NGỌC QUANG
(GDVN) - Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW cho rằng, xin ra khỏi Đảng là quyền của đảng viên, nhưng quyết định là quyền của tổ chức.
Quan chức đã “hạ cánh”, những ai đã bị lôi ra xử lý?Bộ Nội vụ vẫn "nợ" Chính phủ việc xác minh đường quan lộ của Trịnh Xuân ThanhDấu hiệu “cố ý làm trái” trong vụ Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát 3.200 tỷ đồng
Sự việc ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Sở dĩ vấn đề này trở thành chủ đề được quan tâm bởi thông thường trong nhiều vụ án trước đây, khi cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt thì đã có sự chuẩn bị kỹ càng các bằng chứng phạm tội.
Do đó, trước khi tiến hành đưa ra xét xử thì người bị bắt sẽ bị khai trừ Đảng (nếu là đảng viên), bị cách mọi chức vụ.
Tuy nhiên, trong vụ việc có liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh thì cho tới nay cơ quan chức năng vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào xác minh, làm rõ trách nhiệm của ông này khi còn làm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) – giai đoạn PVC lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tối 7/9, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho biết, việc ông Trịnh Xuân Thanh viết đơn xin ra khỏi Đảng là quyền của cá nhân ông Thanh, nhưng không phải cứ viết đơn là được.
“Theo quy định của Đảng, có 4 mức kỷ luật đối với Đảng viên đó là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Với trường hợp của ông Thanh, viết đơn xin ra khỏi Đảng là quyền cá nhân, nhưng tổ chức Đảng sẽ xem xét quyết định vấn đề này, đầu tiên là Chi bộ nơi ông Thanh sinh hoạt Đảng.
Nhìn rộng hơn thì ông Thanh là Tỉnh ủy viên, là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy Hậu Giang quản lý nên bước tiếp theo là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang sẽ phải xem xét quyết định, trong trường hợp cần thiết thì có thể xin ý kiến của Ban Bí thư", ông Hùng cho biết.
Ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ, kỷ luật là biện pháp cần thiết làm trong sạch đội ngũ của Đảng. ảnh: Ngọc Quang. |
Hiện nay có hai luồng ý kiến trong dư luận: Một là ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng nhằm né tránh trách nhiệm.
Hai là ông Trịnh Xuân Thanh cảm thấy xấu hổ, biết mình không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng nên chủ động xin rút.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, ông Trịnh Xuân Thanh là người đang thuộc diện phải kiểm tra, vì theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì phải chịu trách nhiệm chính trong khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) trong thời gian còn công tác tại đơn vị này.
Do đó, việc ông Thanh xin ra khỏi Đảng, cơ quan tiếp nhận đơn này cũng cần báo cáo chính thức tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
“Nếu đó là người thuộc diện đang bị thanh tra, kiểm tra, điều tra... Ban Kiểm tra Trung ương sẽ không cho phép người đó ra khỏi Đảng, mà phải chờ các kết luận chính thức”, ông Hùng cho biết.
Theo quy định, đảng viên bị xử lý kỷ luật sẽ được xét tình tiết giảm nhẹ khi: Chủ động báo cáo vi phạm của mình với tổ chức, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm trước khi bị phát hiện; Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm.
Chủ động chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả vi phạm và tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.
Vi phạm do nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc mà vi phạm; Vi phạm do phải thực hiện chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của cấp trên.
Đồng thời cũng có những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau phải xem xét tăng nặng mức kỷ luật như: Đã được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giáo dục, nhắc nhở mà không sửa chữa; Không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm của mình mà còn quanh co, che giấu.
Bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo vi phạm hoặc người cung cấp chứng cứ vi phạm.
Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm; tiêu hủy chứng cứ, lập hồ sơ, chứng cứ giả.
Đối phó, cản trở, gây khó khăn, trở ngại cho quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm.
Vi phạm do lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, thực hiện chính sách xã hội; Vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả.
Vi phạm nhiều lần, có hệ thống, tái phạm; bị xử lý kỷ luật nhiều lần; Vi phạm có tổ chức; là người tổ chức, chủ mưu, khởi xướng hành vi vi phạm;
Ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm; Ép buộc, tạo điều kiện cho người khác tạo tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả, che giấu, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính trong khoản lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC. ảnh: Thanh niên. |
Đề cập sâu hơn trong công tác sử dụng cán bộ, ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ suy nghĩ, cán bộ cũng từ nhân dân mà ra, được dân tín nhiệm thì phải dốc hết sức để phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Ông Hùng bày tỏ: “Đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực, nhũng nhiễu là vấn đề Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, chúng ta thấy ở đâu đó vẫn có cán bộ làm sai đường lối chủ trương của Đảng, vẫn có cán bộ vi phạm pháp luật, bị đồng tiền làm cho lóa mắt. Đáng tiếc trong số những người mắc vi phạm lại có cả những cán bộ cấp cao.
Sự tham lam cộng với thói quan liêu của một bộ phận cán bộ đã khiến cho dư luận xã hội bức xúc, đòi hỏi phải siết chặt quản lý cán bộ.
Chọn chức tước, quyền lực, bổng lộc hay uy tín trong lòng dân? |
Lâu nay, chúng ta nói kê khai tài sản, nhưng lại làm hình thức, chiếu lệ cho xong.
Người dân nhìn thấy quan chức có nhà to, vợ con họ đi xe hơi đẹp… vậy thì tại sao các cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng lại không biết? Hoặc là biết nhưng có xử lý không?
Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội công bằng thì cần phải chống chạy chức, chạy quyền, chống tham nhũng, tiêu cực. Tôi nghĩ rằng, làm cán bộ không nghèo, nhưng cũng không được hèn.
Dù cuộc chiến chống tham nhũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi tin sẽ thành công, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Tiến tới một xã hội công bằng, minh bạch là xu thế tất yếu của thế giới, và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc”.
Trở lại với vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra kết luận:
Trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng đồng chí Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.
Đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự. Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Với cương vị là người đứng đầu, đồng chí Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, đồng chí Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân.
"Tôi nói thẳng, có Đảng viên hư hỏng, vẫn nhân danh Đảng để làm điều xấu xa”
(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định, xử lý một cán bộ sai phạm cũng như xử lý một thứ "dị biệt", cần quyết tâm rất lớn của Đảng.
|
Đồng chí Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm ở Tổng Công ty PVC, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đánh giá chưa hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty.
Như vậy, đồng chí không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW, ngày 04-10-2013 của Bộ Chính trị khóa XI.
Nhưng, đồng chí vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
Liên quan tới việc thẩm tra tư cách của ông Thanh trước khi giới thiệu luân chuyển về tỉnh Hậu Giang, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết: “Vụ việc Trịnh Xuân Thanh chẳng khác nào một thứ “dị biệt”. Xử lý riêng cá nhân Trịnh Xuân Thanh thì chẳng khó khăn gì, nhưng phải tìm cho ra những ai đẻ ra thứ “dị biệt” ấy?
Tác giả đẻ Trịnh Xuân Thanh phải là một bà mẹ “dị biệt”. Vì vậy, chỉ có thể dẹp những thứ “dị biệt” ấy khi mà cơ thể bà mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu không xử lý được nguồn gốc vấn đề thì sau này còn có thể đẻ ra hàng chục Trịnh Xuân Thanh.
Theo tôi, giải pháp tốt nhất chính là phải minh bạch hoạt động của các tổ chức nhà nước (trừ một các vấn đề an ninh quốc gia). Chỉ có minh bạch thì người dân mới giám sát, góp ý được cho cán bộ, cho cơ quan nhà nước. Hơn nữa, chúng ta vẫn nói làm tất cả vì quyền lợi của dân. Cán bộ bầu ra để làm việc cho dân, vậy thì minh bạch là hoàn toàn có lý”.
Ngọc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét