Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

G20 hay Cuộc tình Một đêm

 07/09/2016
Nguyễn Quang Dy
6-9-2016
Xung đột Biển Đông có thể trải nghiệm một khái niệm chiến tranh mới “không theo quy ước”. Không phải “chiến tranh lạnh”, cũng không phải “chiến tranh nóng”. Không có tuyên chiến, cũng không có chiến tuyến vì không rõ đâu là ranh giới địch hay ta. Đó là một kiểu “trận đồ bát quái”, tuy hư mà thực, tuy thực mà hư. Liệu có quá muộn để người Mỹ tìm hiểu “Binh pháp Tôn tử”, và học cách đánh “cờ vây”?
http://media.doanhnghiepvn.vn/Images/thuphuong/2016/09/01/Participants_at_the_2015_G20_Summit_in_Turkey.jpg
G20 Summit (Hàng Châu, 4-5/9/2016) là điểm hẹn của các cường quốc. Nhưng mỗi nước đến với lợi ích quốc gia của mình và tâm trạng riêng, như “đồng sàng dị mộng”. Tổng thống Mỹ Obama sắp hết nhiệm kỳ, muốn để lại dấu ấn lịch sử, trước cuộc bầu cử tổng thống tai tiếng chưa từng có. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đang ở đỉnh cao quyền lực, muốn tăng cường uy thế để kéo dài thêm một nhiệm kỳ, nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Tổng thống Nga Putin đang đau đầu tìm giải pháp cho khó khăn kinh tế trong nước và phiêu lưu quân sự tại Syria và Ukraine. Thủ tướng Nhât Abe có cơ hội lịch sử để thay đổi vai trò của Nhật tại Đông Á với sửa đổi hiến pháp. Thủ tướng Anh Theresa May vừa “gặp may” làm thủ tướng sau sự kiện Brexit, đang lo cho tương lai đất nước và vai trò của mình…  
Có thể nói G20 còn quan trọng hơn cả G8, vì thế giới đại loạn (“Eurasia’s Coming Arnarchy”, Robert Kaplan, Foreign Affairs, February16, 2016) và quyền lực đang chuyển dịch từ Tây sang Đông. Đặc biệt là Trung Quốc đang có những vấn đề nội bộ nan giải phải đối phó, cũng như tham vọng tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, để bá chủ Đông Á. Có lẽ thể diện quốc gia và vị thế siêu cường là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Bắc Kinh. Suốt mấy tháng qua, họ đã đầu tư lớn (hàng tỷ USD) và nhiều công sức (không thể tính được) để chuẩn bị cho G20 Hàng Châu 2016, không thua kém so với Olympic Bắc Kinh 2008.
Nhưng các sự kiện đó chỉ như “cuộc tình một đêm” (one night stand), không thể đưa Trung Quốc “lên đỉnh” như một siêu cường, ngang ngửa với Mỹ. Tập Cận Bình khó đạt được “Giấc mộng Trung Hoa” và “Ngoại giao Nước lớn” (Great power Diplomacy) chỉ sau một đêm. Bắc Kinh tuy có ý thức về “sức mạnh mềm”, nên đã chi hàng tỷ USD cho chiến dịch tuyên truyền “Charm Offensive”, nhưng họ không hiểu “sức mạnh mềm” không thể mua bằng tiền và vật chất, như dự án làm đường sắt cao tốc (David Shambaugh)
Cái giá của G20 Hàng Châu
Theo tin báo chí, để chuẩn bị cho G20 Hàng Châu, 225 nhà máy đã bị đóng cửa (vì sợ làm ô nhiễm); Một nửa phương tiện giao thông thành phố bị cấm sử dụng từ 28/9 (sợ tắc đường); Tất cả các cửa hàng bách hóa và quán ăn trên đường phố cách trung tâm trong vòng 30 km cũng bị đóng cửa; Hàng ngàn cư dân tại các chung cư cao tầng gần trung tâm hội nghị phải “sơ tán” và niêm phong căn hộ của họ (sợ khủng bố đột nhập có thể bắn tỉa từ các ô cửa sổ trên cao); Mọi khách sạn ở Hàng Châu được yêu cầu phải khai báo với cảnh sát nếu có người Uyghur (Tân Cương) đăng ký thuê phòng (đề phòng khủng bố); Nhiều nhà dân chưa có hố xí tự hoại trong nhà được nhà nước lắp đặt hố xí miễn phí (để tránh tè bậy ngoài đường); Và toàn dân phải tiêu diệt sạch bốn kẻ thù là ruồi, muỗi, gián, chuột (để giữ vệ sinh)…
Dường như Bắc Kinh sẵn sàng làm mọi thứ, bằng mọi giá, chấp nhận tốn kém và bất tiện để đánh đổi lấy thể diện quốc gia, với tinh thần dân tộc “nước lớn”. Tất cả các cơ quan truyền thông được lệnh kiểm soát chặt chẽ thông tin báo chí và có biện pháp xử lý nếu có bất kỳ “tin xấu” nào liên quan đến G20 trên các trang mang xã hội. Một bầu không khí ngột ngạt như “thiết quân luật”, để phục vụ cho một sự kiện đối ngoại như “triển lãm chính trị”, mà không đếm xỉa đến cuộc sống bình thường của người dân. Nó chỉ nhằm khẳng định bộ mặt “nước lớn” (nhưng chưa trưởng thành) và giàu có (nhưng đầy giả tạo). 
Như hệ quả không định trước, G20 đã bộc lộ khiếm khuyết của mô hình phát triển Trung Quốc, với một xã hội mà không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, một nền chính trị không được lòng dân, và một nền kinh tế chụp giật đầy bất ổn. Nó cũng bộc lộ bộ mặt thật của văn hóa ứng xử kiểu Trung Hoa, với bề ngoài cao ngạo, nhưng bên trong lại nhỏ nhen, thủ đoạn (không “quân tử”). Nhà nước đầu tư lớn và chỉ đạo chặt chẽ đến thế, nhưng tại sao lại thiếu thảm đỏ và xe thang để phục vụ chuyên cơ “Air Force One” của Tổng thống Mỹ?  
Tại sao lại xẩy ra xích mích, cãi nhau ngay trên đường băng sân bay? Tại sao một quan chức Trung Quốc lại to tiếng quát “Đây Là đất nước chúng tôi, đây là sân bay của chúng tôi!” Nếu không phải là một người bị tâm thần, thì đó là một cách ứng xử thiếu văn hóa. Nếu Bắc Kinh muốn chứng tỏ Trung quốc có một nền văn minh lớn, thì cách ứng xử của họ đã phản tác dụng, bộc lộ văn hóa thấp .Theo cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc “đó không phải là một thiếu sót, mà là một hành động coi thường…Những thứ này không xảy ra một cách vô tình. Không phải với người Trung Quốc”. Cách ứng xử của họ không theo quy tắc lễ tân thông thường (khi đón nguyên thủ quốc gia), mà bộc lộ sự ngạo mạn của một nước lớn mới trỗi dậy, đầy hằn học với Mỹ, như muốn kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Hệ quả không mong muốn
Sau khi Tòa Trọng tài (PCA) phán quyết về Biển Đông (12/7), Trung Quốc bị cô lập và mất thể diện quốc tế. Họ tuy phản ứng mạnh (bằng tuyên bố), nhưng chưa dám hành động liều lĩnh tại Biển Đông, như bồi đắp để quân sự hóa bãi cạn Scarborough, và/hoặc tuyên bố khu vực nhận diện phòng không (ADIZ). Một trong những lý do Trung Quốc phải kiềm chế và nhịn nhục vì không muốn làm ảnh hưởng đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 Hàng Châu, là một sự kiện quốc tế rất quan trọng để Trung Quốc lấy lại thể diện quốc gia.   
Theo AFP (1/9/2016), Bắc Kinh rất cần tô điểm lại hình ảnh quốc tế của mình, đã bị sứt mẻ trong thời gian qua vì nhiều vấn đề, đặc biệt là tại Biển Đông. Tập Cận Bình “muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc có vị trí trung tâm trong hệ thống điều hành toàn cầu”. Tập muốn Trung Quốc được Mỹ đối xử bằng “Ngoại giao Nước lớn” giữa hai siêu cường (hay “G2”) để chia sẻ lợi ích toàn cầu theo “trật tự mới”. Vì vậy Bắc Kinh không tiếc tiền bạc và công sức để tô điểm cho Hàng Châu như một biểu tượng “nước lớn”.
Tuy thách thức Mỹ về chủ quyền Biển Đông như một vấn đề cốt lõi, Tập Cận Bình vẫn ưu tiên quan hệ với Mỹ, và muốn thỏa thuận với Obama về một số vấn đề “không cốt lõi”. Tập biết rõ Obama là “tổng thống vịt què” sắp rời Nhà Trắng sau bầu cử tháng 11, nên tại G20 Hàng Châu, Tập  muốn “bám chặt chủ đề kinh tế toàn cầu”, tránh các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông. Tập muốn sử dụng diễn đàn G20 này để phô diễn một “mặt trận đoàn kết” chống lại trật tự quốc tế mà họ cho là do Mỹ và Phương Tây định đoạt. Nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng sau G20, tương lai Biển Đông đầy rủi ro và bấp bênh.
Tổng thống Nga Putin đồng ý với quan điểm của Tập Cận Bình về Biển Đông, cho rằng “không thích hợp cho một bên thứ ba can thiệp vào vấn đề giữa hai quốc gia khác” (tức song phương). Tuy nhiên, triển vọng liên minh chiến lược Trung-Nga để đối trọng với Mỹ trong bàn cờ quốc tế có lẽ dựa trên tính toán thực dụng nhất thời (pragmatic calculus) chứ không trên khuôn khổ lòng tin chiến lược lâu dài (long-term strategic confidence). Đơn giản vì người Nga không tin người Trung Quốc, qua kinh nghiệm lịch sử. Ngay việc Nga tập trận với Trung Quốc tại Biển Đông cũng là miễn cưỡng vì tình thế, chứ Nga không muốn đánh mất quan hệ với Việt Nam, một đồng minh chiến lược và một khách hàng lớn mua vũ khí.  
Vấn đề Biển Đông là một trong ba chủ đề chính mà Mỹ đề cập tại Hàng Châu, nhưng Obama cố tình “giảm nhẹ áp lực trên vấn đề Biển Đông”. Có lẽ Obama không muốn gây rắc rối cho nước chủ nhà (đang muốn giữ thể diện), nên Mỹ và Trung Quốc đã (ngầm) giảm bớt lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông. Phải chăng Mỹ chọn đối đầu với Trung Quốc về Biển Đông tại diễn đàn ASEAN Summit ở Lào (Vientiane, 6-8/9/2016). Đây là chuyến thăm chính thức cuối cùng của Obama đến Châu Á, với tư cách Tổng thống Mỹ.
Ngay cả vụ xích mích tại sân bay, Obama cũng cố tình làm giảm nhẹ tính chất vấn đề , “Tôi không quan trọng hóa vấn đề này…” Tuy nhấn mạnh sự khác biệt về văn hóa, nhưng Obama cũng lưu ý là Chính quyền Mỹ luôn giữ vững những giá trị và tiêu chuẩn của mình (về truyền thông) trong các chuyến công du nước ngoài. Như để giữ thể diện cho nước chủ nhà, Mỹ đã thỏa thuận với Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, như một màn diễn thành công để che đậy những bất đồng lớn giữa hai nước.
Trong khi đó, thủ tướng Nhật Abe tuy không bỏ lỡ cơ hội chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ở Biển Hoa Đông, nhưng ông cũng tránh không muốn làm to chuyện về chủ đề Biển Đông, vì Nhật hy vọng có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật vào thời gian sắp tới. Các nước G20 khác cũng tránh đụng chạm căng thẳng với Bắc Kinh, để tranh thủ hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề khác…
Thay lời kết
Khác với G8 (7 nước phương Tây + Nga), G20 là câu lạc bộ “đồng sàng dị mộng”, tại đó Trung Quốc muốn lôi kéo Nga và một số nước khác cần vốn và thị trường Trung Quốc, để tạo ra một mặt trận đối trọng với Mỹ. Nếu ai muốn đạt được một thỏa thuận bền vững tại G20 thì sẽ là ảo tưởng, vì G20 Hàng Châu chỉ là “cuộc tình một đêm”.
Sau G20 lần này, Biển Đông có thể lại dậy sóng. Nếu Mỹ và đồng minh không chuẩn bị đối phó, thì tình thế của họ có thể trở thành “quá muộn” (too little too late). Tuy Trung Quốc có thể sẽ suy tàn như “end game” (David Shambaugh) nhưng họ vẫn có thể làm thế giới đảo điên. Thời điểm cuối năm nay khi Washington bận chuyển giao chính quyền và ASEAN càng bị phân hóa, là lúc Trung Quốc có thể manh động. Liệu Washington có sẵn sàng chiến đấu để ngăn chặn Trung Quốc vượt “lằn ranh đỏ” (red line) tại Biển Đông? và bằng cách nào? Làm thế nào để tàu sân bay Mỹ đấu được với “hạm đội dân quân” Trung Quốc?
Xung đột Biển Đông có thể trải nghiệm một khái niệm chiến tranh mới “không theo quy ước” (unconventional warfare). Không phải “chiến tranh lạnh”, cũng không phải “chiến tranh nóng”. Không có tuyên chiến, cũng không có chiến tuyến vì không rõ đâu là ranh giới địch hay ta. Đó là một kiểu “trận đồ bát quái”, tuy hư mà thực, tuy thực mà hư. Liệu có quá muộn để người Mỹ tìm hiểu “Binh pháp Tôn tử”, và học cách đánh “cờ vây”?
NQD. 6/9/2016

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-9-16

Không có nhận xét nào: