Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Đừng sốc bởi sẽ còn không ít những chiếc xe “quấn chiếu chở xác người” như thế trên đường

Bức ảnh gây sốc dư luận mấy ngày qua.
Chúng ta hãy khoan vội trách lòng người lạnh lùng vô cảm mà hãy nghĩ đến những dự án xóa đói giảm nghèo, những chương trình xây dựng nông thôn mới...với số ngân sách hàng nghìn tỉ đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân hay chưa? Làm thế nào để người dân thoát nghèo, đó là điều quan trọng nhất để giải đáp cho câu hỏi và dấu chấm than đặt ra với hình ảnh buồn “chở xác người” trong vài ngày qua. Nếu cuộc sống của người dân còn khốn cùng thì xin đừng sốc bởi sẽ còn nhiều những “chiếc xe quấn chiếu chở xác người” như thế trên đường!
    Mấy ngày qua dư luận xã hội quan tâm nhiều đến bức ảnh “quấn chiếu chở xác người” với tâm trạng xót xa thương cảm. Phần lớn những ý kiến phát ngôn về hiện tượng này còn bộc lộ thái độ thấy đau lòng về sự thiếu lòng trắc ẩn, vô cảm thờ ơ của những người xung quanh về hiện tượng này. Riêng cá nhân tôi xin đưa ra một góc nhìn khác.
    Thứ nhất, có quá không khi chúng ta cho rằng những người chứng kiến sự việc đã thờ ơ vô cảm khi vẫn để sự việc diễn ra suốt cả chặng đường dài. Thường thì người ta sẽ là vô tâm khi nhìn thấy người gặp nạn (tai nạn, bệnh tật...) trên đường mà không ra tay cứu giúp và điều đó sẽ là đáng trách nhưng sự vô tâm đó vẫn diễn ra khá nhiều trong xã hội ta. 
    Còn với một người đã chết hay một xác người đã chết được chở trên đường rõ ràng sẽ nhận nhiều sự xót xa ái ngại thương cảm của người đời nhưng nếu giúp thì giúp như thế nào? Liệu có ai đó lấy xe máy chạy đuổi theo người kia để tìm hiểu sự việc, sau khi tìm hiểu lại còn phải quyên góp tiền (bởi tiền thuê chuyến xe chở người chết không hề nhỏ), rồi gọi xe giúp cho người kia... Đó là cả một quá trình và đòi hỏi sự gián đoạn về thời gian. Cho dù mọi việc diễn ra thuận lợi và suôn sẻ thì đó có phải là tối ưu hơn để họ chở xe máy về nhà hay không? 
    Liệu một người đang lái ô tô trên đường có sẵn sàng dừng lại để nhận chở giùm cái xác người đang trên xe máy trên chiếc xe ô tô sang trọng của mình hay không? Đó là đang nói đến trường hợp cùng tuyến đường chứ ngược tuyến thì càng khó xảy ra hơn. Và liệu những người đang “chém gió” trách người đời vô cảm trên mạng xã hội ấy sẽ làm gì khi họ trực tiếp chứng kiến sự việc? Câu trả lời thành thực nhất xin được dành cho bản thân mỗi chúng ta.

    Thứ hai, chiếc xe máy chở xác người gây thương tâm cho chúng ta nhưng sẽ không ít người sẽ nói rằng, người chết ấy còn thuê được xe máy chở được xác về đã là may mắn hơn nhiều những gia đình khó khăn khác. Và giả sử ngày hôm ấy người phụ nữ đã chết có được sự trợ giúp từ bệnh viện hoặc của một tổ chức từ thiện nào đó, của một nhóm người hay cá nhân từ thiện nào đó thì những hiện tượng như thế có thể được ngăn chặn và không thể xảy ra nữa hay không? Tôi e là không. Bởi khi đói nghèo đã đẩy cuộc sống đến sự khốn cùng thì những hiện tượng như thế sẽ còn xảy ra, bằng hình thức này hay hình thức khác mà thôi. 
    Một học sinh tự tử vì không có áo mới đến trường; một người mẹ bệnh nặng đã tự sát, căn dặn chồng đi xin Chữ thập đỏ tiền hòm, để tiết kiệm tiền cho con đóng học; một huyện có đến 37 người tự tử trong một năm mà nguyên nhân sâu xa nhất cũng là do cuộc sống đói nghèo đẩy tới... Những hiện tượng ấy có đáng thương cảm hay không?

    Bởi vậy nên, hình ảnh chiếc xe chở xác người chết trên đường chỉ là một trong  nhiều biểu hiện của cuộc sống đói nghèo, khó khăn xô đẩy tới.

    Chúng ta hãy khoan vội trách lòng người lạnh lùng vô cảm mà hãy nghĩ đến những dự án xóa đói giảm nghèo, những chương trình xây dựng nông thôn mới... với số ngân sách hàng nghìn tỉ đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân hay chưa? Làm thế nào để người dân thoát nghèo, đó là điều quan trọng nhất để giải đáp cho câu hỏi và dấu chấm than đặt ra với hình ảnh buồn “chở xác người” trong vài ngày qua. Nếu cuộc sống của người dân còn khốn cùng thì xin đừng sốc bởi sẽ còn nhiều những “chiếc xe quấn chiếu chở xác người” như thế trên đường!


    (Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
    Đừng im lặng! Hãy cùng Lao Động bình luận về vấn đề này, cũng như các vấn đề bạn đọc quan tâm khác. Mời bạn đọc bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoc@laodong.com.vn, bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

    Không có nhận xét nào: