Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Hậu quả của cuồng tín và cuồng chiến

Blogger Phạm Viết Đào

  • 26 tháng 4 2015

Image captionCả Hoa Kỳ và hai miền Việt Nam đã tổn thất và trả giá đắt vì cuộc chiến vì những tín điều tranh cãi và các giá trị ảo, theo tác giả.

Cuộc chiến Việt - Mỹ kết thúc cách đây 40 năm là một cuộc chiến tranh hao người tốn của lớn nhất nổ ra sau Đại chiến Thế giới II đối với cả 2 dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hơn 58.000 quân nhân Mỹ đã chết và mất tích tại chiến trường Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc 58.000 gia đình người dân Mỹ đã gánh chịu nỗi đau mất mát trong nửa thế kỷ qua cùng với hàng trăm tỷ USD tiền thuế của dân Mỹ bị ném vào cuộc chiến và giải quyết các vấn đề hậu chiến.
Còn về phía Việt Nam thì con số thương vong, thiệt hại lớn gấp nhiều lần nếu gộp của cả hai phía.
Không ai thay đổi được quá khứ, tôi không muốn nhắc lại những câu chuyện bi thương này để chê trách, bới móc ai, mà chỉ muốn nhắc nhở chính giới có trách nhiệm, tỉnh táo tránh cho người dân Việt Nam trong tương lai không tiếp tục bị xô đẩy vào những bi kịch tương tự.


Theo tôi, cuộc chiến tranh Việt - Mỹ kết thúc cách đây 40 năm là hậu quả của những chính kiến chính trị cuồng tín của các chính trị gia của cả 2 phía Việt-Mỹ.
Rất nhiều người của cả 3 phía (Mỹ, Việt Nam Cộng hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà), sau 40 năm bắt đầu ngộ ra rằng trong cuộc chiến vừa qua, chính mình bị áp, bị lôi, bị ném vào cuộc chiến bởi những chính kiến chính trị cuồng tín của kẻ khác.
Sự cuồng tín chính trị được thể hiện qua việc quá tin vào những điều vu vơ, không có thật hoặc tin vào những sự thật bị phóng đại, kích động bởi những động cơ chính trị vụ lợi, đen tối.
Từ sự cuồng tín về chính trị đã xô đẩy hàng triệu người vào những hành vi bất chấp mạng sống của mình, của đồng loại, của đồng bào mình, thậm chí người thân của mình.
Trong cuộc chiến Việt-Mỹ vừa qua, có rất nhiều gia đình Việt Nam anh em họ hàng ruột thịt trong một gia đình đã bị đẩy vào các chiến tuyến đối địch nhau, thậm chí bắn, giết trực diện nhau chỉ vì những chính kiến chính trị chẳng liên quan gì tới mình...

Mổ xẻ cuồng tín


Image captionNhững 'cuồng tín' mà tác giả đề cập xuất phát từ những phức cảm tâm lý, ý hệ chính trị mà có thể vẫn còn tồn tại tới tận ngày nay.

Về bản chất, cuộc chiến Việt –Mỹ cách đây 40 năm khác với các cuộc chiến tranh Pháp-Việt (1946-1954) và lại càng khác xa với các cuộc chiến tranh Việt-Trung cố-trung và cận đại.
Vậy thì những tư tưởng chính trị cuồng tín nào của các chính giới Việt Nam - Hoa Kỳ và các quốc gia khác của hai hệ thống đã “giây máu” trong cuộc chiến khốc liệt này?
Đây là một đề tài khoa học lớn, đòi hỏi phải được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu, có sự tổng hợp khái quát cao, khách quan lẫn sự tỉnh táo và mẫn cảm của người tham gia thì mới tìm ra những kiến giải hữu ích…
Trong một bài viết nhỏ này, người viết xin chỉ nêu lên một vài kiến giải.


Trước hết, về phía chính giới Mỹ, sự cuồng tín thứ nhất bắt nguồn từ tín điều rằng làn sóng cộng sản từ miền bắc Việt Nam đang lan tràn xuống miền nam, sẽ tràn sang khu vực Đông Nam Á, như đã tràn vào Đông Âu.
Nếu Mỹ không trực tiếp ra tay ngăn chặn được, theo tín điều này, thì an ninh của chính nước Mỹ sẽ bị đe doạ và sẽ có một cuộc “cách mạng đỏ” lan sang tận Mỹ và Tây Âu; thách thức cơ nghiệp của giới tài phiệt Mỹ...
Đây là một ý tưởng chính trị cuồng tín mà vì nó mà căn cứ vào dó, chính giới Mỹ đã phát động một cuộc chiến tổng lực; nước Mỹ đã huy động toàn bộ sức người, sức của cao nhất; có thời điểm Chính phủ Mỹ đưa vào Việt Nam cả triệu quân để nhằm mục đích ngăn chặn, đẩy lùi cộng sản tại Việt Nam.
Chính kiến chính trị cuồng tín này là nguyên nhân dẫn tới nhiều hành vi cuồng chiến của quân đội Mỹ: ném bom rải thảm B52 vào một số thành phố đông dân ở miền bắc, ném bom rải thảm chất độc da cam vào rừng, ở mức độ được cho là lạm dụng khi nhiều khu vực dân sự và đối tượng tấn công không liên quan tới các lực lượng cộng sản.

Đối sách mù quáng


Image captionCuộc chiến dưới những giáo điều và cuồng tín tranh cãi cần được cảnh tỉnh sau 40 năm, theo tác giả.

Tư tưởng chính trị chống cộng bằng sức mạnh quân sự Mỹ qua thực tế lịch sử đã kiểm chứng rằng đó là tư tưởng, đối sách chính trị mù quáng, cuồng tín, sai lầm, bởi vì chính qua thực tế và lý luận đã khẳng định rằng không một thế lực quân sự nào đánh bại được cộng sản, trừ chính nội bộ của cộng sản tự phân rã;
Đó là điều thế giới nhận thấy vào những năm cuối thập kỷ 80 đầu 90 ở Liên Xô và Đông Âu đã chứng minh.
Sự cuồng tín vào sức mạnh tổng hợp của Mỹ đã đổ vào cuộc chiến Việt Nam kết cục giống như việc đổ thêm dầu vào lửa; hành động này đã làm cho cộng sản Việt Nam quật cường thêm lên và đã kết thúc cuộc chiến vào năm 1975.
Cuồng tín hai của Hoa Kỳ là quá tin và ỷ vào sự giàu mạnh về cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ, quân sự, kinh tế Mỹ.


Chính do bị ám bởi sự cuồng tín này mà một vài chính khách Việt Nam Cộng hoà đã từng thốt ra những tuyên bố sai lầm nào là "Biên giới nước Mỹ kéo dài tới Vĩ tuyến 17 của Việt Nam" hay "miền Nam Việt Nam là bang thứ 51 của Hoa Kỳ."
Còn phía Hoa Kỳ thì đã có những tuyên bố và hành động không kém phần quá khích như: đưa (Bắc) Việt Nam về "thời kỳ đồ đá", rồi xây dựng hàng rào điện tử Mac chặn đứng sự tiếp tế, xâm nhập của cộng sản vào chiến trường miền Nam; đem bom rải thảm miền Bắc; đưa chất độc màu da cam rải thảm tại nhiều vùng rừng núi của Việt Nam…
Đó là những tuyên bố chính trị cuồng tín, hành vi cuồng chiến mang tính thách thức sự sống, sức sống, lòng tự trọng, tự tôn cả một dân tộc, quốc gia có vốn sống hàng ngàn năm trong lịch sử.
Do những tuyên bố và các hành vi trên của phía Mỹ và quân đội, chính giới Sài Gòn mà đã kích hoạt, làm ra đời kiểu cuồng tín tương thích, đáp trả của phía chính giới cộng sản.
Kết cục thì cuối cùng sự cuồng tín nào cũng đều phải chịu lùi bước và trả giá, như thực tế lịch sử đã chứng minh; tất nhiên người phải trả giá cao nhất, người cuối cùng phải quyết toán, tất toán toàn bộ chi phí của cuộc chiến này, đó là nhân dân hai nước Việt - Mỹ;
Bởi bất cứ cuộc chiến tranh nào, ở đâu, thì rồi nhân dân vẫn là người thua cuộc ?

Phía Cộng sản Bắc Việt


Image captionCộng sản Bắc Việt lo sợ người Mỹ sẽ là kẻ xâm lược như Trung Hoa trong một nghìn năm Bắc thuộc, hay người Pháp với 100 năm thực dân, theo tác giả.

Cho tới thời điểm xảy ra chiến tranh Việt-Mỹ, miền bắc vừa trải qua những thảm cảnh như nạn đói làm 2 triệu người chết do phát-xít Nhật gây ra năm 1945; Sự rắc rối do nhóm Quốc dân Đảng Nguyễn Hải Thần nấp sau Tàu Tưởng gây ra đối với chính phủ Việt Minh non trẻ giai đoạn 1945-1946.
Rồi cuộc chiến tranh 9 năm với quân viễn chinh Pháp làm đổ biết bao xương máu…, do vậy mà trong tâm trí của người dân miền bắc, quân đội ngoại quốc đặt chân đến Việt Nam đều bị bị coi là kẻ thù xâm lược xấu xa, nguy hiểm, tàn ác và phải bị đánh đuổi.
Do xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử đó mà những tư tưởng chính trị sau đây đã bị kích hoạt, bị bộ máy tuyên truyền khổng lồ phóng đại thêm và tạo thành những tín điều cuồng tín của miền Cộng sản Bắc Việt.


Niềm tin thứ nhất của Bắc Việt cho rằng Mỹ là kẻ xâm lược xấu xa, nguy hiểm như giặc Tàu phương Bắc (Trung Hoa), như Pháp, như Nhật… Sự nô lệ ngoại bang với đất nước bị quân đội nước ngoài chiếm đóng, chia cắt là sự mất mát, sỉ nhục đau thương nhất.
Niềm tin này là đúng đối với trường hợp khi các đội quân của thiên triều Trung Hoa từ cổ chí kim, của Thành Cát Tư Hãn, của thực dân Pháp, của phát xít Nhật từng đe dọa, xâm lăng Việt Nam.
Thế nhưng qua thực tế được kiểm chứng tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy Mỹ là quốc gia không đưa quân đội đi chiếm đất nước khác; Mỹ thường đưa quân viễn chinh ra nước ngoài để triển khai bảo vệ một hệ ý hệ chính trị nào đó; mô hình quản trị Mỹ; mô hình dân chủ Mỹ; trong cuộc chiến tại Việt Nam, Mỹ đưa quân nào với mục đích để đẩy lùi cộng sản, chứ không để xâm lăng, thống trị.
Thực vậy, kiểm lại những quốc gia Tây Âu và trong khu vực Đông Nam Á, đa số những quốc gia triển khai các chính sách ngoại giao, kinh tế, chính trị chịu ảnh hưởng của mô hình Mỹ đều thành công và khá lên, khắc phục, hạn chế được nhiều vấn nạn xã hội.
Còn các quốc gia chịu ảnh hưởng, xây dựng đất nước xã hội theo mô hình của Liên Xô, Trung Quốc đều phải gánh chịu nhiều hệ luỵ không lối thoát, bế tắc, luẩn quẩn, khủng hoảng triền miên, lâu dài...

Hậu quả tín điều


Image captionChính quyền Việt Nam sẽ tổ chức long trọng đại lễ kỷ niệm bốn mươi năm 'Đại thắng mùa xuân' và 'Giải phóng miền Nam' vào năm nay.

Do những niềm tin sai lạc, chưa chuẩn xác lại thêm sự phóng đại, tô màu về quân đội Mỹ, chính quyền Mỹ như thế, nên đã xô đẩy hàng triệu người dân Việt Nam theo chủ thuyết cộng sản và tín điều Bắc Việt cộng sản, đã quyết sống mái, bất chấp hy sinh, gian khổ để đánh Mỹ, không để quân đội Mỹ chia cắt, chiếm một phần đất đất đai, lãnh thổ của đất nước do cha ông để lại…
Người Việt Nam đã phải đổ ra bao xương máu, mồ hôi nước mắt mới xác định được cương vực lãnh thổ của mình từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau, nay được đưa vào một cuộc chiến mới.


Hàng triệu thanh niên Việt Nam được mặc định một đức tin rằng: chống lại quân viễn chinh Mỹ là chiến đấu chính nghĩa; bảo vệ sự độc lập, tự do cho dân tộc, vì thế nên dù phải đốt cháy cả Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập; những khẩu hiệu sặc mùi cuồng tín: "Tiếng hát át tiếng bom; Nhà tan cửa nát cũng ừ; Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ (giờ) sướng sau!"
Khi đánh đuổi được quân đội Mỹ, có được sự hậu thuẫn của cả phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là hai 'ông anh' Liên Xô, Trung Quốc mẫu mực, thì nhất định Việt Nam sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản để hưởng ấm no, hạnh phúc!
Tóm lại, cuộc chiến Việt-Mỹ cách đây 40 năm là cuộc chiến giữa một bên thì đem bom đạn, chất độc ra huỷ diệt bất cứ chỗ nào vì nỗi sợ ý hệ về làn sóng đỏ; một bên thì tuyên bố “sẵn sàng đốt cháy cả Trường Sơn” nếu không đuổi được Mỹ ra vì sự nhầm lẫn bị xâm lược vĩnh viễn như một nghìn năm Bắc thuộc, hai một trăm năm thực dân bóc lột của người Pháp v.v...
Cả hai bên rút cuộc đã ném vào ván bài tất cả: một bên thẳng tay chống, một bên thì đem tất cả xương máu ra để bảo vệ… những giá trị ảo?!
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà báo, blogger đang sinh sống ở Hà Nội. Bài được gửi tới cho BBC sau khi BBC mời các độc giả gửi bài viết, thông tin, tư liệu, chia sẻ cảm xúc nhân tròn bốn mươi năm ngày 03/4.

Không có nhận xét nào: