Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Cần vinh danh tác giả của bức ảnh...nao lòng cư dân mạng

CHẾT RỒI CÒN PHẢI “CHẠY RONG”
 15/09/2016
Điền Phương Thảo
15-9-2016
Do không có tiền thuê xe ô tô nên gia đình chị P đã nhờ người quen sử dụng xe máy chở thi thể về mai táng. Ảnh: Tùng Hải.
Do không có tiền thuê xe ô tô chở xác về, nên gia đình chị P đã nhờ người quen sử dụng xe máy chở thi thể về mai táng. Ảnh: Tùng Hải.
Tôi lặng người rất lâu trước bức ảnh người đàn ông chở một thi thể người bó chiếu trên một chiếc xe honda cũ.
Bức ảnh không hề cho thấy gương mặt của hai nhân vật chính nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận được có sự thống khổ nào vượt trên cảnh tượng đã diễn ra trong bức ảnh.
Tôi đã từng nghe câu “nghèo đến nỗi chết phải bó chiếu” nhưng kỳ thực đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Người chết được bó chiếu đặt sau xe và được giữ chặt bằng những sợi dây thun màu đen tựa như cột một con heo, con gà, hay một món hàng. Không hơn. Không kém.
Đôi chân người chết xỏ đôi dép nhựa thò ra ngoài. Trơ vơ! Chông chênh! Nhưng chính nhờ đôi chân này mà mọi người biết đó là một CON NGƯỜI , Trời ạ!
Người chết thì không còn cảm giác gì. Chết là vĩnh viễn xa rời kiếp nhân sinh nhọc nhằn khổ lụy. Nhưng hẳn là người đàn ông phải nuốt ngược nướt mắt vào lòng khi phải đưa xác người thân trở về trong một hoàn cảnh khốn cùng như không thể khốn cùng hơn.
Thuở còn đi học, tôi đã rất xúc động khi đọc đoạn văn nói về cái chết của lão Hạc của tác giả Nam Cao. Lão Hạc chết rất đau đớn. Lão Hạc sống một đời nghèo khó cơ cực lại còn đau ốm. Lão ăn củ chuối, ăn sung muối cho qua ngày nhưng rồi cũng chẳng còn cái gì để ăn. Lão Hạc có một mảnh vườn nhưng lão không muốn bán vì muốn để dành cho đứa con trai sau này còn lấy vợ. Do vậy mà lão phải chọn cái chết. Lão đã ăn bả chó để tự giải thoát kiếp sống nghèo . “ Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội” là đoạn văn đã gây nhiều xúc động nặng nề trong lòng tôi.
Rồi tôi được nghe các cô giáo dạy Văn cũng như các nhà phê bình văn học thời đó phân tích rằng trong chế độ nửa thực dân nửa phong kiến cũ, cuộc sống của người nông dân cơ cực, bế tắc và đen tối. Sở dĩ như thế là vì lúc đó họ chưa có ánh sáng của Đảng Cộng Sản dẫn đường , rằng thì cuộc sống của họ sẽ khởi sắc, sẽ ấm no hạnh phúc từ sau Cách Mạng Tháng Tám thành công.
“Bây giờ tình mới tỏ tình”
Theo một bản tin được đăng trên báo An ninh thủ đô vào ngày 23-01-2016 cho biết “phát biểu tại phiên thảo luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nêu lên những thực trạng đáng buồn về đời sống người nông dân Việt Nam khi hiện nay, thu nhập ngày càng giảm; lao động trẻ muốn thoát ly nông thôn, nguồn gốc nông dân; khoa học kỹ thuật còn cách xa ruộng, vườn…”
Do việc quản lý yếu kém của nhà nước nên người nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, đồng thời họ không được quyền “định giá nông sản” là những vấn nạn mà người nông dân thường xuyên phải đối mặt. Ngoài ra, họ còn phải chịu nạn sưu thuế chẳng khác gì thời của anh Pha, chị Dậu vì “ ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hàng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực”. (1)
Còn đó nỗi đau đáu về cuộc sống của người nông dân Việt nam, đặc biệt nếu họ thuộc nông dân vùng núi, vùng sâu vùng xa như Sơn La thì nỗi cơ cực càng bội phần. Do vậy, việc phải bó chiếu đưa thi thể người thân về nhà bằng xe máy là điều không khó hiểu.
Bức ảnh đầy thương tâm trên được lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông. Có rất nhiều lời bình tỏ ý xót thương, cũng có những lời trách móc bệnh viện …Thế nhưng theo thiển ý của tôi, có lẽ chúng ta chưa chạm thấu cái cốt lõi của vấn đề …
Điều tôi muốn nói là nếu như ngày trước tôi được dạy rằng sở dĩ đời sống của người nông dân Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung dưới thời thực dân nửa phong kiến phải chịu đựng nhiều bất công, đói khổ là do sự thống trị của bọn cường hào ác bá , thì giờ đây , chúng ta phải nhìn thấy cái cơ chế nào, cái đường lối lãnh đạo nào khiến cuộc sống người dân từ lúc sống cho đến khi chết không hơn gì một con súc vật ?
Tôi xin…tôi tha thiết xin những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…của thời đại hãy nói, hãy viết về những gì mình thấy, mình cảm nhận để không hổ mặt với các bậc tiền nhân – những người đã dám “ đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” để cuộc sống này được tốt hơn , người dân được ấm no hạnh phúc.
Và để đừng có thêm một đôi chân lạnh cứng còn nào phải “chạy rong” giữa cõi trần ai trước khi về nơi yên nghỉ cuối cùng.

(1) Nghĩa tử là nghĩa tận: Sơn La, đến lúc chết vẫn khổ – Người chứ có phải chở bò, heo đâu??… 
(2)Gánh nặng thuế phí ở Việt Nam cao nhất khu vực



Vụ chở thi thể về bằng xe máy: Giám đốc bệnh viện lên tiếng

Hoàng Đan | 
Vụ chở thi thể về bằng xe máy: Giám đốc bệnh viện lên tiếng
Thi thể chị P. sau khi tử vong được gia đình đưa về bằng xe máy.

Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La cho biết, khi ra viện các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân P. trong vụ chở thi thể về bằng xe máy đều tốt.



Người nhà dứt khoát xin về
Hình ảnh người đàn ông điều khiển xe máy chở thi thể người phụ nữ cuốn trong chiếu được chụp trên đoạn đường qua TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) vào khoảng 13h15 ngày 12/9 đang khiến dư luận rất xót xa.
Trao đổi với chúng tôi vào sáng nay (15/9), bác sỹ Lương Văn Tuận, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La cho biết, người phụ nữ tử vong được chở bằng xe máy trên đường là bệnh nhân Lò Thị P. (40 tuổi, dân tộc Thái, trú Quỳnh Nhai, Sơn La) được chuyển lên điều trị tại viện từ ngày 29/8.
Vụ chở thi thể về bằng xe máy: Giám đốc bệnh viện lên tiếng - Ảnh 1.
Tờ điều trị của bệnh nhân.
Đây là bệnh nhân có bệnh tình nặng và nằm tại khoa Lao - HIV - Kháng thuốc của bệnh viện. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được hưởng tất cả các chế độ và được bệnh viện rất quan tâm, chăm sóc ở hộ lý cấp 1.
"Bệnh nhân có chồng đã tử vong vì HIV và đến bệnh viện trong tình trạng suy kiệt rất nặng, không đi đứng được, thậm chí gọi thì hiểu nhưng không nói được, 40 tuổi nhưng chỉ có 32 kg... nên bệnh viện đã tiến hành cấp cứu rất tích cực như cho thở oxy, truyền dịch, đạm, dùng thuốc đúng theo hướng dẫn.
Quá trình điều trị thì các y, bác sỹ ở khoa đã rất cố gắng và khi giao ban, lãnh đạo viện cũng có lưu ý về trường hợp này. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân đã khỏe lên, đi lại, nói rất tốt", bác sĩ Tuận nói.
Cũng theo bác sĩ, tuy nhiên, trong quá trình điều trị dù bệnh viện hướng dẫn nhưng bệnh nhân đi ra ngoài tắm rửa, không giữ gìn nên quay về bị cảm và các y, bác sỹ lại tích cực điều trị.
Thêm vào đó, khi tiến hành test nhanh thì cũng phát hiện bệnh nhân này bị HIV nghi ngờ và bệnh viện đang gửi đi đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS để xét nghiệm có kết quả chính thức.
Vụ chở thi thể về bằng xe máy: Giám đốc bệnh viện lên tiếng - Ảnh 2.
Lá đơn xin xuất viện của gia đình chị P.
Bác sỹ Tuận cho biết, khi diễn biến sức khỏe bệnh nhân đang nặng thì gia đình có xin cho về vì không có người chăm sóc, do bố của chị P. năm nay đã hơn 80 tuổi.
"Bệnh viện có giải thích là do bệnh tình nặng và đang được điều trị đặc biệt nên bệnh nhân phải ở lại chứ về thì mỗi mình ông cụ sẽ không chăm sóc được. Nhưng các anh trai của chị P. tập trung vào nói là phải cho về chứ nặng như thế sợ khó qua khỏi.
Các y bác sĩ tiếp tục giải thích nhưng người nhà dứt khoát không hợp tác, đòi về. Khi gia đình kiên quyết như vậy thì Khoa yêu cầu phải làm đơn, chứ chúng tôi đã giải thích rõ là phải giữ bệnh nhân để điều trị", ông Tuận thông tin thêm.
Khi bệnh nhân P. về thì theo quy định là được hưởng tất cả các chế độ ăn uống, đi lại và các y tá làm thủ tục thanh toán thì người nhà nói rằng không cần gì cả mà giờ "chỉ cần đưa em tôi về thôi".
"Khi bệnh nhân ra viện là vào khoảng 10h30 ngày 12/9 thì tình trạng mạch, huyết áp vẫn ổn định chứ không phải trong tình trạng cấp cứu và nặng như một số thông tin.
Khi bệnh viện giải thích thì người nhà nói là tự đưa về và lúc đó có một người ở lại thanh toán các chế độ còn một người thì lẳng lặng đưa chị P. ra cổng.Trên đường về thì xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy thì đúng là bệnh viện cũng không nắm được...", ông Tuận nêu rõ.
Vụ chở thi thể về bằng xe máy: Giám đốc bệnh viện lên tiếng - Ảnh 3.
Hình ảnh trên đã gây xôn xao cộng đồng mạng hai ngày qua. (Ảnh: Tùng Hải)
Không có chuyện tử vong ở viện
Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La cũng khẳng định lại, không có chuyện bệnh nhân P. tử vong trong viện hay vì thấy bệnh nhân nặng quá mà cho ra viện rồi không quan tâm, không cho xe về.
"Ở đây, bệnh nhân đều là các gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa nên y, bác sĩ còn quyên góp bằng chính tiền của mình để tổ chức nồi cháo tình thương vào thứ 4 hàng tuần cho các bệnh nhân nghèo thì không hà cớ gì với trường hợp của bệnh nhân P., gia đình khó khăn như vậy mà chúng tôi không quan tâm.
Bệnh nhân P. khi ra viện, các chỉ số sinh tồn còn rất tốt và khi bệnh viện giải thích thì ngay chính trong bệnh án còn lưu, gia đình cũng ghi rõ là không cần gì cả và tự đưa về.
Khi có những hình ảnh chở thi thể đó thì chúng tôi cũng giật mình, rất đau xót, không ai mong muốn xảy ra cả.
Nếu như gia đình có ý kiến đồng ý để nằm lại hoặc khi nặng thì bệnh nhân này được chế độ đưa về chứ không có chuyện bệnh viện không quan tâm...", ông Tuận bày tỏ.
Ông Tuận cũng nêu rõ, ngay sau khi có thông tin về sự việc, bệnh viện cũng đã họp các đơn vị có liên quan và khẳng định, quá trình điều trị, quy trình tiếp nhận bệnh nhân đều không có vấn đề gì.
Quá trình bệnh nhân ra viện dù bệnh viện đã giải thích nhưng người nhà nằng nặc đòi về và khi ra viện trong tình trạng tốt, không có chuyện tử vong trong viện.
"Ngay sau khi có thông tin thì lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện lao và Bệnh phổi Trung ương, công an, huyện... cũng đã gọi điện cho tôi và tôi cũng đã báo cáo rõ ràng toàn bộ sự việc như vậy.Đây là sự việc mà không ai mong muốn cả, chúng tôi cũng rất đau xót", ông Tuận nói thêm.
Đồng thời, Giám đốc bệnh viện cũng chia sẻ, một số thông tin đưa mập mờ, không rõ ràng về sự việc đã làm ảnh hưởng không tốt đến nên bệnh viện cũng mong các thông tin rõ ràng, tránh sự hiểu nhầm của dư luận.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: