Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Chắc chắn tiêu cực khi có đến 30/37 dự án BOT chưa quyết toán vẫn thu phí

MAI ANH

(GDVN) - TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Chắc chắn có sự châm chước, gật đầu nếu không muốn nói là có tiêu cực từ cơ quan quản lý nhà nước...".
Bộ Giao thông vận tải đang xin ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ. 
Điểm đáng chú ý trong dự thảo Thông tư đưa ra quy định về việc sẽ dừng thu phí nếu chủ đầu tư chậm nộp báo cáo quyết toán dự án.
Cụ thể, nếu nộp chậm báo cáo quyết toán 10 - 15 ngày bị dừng 1 ngày thu phí, nộp chậm quyết toán 16 - 30 ngày, bị dừng 2 ngày thu phí. Đối với các ngày tiếp theo cứ chấm 5 ngày dừng 1 ngày thu phí.
Trạm thu phí trên Quốc lộ 51 được Công ty BVEC lập ra tiến hành thu phí từ năm 2012 dù đường chưa xây xong, dự án chưa quyết toán - ảnh nguồn Báo Bà Rịa Vũng Tàu.
Tuy nhiên theo các chuyên gia giao thông, việc đưa ra quy định dừng thu phí liên quan đến chậm nộp báo cáo quyết toán lúc này là quá chậm, bởi trước đó nhiều dự án giao thông tiến hành thu phí nhiều năm nhưng chưa quyết toán.
Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải, đến nay vẫn còn khoảng 30 trong số 37 dự án BOT giao thông đang vận hành, khai thác chưa quyết toán xong. Đáng chú ý, trong đó có những dự án quy mô lớn đã đưa vào khai thác nhiều năm.
Tiêu biểu như Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1 (nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) hoàn thành công trình ngày 21/8/2004; 

Dừng thu phí trạm BOT nếu phát hiện gian lận, biển thủ tiền thu phí

(GDVN) - Trách nhiệm của đơn vị thu phí được quy định chặt chẽ tại dự thảo Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ.
Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K (đi qua 3 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM) bắt đầu thu phí từ ngày 10/10/2007 và Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 (từ Đồng Nai đến Vũng Tàu) bắt đầu thu phí từ ngày 1/7/2013).
Lý giải việc nhiều dự án BOT giao thông chậm quyết toán, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, vướng mắc trong thủ tục quyết toán các dự án BOT liên quan đến nhiều phía. Trong đó, phải kể đến những nguyên nhân như việc cung cấp hồ sơ dự án của các nhà đầu tư, do biến động của cơ chế, chính sách từ khi xây dựng dự án cho đến nay… 
Thực tế này đặt ra câu hỏi, bao giờ những dự án BOT giao thông trên mới được quyết toán. Trong khi đó, nếu dự án chưa hoàn thành công tác quyết toán thì lấy cơ sở nào để so sánh với tổng mức đầu tư, đi đến tính toán một cách sòng phẳng về thời gian thu phí?
Nhìn vào con số dự án BOT giao thông chưa được quyết toán trong khi chủ đầu tư vẫn ung dung thu phí, TS. Nguyễn Xuân Thủy chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng: “Trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông vận tải, nếu Bộ quyết liệt, chủ đầu tư không thể ung dung thu phí khi dự án chưa quyết toán”.
TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, bao giờ trong hợp đồng BOT giao thông ký giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cũng có nội dung: “Dự án sau khi hoàn thành phải được nghiệm thu, quyết toán đầu tư trước khi thu phí”.
“Nếu không nội dung yêu cầu dự án được nghiệm thu quyết toán trước khi thu phí thì rõ ràng cơ quan quản lý nhà nước đã tự tạo khe hở cho nhà đầu tư. Ngược lại nếu có điều khoản này, tại sao cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện nghiêm”, TS. Nguyễn Xuân Thủy đặt câu hỏi.
“Chắc chắn có sự châm chước, gật đầu nếu không muốn nói là có tiêu cực từ cơ quan quản lý nhà nước với dẫn đến việc chủ đầu tư sau khi hoàn thành hoặc chưa hoàn thành 100% dự án, đã xây trạm thu phí và tiến hành thu phí”, TS. Thủy cho biết.
Đánh giá dự thảo Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ, trong đó quy định việc nộp chậm báo cáo quyết toán sẽ dừng thu phí, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cần tăng thêm thời gian dừng thu phí.
TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc nhà xuất bản Giao thông, người có nhiều năm nghiên cứu giao thông đô thị - ảnh Hoàng Lực.
Theo đó thay vì dừng thu phí 1 ngày cần phải tăng thời gian dừng thu phí với chủ đầu tư chậm nộp báo cáo quyết toán.
“Báo cáo quyết toán dự án BOT giao thông là cơ sở đưa ra thời gian thu phí chính xác, việc không nộp báo cáo quyết toán đang làm lợi cho nhà đầu tư. Thậm chí phần thu phí trước thời điểm nộp báo cáo quyết toán sẽ tạo khe hở cho nhóm lợi ích giữa nhà đầu tư và cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước ăn chia”, TS. Thủy phân tích.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, trong thời gian dài dự án BOT giao thông chậm nộp quyết toán vẫn thu phí, nhưng đến thời điểm này Bộ Giao thông vận tải mới chuẩn bị ban hành thông tư quy định xử phạt trong việc chậm nộp báo cáo quyết toán là quá chậm.
“Phải khẳng định chỉ đến khi người dân, dư luận bức xúc, Bộ Giao thông vận tải mới vào cuộc trong khi quy định tại Nghị định 15/2015. quy định đầu tư đối tác công tư, chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án, nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Nhưng thực tế nhà đầu tư không chấp hành”, TS Thủy. cho hay.
Mai Anh

Không có nhận xét nào: