia; bản dịch: Huế: Thuận Hóa, 1998.
- Châu bản triều Nguyễn, thời Minh Mệnh, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.
- Choi Byung Wook. 2004. Southern Vietnam under the Reign of Minh Mạng. Ithaca, N.Y: Cornell University Press; bản dịch, Hà Nội: Thế giới, 2011.
- Đại Nam Thực Lục (ĐNTL): bản Hán: Tokyo, 1977, bản dịch, Hà Nội: Giáo dục, 2004.
- Đại Nam liệt truyện: bản Hán, Tokyo: 1977, bản dịch, Huế: Thuận Hóa, 1993.
Hình: Đền thờ tả quân Lê Văn Duyệt tại Q. Bình Thạnh, TP HCM.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét