(VTC News) - Có thể nói Văn Lang cả đất, cả người đều vui tính, hòa nhã. Cái hài hiển hiện trên từng vóc dáng, con người Văn Lang.
Ông Hán Văn Sinh được người dân bầu là “cao thủ” nói khoác nổi tiếng nhất Văn Lang (Tam Nông, Phú Thọ). Ông cũng là người sáng tác được nhiều chuyện hài nhất.
Ông Sinh cho hay, tính hài hước của người Văn Lang bắt nguồn từ quá trình lao động vất vả, cực nhọc. Nỗi cực nhọc này còn đi cả vào thơ ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Váy ngắn quá gối là người Văn Lang”, hay: “Ăn cơm với chồng mới được nửa bữa/ Ngủ với chồng chỉ được nửa đêm”.
Xưa kia, nơi đây còn là rừng rú, cha ông tổ tiên đến khai hoang vất vả cực nhọc nên phải mượn tiếng cười, sự hài hước để xua tan mệt nhọc, để yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Tiếng cười của người Văn Lang mộc mạc, dễ hiểu, hồn nhiên trước những thành quả lao động, trước những cảnh ngộ éo le, tật xấu, có cả sự thông minh, láu lỉnh mà chỉ ở người nông dân mới có.
Cười để bộc lộ tâm tính lạc quan của người nông dân trước cuộc sống vất vả thường nhật. Tiếng cười còn thể hiện sự đấu tranh chống lại thói hư, tật xấu trong nội bộ nhân dân bằng thái độ đả kích nhẹ nhàng, độ lượng, khoan dung.
Tiếng cười Văn Lang bồi bổ thêm tinh thần lạc quan từ thời mở nước, dựng nước và nó làm mềm dẻo, bền dai hơn cho cuộc sinh tồn của nhân dân vùng mở nước, luôn luôn phải vượt lên đầu mọi cái khó.
Tác giả của những câu chuyện cười Văn Lang đều là người nông dân chân chất và đề tài hài hước của họ đều xoay quanh những cái ăn được: “Củ sắn to, dài đâm xuyên quốc lộ 24A, gốc ở Văn Lang, củ dài tới tận làng Cổ Tuyết”; “Quả nhãn to, cùi dày đến nỗi bổ ngập dao phay”; “Con ếch cốm buộc vào cối xay để nó xay lúa”; “Quả cau to bằng quả dừa”; “Bưởi rụng làm chết trâu”; “Vỏ quả đu đủ làm xuồng chạy lũ”; “Tôm đầm to như con chó vàng, chặt đầu, chặt đuôi cho vào nồi mười luộc mà vẫn nhảy ra ngoài được”; “Con ong mập đến nỗi cột dây vào chân nó, nó bay kéo cả người về tổ lấy mật”; “Văn Lang bắt được con lươn/ Thịt mang nướng chả, còn xương đẽo cày”...
Chó còn mừng nữa là taoMột anh chàng nhác nên giả ốm, kêu mệt rồi nằm nhà. Nhưng chị vợ vừa đi làm, anh ta đã vùng dậy rang ngô chén. Ngô vừa chín đã thấy tiếng vợ nheo nhéo gọi ngoài cổng. Thì ra vì chị vợ bỏ quên cái nón nên quay về lấy. Bí quá, anh chồng đổ tất ngô đang nóng vào túi quần. Bỏng quá, anh chàng vừa chạy ra mở cổng vừa nhảy tâng tâng. Chị vợ thấy lạ bèn hỏi: “Phải gió hay sao mà cứ nhảy cẫng lên thế?”. Anh chàng nhăn nhở cười: “Hay chửa, thấy mẹ mày về, chó còn mừng nữa là tao”.Cụ Trần Văn Thuộc kể
Có thể nói Văn Lang cả đất, cả người đều vui tính, hòa nhã. Cái hài hiển hiện trên từng vóc dáng, con người Văn Lang. Nhìn những đứa trẻ, nhìn ông già bà lão, ai ai cũng thấy chất hài.
Khuôn mặt người Văn Lang cứ quắt lại, hàm răng thì vẩu ra, đàn bà ánh mắt lúc nào cũng lúng la lúng liếng, rồi cái miệng xinh xinh lúc nào cũng chực nở nụ cười. Nhìn ai cũng có thể cười chứ chưa cần nói chuyện hay tiếp xúc với họ.
Những mẩu chuyện cười được sáng tác dựa trên những tính cách, những việc làm, những sự việc xảy ra hàng ngày trong làng. Với mỗi nhân vật vui tính trong làng đều có cả chùm chuyện cười nhân dân truyền miệng về họ.
Chẳng hạn như chùm chuyện cười về bà trẻ Nghệ (tên thật là Nguyễn Thị Nghĩ), ông Cù Đình Nghễ, ông Tình Thực, cụ Khoác... Những nhân vật này nói chuyện rất có duyên và dễ gây cười.
Chẳng hạn như bà trẻ Nghệ có tính tham ăn lại hay giả vờ. Một hôm bà trẻ Nghệ đến nhà cháu nội chơi, đứa cháu hỏi:
- Bà trẻ khỏe không?
- Tao ốm lắm, hôm qua ho 500 lần, đứa quạt, đứa thổi than.
- Sao lại vừa sưởi ấm, vừa quạt mát thế?
- Thì nó nóng trong bụng, rét ngoài da!
Hễ bà trẻ Nghệ sai con cháu đi hầm gà là bà luôn dặn: “Chớ có chọc đũa vào, đắng lắm, tao không ăn được...”. Có vô vàn những câu chuyện cười vỡ bụng quanh chuyện bà dặn con cháu hầm gà.
Câu chuyện nổi tiếng nhất, ai cũng thuộc, về ông Cù Đình Nghễ và bà Nghệ, như sau: Ông Cù Đình Nghễ đi thả diều. Diều đứt dây, dây rớt xuống mương, ông Nghễ cởi quần áo nhảy xuống thì diều lại bay mất.
Cứ thế ông Nghễ trần truồng đuổi theo diều mà quên mất rằng mình không mặc quần áo. Khi bọn trẻ cười rũ rượi thì ông mới sực nhớ.
Gặp mấy mà đi chợ, ông nhảy đại xuống mương, dầm mình không dám lên.
Lúc đó, bà trẻ Nghệ đi chợ qua. Chả là bà có con lợn nuôi mấy tháng không lớn, bà quyết định đem bán.
Khi qua chỗ ông Nghễ đang dầm mình thì cái sọt thủng, con lợn nhảy xuống mương. Ông Nghễ bắt hộ rồi cầm lên cho bà mà quên rằng mình đang cởi truồng.
Bà trẻ Nghệ xấu hổ quay đi, chỉ dám quờ tay để nhận lại lợn. Không ngờ bắt ngay phải của quý của ông Nghễ, thế là bà la lên: “Ối giời, con lợn nhà em độ này chóng lớn quá! Thôi, em chả đem bán nữa”.
Cụ Sinh kể rằng, cách đây mấy năm, trong một hội thảo quốc tế về văn hóa dân gian được tổ chức tại Phú Thọ, cụ Sinh là người thay mặt hơn 5 ngàn dân xã Văn Lương đi dự.
Bác mua đi, nỏ lắm!- Bác ơi! Bác mua gánh củi này cho cháu đi!- Củi của cô còn tươi nguyên thế này mua làm gì? Tôi cần củi đun ngay nên phải mua củi khô.- Nhưng củi khô thì bác đem về thế nào được ạ?- Tôi đèo xe đạp chứ!- Thế thì cháy xe đạp mất!- Sao cơ?- Bác ở xa nên không biết rồi! Củi làng cháu nỏ lắm bác ạ. Hễ củi khô là nó tự cháy, đặt đâu cháy đấy, không kịp châm lửa đâu, nên chỉ đun củi tươi thôi. Thật đấy, bác mua đi. Nỏ lắm!Quỳnh Hoa kể
Hôm ấy, có cả đại biểu của xứ Gabrôvô. Các đại biểu đã có hơn một tiếng đồng hồ cười xả láng khi cụ Sinh đăng đàn kể chuyện. Trong giờ nghỉ, đại biểu vùng Gabrôvô đến gặp cụ Sinh và nói rằng: “Truyện cười Gabrôvô và truyện cười Văn Lang đều có nét đặc sắc riêng. Nét đặc sắc của các bạn là đề tài vừa phong phú lại vừa sát thực với đời sống nông thôn”.
Cụ Sinh bảo, có thể đó là lời khen tặng xã giao song cũng không phải không cái có cái đúng. Tuy nhiên, người dân vùng Gabrôvô được hưởng lợi rất nhiều từ du khách bốn phương muốn tò mò tìm hiểu xứ sở hài hước nổi tiếng.
Đấy là cụ Sinh chân thành kể vậy. Còn có đại biểu của xứ Gabrôvô sang Phú Thọ hay không thì tôi chưa chứng thực.
Truyện cười là đặc sản văn hóa lâu đời của người dân Văn Lang, vô cùng đặc sắc, song lại đang có nguy cơ bị lãng quên dần.
Ớt Văn Lang- Bác mua ớt hử, mua đi, ớt Văn Lang chúng em đấy, cay rõ là cay.Người bán hang mời chào. Người mua hàng nhặt quả ớt lên định nếm. Người bán hàng vội ngăn lại:- Chọn ớt chớ có ngửi. Ớt làng em cay lắm. Bác ngửi một ít cũng cay sộc lên tận óc. Hít hai tý là hắt hơi suốt ba ngày, mà ăn một chút xíu cũng cay đến rụt đầu lưỡi. Mà có khi lại cấm khẩu nữa chứ.- Gớm, ớt Văn Lang cay thế thì bố ai dám mua.Phan Thị Định kể
Chủ tịch xã Hán Văn Tuấn buồn bã: “Chúng tôi cũng muốn mỗi năm tổ chức thi kể truyện cười, dàn dựng tiểu phẩm, quay video để giữ lại chút tinh túy của cha ông và truyền chất văn nghệ cho lớp trẻ song khó tìm kinh phí quá.
Trước kia, cũng vì cái nghèo mà cha ông đã tạo nên chất hài Văn Lang thì giờ đây, vẫn cái nghèo đã khiến chúng tôi đánh mất dần di sản quý báu đó”.
Người dân ở Văn Lang còn nghèo. Họ không biết tổ tiên từ đâu đến đây. Cuộc sống biệt lập, gắn bó với thiên nhiên nên tính tình phần nhiều chân chất. Họ sống gắn bó, yêu thương nhau và cực kỳ hiếu khách. Nói quá ở Văn Lang không hại ai mà chỉ để làm cuộc sống thêm vui nhộn.
Phong Bình
BÌNH LUẬN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét