Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh- Thương cho dân ta quá

21/09/2016

Nguyễn Hoa Lư
21-9-2016
h1
Sáng mai, nhà nước lại đem anh Ba Sàm ra luận tội. Đám “thông tấn vỉa hè” lại xôn xao luận anh hùng. Tôi tìm đọc một bài viết cũ, thực ra là một câu chuyện nhỏ, Ba Sàm kể chuyện đi làm gia sư, “xóa mù vi tính”, “cậu học trò” là cựu bộ trưởng bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc.
Mười năm giữ chức Thượng thư bộ Hình ở Đại Cồ Việt chi xứ, theo lời kể của người giúp việc, ông NĐL có “sức làm việc phi thường” khiến người đồng nhiệm xứ Nhật Bổn phải lắc đầu rụt vai thán phục rằng ông làm việc như “rô bốt”. Một chi tiết (không biết nên cười hay nên khóc), ông tự tay “kí tươi” bảy ngàn bằng khen và giấy chứng nhận trongmột dịp khen thưởng. Mười năm ông chủ trì xây dựng hàng chục bộ luật và pháp lệnh; phê duyệt hàng chục nghị định, chỉ thị thông tư; thẩm định hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật… Gương mặt mỹ miều của nền Tư pháp Việt ngày nay chắc phải chịu ơn ông nhiều lắm.
Hết quan hoàn dân, ông về hưu, một ngày đẹp trời, ông cùng nhóm nhân sĩ trí thức đỉnh đạc trao kiến nghị sửa đổi hiến pháp 1992. Mấy hôm sau, thiên hạ nhìn thấy ông quan lớn hiện lên trên ti vi, bộ dạng lúng túng, cách trả lời loanh quanh, dè dặt. Cộng đồng mạng dậy sóng, nhiều lời dè bỉu, tức giận, thóa mạ giáng xuống ông.
Đêm đó, Ba Sàm viết một bài ngắn, “Nguyễn Đình Lộc- “cậu học trò U80”.
Chỉ vài nét phác họa, đời sống thường nhật của vị mệnh quan triều đình hồi hưu thanh bần như một quan chức vô danh. Gia sư Ba Sàm kể.
Nhà “học trò” Nguyễn Đình Lộc cách trung tâm thủ đô 10 cây số, ở trong một ngõ nhỏ sâu hun hút, rẽ trái, rẽ phải mấy lần mới tới. Hai ông bà già ngày ngày lặng lẽ bên nhau. Bà bị chứng vôi hóa đốt sống cổ, thỉnh thỏang đau, phải nằm bất động, nhưng vẫn chợ búa, nấu nướng, chăm sóc ông từng li từng tí; vậy mà còn phải đáp 4 chuyến ô tô buýt đi, về mỗi ngày tới nhà con gái chăm sóc cháu ngoại mới sinh.
Có lẽ rất cảm thông với bà, ông tự tay pha nước, gọt trái cây … mời “gia sư”. Có hôm, bà đi chợ, ông lại quên, khóa cửa bên trong làm bà về không mở được, thế là ông vội xuýt xoa xin lỗi thật tình cảm, mặc dù bà cũng chỉ hơi càu nhàu.
Vốn ngại “ăn cơm khách”, lại thêm nhiều việc bấn bíu, nên phải vài bận tôi từ chối khéo lời mời ở lại ăn cơm. Thế nhưng từ chối mãi cũng không đành; lại thêm một dịp hiểu cuộc sống của hai ông bà.
Theo Ba Sàm thì trên ti vi, các hình ảnh về ông NĐL đã bị cắt ghép, rằng “trò gian trá, bẩn thỉu quá lộ của thứ truyền thông có “định hướng” thời nay, đánh lừa được không ít người nhẹ dạ, đã từng được thực hiện không biết bao nhiêu lần.”
Câu chuyện được post lên, lập tức nhận được nhiều comment đa chiều. Sáng hôm sau Ba Sàm ngồi viết thêm mấy dòng tái bút, “tôi không cầm được nước mắt – thương cho dân ta quá! Bị úp vào đầu thứ gông cùm ghê gớm, trở thành hết thảy là những kẻ đớn hèn, tới độ một ông tướng công an lúc về hưu, ngẫm mãi sự đời rồi cũng phải thốt ra chân lý: hèn!”.
Sau bài viết của Ba Sàm, dư luận dịu đi, nhiều trí thức lên tiếng bênh vực NĐL. Thật trớ trêu. Vị quan đầu triều ngành tư pháp khi về làm thảo dân, sống đời “tử tế”, vừa mới thể hiện hành động của một công dân công chính lại suýt phải chịu cái án ngàn năm bia miệng! “Đối đầu với một cỗ máy khổng lồ với đủ thứ thủ đoạn đê hèn”, không có cơ hội bào chữa, vị lão quan được giải oan nhờ các nhà báo “vỉa hè”.
Xung quanh câu chuyện về NĐL, Ba Sàm ngộ ra chân lý đau đớn, rằng trên đất nước này “kẻ hèn nhiều lại đi bắt nạt kẻ ít hèn hơn, chỉ để đè nén, che đậy nỗi khiếp nhược của mình”. Hơn một năm sau, anh Ba Sàm bị bắt khẩn cấp, bị kết tội viết bài chống phá nhà nước. Có phải người ta bắt anh để che đậy sự “khiếp nhược”? Có phải từ lúc Ba Sàm bị nhốt vào ngục đến nay, sự khiếp nhược trùm lên như bóng mây ngày một đen đặc hơn?

Mời xem lại một bài viết cũ “Ba Sàm luận”

Không có nhận xét nào: