Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Tôi rất thanh thản”



V.T. | 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Tôi rất thanh thản”
“Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc” là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AP và Reuters về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan 981 vào vùng biển nước ta (tháng 5-2014) - Ảnh: Reuters




Đó là điều đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong cuộc trao đổi riêng với Tuổi Trẻ trước khi kết thúc nhiệm vụ.




* Phóng viên: Thưa Thủ tướng, Thủ tướng đã tham gia 6 khóa Trung ương, 4 khóa Bộ Chính trị, 2 nhiệm kỳ là Phó thủ tướng thường trực và 10 năm đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu Chính phủ.
Ngày 6-4-2016, theo chương trình làm việc của Quốc hội, đồng chí sẽ thôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ. Xin Thủ tướng cho biết những cảm nghĩ của mình?
Thủ tướng Nguyễn Tấn DũngTôi rất thanh thản.
Sau gần 55 năm chiến đấu, công tác, được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chính sách, được trở về sống với đời thường, được thường xuyên quây quần với gia đình con cháu và được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, đang trên đà hội nhập, phát triển và sánh vai với bạn bè trên thế giới, tôi cảm thấy hạnh phúc.

Tôi chân thành cảm ơn những tình cảm cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế.
Tôi luôn biết ơn sự hi sinh to lớn của đồng chí, đồng bào chúng ta để đất nước mình có được ngày hôm nay.
* Thưa Thủ tướng, xin Thủ tướng cho biết khi rời khỏi chính trường, những điều gì mà Thủ tướng cảm thấy còn trăn trở, day dứt nhất?
- Hơn nửa thế kỷ qua, tôi luôn hết lòng, hết sức - kể cả bằng máu xương, tính mạng của mình - để phấn đấu hoàn thành chức trách nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Chỉ tiếc là trong khả năng có hạn, tôi đã không làm được nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa cho dân, cho nước.
Những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chỉ ra có phần trách nhiệm của tôi trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm chính trị trên cương vị người đứng đầu Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp.
Đây cũng chính là những trăn trở, day dứt nhất của tôi.
* Xin Thủ tướng cho biết Thủ tướng có mong muốn gì với những người kế nhiệm?
- Tôi chỉ có một mong muốn là Đảng, Nhà nước ta thật sự vững mạnh, đoàn kết, trong sáng, gắn bó máu thịt với nhân dân; đổi mới mạnh mẽ, vượt qua những nhận thức, phương thức không còn phù hợp, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc; giữ vững hòa bình và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quốc gia; bảo đảm dân chủ, tự do, pháp quyền; thực hiện nhất quán, hiệu quả mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển nhanh - bền vững, hội nhập thành công và tiến cùng thời đại.
Làm được những điều này là hồng phúc của đất nước ta, dân tộc ta. Tôi đặt niềm tin vào những người kế nhiệm.
* Xin trân trọng cảm ơn.
theo Tuổi trẻ


10 năm kinh tế Việt Nam dưới nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Mở cửa thị trường, phát triển mạnh cơ sở hạ tầng là những dấu ấn quan trọng sau 2 nhiệm kỳ của người đứng đầu Chính phủ, song vẫn còn đó không ít thách thức đòi hỏi bộ máy kế nhiệm phải nỗ lực khắc phục.
Sau 9 năm 10 tháng giữ trọng trách Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã rời cương vị người đứng đầu Chính phủ sau khi được Quốc hội tiến hành các thủ tục miễn nhiệm hôm nay (6/4).
Kinh qua 2 nhiệm kỳ với nhiều biến động của tình hình trong nước và thế giới, Thủ tướng và bộ máy Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn ở cả phương diện đối nội lẫn đối ngoại. Hiện trạng đời sống kinh tế - xã hội đất nước cũng có nhiều biến chuyển so với bối cảnh 10 năm trước.
10-nam-kinh-te-viet-nam-duoi-nhiem-ky-thu-tuong-nguyen-tan-dung
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 10 năm điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chi tiết
Tại báo cáo tổng kết nhiệm kỳ trình bày trước Quốc hội cuối tháng 3 vừa qua, một trong những dấu ấn được Thủ tướng nhắc tới và được cử tri cả nước ghi nhận là đưa Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, mở cửa thị trường.
Khởi động đàm phán từ trước đó nhiều năm song việc Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 có thể coi là dấu ấn lớn đầu nhiệm kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Trở thành thành viên thứ 150 của WTO đồng nghĩa với việc Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập sâu với kinh tế thế giới, song cũng đòi hỏi những thay đổi thực sự về thể chế và hoạt động của doanh nghiệp nhằm đáp ứng cuộc chơi toàn cầu. Sự kiện Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức thành công tại Hà Nội cùng năm đó với sự điều hành của tân Thủ tướng cũng để lại ấn tượng sâu đậm với bạn bè quốc tế, tạo niềm tin ban đầu về những thay đổi tại Việt Nam,
Với mục tiêu đa dạng hóa, đa phương hóa, muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, sau WTO, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán và ký kết hơn một chục hiệp định thương mại tự do (FTA) mà mới đây nhất là với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, TPP với 12 thành viên được coi là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những khuôn khổ hợp tác chưa từng có và bao phủ khoảng 40% kinh tế toàn cầu.
"10 năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đứng đầu về việc tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương nhất thế giới", cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển tổng kết. Tuy vậy, với góc nhìn của người làm hội nhập lâu năm, ông Tuyển cũng cho rằng các cơ hội lớn được mở ra cũng đi kèm với nhiều thách thức khi sự hăm hở trên bàn đàm phán và tâm thế xã hội chưa đi kèm với những thay đổi về chính sách, bộ máy quản lý cũng như cách làm ăn của doanh nghiệp những năm qua.
10-nam-kinh-te-viet-nam-duoi-nhiem-ky-thu-tuong-nguyen-tan-dung-1
Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những dấu ấn nổi bật trong 2 nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Reuters
Dấu ấn tích cực thứ 2 mà Chính phủ tạo được sau 2 nhiệm kỳ của Thủ tướng là cơ sở hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông đã được cải thiện đáng kể ở cả 3 khu vực: đường bộ, hàng không, cảng biển. Việc hoàn thành đại dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ I và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước tiến độ tới một năm là thành tích nổi bật. Cùng với đó, khoảng 600km đường cao tốc được đưa vào sử dụng đã "kéo" nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa lại gần hơn các trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP HCM...
Các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng được mở rộng trong khi Cảng quốc tế Cái Mép đã giúp Việt Nam đón được những tàu container lớn nhất thế giới. Chính những cải thiện này đã phần nào giúp Việt Nam thăng hạng khi các tổ chức quốc tế tiến hành đánh giá về môi trường đầu tư.
Cải cách thể chế dù vẫn còn nhiều việc phải làm song cũng ghi nhận một số điểm sáng, nhất là trong những năm cuối nhiệm kỳ.Theo đó, Nghị quyết 19 hai năm liền được cơ quan điều hành ban hành như một yêu cầu bắt buộc cũng như lời thúc giục các bộ, địa phương nhập cuộc. Dù vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa mong muốn của người đứng đầu Chính phủ với những cán bộ thực thi công vụ, song việc rút ngắn cả trăm giờ thủ tục hải quan, thuế trong 2 năm qua cũng là kết quả đáng khích lệ.
Tuy vậy, như Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Văn Phúc chia sẻ khi đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, quá trình này vẫn cần phải tiếp tục một cách rốt ráo hơn khi Chính phủ mới được thành lập. "Người kế nhiệm Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh phải tiếp tục công việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội quyết liệt hơn nữa để cải cách thể chế, cải cách bộ máy mạnh mẽ hơn", ông Phúc nói.
Dù kinh tế trải qua nhiều thăng trầm, song xét trên bình diện an sinh xã hội, 2 nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như bộ máy Chính phủ cũng ghi nhận nhiều kết quả. Tỷ lệ hộ nghèo, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giảm từ 18,1% năm 2006 xuống còn 4% năm 2015. Còn theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), chỉ số phát triển con người trong giai đoạn này cũng tăng từ mức 0,598 điểm lên 0,666 điểm và là một trong những quốc gia có đà tăng ổn định nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, kinh tế - xã hội Việt Nam trong 10 năm qua cũng còn đó nhiều tồn tại.
"Những cú đấm thép đang tan chảy" là hình ảnh mà Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến dùng để miêu tả sự lao dốc của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Những Vinashin sụp đổ, Vinalines đang ngụp lặn bên bờ phá sản trong suốt 3 năm qua hay đại dự án Bôxít Tây Nguyên đã ngốn của Nhà nước những nguồn lực lớn.
Dù vẫn còn đó những ông lớn Nhà nước làm ăn hiệu quả, thu về cho đất nước cả tỷ USD từ bên ngoài biên giới, nhưng rõ ràng mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước được thử nghiệm đã bộc lộ nhiều khuyết điểm mà Chính phủ khóa mới sẽ mất không ít thời gian, nguồn lực để tái cơ cấu.
Đại biểu Dương Trung Quốc khi đánh giá báo cáo Chính phủ nhiệm kỳ này đã đề nghị cần có một cái nhìn dài hơi hơn, gắn với 10 năm mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người điều hành cao nhất. "Những sự việc như Vinashin, Vinalines, Bôxít… là hậu quả của nhiệm kỳ đầu, mà Chính phủ phải dành 5 năm tiếp theo cho việc khắc phục những hậu quả này”, ông nhấn mạnh.
Sau khi phần nào gượng dậy sau cú sốc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, những năm gần đây, Việt Nam lại gặp thử thách mới khi dầu thô - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế suốt nhiều năm giảm giá từ trên 100 USD hồi giữa năm 2014 xuống khoảng 35 USD một thùng khi kết thúc năm 2015. Diễn biến này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách mà còn là dịp bộc lộ nhiều khuyết tật của sản xuất - kinh doanh, cho thấy những động lực tăng trưởng suốt nhiều năm trước đó như tài nguyên hay nhân công giá rẻ đã tới hạn, đòi hỏi những thay đổi lớn, cấp bách.
Nửa thập niên qua, Chính phủ cũng phải dành không ít thời gian để ứng biến với nợ công, với một thị trường tài chính có lúc tưởng như bên bờ đổ vỡ. Đây là giai đoạn mà người trực tiếp điều hành ngân sách - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mới đây đã thừa nhận "nhiều khi như đi trên dây" khi ngân khố quốc gia 2 năm qua luôn bị báo động, với những khoản chi thường xuyên chiếm khoảng 64-65%, trong khi nguồn thu gặp khó.
Để có tiền đầu tư, Chính phủ liên tục phải đi vay nợ, khiến tỷ lệ dư nợ công trên GDP đã "đụng trần" khi vượt con số 60%. Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng những đồng vốn đi vay cũng không hiệu quả. Hiện tượng đầu tư dàn trải, lãng phí, nợ đọng diễn ra ở nhiều địa phương khiến Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải đau đầu tìm cách quản lý vốn theo trung hạn mà đến nay cũng chỉ đạt được kết quả bước đầu.
Ở nhiệm kỳ thứ hai, công cuộc tái thiết các nhà băng cũng không kém phần gian nan khi nợ xấu được coi là cục máu đông của nền kinh tế sau một thời gian dài các tổ chức tín dụng chạy đua lãi suất, lạm phát có năm lên tới 23%... Tình thế khó khăn đã dần được Chính phủ hóa giải, mà như cách Thống đốc Nguyễn Văn Bình có lần nói đùa rằng chỉ xin "nhận nửa giải Nobel" khi chính sách tiền tệ cùng lúc đáp ứng yêu cầu vừa kiềm chế được lạm phát mà vẫn giữ được tăng trưởng.
Tuy nhiên, khi nhìn lại quá trình xử lý tình huống của cơ quan điều hành, ông Dương Trung Quốc đã bình luận: "Khả năng ứng biến của Chính phủ rất giỏi, thậm chí vượt khó và vượt hiểm. Nhưng nếu cứ phát huy những điều này thì chưa chắc sẽ đúng trong quá trình phát triển hiện nay, bởi tính bền vững bị hạn chế. Khi đó, những chiến lược, đường lối lớn sẽ không được thực thi".
Bên cạnh mặt trận kinh tế, những vấn đề như nạn tham nhũng, những bất cập trong y tế, giáo dục, an toàn - vệ sinh thực phẩm, chất lượng các công trình dân sinh, an ninh trật tự ở một số đô thị lớn... cũng nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc, đòi hỏi được giải quyết trong nhiệm kỳ vừa qua. Trên thực tế, Thủ tướng và bộ máy Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực, giải pháp để xử lý các vấn đề nêu trên, song kết quả vẫn còn hạn chế.
Đánh giá về những kết quả này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong nhiệm kỳ qua: "Đó là tình trạng kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng tiềm năng, bội chi, nợ công cao, năng suất lao động thấp, đời sống người dân còn khó khăn. Thủ tục hành chính, bộ máy biên chế cồng kềnh, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng", ông Cường bày tỏ.
Khi kiểm điểm lại nhiệm kỳ, bản thân Thủ tướng cũng thừa nhận: "Trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp. Một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời'. 
Và do vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng hy vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ khắc phục những hạn chế yếu kém, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức để đưa đất nước phát triển.
Trung Đức - Nhật Minh

Ông Nguyễn Tấn Dũng rời chính trường

Trong bộ vest đen, cravat xanh quen thuộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt chặt bàn tay Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân trước khi nhận hoa từ biệt.

Kết quả bỏ phiếu được công bố chiều 6/4 cho biết có 418 phiếu tán thành, chiếm 84% tổng số đại biểu và 68 ý kiến không đồng ý để ông Nguyễn Tấn Dũng thôi chức. 
Với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng.
"Thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao", Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày trong tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng tại phiên làm việc sáng cùng ngày. 
 
Đánh giá về nhiệm kỳ của Thủ tướng, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng thành công lớn nhất, nổi bật nhất 5 năm qua là Chính phủ đã điều hành một cách chủ động, linh hoạt trên cơ sở thực hiện kiên quyết nhiều chính sách về quản lý kinh tế, tài chính, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế ổn định và giá trị tiền tệ, kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất...
"Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm trên 5,9%/năm là mức khá cao trong bối cảnh kinh tế-xã hội toàn cầu có nhiều biến động, bất ổn, khủng hoảng và suy thoái trên diện rộng, không ít nước tăng trưởng âm", đại biểu Vẻ dẫn chứng.
Đại biểu Trần Du Lịch thì liệt kê 3 điểm nổi bật của Chính phủ và Thủ tướng: "Kiên trì 3 mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, tăng trưởng hợp lý và giải quyết vấn đề an sinh xã hội; xây dựng pháp luật, ban hành chính sách đều lấy cơ sở hội nhập như một phương thức để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa; đàm phán thành công các hiệp định song phương thế hệ mới, đặc biệt là TPP trong hoạt động nâng tầm đất nước".
ong-nguyen-tan-dung-roi-chinh-truong
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Thủ tướng cũng được cử tri công nhận là "có thái độ kiên quyết trước những hành vi xâm lược của Trung Quốc".
Cùng quan điểm, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại cho hay bà ấn tượng với sự quyết liệt, kiên trì thể hiện quan điểm, tư tưởng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. "Thái độ của Thủ tướng đã làm nhân dân và cử tri cả nước an tâm hơn, tin tưởng và có thể giảm đi những băn khoăn, lo lắng về tình hình biển đảo nói chung", đại biểu Thoại nói.
Đánh giá cao cố gắng và kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong nhiệm kỳ Chính phủ mà ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu.
"Đó là tình trạng kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng tiềm năng, bội chi, nợ công cao, năng suất lao động thấp, đời sống người dân còn khó khăn. Thủ tục hành chính, bộ máy biên chế cồng kềnh, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng", ông Cường bày tỏ.
ong-nguyen-tan-dung-roi-chinh-truong-1
Ông Nguyễn Tấn Dũng nhận hoa cảm ơn từ Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Giang Huy.
Ví von Thủ tướng đã dẫn dắt con thuyền kinh tế đi trong thác ghềnh, đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng hạn chế lớn nhất là sự thất thoát, lãng phí. Ông dẫn chứng: "Một cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chúng ta đầu tư vào đây 40.000 tỷ nhưng không đồng bộ nên không khai thác được; Làng sinh viên ở Lâm Đồng hàng nghìn tỷ rồi chỉ có một sinh viên; Đường sắt du lịch ở Quảng Ninh 1.000 tỷ, 1 ngày chỉ bán được 1 vé".
Nhắn gửi khóa tới, đại biểu Nguyễn Văn Phúc mong người mới "kế thừa được phong cách và tính cách mạnh mẽ của Thủ tướng, của Chính phủ". Ông cũng kỳ vọng bộ máy Chính phủ sẽ tinh giản đội ngũ công chức trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định.
"Cần phải lập lại kỷ cương, kỷ luật, ý thức chấp hành, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm theo tinh thần như Bộ trưởng Đinh La Thăng nói là cột ở lại thì người phải đi, nhà của dân sập thì cán bộ cũng phải sập", đại biểu Phúc nhấn mạnh.
ong-nguyen-tan-dung-roi-chinh-truong-2
Ông Nguyễn Tấn Dũng (67 tuổi, quê tại Cà Mau) từng tham gia quân đội, làm Trưởng ban cán bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.
Năm 1981, ông phục viên, kinh qua nhiều chức vụ ở tỉnh Kiên Giang và từ năm 1995 ra Trung ương làm Thứ trưởng Công an.
Năm 1997, ông trở thành Phó thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay khi mới 48 tuổi. Giai đoạn 1998-1999, ông kiêm nhiệm chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2006, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng trẻ nhất trong 20 năm.
Tại Đại hội Đảng XII hồi tháng 1 vừa qua, ông cùng 8 Ủy viên Bộ Chính trị không tham gia Ban Chấp hành khóa mới. Người được Trung ương giới thiệu kế nhiệm vị trí đứng đầu Chính phủ là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Võ Hải - Hoàng Thùy 

Không có nhận xét nào: