Tác giả: Valerie Burki, www.greenmedinfo.com | Dịch giả: Xuân Dung
Một nghiên cứu mới đã phát hiện: càng cảm thấy biết ơn nhiều hơn, bạn càng ít có nguy cơ bị đau tim. Liệu có một công thức nào cho lòng biết ơn không? Hãy tìm hiểu trong bài viết sau đây về sự khác biệt của những người rất biết ơn.
“Lòng biết ơn mở ra cánh cửa vươn tới sức mạnh, trí tuệ và sức sáng tạo của vũ trụ”– Deepak Chopra
Chúng ta đều biết rằng sức khỏe tâm thần và thể chất hoà quyện chặt chẽ với nhau, nhưng những dữ liệu mới cho thấy thái độ của bạn có thể có một ảnh hưởng to lớn tới nguy cơ bạn bị đau tim. Thành tựu khoa học mới nhất tiết lộ rằng một “trái tim biết ơn” là một trái tim lành mạnh.
Tiến sĩ Paul Mills của trường Y khoa Đại học California San Diego đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và sức khỏe tim mạch trong nhiều thập kỷ. Một thái độ tích cực sẽ ít dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim hơn, vì nó làm giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm, tất cả những điều góp phần gây bệnh tim mạch.
Vậy lòng biết ơn và quả tim của bạn thì thế nào? Để trả lời câu hỏi này, Mills đã tiến hành một cuộc điều tra. Ông tuyển 186 người bị bệnh tim, cả nam lẫn nữ, và đã đưa ra một danh sách các câu hỏi về lòng biết ơn.
Những gì ông có được [từ cuộc điều tra này] là, con người càng mang lòng biết ơn nhiều hơn thì càng khoẻ hơn. Mills cũng thực hiện các xét nghiệm máu để đo lường mức độ sưng viêm. Sự sưng viêm có tương quan chặt chẽ với sự tích tụ mảng bám động mạch và sự phát triển của bệnh tim mạch. Điều thú vị là, các cá nhân có thái độ biết ơn nhiều nhất cho thấy các dấu hiệu sưng viêm thấp nhất.
Mills sau đó đi sâu hơn với một nghiên cứu theo dõi việc ghi nhớ sự biết ơn. Sau hai tháng, các cá nhân có tiền sử bệnh tim nhưng thường xuyên viết nhật ký bày tỏ lòng biết ơn có xu hướng giảm nguy cơ tim mạch tổng thể, trong khi nhóm không ghi nhật ký thì không được như vậy. Mills không dám quả quyết lòng biết ơn có thể trợ giúp trái tim như thế nào nhưng tin rằng điều then chốt có thể là do giảm áp lực.
Những kết quả này không quá bất ngờ so với các kết quả những nghiên cứu trước đây tìm hiểu về mối liên hệ giữa các trạng thái cảm xúc tiêu cực với tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Một đánh giá năm 2012 của trường Y khoa cộng đồng Đại học Harvard về 200 nghiên cứu [có chủ đề này] đã kết luận rằng tính lạc quan và vui vẻ thực sự làm giảm nguy cơ tim mạch.
Lòng biết ơn đem đến lợi ích cho cả tâm trí và thân thể
Robert A. Emmons đứng đầu một dự án nghiên cứu dài hạn với mục đích tạo ra và phổ biến các dữ liệu khoa học về bản chất của lòng biết ơn, cũng như những nguyên nhân và hệ quả tiềm tàng của lòng biết ơn đối với sức khỏe và hạnh phúc con người. Nhà thần kinh học Emiliana Simon-Thomas, giám đốc khoa học của Trung tâm khoa học về sự thân thiện (GGSC) tại UC Berkeley, làm việc cùng Emmons trong nghiên cứu về lòng biết ơn. Simon-Thomas báo cáo:
“Sau tám tuần thực hành, quét não của những cá nhân trau dồi lòng biết ơn có cấu trúc não bền vững hơn về nhận thức xã hội và sự đồng cảm, cũng như phần não xử lý về sự đền ơn.”
Simon-Thomas đồng thời cũng thấy lòng biết ơn làm giảm bớt các triệu chứng stress sau chấn thương và giúp các cá nhân bị PTSD phục hồi nhanh hơn. Các nghiên cứu liên quan đến những người sống sót với chấn thương tâm lý (các cựu chiến binh Việt Nam và nạn nhân vụ 11/9) đã phát hiện thấy sự biết ơn là một yếu tố quan trọng trong việc chữa lành chấn thương tâm lý.
Trong lời giới thiệu về chương trình phát thanh đặc biệt Khoa học của lòng biết ơn, tạp chí trực tuyến “Tấm lòng thân thiện” của trường UC Berkeley cho biết, đơn thuốc cho hạnh phúc có thể là một lời khuyên đơn giản: hãy nói cảm ơn. Nhưng niềm hạnh phúc chỉ là đỉnh của tảng băng trôi! Nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn thường đến kèm với một chuỗi những lợi ích ấn tượng, gồm những điều sau đây:
- Cải thiện các mối quan hệ cá nhân và công việc
- Sức khỏe thể chất tốt hơn
- Đồng cảm hơn, nhạy bén hơn, và kết nối với người khác tốt hơn
- Lòng tự trọng cao hơn
- Hạnh phúc được nâng cao
- Chăm sóc bản thân tốt hơn
- Tăng cường sức mạnh tinh thần và khả năng phục hồi
- Lạc quan hơn
- Giấc ngủ tốt hơn; thông tin thêm, giấc ngủ ngon lành cũng thúc đẩy lòng biết ơn
- Giảm căng thẳng và lo âu
- Giảm tính hiếu thắng
- Ít để ý đến khía cạnh vật chất
Liệu có một công thức nào cho một tâm hồn đầy biết ơn?
Tôi đặc biệt thích cách biên tập viên Jeremy Adam Smith mô tả lòng biết ơn trong một bài báo tại tờ “Tấm lòng thân thiện”:
“Lòng biết ơn (và anh chị em của nó, sự cảm kích) là công cụ tinh thần chúng ta sử dụng để tự nhắc nhở mình về những điều tốt đẹp. Đó là một ống kính giúp chúng ta nhìn thấy nhiều điều không nằm trong danh sách các vấn đề chúng ta cần giải quyết. Đó là luồng ánh sáng toả lan tới những con người đem đến cho chúng ta những điều tốt đẹp trong cuộc sống.”
Tin rằng ông thiếu một chút kỷ luật trong cá tính biết ơn, Smith tổng hợp một danh sách gồm sáu đặc điểm ông tin rằng sẽ tạo ra “những người có lòng biết ơn tuyệt vời” khác hẳn với những người khác:
- Họ đã có lúc suy nghĩ về cái chết và mất mát. Còn được biết đến là “phép trừ tâm thần”, điều này liên quan đến việc nhận thức những gì chúng ta thực sự có, bằng cách ngẫm nghĩ về những gì có thể không hiện hữu. Không phải là suy nghĩ đến những điều không thể cứu vãn, mà là phát triển sự cảm kích bằng cách xem xét tất cả các khả năng có thể.
- Họ dành thời gian để ngửi những đoá hoa hồng. Thưởng thức những trải nghiệm tích cực khiến những trải nghiệm đó gắn chặt hơn vào não bộ. Bạn có từng bao giờ nhận ra rằng ngụm cà phê đầu tiên là ngon nhất không? Chúng ta có xu hướng quen dần với những điều thú vị, thưởng thức chúng ngày càng ít đi qua thời gian – một hiện tượng gọi là “sự thích nghi hưởng thụ.” Biện pháp khắc phục là tạm thời từ bỏ thói quen này.
- Họ xem những điều tốt đẹp là quà tặng, mà không phải là những đặc quyền.Ngược lại với lòng biết ơn là sự đòi quyền lợi. Một mối bận tâm về cái tôi sẽ nhanh chóng dập tắt bất cứ cảm giác nào về lòng biết ơn.
- Họ biết ơn con người, không chỉ với đồ vật. Bày tỏ lòng biết ơn đối với người khác sẽ làm mạnh thêm các mối liên kết xã hội và làm tăng niềm tin, lòng trắc ẩn và sự yêu mến.
- Họ kể đến những chiếc bánh kẹp. Người mang lòng biết ơn rất cụ thể trong những cách thức biểu lộ lòng biết ơn, làm cho những biểu hiện của họ trở nên xác thực hơn. Ví dụ, họ có thể nói, “Anh yêu những chiếc bánh kẹp em làm cho anh vào sáng thứ Bảy vì em biết anh đã có một tuần vất vả”, chứ không phải là, “Anh yêu em vì em thật là tuyệt vời.”
- Họ cảm ơn một cách khác biệt. Đây không phải là sự phủ nhận tính tiêu cực, mà là một cách suy nghĩ về thế giới đã biến trở ngại thành cơ hội.
Những ý tưởng để bắt đầu thực hành bày tỏ lòng biết ơn
Việc trau dồi lòng biết ơn liên quan đến việc chậm lại và xem xét kỹ cuộc sống của bạn – quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngoài việc tìm kiếm những món phần thưởng trong hiện tại, những cơ hội bày tỏ lòng biết ơn nhiều hơn được vun đắp bằng cách lấy những ký ức từ quá khứ và phát triển thành triển vọng tích cực cho tương lai. Sau đây là một vài gợi ý cho việc thực hành lòng biết ơn:
- Hãy nói cảm ơn. Hãy thường xuyên viết những câu cảm ơn ngắn gọn. Để có một tác động thậm chí mạnh hơn, hãy viết một lá thư cảm ơn chi tiết hàng tháng. Hãy cân nhắc việc đôi khi viết một lá thư như thế cho chính mình.
- Hãy cảm ơn một người nào đó trong lòng. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh tư tưởng của bạn.
- Hãy viết nhật ký biết ơn. Trước khi đi ngủ, hãy dành một vài phút để viết ra những điều mà bạn biết ơn. Một hoặc hai lần một tuần là đủ. Tập trung vào các mối quan hệ giữa các cá nhân (chứ không phải là những thứ vật chất) đã được chứng minh là có tác động lớn hơn.
- Hãy tạo một lọ chứa lòng biết ơn. Mỗi ngày bạn hãy viết ra những gì bạn biết ơn trên một mẩu giấy, và bỏ nó vào một cái lọ. Vào một ngày khó khăn, hãy lấy ra và đọc lại một vài tờ như những lời nhắc nhở về lòng biết ơn.
- Hãy cảm ơn về bữa ăn. Thực hành biết ơn trong cách cư xử hàng ngày của bạn với gia đình trong bữa tối.
- Hãy thiền định hay cầu nguyện. Sẽ vô cùng khó cảm thụ cuộc sống chung quanh trong khi bạn đang làm việc, nên hãy dành một ít thời gian cho riêng mình. Thiền định đem lại nhiều lợi ích, bao gồm cả việc suy nghĩ một cách logic hơn và rõ ràng hơn từ nhiều góc độ.
Bài viết này đã được xuất bản lần đầu tại GreenMedInfo.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét