TTCT - Hạn hán đã luôn là vấn đề của Ninh Thuận suốt lịch sử. Người ta có quyền đặt ra câu hỏi rằng liệu vấn đề này đã được nhận thức đủ hay chưa và nếu rồi, tại sao người dân nơi này vẫn đối diện cơn khát?
Đồng khô cỏ cháy, tìm đâu nước uống cừu ơi? (Minh Trân) |
Chính quyền: vốn,
người dân: nước
Năm 2003, Ngân hàng Thế giới thực hiện một nghiên cứu về xóa đói giảm nghèo tại Ninh Thuận. Một trong những câu hỏi đầu tiên được đặt ra cho người dân tại tỉnh này: “Theo anh/chị, nguyên nhân gây ra đói nghèo là gì?”.
Hai nhóm người trả lời. Đầu tiên là những người dân bình thường. Sau đó là các cán bộ quản lý địa phương. Về cơ bản, các nguyên nhân được nêu ra khá giống nhau nhưng khác về mức độ ưu tiên.
Trong khi các quan chức địa phương tin rằng nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến nghèo đói tại Ninh Thuận là thiếu vốn, thì người dân lại tin rằng nguyên nhân quan trọng nhất là hạn hán.
“Thiếu vốn” cũng được người dân nêu ra trong số nguyên nhân nhưng chỉ xếp ở vị trí thứ ba. “Thiếu đất canh tác” (tương đương hạn hán) chỉ xếp thứ tư trong bảng xếp hạng của các cán bộ địa phương.
Ninh Thuận vẫn luôn là cái rốn khô hạn của cả nước. Lượng nước của tỉnh luôn thấp nhất Việt Nam, cộng thêm các tác động của biến đổi khí hậu khiến tình trạng hạn hán đang ngày một leo thang và khiến con người cơ cực.
Trên sóng VTV tháng 4-2016, người ta nhìn thấy hình ảnh một nhóm người dân Ninh Thuận đang đánh nhau để giành giật một vòi nước ngọt.
Trời nắng gắt, rất nhiều thùng nhựa lớn đang xếp hàng chờ nhưng chỉ có một vòi nước. Họ giằng co vòi nước nhỏ, đẩy nhau ngã. Vòi nước đó cũng không đến từ nguồn nước: nó đi ra từ chiếc xe bồn của Quân khu 5. Hôm đó là ngày cuối cùng của đợt cứu trợ nước trong mùa khô hạn năm nay.
Ở thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang có 11 hồ chứa có mực nước chết, không thể cung cấp đủ nước cho tưới tiêu và sinh hoạt. Cá biệt như hồ Ông Kinh đã hoàn toàn cạn kiệt từ tận tháng 1, tức là từ lúc vẫn chưa vào cao điểm của vụ khô hạn.
Những nông dân Ninh Thuận từ nhiều đời nay tự thích ứng với nắng hạn. Họ trồng nho, họ nuôi cừu - những động thực vật phù hợp với khô hạn. Nhưng chưa bao giờ Ninh Thuận thật sự thoát khỏi hạn hán. Những đợt cứu đói vẫn phải đều đặn đến vùng đất này từ đầu thế kỷ.
Cao điểm năm 2005, người dân nhiều vùng tại Ninh Thuận phải chờ mưa tới cả hơn năm trời, nhiều cánh đồng biến thành sa mạc. Đến đầu tháng 3 năm ấy, toàn tỉnh có đến 32 xã với gần 100.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, cần cứu đói. Mà những đợt cứu trợ thì không giống như người ta tự làm ăn sản xuất: luôn có những cảnh trần ai. Năm đó người dân Ninh Thuận phải nhận gạo cứu đói.
Người ta có quyền đặt ra câu hỏi rằng trong 13 năm ấy, kể từ năm 2003 khi mà người dân nói khát nước - chính quyền kêu khát vốn, vấn đề thiếu nước sinh hoạt và canh tác của Ninh Thuận đã được giải quyết như thế nào?
Đầu tiên, cần biết rằng Ninh Thuận hiện nay có 20 hồ chứa nước. Số hồ này được quy hoạch từ năm 2000. Từ năm 1990-1999, Ninh Thuận mới xây được bốn hồ chứa với tổng dung tích 6,41 triệu mét khối, tổng diện tích tưới hơn 700ha - một tỉ lệ rất nhỏ so với nhu cầu của người dân.
Năm 2000, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận” do Đại học Thủy lợi thực hiện từ năm 1998. Trong 10 năm, từ 2001-2011, Ninh Thuận có thêm 16 hồ chứa với tổng dung tích 146,72 triệu mét khối. Nhưng suốt hơn một thập kỷ qua, quy hoạch này chưa cho thấy khả năng giải quyết vấn đề hạn hán.
Bổ sung quy hoạch đáng kể nhất là vào năm 2007, khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với mục tiêu cấp nước tưới cho 4.380ha đất canh tác. Nhưng từ đó tới nay, tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến Ninh Thuận phải đối mặt với hạn hán ngày càng trầm trọng hơn.
Nhưng 13 năm sau báo cáo của World Bank, dường như vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa người dân và chính quyền trong nhận thức vấn đề “hạn hán”.
Trước dự án khu liên hợp luyện thép Cà Ná của Tập đoàn Tôn Hoa Sen - một dự án đặt ra hoài nghi rất lớn về nhu cầu nước, UBND tỉnh đã đem hồ Sông Cái ra làm bảo chứng.
Hồ Sông Cái, dung tích bằng tất cả các hồ trên địa bàn tỉnh cộng lại, chính là hồ nằm trong hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và theo quy hoạch của Chính phủ ở trên, mục tiêu của nó là để cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Suốt gần 30 năm, Ninh Thuận mới quyết định xây được một cái hồ tương xứng để đối phó vấn đề hạn hán thì giờ lại tính chuyển đổi mục đích sử dụng, tuyên bố sẽ dùng cho dự án luyện thép.
Mùi cỏ cháy
Năm 2015, Ninh Thuận lại đối mặt một cơn hạn hán khốc liệt, phải công bố tình trạng thiên tai: suốt từ vụ hè thu năm 2014 tới giữa năm 2015 hầu như không có mưa. Hơn 2.000ha đất phải tạm ngừng sản xuất, hàng trăm gia súc chết vì thiếu nước uống. Năm 2016, tình trạng vẫn không khả quan hơn. Chỉ khác là lần này chưa thấy phản ảnh về việc nhận gạo cứu đói.
Trong biểu đồ về tỉ suất di cư tại các địa phương trong cả nước, tổng điều tra dân số 2009 của Tổng cục Thống kê, màu xám được sử dụng để mô tả các tỉnh có tỉ suất di cư cao nhất nước (cứ 1.000 dân thì có từ 30 người di cư).
Suốt một dọc duyên hải miền Trung từ Phú Yên đến Bình Thuận, cộng cả vùng Tây nguyên lân cận vốn cũng chịu nắng nóng và thiếu nước, chỉ có Ninh Thuận “lọt thỏm” với màu xám này: đó là một trong các tỉnh mà người dân bỏ xứ đi cao nhất nước.
80% dân số Ninh Thuận vẫn làm nông, lâm nghiệp. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào nguồn nước. Và không có gì ngạc nhiên nếu như người Ninh Thuận quyết định bỏ xứ sau những cơn đại hạn cả năm không có lấy một giọt mưa. Ngay cả cừu cũng không chịu nổi nắng hạn.
Một mũi khoan tìm nước ở đây, nếu có nước, người dân sẽ phải trả tới 30 triệu đồng. Nhưng thường không tìm thấy nước. Hồ Ông Kinh, vốn đã cạn trơ đáy từ đầu năm nay, chỉ còn những miếng bùn cong, vẫn thấy nhằng nhịt ống nước của người dân vươn xuống tận lòng hồ “chờ” nước.
Nghiên cứu của UNESCO, UNICEF và Bộ Giáo dục & đào tạo năm 2013 chỉ ra rằng tỉ lệ trẻ em ở độ tuổi tiểu học nhưng “chưa từng đi học” ở Ninh Thuận là 4,81% (tỉ lệ này ở Kon Tum là 2,58%). Tỉ lệ trẻ em không đi học trong độ tuổi trung học cơ sở của tỉnh này năm 2013 là 23,54%, gần gấp 2,5 lần TP.HCM và cao so với nhiều tỉnh nghèo khác. Có đến hơn 1/3 trẻ ở độ tuổi 14 không còn đến trường.
Tình trạng bỏ học vẫn tiếp tục tăng. Năm học mới, có trường trung học thấy “biến mất” gần 10% số học sinh trong trường. Một số em thậm chí đã tha hương. Theo báo cáo, có hơn 18% trẻ ở độ tuổi trung học cơ sở ở Ninh Thuận phải thôi học giữa chừng.
Báo cáo của UNICEF và UNESCO chỉ ra “biến đổi khí hậu và thiên tai” bên cạnh “nghèo đói” là nguyên nhân của tình trạng này.
Nắng gắt không tạo ra một cái vòng luẩn quẩn. Nó cắt đứt sinh kế của con người và tạo ra tuyệt vọng: khi những cánh đồng chỉ còn mênh mông bùn khô nứt nẻ và những con cừu cũng chết khát thì vùng đất này có nguy cơ đứt đoạn với tương lai. Ngay cả khi có vốn, Ninh Thuận cũng sẽ không còn con người để đầu tư với tình trạng di cư và bỏ học như hiện nay.
Và vấn đề của Ninh Thuận nghiêm trọng hơn khi ngay cả việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng sẽ không thể thực hiện được nếu không có nước: hoạt động công nghiệp cũng đòi hỏi rất nhiều nước, thậm chí lớn hơn hoạt động nông nghiệp nhiều lần nếu xét đến tỉ lệ đầu việc làm.
Năm qua, cùng với một hình ảnh Ninh Thuận khô hạn là những cuộc hội thảo liên tục được tiến hành, với các giải pháp về thủy lợi và nguồn nước được đưa ra. Nhưng có lý do để đặt câu hỏi về việc liệu quy hoạch thủy lợi của Ninh Thuận, được đưa ra từ thế kỷ trước, chưa bao giờ đáp ứng được nhu cầu sống của người dân?
Việt Nam nằm trong nhóm năm nước dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, theo World Bank. Nhưng cho đến nay, “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” quy mô nhất tại Ninh Thuận là do Hội Liên hiệp KHKT của tỉnh này xây dựng từ năm 2010, dựa trên các chính sách được ban hành muộn nhất là vào năm 2007.
Kể từ đó tới nay, tình hình biến đổi khí hậu vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và đã vượt ra khỏi khả năng dự báo. Và nếu căn cứ vào những quy hoạch và kế hoạch hành động này, rõ ràng người ta có lý do để tin rằng Ninh Thuận sẽ còn hứng chịu những thảm kịch hạn hán nặng nề hơn trong tương lai.■
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét