Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Linh Đan ( VOA): TPP: Washington tiến, Hà Nội lùi; Việt Nam: TPP dân cần nhưng Đảng và Quốc hội chưa vội...

Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương ở Auckland, New Zealand, 4/2/2016. Khối 12 nước tham gia TPP chiếm gần 40% lượng GDP toàn cầu.
Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương ở Auckland, New Zealand, 4/2/2016. Khối 12 nước tham gia TPP chiếm gần 40% lượng GDP toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa giành thêm sự ủng hộ cho nỗ lực thông qua Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Việt Nam vừa tuyên bố sẽ không vội thông qua hiệp định thương mại được coi là lớn nhất của thế kỷ 21 như dự định.
Ngay sau khi trở về từ chuyến công du châu Á cuối cùng, trong đó TPP là một trọng tâm, Tổng thống Obama đã đưa nghị sỹ đảng Cộng Hoà John Kasich, người trước đó tham gia vận động tranh cử tổng thống nhưng thua cuộc, vào danh sách những người sẽ giúp ông thúc đẩy thông qua hiệp định thương mại này.
TPP đã được Obama thúc đẩy từ rất sớm trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông và là một trọng tâm trong chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền mình. Tổng thống Obama xem châu Á Thái Bình Dương – khu vực đông dân nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới – là nơi mà Mỹ có cơ hội để bán các sản phẩm và thúc đẩy cho doanh nghiệp và công nhân Mỹ.
Nói với các phóng viên tại phòng Bầu dục hôm 16/9 ngay trước cuộc gặp ông Kasich và nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng, Tổng thống Obama nói: “Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ để tạo ra một hiệp định thương mại của riêng họ.”
Nhưng sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc không chỉ là về kinh tế và TPP được coi là một lá bài chính trị trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách gia tăng sức mạnh bá quyền. Thống đốc bang Ohio, John Kasich, sau cuộc thảo luận với tổng thống Obama hôm 16/9, kêu gọi quốc hội Mỹ ủng hộ TPP bởi nó sẽ giúp Mỹ có thêm sức mạnh ở châu Á nơi Trung Quốc và Nga cũng đang tìm cách gây ảnh hưởng.
Theo ông Kasich, đó sẽ là một cú đòn lâu dài cho an ninh khu vực nếu Nhật, Malaysia, Singapore, Việt Nam và các cường quốc đang nổi lên lo sợ rằng họ không thể dựa vào Mỹ mà thay vì đó tìm đến Trung Quốc và Nga để có một sự lãnh đạo.
Khối 12 nước tham gia TPP chiếm gần 40% lượng GDP toàn cầu với một thị trường hơn 800 triệu dân và chiếm khoảng 1/3 thương mại thế giới. Hiệp định này được các bộ trưởng thương mại của khối thông qua ở New Zealand hồi đầu năm nay sau hơn 5 năm đàm phán nhưng sẽ phải chờ sự thông qua của từng chính phủ mới được coi là hoàn tất.
Trong chuyến thăm châu Á vừa qua, Tổng thống Obama đã giành rất nhiều thời gian để thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ hoàn tất TPP dù đang có nhiều sự chống đối từ quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, cuối tuần trước, quốc hội Việt Nam đã khẳng định rằng họ sẽ không phê chuẩn hiệp định này một cách nhanh chóng. Các nhà lập pháp Việt Nam đã từ chối đưa vấn đề phê chuẩn hiệp định TPP vào trong chương trình nghị sự của phiên họp tiếp theo vào tháng 10.
Động thái này của Hà Nội có thể làm cho Washington ngạc nhiên nhưng những người hiểu về Việt Nam thì không cho đó là một điều bất ngờ. Nhà nghiên cứu về Việt Nam Jonathan London, hiện là giáo sư kinh tế chính trị học về châu Á của đại học Leiden ở Hà Lan, cho rằng việc Việt Nam hoãn thông qua TPP là có lý do bởi “môi trường chính trị ở Mỹ đối với TPP hiện nay rất phức tạp” và Việt Nam có nhiều ràng buộc, nhất là về đảm bảo quyền lợi người lao động, phải đạt để có được TPP.
“Có khả năng là các lãnh đạo Việt Nam có tính toán mà thấy là chưa chắc họ nên hứa làm những bước đi mà TPP đã yêu cầu trước khi họ biết kết quả chính trị ở bên Mỹ sẽ như thế nào”.
Cả 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ, bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và ông Donald Trump của Đảng Cộng hoà, đều đã tuyên bố không ủng hộ hiệp định này.
Theo giới quan sát, Việt Nam được coi là nước sẽ thu lợi nhiều nhất trong số 12 nước thành viên tham gia ký kết hiệp định thương mại, trong đó bao gồm Mỹ, Úc, Nhật và các nước trong vành đai Thái Bình Dương. Với hiệp định này, Việt Nam được dự đoán sẽ thu được lợi ích lớn từ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chính như may mặc, điện tử và thuỷ sản.

    Không có nhận xét nào: