Dân trí Với nhiều tổ máy đang hoạt động liên tục suốt ngày đêm, các nhà máy nhiệt điện tại KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh) đang nhả những cột khổng lồ, tạo nên những đám mây xám xịt, ô nhiễm.
Tại KCN Vũng Áng, hiện có 2 nhà máy nhiệt điện, một là nhiệt điện Vũng Áng 1 (của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) với 2 tổ máy có công suất 1.200 MW, lần lượt được đưa vào từ tháng 12-2014 và tháng 5/2015.
Lò cao của Nhà máy Nhiệt điện Formosa nhả cột "khói" lớn lên bầu trời.
Tiếp đến là Nhà máy nhiệt điện Formosa, với 5 tổ máy, trong đó hiện tổ máy đốt than số 1 có công suất 150 MW vận hành và hòa lưới điện thành công từ tháng 4/2015.
Trong tương lai gần, một nhà máy nhiệt điện khủng khác của Tập đoàn Sam Sung cũng sẽ được xây dựng tại KKT Vũng Áng.
Với việc cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia hơn hàng tỷ KWh, các nhà máy nhiệt điện nói trên đã, đang mang lại nguồn thu lớn cho các nhà đầu tư cũng như địa phương, đất nước. Tuy nhiên, với một lượng lớn xỉ thải, khói bụi thải ra môi trường, những nhà máy nhiệt điện này cũng đang khiến người dân ở thị xã Kỳ Anh và vùng phụ cận hết sức lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Xem clip những cột khói bụi khổng lồ từ các nhà máy nhiệt điện tại KKT Vũng Áng do PV Dân trí ghi lại vào chiều 20/4.
Cận cảnh những cột khói bụi khổng lồ từ các nhà máy nhiệt điện tại KKT Vũng Áng do PV Dân trí ghi lại.
Văn Dũng - Tiến Hiệp
Ông Khâu Nhân Kiệt (phải) trong buổi làm việc với PV VietNamNet chiều 21/4. Ảnh: Duy Tuấn
Cá chết nghi nhiễm độc từ Vũng Áng: Formosa nói gì?
Thiện Lương - Duy Tuấn |
“Mỗi ngày công ty Formosa xả 12.000 m3 nước thải, các mẫu xét nghiệm nguồn nước xả thải của chúng tôi đạt theo tiêu chuẩn cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam”.
Đó là khẳng định của ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường công ty Formosa. Ông Kiệt nhấn mạnh: “Không có việc Formosa Hà Tĩnh chính là tác nhân dẫn đến hiện tượng cá chết ở bờ biển Việt Nam”.
Trước hiện tượng cá biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chết hàng loạt, dư luận bày tỏ sự nghi ngờ tới việc biển Vũng Áng bị nhiễm độc và lây lan do nguồn nước thải từ khu công nghiệp chưa được xử lý.
Chiều qua, PV VietNamNet đã có buổi làm việc với đại diện công ty Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) - nhà đầu tư có hệ thống các nhà máy công nghiệp nặng lớn nhất ở khu kinh tế Vũng Áng.
Không hiểu vì sao cá chết
Tại buổi làm việc, ông Khâu Nhân Kiệt thông tin: FHS đầu tư ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tập đoàn luôn coi trọng độ an toàn của môi trường và luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam.
“Chúng tôi cũng không hiểu nguyên nhân vì sao lại phát sinh hiện tượng cá chết trên vùng biển Việt Nam như vậy.
Đơn vị tham mưu về an toàn vệ sinh môi trường đã nhận được thông tin về cá chết và cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này”, ông Kiệt nói.
Nói về hệ thống xả thải của FHS, ông Kiệt cho hay: Tất cả các địa điểm xả thải và ống xả thải ở KCN đều được lấy mẫu nước để xét nghiệm và hiện tại đang rất bình thường, đều đạt tiêu chuẩn của Bộ TN&MT Việt Nam.
Hệ thống xả thải ra biển của Tập đoàn Formosa tại Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
“Ống xả thải của chúng tôi đều có hệ thống quan sát tự động hằng ngày. Nước chảy chừng nào thì hệ thống sẽ lấy dữ liệu, gửi thông tin về máy chủ.
Nếu đạt tiêu chuẩn mới cho xả ra biển. Ở kênh thoát nước mưa của chúng tôi, có hiện tượng cá biển trôi dạt vào, còn cá trong mương thoát nước vẫn đang sống” - ông Kiệt nói.
Cũng theo lãnh đạo FHS, hiện nay chỉ có duy nhất một ống xả thải trong KCN rộng 1m, dài 1,5km, nằm sâu dưới lòng biển khoảng 17m, cách bờ biển 1,5km.
Mỗi ngày tập đoàn xả ra 12.000 m3 nước xả thải nhưng mẫu nước đều đạt theo tiêu chuẩn nước xả thải công nghiệp quy chuẩn năm 2013 của Bộ TN&MT.
Trước thông tin thời gian gần đây, FHS có nhập về một lượng lớn chất tẩy rửa đường ống chảy tan vào nước biển, ông Khâu Nhân Kiệt thừa nhận thông tin trên là có thật.
Ông cho biết: “Có việc nhập về lượng lớn chất tẩy rửa, vì khi hoạt động một thời gian dài, phải có chất tẩy rửa để tẩy đường ống, tránh tình trạng tắc nghẽn.
Tuy nhiên, chúng tôi không dùng nguyên chất axit mà có pha với nước. Hơn nữa, chất tẩy sau khi rửa đường ống, đều được xử lý qua hệ thống mới cho thải ra biển”.
Mong sớm tìm ra nguyên nhân
Đại diện Formosa cho biết mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở VN sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân cá chết dọc bờ biển miền Trung.
“Bên Formosa mong muốn và hi vọng các cơ quan nhà nước ở Việt Nam khi có sự cố phát sinh cần vào cuộc nhanh chóng, kịp thời để giải quyết, và xử phạt những ai làm sai, giải quyết mối nghi ngờ cho tập đoàn Formosa” - ông Kiệt cho biết.
Dự án Formosa đang xây dựng (nhìn từ trên cao).
Trước đó, kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển và do “nguồn nước bị nhiễm độc” chứ không phải do vi khuẩn gây bệnh.
Tuy nhiên độc tố đó là gì thì vẫn chưa rõ.
Kết luận cũng nêu rõ “yếu tố gây độc trong môi trường nước” tại vùng biển Vũng Áng bắt đầu từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng được đổ trực tiếp ra sông, biển, gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc chết.
theo Vietnamnet
Ngư dân phát hiện đường ống khổng lồ chôn dưới đáy biển Vũng Áng
Ngày 21/4, ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), xác nhận ngư dân Hà Tĩnh trình báo đã phát hiện một đường ống nghi là hệ thống xả thải từ dự án Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng.
Ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, ngụ thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết ngày 4/4, trong khi lặn xuống biển “săn” cá, anh bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ “cắm” xuống biển.
Theo anh Thành, đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m.
Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm).
“Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở”, anh Thành nói.
Sau khi phát hiện đường ống trên, anh Thành đã tới Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) trình báo, đồng thời vẽ lại sơ đồ và vị trí của đường ống cho đơn vị này nắm được.
Trung tá Nguyễn Khắc Minh, Đồn phó Đồn biên phòng Đèo Ngang, xác nhận đơn vị đã nhận được thông tin về việc có một đường ống khổng lồ nghi được sử dụng để xả thải, nối liền từ khu vực dự án Formosa ra đáy biển như anh Thành đã trình báo.
“Chúng tôi đã trình báo vụ việc này cho cấp trên là Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và đang chờ ý kiến chỉ đạo”, trung tá Minh nói.
Trong ngày 21/4, đoàn công tác của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) và chính quyền thị xã Kỳ Anh kiểm tra thực tế, tìm hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt tại cảng Vũng Áng (gần dự án Formosa) và 2 xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà (TX.Kỳ Anh).
Làm việc với đoàn công tác, nhiều ngư dân địa phương cũng đã cung cấp thêm thông tin cụ thể về đường ống xả thải nối liền từ khu vực dự án Formosa ra biển mà ngư dân đã tận mắt nhìn thấy.
Anh Hoàng Văn Thiện (26 tuổi, ngư dân xã Kỳ Lợi) nói: “Đây là một đường dài được chôn lấp ở độ sâu khoảng 13 m so với mặt nước biển”.
Vẫn đang… phân tích nguyên nhân
Chiều 21/4, PV Thanh Niên đã theo đoàn kiểm tra của Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) tiếp cận những vùng đã và có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường làm cá chết tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đoàn đã đến nhiều địa điểm ven biển từ bắc vào nam để lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích. Đặc biệt tại vùng biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), đoàn đã tiếp cận và lấy mẫu nước, trầm tích tại nhiều điểm trên đầm Lăng Cô, cửa biển và ngoài khơi của biển Lăng Cô.
Ông Trần Quang Thư, Phó giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường biển, Trưởng đoàn công tác, cho hay sau khi có kết quả đoàn sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT cũng như thông báo các địa phương liên quan để có hướng xử lý.
Trong khi nguyên nhân cá chết chưa tìm ra thì hôm qua, lãnh đạo xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trên vùng biển của địa phương cũng đã xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết nổi trên biển hoặc lừ đừ bơi gần bờ.
Như vậy Vinh Hiền là địa phương thứ 3 ở phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế ghi nhận cá biển chết bất thường, sau Lăng Cô và Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.
Hôm qua, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã cử đoàn cán bộ đến các xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch), Hải Ninh (H.Quảng Ninh) và 3 xã vùng Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) của Quảng Bình lấy mẫu nước, chất bùn đáy, cá, tảo để tiếp tục xét nghiệm nhằm làm rõ hơn nguyên nhân cá chết bất thường.
Đã thu gom được 30 tấn cá chết
Ngày 21/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thực tế tình hình cá chết bất thường, trôi dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Trị.
Theo báo cáo sơ bộ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 21/4 người dân ven biển đã thu gom được khoảng 30 tấn cá chết.
Cùng ngày, Bộ TN-MT đã có công văn chỉ đạo về việc thực hiện một số biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết hiện tượng cá chết hàng loạt; đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế thông báo tuyên truyền để người dân không sử dụng cá chết chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi, đồng thời kiểm soát, xử lý đúng cách không để tình trạng đưa cá chết ra tiêu thụ, buôn bán làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường.
Theo Thanh Niên
(*) Tựa bài do Tiếp Thị Thế Giới đặt lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét