TPO - Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương 8 tháng đầu năm 2016 và kết quả kiểm tra tại Bộ KHĐT, Bộ Tài chính.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu Tư. Ảnh: Trường PhongBộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu Tư. Ảnh: Trường Phong
Về tình hình chung, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng về Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, công tác này đã đi vào nề nếp. Từ đầu năm đến ngày 29/8, có tổng số 3.726 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó có 1.739 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn 1.310, quá hạn 429); chưa hoàn thành 1.987 (trong hạn 1.812, quá hạn 175).
Một số bộ, cơ quan, địa phương có nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa thực hiện, như các Bộ: KHĐT, Tài chính, Công an, Thanh tra Chính phủ; các UBND Thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…
Kết quả kiểm tra tại Bộ KHĐT cho thấy, số nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn còn nhiều. Trong số 87 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện có 73 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 14 nhiệm vụ đã quá hạn chưa thực hiện. Ngay trong số 73 nhiệm vụ đã hoàn thành có tới 63 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn (chiếm 86,3%).
Với Bộ Tài chính, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao khá tốt. Trong số 100 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện có 95 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 5 nhiệm vụ chưa thực hiện.
Sau khi rà soát, trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, không né tránh, Tổ công tác đã đánh giá nguyên nhân của việc chậm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ tại hai Bộ, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tổ công tác kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KHĐT, Bộ Tài chính khắc phục một số hạn chế, yếu kém và tiếp tục làm tốt một số nhiệm vụ.
Không co kéo thẩm quyền về Bộ
Theo kiến nghị của Tổ công tác đối với Bộ KHĐT, lãnh đạo Bộ cần sâu sát hơn nữa trong chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo Bộ cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Cần khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan từ phía Bộ; đồng thời có giải pháp khắc phục, đổi mới phương thức phối hợp trong việc xử lý các công việc có tính liên ngành. Chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ giao quá hạn thực hiện, đồng thời tích cực rà soát, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ đang trong hạn thực hiện, tránh để tái diễn tình trạng quá hạn, đặc biệt một số nhiệm vụ cấp bách, như khoản 2.000 tỷ đồng bố trí cho các dự án thủy lợi cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời, trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, thay vì tư tưởng co kéo thẩm quyền về Bộ, cơ chế xin cho, Bộ cần phân cấp mạnh mẽ trong quản lý vốn đầu tư công; rà soát, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, là giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không phù hợp với quan điểm, tư tưởng xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, kiến tạo, hướng tới người dân và doanh nghiệp. Những đề xuất lớn về các dự án Luật của Bộ trình, kể cả những Luật đã có hiệu lực thi hành như Luật Đầu tư công nhưng thực tế có những bất cập, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cần mạnh dạn đề xuất sửa đổi.
Chấm dứt tình trạng địa phương “xin” dự toán
Đối với Bộ Tài chính, cần có biện pháp nhắc nhở về ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ với một số đơn vị và các công chức được giao triển khai thực hiện nhiệm vụ để quá hạn. Phải chủ động và quyết liệt hơn trong đôn đốc, phối hợp với các bộ, cơ quan trong việc xử lý các vấn đề có tính liên ngành. 
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục thay đổi cách lập, duyệt dự toán thu ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế. Chấm dứt tình trạng lãnh đạo địa phương lên “xin” giao dự toán thấp để có phần vượt thu cao so với dự toán. Tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực thuế, hải quan, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này. Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của ngành thuế, hải quan.
Đối với 5 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, Bộ trưởng Tài chính trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng lãnh đạo, chuyên viên của từng đơn vị, xác định rõ thời gian hoàn thành; đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trong hạn theo tinh thần không chờ đến hạn mới thực hiện. Bộ cần khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thể chế, chính sách, đặc biệt là việc xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế, Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017…
Đối với các nhiệm vụ có vướng mắc về cơ chế, chính sách hoặc thời gian giao không đảm bảo, không thể thực hiện được do thiếu các điều kiện về nguồn lực thì hai Bộ phải kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và đề xuất biện pháp xử lý, điều chỉnh, đặc biệt là các nhiệm vụ có tính cấp bách, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổ công tác sẽ kịp thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các Bộ, cơ quan, địa phương làm tốt, đồng thời phát hiện, kiến nghị Thủ tướng phê bình, xử lý các cá nhân, tập thể yếu kém; nêu tên các Bộ, cơ quan, địa phương làm tốt, các bộ, cơ quan, địa phương yếu kém, bị phê bình.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện; kiên quyết không để chậm trễ và thực hiện kém chất lượng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, báo cáo Chính phủ tại phiên họp hàng tháng.

Một tuần 40 cuộc họp và lời hứa của Bộ trưởng KH-ĐT

“Tôi có thói quen đứng lên rời khỏi văn phòng là không còn văn bản nào trên mặt bàn, tôi hứa như vậy. Nếu nhiều quá tôi mang về làm, sáng mai trả ngay. Mình làm thêm một chút, cố một chút thì người dân, doanh nghiệp được nhờ”, Bộ trưởng KH-ĐT chia sẻ.
"Tuyệt đối không giữ bóng trong chân"
Ngày 25/8, Tổ công tác của Thủ tướng, do Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm trưởng ban, đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại Bộ KH-ĐT. Đây là bộ đầu tiên Tổ công tác làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng KH-ĐT, khẳng định: Vì là bộ đa ngành, tổng hợp nên cái gì cũng dính, văn bản nào cũng liên quan, từ các báo cáo của Quốc hội đến cơ quan đoàn thể, địa phương. Thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã thử kiểm tra, có tuần Bộ nhận được giấy mời từ 40 cuộc họp, ít nhất cũng là 30.
Ông Nguyễn Chí Dũng bộc bạch: “Trong giải quyết văn bản, chúng tôi tuyệt đối không giữ bóng trong chân, những vấn đề gì xử lý được thì phải xử lý ngay, không được để đùn đẩy, như tôi không bao giờ để văn bản nào trên bàn sau giờ làm việc”.
bộ kế hoạch đầu tư, tổ công tác kiểm tra, kết luận của thủ tướng, bộ trưởng Mai Tiến Dũng, văn phòng chính phủ, bộ trưởng nguyễn chí dũng
Bộ KH-ĐT là đơn vị đầu tiên Tổ công tác làm việc, sau đó đến Bộ Tài chính
Vị tư lệnh Bộ KH-ĐT chia sẻ: "Tôi có thói quen đứng lên rời khỏi văn phòng là không còn văn bản nào trên mặt bàn, tôi hứa như vậy. Nếu nhiều quá tôi mang về làm, sáng mai trả ngay. Mình làm thêm một chút, cố một chút thì người dân, doanh nghiệp được nhờ. Chúng ta nhanh một chút thì cả hệ thống chạy được nhanh hơn. Chúng tôi đã quán triệt tinh thần này với các anh em trong Bộ KH-ĐT".
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, số liệu trên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi của Văn phòng Chính phủ, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 22/8/2016, số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ này là 241. Trong đó, 74 nhiệm vụ đã hoàn thành (16 hoàn thành đúng hạn và 58 hoàn thành quá hạn). Số nhiệm vụ chưa thực hiện là 167 nhiệm vụ, bao gồm 152 nhiệm vụ trong hạn và 15 nhiệm vụ quá hạn.
Nhưng khi đối chiếu với các nhiệm vụ qua đường công văn mà Bộ này nhận được, số lượng nhiệm vụ được giao lớn hơn rất nhiều. Tổng số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà Bộ nhận được là 745 nhiệm vụ.
Bộ KH-ĐT cho rằng, con số này là rất lớn, cao nhất và lớn hơn nhiều so với các bộ, cơ quan, địa phương khác. Bộ cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ hoàn thành không đúng hạn, một số nhiệm vụ còn tồn đọng, một số nhiệm vụ bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng xin lùi thời hạn.
Kiểm tra không phải để vạch lỗi
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa - thành viên của tổ công tác, đánh giá Bộ KH-ĐT đã “rất cố gắng” trong cải cách hành chính, là bộ “đóng góp nhiều cái mới”. “Đây là một trong ít bộ có quy chế theo dõi đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này rất đáng hoan nghênh”, ông Thừa nói.
Đề cập đến 15 nhiệm vụ Bộ KH-ĐT chưa hoàn thành, Thứ trưởng Thừa tỏ ra chia sẻ bởi trong đó có nhiều nhiệm vụ rất khó, phải đi khảo sát đánh giá thực trạng, nội dung đề xuất. “Có nhiệm vụ phải đề xuất báo cáo Bộ Chính trị thì sao 1 tháng các anh làm được?”, ông Thừa lo ngại thay.
bộ kế hoạch đầu tư, tổ công tác kiểm tra, kết luận của thủ tướng, bộ trưởng Mai Tiến Dũng, văn phòng chính phủ, bộ trưởng nguyễn chí dũng
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính,
nói đi đôi với làm
Nhấn mạnh đây là chuyến công tác đầu tiên của Tổ công tác, Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP, cho biết: Nhiệm vụ Thủ tướng giao cho đoàn là kiểm tra. Đây là công việc thường xuyên để thống nhất xử lý với nhau các vướng mắc nếu có. Đây không phải là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, hay sai thì mới kiểm tra.
Trước thực tế các nhiệm vụ chưa hoàn thành ở Bộ KH-ĐT còn nhiều, ông Mai Tiến Dũng cho rằng ngoài lý do khách quan, phải nhìn nhận nguyên nhân chủ quan là một số nhiệm vụ lãnh đạo bộ chưa sâu sát hết.
“Hạn chế này đề nghị hết sức quan tâm khắc phục, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc hơn nữa. Nhanh hay không là do các vụ, cơ quan trực thuộc được giao nhiệm vụ vì lãnh đạo bộ nhiều việc lắm”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Tuy vậy, lãnh đạo VPCP cũng thẳng thắn nhận lỗi vì trong số các nhiệm vụ chưa hoàn thành của Bộ KH-ĐT, “có phần lỗi của VPCP”.
Ông Mai Tiến Dũng thẳng thắn: Nói vậy để thấy không phải VPCP không có lỗi. Có văn bản gửi Bộ KH-ĐT chỉ trước có 1 ngày, thì làm sao làm được. Tới đây chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm vấn đề này, tính toán thời gian, điều kiện, thẩm quyền cho phù hợp.
Ông Dũng khẳng định những công việc đang thực hiện đều nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, nói đi đôi với làm, hướng về DN, người dân. Nhất định chuyển từ cơ chế hành chính quan liêu sang tinh thần, thái độ phục vụ người dân, DN.
“Đề nghị các đồng chí chuyển tải tư tưởng này thay vì cơ chế xin cho, co kéo lợi ích nhóm sinh ra giấy phép con, thủ tục con”, ông Mai Tiến Dũng nhắc Bộ KH-ĐT.
Nhắc vụ quán cà phê Xin Chào, ông Dũng kể: "Có người hỏi Thủ tướng sao việc bé thế cũng phải nhúng tay vào, Thủ tướng trả lời là nếu đó là bố anh thì việc ấy là nhỏ hay to. Nếu việc của dân nói là nhỏ, nhưng việc nhà mình nói là to. Như thế là không được", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Lương Bằng