Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Thành lập Vệ binh Quốc gia, Putin đang phải "dè chừng" BT Bộ Quốc phòng Shoigu?

Đức Huy | 

Thành lập Vệ binh Quốc gia, Putin đang phải "dè chừng" Shoigu?
Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Ảnh: Getty

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành lập Vệ binh Quốc gia. Có ý kiến cho rằng, nước đi này thể hiện sự lo ngại của Putin đối với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Hôm 5/4 vừa qua, thông qua Quốc hội Nga, Tổng thống Putin đã thành lập một lực lượng Vệ binh Quốc gia, tách ra từ quân của Bộ Nội vụ.
Nếu thông tin chỉ đơn thuần có vậy thôi thì không có gì đáng chú ý, nhưng cần lưu ý rằng, lực lượng Vệ binh Quốc gia này, thực tế mà nói, sẽ do chính ông Putin trực tiếp quản lý mà không cần thông qua bất kì một Bộ trưởng nào trong chính phủ.
Trên giấy tờ, quân số Vệ binh Quốc gia đã bằng gần 1/5 tổng quân đội Nga. Lực lượng hùng hậu và thiện chiến này sẽ thuộc quyền chỉ đạo của Đại tá Viktor Zolotov, vệ sĩ thân cận một thời và là một trong những nhân vật trung thành nhất với Putin.
Do đó, cũng có thể coi như Vệ binh Quốc gia gần như nằm gọn trong tay Tổng thống Nga.
Có người sẽ đặt câu hỏi, việc ông Putin trực tiếp nắm Vệ binh Quốc gia thì sao? Bởi dù gì thì trên cương vị Tổng thống, Putin cũng là Tổng tư lệnh các lực lượng quân đội Nga. Nắm quyền điều hành quân đội như vậy thì có thêm Vệ binh Quốc gia cũng đâu có gì đáng nói?
Nhưng có một điểm cần chú ý, là dù trên lý thuyết quân đội Nga phải phục tùng mệnh lệnh của ông Putin, song mọi công tác tổ chức, phân bổ, và điều phối, mọi hoạt động của quân đội, đều phải qua tay bộ Quốc phòng.
Nói cách khác, phải qua tay Sergei Shoigu.
Theo Konstantin Haase, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề đối nội Nga thuộc Viện Carnegie, với chương trình cải tổ thành công quân đội Nga từ khi lên nắm quyền cũng như chiến tích vang dội tại Syria mới đây, ông Shoigu đã nâng tầm mình lên thành Bộ trưởng "to" nhất trong chính phủ Nga.

Ông Haase cho biết thêm, trong nội bộ Nga, cái tên Shoigu vẫn còn là một ẩn số. Một số cho rằng ông không mấy mặn mà với chính trị, số khác lại khẳng định Shoigu có tham vọng lớn, song rất biết "ẩn mình, chờ thời".
Quan trọng hơn cả, điện Kremlin vẫn chưa "đọc vị" được ông.
Có rất nhiều ví dụ để minh chứng cho tiếng nói ngày một có trọng lượng của Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Năm ngoái, điện Kremlin đã thuyết phục được Quốc hội bổ nhiệm một nhân viên Cục Bảo vệ Liên bang (FSO) có tên Alexei Dyumina vào vị trí Thứ trưởng Quốc phòng.

Alexei Dyumina (trái) trong một trận hockey hữu nghị cùng Tổng thống Putin. Ảnh: Kommersant
Alexei Dyumina (trái) trong một trận hockey hữu nghị cùng Tổng thống Putin. Ảnh: Kommersant
Đây có thể coi là một động thái "cài" người thân tín của điện Kremlin vào nắm nội tình bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, ông Dyumin đã lập tức bị điều sang một vị trí khác - thống đốc vùng Tula, phía nam thủ đô Moscow.
Không những vậy, mới đây, một số nguồn tin nội bộ của ông Haase cho biết, điện Kremlin đã tìm cách đưa Dyumina quay trở lại cương vị cũ tại bộ Quốc phòng, song đã bị ông Shoigu chặn đứng.
Cây bút Leonid Bershidsky của Bloomberg đánh giá, với kì bầu cử Quốc hội Nga dự kiến diễn ra vào cuối năm và bầu cử Tổng thống năm 2018 sắp tới, Tổng thống Putin đã bắt đầu chủ động "bày trận" trước, đề phòng các nguy cơ từ trong và ngoài nước.
Nguy cơ từ ngoài thì đã rõ, các phần tử khủng bố vẫn hiện hữu đâu đó tại Bắc Caucasus; và phương Tây chắc chắn sẽ không để yên cho kì bầu cử tại Nga diễn ra ổn thỏa.
Song nguy cơ từ bên trong mới thực sự khiến Putin phải đau đầu. Dẫu rằng đây chỉ là đánh giá chủ quan trên một trang phân tích phương Tây, song với sự nổi lên của ông Shoigu trong thời gian qua, việc Putin chủ động đi một nước cờ đề phòng cũng không có gì quá ngạc nhiên.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: