Người Đưa Tin 1 liên quan
“Lợi dụng chồng tôi đi vắng xa nhà, anh T. (xóm trưởng - PV) nói nếu tôi đi một đêm với anh ấy thì sẽ được nhận gạo”, chị Nguyễn Thị T. viết trong lá đơn kêu cứu gửi đến báo chí...
Báo Người đưa tin nhận được lá đơn kêu cứu vô cùng khẩn thiết của gia đình chị Nguyễn Thị T. (SN 1989), trú tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương (Nghệ An) về việc số gạo cứu đói dịp Tết do Nhà nước cấp 2 năm nay được nhận không đầy đủ.
Theo trình bày của chị T., năm 2011, chị lấy anh Trần Sỹ N. (SN 1984) và có với nhau 2 người con (1 trai, 1 gái). Đến năm 2013, chị được bố mẹ cho một mảnh đất kề nhà để ra ở riêng. Tuy nhiên, do không có đất sản xuất nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, gia đình chị được xét duyệt vào danh sách hộ nghèo trong xã và hưởng các hỗ trợ từ nhà nước.
Vào năm 2015, theo chủ trương của Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói cho dân, mỗi nhân khẩu 15kg gạo. Theo đó, gia đình chị T. có 4 người, tổng số gạo sẽ được nhận là 60kg gạo.
Đơn kêu cứu của gia đình vì trưởng xóm lấy mất gạo cứu đói của dân.
Tuy nhiên, khi chị T. lên UBND xã Thanh Mai ký nhận số gạo thì anh Bùi Văn T. lại chỉ cho nhận về 15kg gạo, còn 45kg gạo thì xóm trưởng này giữ lại. “Lúc đó tôi cũng không hiểu lắm. Đây là năm đầu tiên gia đình được nhận gạo cứu đói của nhà nước nên không hiểu được những quy định về số gạo được nhận. Ông T. là trưởng xóm nên nói gì thì tôi nghe theo”.
Chị T. cho biết thêm: “Khi ông T. bảo tôi chỉ được lấy 15kg gạo về thôi, thì tôi có hỏi 10 gia đình trong xóm cùng được nhận gạo, họ bảo cũng chỉ được nhận như vậy. Nên tôi không có thắc mắc gì mà ký vào giấy đã nhận đủ. Nhưng sau này tôi mới biết toàn bộ số gạo đó ông T. giữ làm của riêng, tôi có nhiều lần đến đòi lại nhưng ông ấy không đồng ý trả”.
Đến tháng 10/2015, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo, mỗi gia đình một con lợn về làm giống. Thế nhưng khi chị T. nhận lợn từ UBND xã về thì vị trưởng xóm này lại bảo nếu muốn nuôi thì phải đóng tiền là 600.000 đồng.
Do điều kiện gia đình khó khăn, chị T. không thể nào có đủ số tiền đó để nộp cho xóm trưởng nên đành trả lợn cho xóm. Theo lời kể của chị T., sau đó, ông T. đã bán lại con lợn giống đó cho chị N.T.M. (chị ruột của chị T., ngay cạnh nhà).
“Tôi đã hỏi chị tôi, chị ấy bảo mua con lợn này hơn 500.000 đồng từ ông T. Tôi đã đến trực tiếp hỏi xóm trưởng sao làm thế, thì ông T. trả lời do tôi không nhận nên giao cho người khác nuôi. Tôi không đồng ý như vậy, vì tôi nghĩ do tôi khó khăn không đủ tiền nộp, khi trả lại thì xóm sẽ giao cho một hộ nghèo khác nuôi làm giống. Đối với gia đình khó khăn như chúng tôi, con lợn đó rất có giá trị”, chị T. nói.
Chị T. cho biết nhà nước hỗ trợ cho gia đình con lợn giống, nhưng xóm trưởng yêu cầu phải nộp tiền mới được nhận.
“Nếu việc chỉ dừng lại như vậy thì tôi cũng sẽ không viết đơn cầu cứu, nhưng ông T. ép gia đình tôi quá mức. Năm 2016, gia đình tôi vẫn nằm trong diện hộ nghèo nên vẫn được nhận gạo cứu trợ của Nhà nước vào dịp Tết Nguyên Đán. Lần này, gia đình ký và nhận đủ 60kg gạo. Nhưng vừa về xóm thì ông T. lại nói gia đình tôi phải trả lại 45kg gạo, chỉ được nhận 15kg thôi”, chị T. bức xúc nói.
“Tôi không chịu, tôi nói lấy về cho con chứ trong nhà hết gạo ăn rồi thì ông T. đe dọa sẽ cắt hộ nghèo nếu không trả gạo. Lợi dụng chồng tôi đi vắng xa nhà, ông T. nói nếu tôi đi một đêm với anh ấy thì sẽ được nhận gạo”, chị T. cho biết. Cũng bắt đầu từ đây, chị gặp nhiều chuyện phiền phức khi bị vợ xóm trưởng này nghi ngờ chị có “mối quan hệ” với ông T.
Chị T. cho biết, năm 2016, chị và gia đình được nhận 60kg gạo, nhưng ông T. bắt phải trả lại 45kg gạo.
Trong một lần đến nhà xóm trưởng, vì mâu thuẫn chưa được giải quyết nên đã xảy ra ẩu đả giữa gia đình chị T. với gia đình xóm trưởng. Hậu quả, chị T. phải nhập viện cấp cứu với vết thương trên đầu.
“Tôi cam đoan những nội dung trên là đúng sự thật. Sau trận ẩu đả đó mà giờ đây sức khỏe tôi giảm sút, lúc nào cũng chóng mặt, không làm được gì cả. Nhưng điều quan trọng là tôi sợ xóm trưởng sẽ nhân việc này mà gây khó khăn cho gia đình. Chồng tôi vốn làm ăn xa, nhưng giờ cũng phải về nhà để quán xuyến mọi việc nên trong nhà gần hết tiền. Gia đình tôi khó khăn, không biết sắp tới con tôi sẽ ăn gì đây”, chị T. mong muốn chính quyền tìm biện pháp giúp chị nên đã gửi đơn nhưng vẫn chưa thấy phản hồi.
Để rộng đường dư luận, PV đã tìm gặp ông Bùi Văn T.- người bị 'tố' về những nội dung trên, ông này khẳng định không hề có những chuyện như vậy, toàn bộ là do chị T. vu khống. Ông T. cho biết, không lấy một kg gạo nào của gia đình, con lợn giống chị T. nhận rồi mới giao cho chị gái nuôi. Còn việc dụ dỗ tình cảm thì chính chị T. nhắn tin, con và vợ ông đọc được nên mới xảy ra ẩu đả như vậy.
“Chính chị T. lên UBND xã nhận gạo và ký nhận, giấy trắng mực đen rõ ràng. Lâu nay muốn lấy gạo thì phải trực tiếp lên trụ sở lấy chứ không về xóm, thế thì tôi làm sao lấy gạo của chị ấy được. Còn về con lợn giống, chị T. nhận về, đưa cho chị gái là thỏa thuận giữa 2 người, sao giờ lại bảo tôi đòi tiền. Tôi không bao giờ làm chuyện như vậy”, ông T. nói.
Ông T. cho biết những tố cáo trên của chị T. là vu khống.
Tuy nhiên, khi PV hỏi chị gái chị T. thì chị này cho biết, đã mua từ xóm. Trong đó, trực tiếp đưa tiền cho ông T. 520.000 đồng theo giá thị trường (?!). Còn chị T. có công lấy lợn từ UBND xã về nên chị gái có đưa cho chị T. 100.000 đồng.
Ông Phan Bá Thiện, Phó Chủ tịch xã Thanh Mai cho biết, gạo cứu đói và lợn giống cho người nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100%, các gia đình không phải đóng một phí gì cả. Tất cả mọi người đều phải về trụ sở UBND xã ký nhận trực tiếp chứ không chuyển xuống xóm để tránh trường hợp mất mát.
“Chúng tôi cũng vừa nhận đơn của chị T. xong, sự việc chưa rõ đúng sai nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ làm rõ chuyện này. Gạo cứu đói là chính sách nhân đạo của Nhà nước dành cho người nghèo, tất cả phải được chuyển về tay người dân, ai bớt xén sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, nếu sự việc không đúng như vậy thì chúng tôi cũng sẽ xử lý chị T. vu khống”, ông Thiện khẳng định.
Anh Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét