(Baonghean) - Ba năm trở lại đây, kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An có nhiều bước phát triển nổi bật. Sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước trên địa bàn đã hiện hữu hơn, cho thấy bước đầu của công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Dù vậy, vẫn còn không ít băn khoăn liệu Nghệ An có tạo được cú hích đủ để vươn tới mục tiêu tỉnh khá, tỉnh dẫn đầu khu vực vào năm 2020 như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra.
Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh Đại lộ Quang Trung (TP. Vinh). Ảnh tư liệu: Trần Hải |
P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, trong tháng 8 vừa qua, Nghệ An có cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Tại cuộc làm việc này, Thủ tướng cho rằng “Không nóng vội phát triển nhưng không thể để chậm trễ kéo dài với điều kiện thế mạnh vốn có của Nghệ An”. Đồng chí có suy nghĩ như thế nào về ý kiến của Thủ tướng?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Nhận xét và đánh giá của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã bao hàm được cả ưu thế và bất cập trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta. Những thế mạnh sẵn có của Nghệ An như diện tích lớn, vị trí trung tâm, đa dạng về địa hình, bề dày lịch sử và văn hoá, nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân lực con người dồi dào… không ai có thể phủ nhận.
Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư của chúng ta đạt nhiều kết quả khả quan (trong 3 năm 2014 - 2016 đã cấp phép cho 300 dự án với số vốn đăng ký gần 150.000 tỷ đồng) là nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá để các nhà đầu tư biết đến một Nghệ An giàu tiềm năng phát triển. Đồng thời, phải kể đến nỗ lực vượt bậc trong đổi mới về cơ chế, cải cách hành chính, đưa ra các chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư. Xây dựng đồng bộ các kết cấu hạ tầng cũng là giải pháp mà Nghệ An chú trọng để thu hút đầu tư nói riêng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững nói chung.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là thành công ở bước đầu - tức là bước quảng bá, tiếp cận nhà đầu tư. Cần nhìn nhận nghiêm túc và khách quan rằng cơ chế chính sách, hành chính của tỉnh ta vẫn còn một số bất cập. Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh cũng đã nhấn mạnh phải tiến hành cải cách hành chính triệt để cả về thủ tục lẫn tư tưởng con người để tránh tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”.
Tôi đồng tình với nhận xét rằng, Nghệ An không nóng vội phát triển. Nguyên nhân khách quan là bởi địa bàn tỉnh ta rộng và có sự phân hoá, chênh lệch giữa các vùng miền tương đối lớn. Những năm qua cơ cấu kinh tế tỉnh nhà đã có bước chuyển dịch dần từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, nhưng khu vực này còn non trẻ, chưa sánh được với các tỉnh công nghiệp lâu năm.
Hiện tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người của Nghệ An đạt khoảng 24 doanh nghiệp/10.000 dân, vẫn thấp so với tỷ lệ bình quân cả nước là 53 doanh nghiệp/10.000 dân. Tuy nhiên, cần khẳng định một điều: Nghệ An không đánh đổi những giá trị bền vững để chạy theo lợi ích kinh tế. Đó có thể là lối đi chậm hơn, nhưng cũng an toàn hơn, hạn chế những ảnh hưởng về môi trường, những rủi ro trong an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
Nói như vậy không có nghĩa là Nghệ An chấp nhận “chậm trễ kéo dài” trên lộ trình phát triển. Chúng ta sẽ cần “mạnh dạn” hơn trong việc phát huy các mũi nhọn như du lịch tâm linh gắn với du lịch nghỉ dưỡng ở vùng đồng bằng, vùng biển; kinh tế nông nghiệp giá trị cao mang thương hiệu địa phương ở miền Tây; nguồn nhân lực chất lượng cao với truyền thống hiếu học của xứ Nghệ;…
P.V: Nói về môi trường đầu tư, tính minh bạch và hanh thông trong các thủ tục hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xem là căn cứ phản ánh thực tế nhất đánh giá của doanh nghiệp. Năm 2015, tỉnh ta xếp thứ 32, bị tụt 4 bậc so với năm 2014. Sự “rớt hạng” này nói lên điều gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: PCI là chỉ số được các nhà đầu tư tin cậy tham khảo khi lựa chọn điểm đến cho mình. Trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, các đề án tập trung thu hút đầu tư nói riêng, tỉnh ta đều xác định cải thiện PCI là mục tiêu quan trọng để nâng tầm Nghệ An trên bản đồ đầu tư cả nước và khu vực.
Thực ra nếu tính chỉ số thì năm 2014 và 2015 kết quả của Nghệ An không thay đổi đáng kể: 58.82 điểm năm 2014 và 58.47 điểm năm 2015. Tựu trung Nghệ An vẫn được xếp vào nhóm tỉnh khá, trong khi đó nhóm này trải dài bao gồm đến cả các tỉnh nằm trong top 15.
So sánh các chỉ số thành phần PCI của Nghệ An năm 2014 và 2015. Nguồn: VCCI |
Tôi nghĩ tụt một vài thứ bậc trong bảng xếp hạng không hẳn là chúng ta bị tụt lùi trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư. Nghệ An vẫn thay đổi nhưng khi một số tỉnh bạn thay đổi nhanh hơn, vô hình trung chúng ta bị tụt lùi so với họ. Tất nhiên về lâu dài thì ta phải lấy các tỉnh bạn làm động lực cạnh tranh để tiến lên chứ không thể đứng im nhìn họ phát triển được.
Thứ hạng trong 1, 2 năm chưa thể nói lên được gì nhiều, nên lấy đó làm một trong những tiêu chí để nắm được một cách khái quát mình đang đứng ở đâu. Còn để thấy được sự thay đổi rõ nét thì nên so sánh một quá trình. Cụ thể là so với năm 2010 đầu nhiệm kỳ trước, Nghệ An chỉ xếp thứ 46 trên bảng xếp hạng cả nước, được đánh giá vào nhóm tỉnh trung bình, đến năm 2015 thì đã có sự chuyển biến rất tích cực.
P.V: Thưa đồng chí, mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra là đến năm 2020 Nghệ An phải trở thành tỉnh khá. Thế nhưng nay Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo, thu ngân sách không đủ cân đối chi, phải phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Liệu mục tiêu trở thành tỉnh khá trong 4 năm nữa có phải là điều quá xa vời?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Trước tiên cần làm rõ một vấn đề - Nghệ An có thực sự là tỉnh nghèo hay không? Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chưa có một xếp loại hay đánh giá chính thức nào về mức độ giàu, nghèo của các tỉnh.
Các phương pháp đo lường nghèo được sử dụng hiện nay cũng rất đa dạng, dựa trên các tiêu chí và hệ đối chiếu khác nhau. Nếu xét một tiêu chí trực quan để đo lường nghèo thì có thể bàn về tỷ lệ hộ nghèo: Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghệ An xếp thứ 30/64 tỉnh, thành cả nước về tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 (Điện Biên đứng thứ nhất, Bình Dương đứng cuối). Như vậy, Nghệ An nằm ở nhóm giữa.
Trên thực tế, một tỉnh đã có sân bay quốc tế, thương cảng, cửa khẩu quốc tế lớn và sắp tới sẽ có đường cao tốc liên quốc gia, liên tỉnh đi qua, sao có thể là tỉnh nghèo!
Việc Nghệ An thu ngân sách không đủ chi là đúng, đây cũng là thực trạng chung của khoảng 80% các tỉnh, thành trên cả nước. Tôi nghĩ đó là một giai đoạn tất yếu mà mọi địa phương đều phải trải qua khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Nhìn vào danh sách 10 tỉnh dẫn đầu về tổng thu ngân sách, chúng ta thấy có TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Khánh Hoà - toàn những tỉnh công nghiệp, dịch vụ. Những tỉnh như Nghệ An, Thái Bình, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang… dù có đóng góp lớn vào cơ cấu nông nghiệp cả nước song giá trị kinh tế thì không thể so với khối công nghiệp, dịch vụ. Trên thực tế, tất cả những tỉnh trên đều đang phải nhận trợ cấp của Chính phủ.
Không thể chỉ dựa vào thu - chi ngân sách để đánh giá mức độ giàu - nghèo của một tỉnh. Đà Nẵng vẫn luôn được coi là địa phương có chất lượng cuộc sống hàng đầu cả nước, là đô thị lớn thứ 3 chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, tổng thu ngân sách của Đà Nẵng năm 2015 chỉ xếp thứ 12 (gần 12.000 tỷ đồng), tổng thu ngân sách của Nghệ An đứng thứ 13 (trên 10.000 tỷ đồng).
Chúng ta có một xuất phát điểm không cao, có thể nói là một tỉnh nghèo so với cả nước. Nhưng đến thời điểm này thì điều đó không còn đúng nữa. Dự kiến, đến năm 2020 chúng ta sẽ cân đối thu - chi ngân sách, đồng nghĩa với việc hoàn thành quá trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng để kinh tế - xã hội “cất cánh”.
Trên thế giới phân loại thành các nhóm: nước phát triển, nước đang phát triển, nước nghèo. Nước đang phát triển là nước chưa giàu, nhưng có tiềm năng và đang chuyển động mạnh mẽ. Trường hợp của Nghệ An cũng tương tự như vậy. Tôi nghĩ phải thay đổi tư duy, cách nghĩ lối mòn rằng Nghệ An vẫn còn là tỉnh nghèo. Có như vậy thì chúng ta mới mở rộng tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm và gạt bỏ được sức ỳ trong tư tưởng.
P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!
P.V (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét