Sao cứ lao vào thép! (*): Không thể đánh đổi môi trường
Theo điều tra của Cục Điều tra thống kê Mỹ, chi phí thường xuyên để khử ô nhiễm khi sản xuất 94,9 triệu tấn thép thô là 1,279 tỉ USD. Như vậy, chi phí thường xuyên để khử ô nhiễm (không kể chi phí đầu tư) để sản xuất 1 tấn thép là 13,5 USD vào năm 2005 và là 17 USD khi tính lại theo giá hiện hành năm 2016.
Bảo đảm môi trường thì không có lãi
Năm 2014, Mỹ chi 6,36 tỉ USD để khử ô nhiễm trong sản xuất 88,174 triệu tấn thép (bao gồm làm sạch nước và khử chất thải 4,55 tỉ USD; giải quyết CO2 tốn 1,81 tỉ USD), tức khoảng 74 USD để làm sạch môi trường khi sản xuất 1 tấn thép.
Một góc dự án nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) Ảnh: ĐỨC NGỌC
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh khẳng định doanh nghiệp sản xuất thép không thể nào có lãi nếu như bảo đảm các tiêu chuẩn xử lý xả thải ra môi trường một cách nghiêm túc. Bởi lẽ, giá thép hiện nay chỉ có khoảng 300 USD/tấn và các công ty sản xuất thép trên thế giới chỉ có lãi bằng 1,2% doanh thu, thậm chí nhiều nước hoàn toàn lỗ. “Khi doanh nghiệp hăm hở làm tức là họ chấp nhận việc xả thải ra môi trường để có lãi. Cả dải phía Bắc miền Trung đã tan hoang rồi, giờ nếu xảy ra tình trạng tương tự ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ rất nguy hiểm” - ông Bùi Trinh cảnh báo.
Ngoài tác động đến môi trường, sản xuất thép cũng cần huy động lớn công suất của ngành khai khoáng. Quan điểm phát triển chung hiện nay là phát triển đi đôi với bảo vệ bền vững tự nhiên, trong khi khai khoáng rõ ràng là ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên thiên nhiên. “Cần đánh giá trữ lượng tài nguyên được sử dụng trong việc sản xuất phôi và phải có kế hoạch khai thác sao cho nguồn tài nguyên không bị kiệt quệ trong thời gian ngắn, ăn hôm nay phải nghĩ đến ngày mai” - ông Trinh nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, người dân đang rất trông đợi vào lời hứa của Chính phủ về việc xử lý và ứng xử liên quan đến các dự án có tác động môi trường. Trong đó, dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) là phép thử lòng tin của người dân vào lời hứa đó nên phải hết sức cân nhắc khi phê duyệt, cấp giấy phép đầu tư.
Phải xem xét tác động tổng thể
Theo PGS Nguyễn Sơn Lâm, giảng viên bộ môn kỹ thuật gang thép - ĐH Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận khách quan thì hiện nay Việt Nam có lợi thế cảng nước sâu để làm luyện kim vì ngành này yêu cầu vận chuyển các nguyên liệu và sản phẩm rất lớn, nhất là khi vẫn phải nhập khẩu khoáng sản về để sản xuất. Tuy nhiên, có làm các dự án thép nữa hay không, làm ở đâu, cấp giấy phép cho công ty nào làm cần tìm hiểu cụ thể.
Cũng theo PGS Lâm, hiện 75% sản lượng thép trên thế giới vẫn đi theo công nghệ lò cao. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển đều chú trọng đến vấn đề xử lý môi trường như làm dự án đầy đủ, phê duyệt bài bản; đánh giá tác động môi trường phải nhận diện ra được những vấn đề phát thải, liên quan đến rắn, lỏng, khí; sau đó có giải pháp khắc phục khoa học thuyết phục; cam kết thực hiện và quản lý theo dõi từ vận hành thử đến vận hành chính thức. Ngoài ra, cần tập hợp ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế để giải bài toán giữa lợi ích của phát triển ngành với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cân đối cung cầu, tính toán hiệu quả tổng hợp để có quyết định đúng đắn xem có nên tiếp tục làm theo hay không.
Chuyên gia Bùi Trinh cũng nhấn mạnh: “Cần đánh giá tác động đến môi trường từ việc khai thác nguyên liệu và sản xuất phôi thép. Trong trường hợp phôi thép nhập khẩu rẻ hơn phôi thép sản xuất trong nước thì tại sao lại bắt cả nền kinh tế phải chịu thiệt thòi để đáp ứng lợi nhuận cho một số ít công ty thép lớn? Trong khi đó, sản xuất thép trong nước sẽ bị đội giá thành và làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường là khó tránh khỏi”.
Ở góc nhìn vĩ mô, ông Trinh cho rằng ảnh hưởng tiêu cực của một dự án có thể là không quá lớn. Tuy nhiên, nếu cộng hưởng với những vấn đề khác mà Việt Nam gặp phải từ đầu năm đến nay như hạn hán, nhiễm mặn ở Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung sau vụ việc Formosa… thì sẽ gây nên những ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế.
Kỳ tới: Sống bám bảo hộ
Rà soát 4 dự án thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát lại việc cấp phép 4 dự án nhà máy thép trên địa bàn tỉnh, gồm: Công ty TNHH Thép FUCO, Công ty TNHH Thép Vina Keoi, Công ty TNHH Thép Posco ss và Công ty CP Thép China Steel Simikin Việt Nam.
Trong kiến nghị này, Thanh tra Chính phủ nêu rõ Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải rà soát lại nhu cầu đầu tư, việc cấp phép đầu tư đối với các dự án nhà máy thép trên địa bàn bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thép và ngành điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay sau khi có kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải khẩn trương rà soát ngay.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ trong quá trình thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát hiện tại một số địa phương có các nhà máy thép có dấu hiệu nằm ngoài quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Ng.Quyết
Phương Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét