Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

VTV của ông Trần Bình Minh cổ súy; Báo Nhân Dân:Lo ngại chung quanh dự án thép tại Cà Ná



Nhiều dự án ngành thép thời gian qua gặp khó khăn, buộc phải ngừng thi công. Trong ảnh: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Công ty Gang thép Thái Nguyên, do gặp nhiều khó khăn đã ngừng thi công từ năm 2012 đến nay.
 Font Size:     |  
Vừa qua, dư luận tiếp tục “dậy sóng” với “siêu dự án” thép có tổng mức đầu tư lên đến hơn 10,5 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm, do Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ triển khai tại Cà Ná (Ninh Thuận). Sau hàng loạt bê bối ở các dự án thép như Guang Lian (Quảng Ngãi), Tisco giai đoạn II (Thái Nguyên) và gần đây là thảm họa môi trường tại Formosa (Hà Tĩnh), “siêu dự án thép” này đã thổi bùng lên trong các chuyên gia kinh tế cũng như dư luận xã hội nói chung sự lo ngại, hoài nghi,…
“Chạy nước rút” vào quy hoạch
Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen tại Cà Ná - Ninh Thuận” tuy mới ở những nét vẽ phác thảo, sơ khai, song đã được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến năm 2025 một cách “thần tốc” theo Quyết định số 3516/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 25-8 vừa qua. “Thần tốc” bởi chỉ trước đó vài ngày, trong danh mục chương trình, dự án đầu tư chủ yếu tại Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, phê duyệt ngày 22-8, đã không có tên dự án khu liên hợp luyện cán thép của Hoa Sen tại Cà Ná.
Việc bổ sung dự án vào quy hoạch ngành cấp quốc gia cần tuân thủ các trình tự pháp luật, từ phê duyệt chủ trương điều chỉnh Quy hoạch, ý kiến của Hội đồng thẩm định, của Chính phủ về việc điều chỉnh, cuối cùng mới thực hiện việc điều chỉnh. Nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn nêu quan điểm lo ngại về đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và bày tỏ sự bất ngờ khi Bộ Công thương đưa vào quy hoạch dự án này. Quy hoạch sẽ không còn ý nghĩa khi cứ có bất kỳ dự án nào doanh nghiệp muốn làm thì lại được bổ sung vào quy hoạch. Việc “chạy nước rút” vào quy hoạch của dự án này đã thể hiện vai trò của các cơ quan quản lý khiến người ta không thể không đặt dấu hỏi về quy hoạch chạy theo lợi ích địa phương, lợi ích ngành...
Cho đến nay, người ta cũng mới chỉ biết dự án được vẽ ra với tổng mức đầu tư lên tới hơn 10,5 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm, còn lại mọi thứ đều khá mập mờ. Trả lời báo chí, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen khẳng định: Dư luận cho rằng Hoa Sen sẽ áp dụng công nghệ Trung Quốc, nhưng hiện nay các công đoạn chỉ mới ở bước sơ khởi, đang chờ chào giá công nghệ và thương mại. Công ty có ý tưởng đầu tư vào Cà Ná từ cuối năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ giấy phép nào cho dự án này mà mới chỉ có biên bản thỏa thuận hợp tác với các cơ quan chính quyền Ninh Thuận, đang trong quá trình xin thủ tục cấp phép.
Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam Phạm Chí Cường nhận định: Việc Bộ Công thương bổ sung dự án thép Cà Ná vào quy hoạch ngành thép là quá vội vã và thiếu thận trọng. Hiện Việt Nam chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng nhưng sau này, khi Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, dự kiến sẽ đạt sản lượng hơn 20 triệu tấn thép. Bộ Công thương mới đây cũng đã bổ sung dự án thép Nghi Sơn - Thanh Hóa vào quy hoạch với công suất 7 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 4,3 tỷ USD, thời gian thực hiện từ 2015 đến năm 2017. Như vậy, đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 50 triệu tấn thép/năm, trong khi theo tính toán, nhu cầu thép của Việt Nam đến năm 2030 cũng chưa tới mức 40 triệu tấn.
Mặc dù Vụ trưởng Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) Trương Thanh Hoài khẳng định không có chuyện vội vàng khi đưa dự án thép này vào quy hoạch, bởi đây là quy hoạch mở, chỉ mang tính chất định hướng, việc bổ sung hay điều chỉnh có sự linh động và theo thị trường, song các chuyên gia cũng cảnh báo cơ quan quản lý cần hết sức cẩn trọng. Việc đưa vào quy hoạch với dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như dự án này là trách nhiệm từ Chính phủ đến các bộ, ngành liên quan. Thậm chí, nhiều chuyên gia ngành thép nhận định, Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến năm 2025 do Bộ Công thương phê duyệt đầu năm 2013, có đưa ra sản lượng sản xuất lên tới 39 triệu tấn thép vào năm 2025 là không dựa trên các tính toán khoa học, thực chất chỉ là cộng dồn số lượng các dự án thép lại.
Có đủ năng lực về vốn?
Với tổng mức đầu tư hơn 10,5 tỷ USD cho dự án thép công suất 16 triệu tấn/năm, xây dựng ven biển Ninh Thuận, liệu Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen có đủ sức? Để đầu tư dự án lên tới 10 tỷ USD, đòi hỏi năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tương đương các Chaebol - tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia của Hàn Quốc. Năng lực thực tế của doanh nghiệp Việt Nam còn mỏng, từ trước đến nay chưa có dự án nào quy mô lớn đến thế này cho nên càng cần cảnh giác với các "bong bóng" trong hoạt động kinh tế.
Theo lộ trình, dự án Hoa Sen Cà Ná sẽ được chia thành hai giai đoạn với bốn phân kỳ, trước mắt chỉ bàn đến việc triển khai phân kỳ đầu, tổng vốn cần thiết khoảng gần 14 nghìn tỷ đồng. Việc đầu tư máy móc, thiết bị nhà xưởng sẽ tiêu tốn hơn 11 nghìn tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD). Kế hoạch về vốn mà Hoa Sen đưa ra, vốn tự có sẽ chiếm 18% (tương ứng 2.500 tỷ đồng), hơn 11 nghìn tỷ đồng còn lại sẽ vay ngắn hạn và trung hạn. Nhìn vào năng lực của Hoa Sen hiện nay, vốn tự có chỉ vài nghìn tỷ đồng, nhưng đầu tư dự án lên đến hơn 10 tỷ USD, đó là việc khó ngang “giơ tay với sao”.
Thực tế, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen hiện nay chưa bán cổ phiếu, cổ phần cho nên kênh thu hút vốn từ thị trường chứng khoán không khả thi. Về việc vay vốn dài hạn, trung hạn tại ngân hàng, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết chủ yếu vay vốn từ Ngân hàng Công thương, cho dù đây là ngân hàng lớn, song cũng chưa đủ đáp ứng. Mặt khác, doanh nghiệp sẽ lấy gì làm tài sản thế chấp để vay hơn 11 nghìn tỷ đồng cho phân kỳ đầu? Việc tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài cũng chưa khả quan, nhất là đối với ngành thép. Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh mới có thể vay được và nếu làm điều này sẽ phát sinh tăng nợ công quốc gia.
Thế giới đang trong xu thế dư thừa thép. Trung Quốc đang dư thừa hàng trăm triệu tấn công suất, nếu xây dựng quy hoạch, không tính toán đến thị trường thế giới là không ổn vì nước ta đang mở cửa hội nhập, việc dựng “hàng rào kỹ thuật” để ngăn thép ngoại tràn vào là không khả thi. Xét trên nhiều yếu tố, cơ quan quản lý cần xem xét lại tính khả thi khi cấp phép cho các dự án thép. Chính phủ cần dựa trên cơ sở uy tín và năng lực tài chính, cũng như kinh nghiệm của nhà đầu tư, từ đó tạo thuận lợi cấp giấy phép cho những dự án tốt, có hiệu quả. Bởi lẽ, các dự án thép liên hợp chỉ thành công khi chủ đầu tư là những công ty có kinh nghiệm, với nguồn lực tài chính lớn và công nghệ sản xuất thép hàng đầu. Bài học về môi trường của Formosa vừa qua cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước đã buông lỏng vai trò quản lý, chưa làm hết trách nhiệm, chức năng của mình. Từ vụ Formosa, các cơ quan quản lý phải nhìn nhận trách nhiệm, đòi hỏi sự thận trọng, cân nhắc những quyết định của mình một cách nghiêm túc.
Mới đây, tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu xử lý nghiêm, thậm chí dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy thép nếu không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm quy hoạch ngành, chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường trong cấp phép đầu tư và giám sát hoạt động của các dự án, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, sản xuất thép của Việt Nam đang dư thừa. Nước ta mới sản xuất được thép xây dựng, thép ống, thép cuộn cán nguội và tôn mạ màu thì cả bốn loại sản phẩm này đều dư thừa lớn về công suất, vượt tiêu thụ khoảng 50%. Cụ thể, thép xây dựng công suất thiết kế hơn 11 triệu tấn, năm 2015 tiêu thụ mới đạt 5,65 triệu tấn; thép ống công suất 2,1 triệu tấn, tiêu thụ 1,2 triệu tấn; thép cuộn cán nguội, công suất 4,8 triệu tấn, tiêu thụ 2,6 triệu tấn; tôn mạ màu công suất 4,3 triệu tấn, tiêu thụ 2,8 triệu tấn. Nhà máy thép nào hoạt động tốt nhất mới đạt 60% công suất, phổ biến chỉ đạt 30% công suất.
Bài và ảnh: MINH TRANG

Không có nhận xét nào: