Thụy My
Các cô phục vụ trình diễn tại «Pyongyang» ở Amsterdam, nhà hàng Bắc Triều Tiên đầu tiên mở tại châu Âu, ngày 10/04/2012.Koen van Weel / ANP / AFP
Đó là những cô gái trẻ trung xinh đẹp, được tuyển lựa để làm việc tại các nhà hàng do Bình Nhưỡng mở ra tại Trung Quốc. Vai trò của các cô là trưng ra một bộ mặt dễ coi cho chế độ Kim Jong Un. Một nhà báo Nhật đã dành ba năm để điều tra về chủ đề này, thuật lại cuộc sống hàng ngày hết sức ngột ngạt của các cô.
Liên quan đến châu Á, đáng chú ý nhất trên các tuần báo Pháp là bài điều tra « Những cô gái Bắc Triều Tiên sống khép kín tại Bắc Kinh » của tờ Foresight xuất bản tại Tokyo, được Courrier International trích dịch.
Đó là những cô gái trẻ trung xinh đẹp, được tuyển lựa để làm việc tại các nhà hàng do Bình Nhưỡng mở ra tại Trung Quốc. Vai trò của các cô là trưng ra một bộ mặt dễ coi cho chế độ Kim Jong Un. Một nhà báo Nhật đã dành ba năm để điều tra về chủ đề này, thuật lại cuộc sống hàng ngày hết sức ngột ngạt của các cô.
Có gì lạ trong những nhà hàng Bắc Triều Tiên ?
Hôm 31/3, một nhà hàng Bắc Triều Tiên, tạm gọi là Z, nằm tại khu Sanlitun, một khu phố náo nhiệt của Bắc Kinh, đã đóng cửa mà không hề báo trước cho một khách hàng nào dù trung thành nhất. Nhà hàng Z khai trương tháng 4/2012, chủ đầu tư là một công ty Trung Quốc hợp tác với khách sạn hạng sang Koryo Hotel ở Bình Nhưỡng. Giám đốc do phía Trung Quốc bổ nhiệm, còn các nhân viên phục vụ và đầu bếp được đối tác Bắc Triều Tiên gởi sang.
Nhà hàng dọn những món đặc sản Triều Tiên như kim chi, naengmuon (mì lạnh), thịt chó nấu theo kiểu miền Bắc, bia Taedonggang. Khách hàng được chào đón bởi những thiếu nữ tuổi đôi mươi thanh mảnh, nước da trắng, mặc những bộ chima jeogori truyền thống hai màu đỏ và trắng.
Người ngoại quốc khó có dịp gặp gỡ những cô gái của đất nước khép kín Bắc Triều Tiên. Đến dùng bữa ở các nhà hàng loại này, họ có thể gợi chuyện với những người đẹp bí ẩn, và nếu may mắn thì còn được bắt tay các cô. Còn nhà hàng thì lợi dụng sự tò mò của khách, bán đắt hơn những tiệm ăn xung quanh và tính thêm phí phục vụ 10%.
Z là nhà hàng sang trọng với phòng ăn lớn 80 chỗ, hơn một chục phòng ăn riêng, được trang trí bằng những ngọn đèn chùm lộng lẫy và một bức tranh phong cảnh Bắc Triều Tiên thật to. Cơ sở này làm ăn phát đạt, các cán bộ lãnh đạo và doanh nhân Trung Quốc thường xuyên lui tới và cả những nhóm du khách Hàn Quốc. Điểm thu hút chính là chương trình biểu diễn hằng đêm từ 19 giờ. Các cô gái phục vụ chơi trống, organ, ghi-ta…hai cô xinh nhất thì hát.
Cuộc sống tù tội, nhưng được ăn uống thỏa thích
Trái với khách hàng tìm đến đây để giải trí, các cô nhân viên trẻ đẹp lại có cuộc sống hết sức trói buộc. Cả ba mươi cô phục vụ sống trong một căn hộ bốn phòng gần đại sứ quán Bắc Triều Tiên, ngủ trên những chiếc giường đôi, không hề có được sự riêng tư. Do chỉ có một nhà tắm và toilette nên thường xuyên phải xếp hàng chờ đợi. Các cô không có quyền sử dụng điện thoại di động cũng như internet, chỉ có thể xem những DVD âm nhạc Bắc Triều Tiên.
Tất cả những quà tặng của khách như mỹ phẩm và quần áo hàng hiệu đều bị tịch thu và gởi về Bình Nhưỡng, chỉ được sử dụng hàng nội hóa chất lượng tồi do Koryo Hotel cung cấp. Tuy nhiên nhờ làm việc ở nhà hàng Z, các thiếu nữ này có thể tha hồ ăn thịt, cá, trứng, yaourt, trái cây tươi tùy ý – một điều khó thể có tại Bình Nhưỡng dù các cô thường xuất thân từ các gia đình trung lưu hay thượng lưu Bắc Triều Tiên.
Mặc dù làm việc không ngơi nghỉ, các nữ nhân viên được trả lương 5.000 nhân dân tệ (671 euro) một tháng nhưng thực tế chỉ lãnh 700 nhân dân tệ (94 euro), hơn nữa chỉ được nhận khi nào trở về nước. Có đến 86% số tiền lương nhân viên do đối tác Trung Quốc trả đều được chuyển cho Koryo Hotel, và tất nhiên do chế độ sử dụng.
Tiền vào túi chế độ, nhân viên ngày chỉ một chén cơm
Ban đầu Koryo Hotel là chi nhánh của Cục 38, chuyên thu thập ngoại tệ từ các khách sạn, nhà hàng và ngoại thương để cung cấp cho quỹ của đảng Lao Động. Đến năm 2009, Cục 38 được sáp nhập vào Cục 39 rồi bị giải thể, và nay Koryo Hotel trực thuộc Ban Botanho của Hội đồng Bộ trưởng.
Theo một doanh nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại Trung Quốc, đến cuối 2014 có 26 nhà hàng của Bình Nhưỡng tại trung tâm Bắc Kinh. Nhưng từ khi Tập Cận Bình tung ra chiến dịch chống tham nhũng, số khách hàng Trung Quốc giảm hẳn. Và sau vụ thử nguyên tử hồi đầu năm cũng như nhiều vụ bắn hỏa tiễn sau đó, chính phủ Hàn Quốc kêu gọi công dân không nên đến các nhà hàng Bắc Triều Tiên, nên số du khách Hàn Quốc cũng vắng đi. Đến tháng Tư năm nay, có bảy nhà hàng Bắc Triều Tiên đã phải đóng cửa.
Nhà hàng Z cũng nằm trong số này, nhưng đang chờ đợi cơn bão đi qua, nên không đưa 30 nhân viên của mình về nước. Các cô vẫn ở chỗ cũ, bị cấm ra ngoài, mỗi ngày chỉ được ăn một chén cơm, một ít thức ăn và một lát bánh mì.
Thăng trầm thời cuộc và các cô gái bí ẩn
Vì sao không cho phép các nhân viên phục vụ tạm thời quay về Bắc Triều Tiên ? Giám đốc người Trung Quốc thầm thì với phóng viên, đó là vì các cô nhập cảnh với tư cách « sinh viên ngoại quốc ». Bắc Kinh biết nhưng làm lơ, nay quan hệ đôi bên xấu đi, Trung Quốc có thể áp dụng quy định chặt chẽ hơn. Nếu về nước, các thiếu nữ này chỉ có thể trở lại Trung Quốc sau khi hoàn thành các thủ tục hành chính phức tạp và tốn kém.
Ngoài Trung Quốc, các nhân viên Bắc Triều Tiên còn hiện diện tại 17 nước trong đó có Nga và Mông Cổ, tổng cộng khoảng 50.000 người. Hộ chiếu của họ bị đại sứ quán Bắc Triều Tiên giữ lại, và họ bị buộc phải làm việc rất nhiều giờ trong ngày. Mỗi năm Bình Nhưỡng thu được 1,2 đến 2,3 tỉ đô la từ những người lao động này, và cộng đồng quốc tế bắt đầu điều tra về nguồn tiền luân chuyển.
Tuy nhiên ban giám đốc Z vẫn không bi quan về việc tái khởi động loại hình kinh doanh kiếm tiền dễ dàng nhờ các cô gái Bắc Triều Tiên trẻ đẹp - chỉ cần chờ dư luận quốc tế lắng dịu. Điều nghịch lý là nếu các cô không còn gắn bó với sự bí ẩn của chế độ, trở thành những « cô gái bình thường », thì khó thể thu hút được những người khách tò mò. Tóm lại là những thăng trầm của các nhà hàng Bắc Triều Tiên ở nước ngoài chính là chiếc phong vũ biểu cho mức độ cải cách và mở cửa của Bình Nhưỡng.
Miến Điện : Bà Suu Kyi muốn « hái trái từ vườn hoang »
Cũng liên quan đến châu Á, The Nation nói về « Miến Điện : Hy vọng hòa bình vẫn còn mong manh ». Hội nghị tập hợp nhiều nhóm thiểu số đã được tổ chức, bà Aung San Suu Kyi đã đi được bước đầu tiên, nhưng còn phải bước tiếp nhiều bước nữa, theo bài báo được Courrier International dịch lại.
Khi tổ chức hội nghị Panglong thế kỷ 21 (31/8-4/9) với gần 2.000 đại biểu tham dự, bà Aung San Suu Kyi tìm cách nhắc lại những hứa hẹn trong thỏa thuận Panglong năm 1947 do tướng Aung San, cha của bà ký kết với các ông hoàng bang Shan cùng với những người đứng đầu nhà nước bang Kachin và bang Chin. Người hùng giành độc lập cho Miến Điện đã bị ám sát 5 tháng sau khi ký, khiến hy vọng cải thiện tình hình tan biến.
Lần này nhiều người lạc quan cho rằng con gái của tướng Aung San sẽ hoàn tất công trình dang dở của người cha, để khởi đầu một « liên bang dân chủ » thực sự. Nhưng quân đội của người Tang, người Kokang và Arakan chỉ nhận được lời mời vào phút chót ; còn Khun Tun Oo, đại diện cho người Shan từ chối tham dự vì có những nhóm thiểu số khác không được mời. Đoàn đại biểu quân đội người Wa thì bỏ về lúc hội nghị còn dang dở.
Tờ báo ví von, bà Suu Kyi muốn hái trái trong một khu vườn từ lâu bị bỏ hoang. Năm 1990, nhiều nhóm vũ trang đã ký hiệp ước hòa bình với tập đoàn quân sự cầm quyền. Việc ngưng chiến hầu hết được tôn trọng cho đến năm 2009, khi quân đội muốn huy động các nhóm này tham gia tuần tra biên giới. Thay vì tuân theo, họ bắt đầu cầm súng chống lại.
Chính quyền mới hiện nay đã thành công trong việc thu hút nhiều nhóm vũ trang hơn ngồi vào bàn thương lượng, nhưng hòa bình ở Miến Điện vẫn là một núi thử thách. Vấn đề nữa là liệu quân đội có chấp nhận một thỏa thuận Panglong mới hay không, và nhất là làm sao giảm bớt căng thẳng giữa đa số Phật giáo và thiểu số Hồi giáo.
Bí mật phía sau quyết định mở cửa cho người tị nạn của thủ tướng Đức
Tại châu Âu, tuần báo L’Obs tiết lộ « Bà Merkel và di dân, những bí mật của một quyết định lịch sử ». Cách đây một năm, thủ tướng Đức đã mở cửa biên giới cho những người tị nạn, và theo « truyền thuyết » thì đó là do bà xúc động trước tình cảnh của họ. Nhưng theo tuần san Pháp, thì thực tế kém phần lãng mạn hơn.
Hôm 16/07/2015, trên sàn quay một chương trình truyền hình, Reem Sahwil, một cô bé Palestine tị nạn 14 tuổi ứa nước mắt hỏi bà Angela Merkel, gia đình cô đang có nguy cơ bị trục xuất, có thể ở lại trên đất châu Âu được không. Thủ tướng Đức vỗ vai cô an ủi : « Làm chính trị đôi khi rất khó. Nếu nói ‘tất cả đều có thể đến đây’ thì chúng tôi cũng rất kẹt ». Các hình ảnh được truyền trực tiếp khiến bà Merkel bị mang tiếng là vô cảm, là người không có trái tim.
Gần hai tháng sau, Anas Modamani, sau khi vượt qua nhiều nguy hiểm, đã đặt chân lên đất Đức - cũng như hàng chục ngàn đồng hương khác vừa được nữ thủ tướng Đức mở cửa cho nhập cư. Thanh niên Syria 18 tuổi bỗng chốc thấy trước mặt mình là « một phụ nữ mặc trang phục màu xanh », xung quanh là một rừng caméra, trước một trung tâm đón tiếp. Không biết là ai, nhưng Anas vẫn đến cạnh để chụp hình chung. Cận vệ chận lại, nhưng bà Merkel ngăn cản và nở nụ cười. Từ giây phút ấy, người Ả Rập yêu mến « Mẹ Merkel », còn Anas thì cầu nguyện cho bà luôn tại vị. Time Magazine chạy tựa « Angela, thủ tướng của thế giới tự do », chọn bà làm « nhân vật của năm ».
Vì sao « Thatcher của nước Đức » thay đổi ?
Làm thế nào « Thatcher của nước Đức » lại thay đổi nhanh như thế ? Những giọt nước mắt của cô bé Reem, việc phát hiện 71 xác người chế ngạt trong xe tải gần biên giới Áo, hay hình ảnh cậu bé Aylan trên bãi biển Hy Lạp… ? Nhưng tất cả chưa đủ để giải thích việc cho mở cửa biên giới Đức đêm 4 rạng ngày 5 tháng Chín 2015 cho người tị nạn.
Theo tuần báo L’Obs, bà Angela Merkel đã phải quyết định nhanh do bị dồn vào ngõ cụt. Tháng 6/2015, lãnh đạo cực hữu Hungary Viktor Orban đóng cửa biên giới với Serbia, dựng lên một bức tường cao 4 mét. Những người tị nạn hiểu rằng, muốn vào được châu Âu, hoặc bây giờ, hoặc là chẳng bao giờ. Do một thông tin nhầm lẫn là Đức sẽ không gởi trả về nơi đầu tiên họ đặt chân đến, tất cả những người tị nạn đều ồ ạt đến « gõ cửa » nước Đức.
Cuối buổi chiều 4/9, hai ngàn người tị nạn bị ông Orban làm kẹt lại ở Budapest đã lũ lượt đi bộ để tìm đến miền đất hứa. Những hình ảnh gợi dậy chấn thương đối với người Đức về các cựu binh từ Nga trở về, hay dòng người tị nạn trong Đệ nhị Thế chiến…Khoảng sau 20 giờ tối, điện thoại bà Merkel đổ chuông : thủ tướng Áo hỏi ý kiến bà nên chận lại hay cứ để họ đi bộ đến Đức. Bà tham khảo nhiều nhân vật trong chính phủ : không thể chận được luồng người đông đảo như thế mà không sử dụng đến vũ lực. Thế là vào nửa đêm, Angela Merkel quyết định cho mở cửa biên giới – một quyết định bất đắc dĩ nhưng đã đưa bà vào lịch sử.
Bầu cử Quốc hội Nga : Chỉ có đảng Cộng Sản chịu khó tuyên truyền
Về cuộc bầu cử Quốc hội Nga, tờ Nezavissimaia Gazeta xuất bản tại Matxcơva nhận xét « Chỉ có những người cộng sản mới tập trung cho tuyên truyền ». Khẩu hiệu xoàng, áp-phích làm cẩu thả, chiến dịch vận động cho kỳ bầu cử ngày 18/9 đặc biệt nghèo nàn về nội dung, chẳng có gì đáng chú ý. Phải chăng đó là vì mọi việc đã an bài ?
Truyền hình, công cụ hiệu quả nhất chỉ truyền đi những thông điệp quen thuộc của các ứng cử viên. Mạng xã hội được các đảng chính trị sử dụng rất ít, thường chỉ để loan báo các cuộc họp và mít-tinh. Chỉ riêng đảng cộng sản, đảng lớn thứ nhì sau đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin, là nhắm vào các cử tri trẻ tuổi, với tấm áp-phích có hình Lênin thời trẻ, cầm một chiếc laptop. Và trên mạng xã hội là một áp-phích khác đầy khiêu khích với một cô gái tóc vàng sexy mặc váy đỏ, kèm theo khẩu hiệu « Đảng Cộng Sản, sức mạnh gây hưng phấn ».
Trang nhất các tuần báo Pháp
Trang bìa tuần san Courrier International nổi bật với hình vẽ một người bị đập chiếc dĩa vào mặt với dòng tựa « Giới tinh hoa và cái tát » : tại các nền dân chủ phương Tây, việc chối từ giai cấp lãnh đạo ngày càng thấy rõ qua các cuộc bầu cử. Le Point dành chủ đề cho « Những người salafiste » : lịch sử, luận thuyết, trào lưu từ thế kỷ thứ 9 đến nay, vì « mọi người đều nói đến nhưng thực sự họ là ai ? »
Về chính trị trong nước, L’Express đăng ảnh ứng cử viên cánh hữu Bruno Le Maire với dòng tựa « Tôi muốn một nước Pháp tự hào ». Trên lãnh vực kinh tế, tuần báo L’Obs dành hẳn chuyên đề cho địa ốc, nhận định đây là lúc để mua nhà tại Paris và vùng phụ cận, khi lãi suất đang rất thấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét