Có lần tôi đã gọi phóng viên ra đánh nhau tay đôi nhưng người ta sợ. Một phóng viên nữ khác thì lấy ảnh tôi bỏ lên một lá bài rồi viết bài mê tín dị đoan, dẫn sai câu nói gây hiểu lầm. Tôi đến tòa soạn để gặp thì người ta tránh, sau đó hẹn ra quán cafe.
Người ta nói nhỏ, tôi nói to, làm um sùm cả quán. Lần đó, tôi tức lắm....
Hồi đó, tôi có một cuốn sổ ghi tên những người từng gây thù chuốc oán, hất đổ chén cơm của tôi nhưng dọn nhà thì bị mất. Tôi cũng chưa trả thù lần nào vì nghĩ sự trả thù chỉ mang đến cảm giác thỏa mãn nhất thời, còn việc mình làm đau lòng một ai đó, làm ác điều gì đó sẽ không bao giờ rút lại được.
Hôm nay người ta yếu hơn mình nhưng vài năm sau biết đâu người ta sẽ mạnh hơn và quật lại mình. Chi bằng cứ lấy đức báo oán để người ta quay đầu và dành cho mình sự kính nể. Mỗi lần làm được điều đó, tôi thấy đã lắm.
Nhiều người nói, Đàm Vĩnh Hưng hát nhạc thị trường nhưng tôi không khó chịu, bởi nhạc của tôi đâu đâu cũng có người nghe, đó là sự thành công, có nhiều người muốn như vậy nhưng đâu có được. Bất kỳ một ca sĩ nào bước vào con đường này đầu tiên phải là đam mê chứ không phải chuyện hát nhạc hàn lâm hay bác học.
Không ai xác định điều đó cả. Rồi sau khi hoạt động nhiều năm, người ta mới tìm được màu sắc âm nhạc của mình. Còn với Đàm Vĩnh Hưng, sự nghe, tình yêu của mọi người và cách mình kiếm ra tiền như thế nào mới gọi là đẳng cấp. Mình phải làm sao để mười mấy năm trời, khán giả vẫn cứ lao tới thì mới là đẳng cấp.
Nghề hát cũng giống như một ngôi chợ thôi và ca sĩ là người bày món hàng ra bán, khách mua đông là do món hàng đó hợp với người ta, họ xài được thì mới chọn mua. Hoặc có những người kỹ tính, người ta chọn những món đặc biệt hơn. Trời ơi! Cả nước này, chỗ nào mà không phải thị trường, ngay cả gia đình cũng là một thị trường nữa, bán mua, đổi chác, tính toán đều có, huống hồ gì cả một showbiz lớn như vậy. Tôi chỉ muốn được là ca sĩ quốc dân thôi.
Còn những người mang sự học của mình ra để chê bôi giọng hát của tôi chẳng qua là vì người ta có ác cảm, ganh tị với thành công của tôi. Thật lòng mà nói có người nào dạy hát mà nổi tiếng không? Không có. Cho nên, đừng lấy việc học hành của mình ra để phán xét người này người kia, phải nhận xét như thế nào để người ta nể, cảm thấy kính phục thì mới là hay.
Còn việc chê thì khắp nơi, xó xỉnh nào cũng có lời chê, ai cũng có thể chê bai người khác. Có một vị giáo viên dạy nhạc bình luận giọng hát của tôi thế nọ thế kia, tôi đã trả đũa bằng cách nói rằng: "Tôi chấp tất cả mọi người trong trường, tôi cho 3 năm để lấy vị trí của tôi, làm được thì nói chuyện tiếp còn không được thì đóng trường đi". Vì người ta mạt sát tôi quá nên tôi phải coi thường họ lại liền.
Đó là còn chưa kể mấy chục triệu khán giả của tôi trên đất nước này, họ là gì? Họ là ai? Chẳng lẽ họ có vấn đề về thần kinh hết hay sao nên mới chạy theo tôi? Tôi không phải là hiệp sĩ mù, tôi học nhạc lý trong nhà thờ từ bé rồi học với giáo viên riêng, tôi đánh guitar, chơi piano vỡ bài cho mình được.
Hồi đó tôi không có điều kiện để đến trường học, tôi phải làm tóc để nuôi sống bản thân và gia đình. Mỗi ngày sau giờ làm, tôi chỉ có 2 tiếng đồng hồ để lao đến nhà văn hóa học hát. Như thế là xấu à? Một người được đào tạo trong môi trường khắc nghiệt như vậy để có thành công ngày hôm nay có đáng quý không? Quá quý đi chứ. Như vậy có hơn việc được đào tạo năm này qua tháng nọ, mười mấy năm trời để cuối cùng đều bị rơi vào quên lãng hoặc không ai biết tới?
Đó là tôi không muốn nói đến các học trò lâu năm của vị giáo viên dạy nhạc đó phải đi hát bè cho tôi. Tôi từng làm việc với rất nhiều sinh viên nhạc viện, các bạn được học hành đàng hoàng, nghiêm túc nhưng vẫn thích nghe Đàm Vĩnh Hưng hát đó thôi.
Đừng có mạt sát và chà đạp Đàm Vĩnh Hưng, nhất định tôi sẽ giãy giụa và chà đạp lại. Tôi là như vậy, cắn tôi một miếng tôi sẽ cắn lại một miếng liền. Tát tôi một cái tôi sẽ tát lại liền, tôi không bao giờ để cho ai leo lên đầu lên cổ mình ngồi hết. Đó là tính cách của Đàm Vĩnh Hưng. Lúc nào cũng phải 1-1 chứ không có chuyện 0-1.
Nóng tính, nhanh nhẹn, tình cảm, háo thắng, hung dữ, mạnh mẽ, lì lợm, bản lĩnh, ý thức, biết sống, chịu đựng, nhất là từ chịu đựng, đó là Đàm Vĩnh Hưng. Cũng vì nóng tính nên tôi đã rơi vào không ít scandal, nhất là vụ lùm xùm với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Tất nhiên tôi giận dữ cũng có lý do nhưng tôi nghĩ nếu bản thân bình tĩnh thêm chút nữa, mình sẽ có chiến thắng lớn hơn. Sau này chú thừa nhận bài viết đó đã bị sửa.
Có thời điểm tôi cũng bất mãn với báo chí vì bị đưa thông tin sai như vụ đám tang Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Việc tôi từ trên xe bước xuống mang kính đen là để từ chối tia nhìn của những người xung quanh, đi một đoạn đường dài khi gần đến đầu ngõ thì tôi mới tháo kính ra thì bị quy là tạo dáng, người nhà của Đại tướng nói tôi nên vào trong luôn để tránh tình trạng hỗn loạn thì lại bị trách không xếp hàng.
Sở thích phán xét của họ khiến tôi cảm thấy chán nản. Có lần tôi đã gọi phóng viên ra đánh nhau tay đôi nhưng người ta sợ. Một phóng viên nữ khác thì lấy ảnh tôi bỏ lên một lá bài rồi viết bài mê tín dị đoan, dẫn sai câu nói gây hiểu lầm. Tôi đến tòa soạn để gặp thì người ta tránh, sau đó hẹn ra quán cafe. Người ta nói nhỏ, tôi nói to, làm um sùm cả quán. Lần đó, tôi tức lắm.
Ngày xưa là vậy, có việc gì tôi nhao nhao lên, tìm số điện thoại xử lý ngay lập tức. Lúc ấy, tôi sống bản năng, xả láng, để mọi thứ đều để tự nhiên chứ không có sắp xếp, toan tính hay mưu cầu gì cả vì tôi không nhận ra bản thân nổi tiếng ra sao, sức ảnh hưởng của mình như thế nào, vài năm nay tôi mới thay đổi.
Rồi chuyện người ta nói tôi khoe của. Sai! Tôi không bao giờ khoe, tôi không có khùng điên như thế. Tôi đi hát rất trễ, 28 tuổi mới bắt đầu sự nghiệp, 31 tuổi mới nổi tiếng nên tôi đủ trí khôn để không làm việc đó, tôi có thể không giỏi cái này cái kia nhưng tôi không ngu nên không bao giờ có chuyện khoe của lố bịch.
Fan biết về Đàm Vĩnh Hưng trên sân khấu rồi họ quan tâm tôi ở nhà ăn cái gì, mặc cái gì. Và những chuyện tôi đưa lên báo cũng là một cách để phục vụ, thỏa mãn chí tò mò của khán giả. Vậy thôi. Còn chuyện tôi đi họp báo xách túi, mang trang sức là hết sức bình thường nhưng người ta chụp, zoom vào, tìm giá tiền của nó rồi áp đặt tôi tội khoe của. Hành động đó khiến tôi bị hiểu lầm là một kẻ lố bịch.
Tôi lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, cách mọi người trong gia đình bày tỏ tình cảm rất gượng gạo và khan hiếm. Nhiều khi tôi tự hỏi, mình có được thương thật hay không để rồi khi lên tới đỉnh điểm, tôi tự nhủ rằng mình không có người thân, chỉ có khán giả. Thế nên, bất kỳ ai thương tôi, tôi đều trân trọng.
Nhưng đặc biệt, trong quan hệ bạn bè hay người yêu, tôi luôn muốn được quan tâm, chiều chuộng và tấn công. Cũng có nhiều người sẵn sàng làm điều đó nhưng quan trọng là tôi có thấy ở họ đủ những thứ tôi cần hay không. Cũng có khi tôi định yêu ai đó rồi lại nghĩ: "Lỡ sau này mình gặp ai đó ngon hơn thì sao". Cứ như vậy, tôi luôn muốn leo lên bậc cao nhất của chiếc cầu thang.
Cái kiểu thích làm khó mình của tôi không chỉ tồn tại ở phương diện tình cảm mà ở mọi mặt của cuộc sống. Đó là lý do tất cả những bài hát ghi âm nào tôi cũng muốn thu lại, những đêm nhạc sau của tôi luôn khó hơn, cao hơn đêm trước. Những yêu cầu về sự hoàn hảo luôn có ở trong đầu Đàm Vĩnh Hưng và chúng gần như là bất tận.
Hiển nhiên, sự thành đạt ngày hôm nay có một phần đóng góp của những đòi hỏi cao đó. Người ta có thể chọn nhà chung cư nhưng Đàm Vĩnh Hưng thì không. Nhìn nhà tôi mà xem, tất cả mọi thứ trong nhà từ cái ly cho tới cây đèn, viền của khăn ăn cho tới cây đũa phải ăn khớp với nhau, giấy dán tường hay gạch lát phải từng thứ một, không được lẫn vào nhau. Mấy ai dám bỏ cả trăm triệu ra để may lại rèm cho một rạp hát đã có sẵn nhưng Đàm Vĩnh Hưng sẵn sàng làm điều đó. Đó là tính cách của tôi rồi.
Cuối năm 1996, tôi bắt đầu bước lên sân khấu. Cát-xê hồi đó được 15.000, tôi lấy nghề tóc nuôi nghề hát. Đó là khoảng thời gian ghê lắm. Người ta nhìn mình còn không muốn nhìn chứ đừng nói đến chuyện nghe mình nói cái gì.
Đi hát phải chờ lúc người ta không tới kịp mới đến phiên mình. Mọi thứ đều không có quyền lựa chọn, không có tiếng nói. Muốn hát một bài với guitar cũng không được, một là phải giật đùng đùng, hai là phải sến cho ra nước luôn, hát kiểu đó thi thì về nhà mà hát.
Trong khi đó, các ngôi sao tới thì cứ lao ra sân khấu mà hát, bất chấp sự chờ đợi của cả một đám người đang khao khát được bước lên sân khấu. Tôi uất lắm, ức kinh khủng nên sau này không bao giờ đối xử kiểu đó với em út, đồng nghiệp.
Có lần đi hát ở tỉnh, khi vừa tới thì có một em ca sĩ hát lót lại gần nói: "Anh ơi, em đã chờ rất lâu. 6h30 đã có mặt mà bây giờ là 11h đêm, em vẫn chưa được hát", tự nhiên tôi thấy hình ảnh mình trong đó.
Định để em lên hát thì MC đã giới thiệu đến tên rồi. Tôi chỉ kịp dặn em đứng chờ đừng về rồi lao lên sân khấu. Hát xong bài thứ nhất, tôi nói với khán giả về trường hợp của em bằng chính nỗi lòng và câu chuyện của mình rồi mời em lên hát một bài. Đêm đó hát xong, em ôm tôi khóc quá trời.
Năm 1998, tôi thi vào trung tâm ca nhạc nhẹ cùng Mỹ Tâm, Vũ Hà, Quốc Đại, Nhất Thiên Bảo, Nini Khanh, Phan Đinh Tùng, Quách Tuấn, Kim Thanh, 1088. Mỗi sáng thứ hai lên họp ở Trung tâm ca nhạc nhẹ, nghe mọi người kể đêm qua hát chỗ này chỗ kia thèm muốn chết.
Tôi chỉ là người cắt tóc thôi, ai biết đâu mà mời, mà mướn. Để được hát, tôi đi theo mấy ca sĩ có show để hát chào hàng. Hát xong được mời thì hát tiếp, không thì thôi, nhưng ít nhất tôi cũng được lên sân khấu hát rồi.
Hồi xưa khán giả Sài Gòn chuộng ca sĩ phía Bắc lắm nên đi xin hát toàn phải giả giọng Bắc. Tôi nhớ có lần Vũ Hà dẫn tôi đi hát, giới thiệu với bầu sô là đứa em ở quê mới vào, người ta cho thử ngay. Hát xong người ta bảo: "Thôi Hà ơi, bữa sau mày nghỉ đi nhá, để cho em mày hát". Thế là Vũ Hà chửi tôi quá trời.
Quãng thời gian ấy kéo dài 4 năm. Có nhiều bạn bè khuyên tôi đừng đi hát, đừng đam mê hão huyền nữa. Nhưng ai nói gì tôi cũng chỉ cười, cản quá tôi nghỉ chơi luôn, không nói chuyện nữa.
Tôi nghĩ rằng, cứ để cho tôi lên sân khấu đi, tôi sẽ biết cách làm cho quý vị bị mê hoặc, bị cuốn hút bởi hàng ngày, tôi luôn cảm thấy có ai đó nói vào tai: "Nhất định phải nổi tiếng, mày sẽ là một người khác". Thế nên, tôi mới giữ gìn tất cả những bài báo viết về bản thân từ những ngày đầu mới vào nghề, chắc không nghệ sĩ nào nghĩ rằng mình sẽ nổi tiếng để giữ mấy cái đó đâu nhưng tôi giữ hết, để sau này làm lưu niệm.
Câu chuyện của tôi và anh dừng lại sau câu nói đó, không phải vì giữa chúng tôi không còn gì để hỏi, để trả lời mà bởi anh còn phải dành thời gian viết tiếp đam mê. Đàm Vĩnh Hưng nói sắp tới anh sẽ ra sách, đó sẽ là chìa khóa mở ra những bí mật vẫn đang được chôn giấu, những điều từng khiến anh phải rơi nước mắt. Có lẽ chúng ta sẽ đợi...
Cẩm Giang
Nhân vật cung cấp
AnhGreen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét