Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Đất Việt: Chuyên gia WB khó hiểu vì Lọc dầu Dung Quất thua lỗ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dung Quất đẹp như bông hoa...

Thứ Tư, 14/09/2016 10:36

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đặt câu hỏi: Tại sao Dung Quất lại chịu thua lỗ mặc dù có lợi thế về chi phí và được trợ cấp nhiều?
Tại Hội thảo đánh giá trợ cấp năng lượng Việt Nam ngày 13/9, khi bàn về tác động kinh tế của các khoản trợ cấp năng lượng, bà Masami Kojima, đại diện WB đặt vấn đề: “Câu hỏi về chính sách đặt ra đối với Chính phủ là liệu các lợi ích thu được có vượt xa chi phí không và thách thức đối với chính sách là làm thế nào để đảm bảo các khoản trợ cấp này không gây méo mó thị trường về lâu dài?”.
Theo bà Masami Kojima, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn là nhà máy lọc dầu duy nhất tại Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2009 và sử dụng nguồn nguyên liệu dầu thô trong nước và chuyển sang hoạt động thương mại từ tháng 5/2010.
Chuyen gia WB kho hieu vi Loc dau Dung Quat thua lo
Lọc dầu Dung Quất được ưu đãi rất nhiều nhưng vẫn thua lỗ
Nhìn vào quy mô thì nhà máy có đủ quy mô cạnh tranh, hiệu quả trong sản xuất. Bình Sơn dùng dầu thô ngay trong nước thì sản xuất, phân phối đáng lẽ ra phải thấp hơn các nơi khác. Nếu so sánh lọc dầu của Singapore, Hàn Quốc… phải nhập khẩu dầu thô và xuất khẩu các chế phẩm lọc dầu cho Việt Nam như vậy họ phải trả hai lần cho chi phí vận chuyển (nhập khẩu thô và xuất khẩu sản phẩm tinh chế).
Bên cạnh đó, nhà máy lọc dầu Bình Sơn còn được hưởng 2 ưu đãi thuế là thu nhập doanh nghiệp và giữ lại số tiền tương đương mức ưu đãi. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm: 0% cho 4 năm đầu tiên, 5% cho 9 năm tiếp theo, 10% thay vì 20% cho 17 năm sau đó. Mức trợ cấp thuế này là sự hỗ trợ đáng kể đối với nhà máy. Tuy nhiên dù nhận được mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lớn và có những lợi thế về chi phí, nhà máy vẫn gặp nhiều khó khăn để đạt được mức khả thi tài chính.
Thứ hai là có thể giữ lại số tiền tương đương mức ưu đãi: 10% với sản phẩm dầu mỏ, 7% đối với các sản phẩm khác, 5% đối với LPG và 3% đối với hóa dầu.
Nếu nhà máy không được phép giữ lại các khoản tương đương với mức giá ưu đãi đó, báo cáo tổng số lũy kế của nhà máy hóa dầu Bình Sơn có thể lên tới 27,6 nghìn tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ năm 2010- 2014. Nhưng khoản trợ cấp liên quan đến mức giá ưu đãi đã giúp giảm số lũy kế trong khoảng thời gian này xuống còn 1 nghìn tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD). Khoản chênh lệch là phần doanh thu thuế mà Chính phủ đã mất đi.
"Diễn biến ở lọc dầu Bình Sơn hơi khó hiểu", Infonet dẫn lời bà Masami Kojima nói.
Theo bà Masami Kojima cần phải phân tích hiệu quả tài chính của nhà máy lọc dầu Bình Sơn vì sao thấp như vậy mặc dù được hưởng rất nhiều ưu đãi.
Lý giải điều này, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: “Nhà máy Bình Sơn có nhiều ưu đãi và lợi thế về vận chuyển nhưng nếu nghiên cứu sâu lọc dầu Bình Sơn vẫn có khó khăn vì giá vận chuyển không phải giá họ tự quyết được. Bên cạnh đó, về công nghệ khi thiết kế thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tiêu thụ dầu thô ngọt từ mỏ Bạch Hổ. Do đó, khi bán ra thị trường giá rất cao bởi nhưng khi giá dầu xuống, họ buộc phải mua giá dầu ngọt của Bạch Hổ có mức chênh nhiều với giá dầu chua”.
“Nhìn chung, thị trường Việt Nam rất phức tạp, các chính sách trợ cấp cần phải đặt trong tổng thể lớn dựa trên các tiêu chí về kinh tế, an ninh năng lượng, phát triển về môi trường….”, đại diện PVN nói.
Mới đây nhất, sau nhiều lần kêu khó, Lọc dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý nhà máy Dung Quất đã được Chính phủ chấp thuận tự tính giá bán xăng dầu để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 3/9,  trong vòng 4 tháng tới, tỷ lệ thu điều tiết đối với xăng sẽ tăng từ 7% lên 10%.
Như vậy, trong những tháng còn lại của năm 2016, quy định này cho phép xăng do Dung Quất sản xuất có giá bán tương đương với giá bán xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc theo Biểu thuế ưu đãi đặc biệt và thấp hơn giá xăng dầu nhập khẩu từ các nước ASEAN 10%.
Nhưng quan trọng hơn, cũng theo quyết định này, từ đầu năm 2017, Chính phủ sẽ bãi bỏ quy định về thu điều tiết đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của Dung Quất.

Thủ tướng khen nhà máy Lọc dầu Dung Quất đẹp như một bông hoa và hứa xem xét "giải cứu" vào tuần tới

279

Khẳng định nhà máy Lọc dầu Dung Quất không chỉ là bông hoa đẹp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của tỉnh Quảng Ngãi mà là của cả đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay tuần tới sẽ đưa vấn đề ra Thường trực Chính Phủ để quyết định theo hướng ủng hộ BSR.

Thủ tướng khen nhà máy Lọc dầu Dung Quất đẹp như một bông hoa và hứa xem xét "giải cứu" vào tuần tới
Ông Nguyễn Hoài Giang giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Chiều ngày 9/8/2016, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR cho hay, từ khi vận hành thương mại đến nay NMLD Dung Quất đã sản xuất được 41,37 triệu tấn sản phẩm các loại; tiêu thụ 41,18 triệu tấn; doanh thu thuần đạt 764,63 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 130,18 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 6,17 ngàn tỷ đồng.
Riêng 7 tháng đầu năm 2016 Nhà máy đã sản xuất được 3,99 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt 40,03 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 6,90 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.091 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2016 là khoảng thời gian rất khó khăn và đầy thách thức khi giá dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khoảng cách giữa giá sản phẩm và dầu thô bị thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, sự chênh lệch thuế bất lợi, sự bất bình đẳng cho sản phẩm xăng dầu của BSR so với các nước được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA chưa được tháo gỡ; việc điều chỉnh cách tính thuế nhập khẩu theo cách tính bình quân gia quyền trong tính giá cơ sở càng khiến BSR khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh: “Sự trưởng thành và lớn mạnh của BSR rất đáng trân trọng và hoan nghênh, tôi đánh giá cao bộ máy lãnh đạo BSR, cán bộ, nhân viên đã đoàn kết phấn đấu không mệt mỏi để có những kết quả tốt trong sản xuất kinh doanh, cũng như nộp ngân sách Nhà nước. Đây là bông hoa đẹp không chỉ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của tỉnh Quảng Ngãi mà là của đất nước”.
Thay mặt Ban lãnh đạo BSR, Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang cũng đã kiến nghị lên Chính phủ quan tâm xem xét điều chỉnh cơ chế chính sách cho BSR tạo sự cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu.
Theo ông Giang, trong biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 165, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu.
Cụ thể, xăng dầu có thuế nhập khẩu chỉ ở mức 20% trong giai đoạn 2015-2018; nhiên liệu diesel có thuế nhập khẩu là 5% cho năm nay và sau đó giảm về 0% 3 năm tiếp theo; dầu có thuế suất 0% từ nay đến năm 2018.
Trong khi đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng hiện nay đối với Công ty TNHH Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) là 35% với xăng, 25% với Jet A1, 30% với dầu diesel, 5% với khí hóa lỏng LPG và 2% với hạt nhựa... cao hơn nhiều so với thuế nhập khẩu xăng, dầu từ các nước ASEAN.
"Điều này khiến doanh nghiệp quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lo ngại nguy cơ đóng cửa vì khó thể cạnh tranh tại thị trường trong nước", ông Giang nói.
Về kiến nghị mức chênh lệch thuế xuất nhập khẩu xăng dầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tuần tới sẽ đưa vấn đề ra Thường trực Chính Phủ để quyết định theo hướng ủng hộ BSR, nhằm đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Thủ tướng nhấn mạnh NMLD Dung Quất là dự án đầu tiên, hình mẫu cho ngành công nghiệp lọc - hóa dầu của Việt Nam. Động lực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Về công tác nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất, đến nay BSR/DQRE đã thực hiện hiện các công việc sau: hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất phục vụ thiết kế tổng thể (FEED); hoàn thành 98,8% hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng; công tác Lập thiết kế tổng thể đạt 38,4%; đã lựa chọn và ký 7/7 hợp đồng bản quyền công nghệ cho các phân xưởng mở rộng của nhà máy.
Nhiệm vụ trọng tâm của Công ty đến cuối 2016 là tiếp tục tổ chức quản lý vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, hiệu quả ở công suất thiết kế. Chủ động, linh hoạt trong phân tích, đánh giá thị trường, điều kiện khách quan, chủ quan của BSR để kịp thời ứng phó với biến động của giá dầu, giá sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của khách hàng và các vấn đề khác ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Dư Hoài
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: