(PLO)- “Chúng ta phải nói thật với nhau là tình trạng tiêu cực còn phổ biến ở mọi nơi, từ các khâu đăng kiểm, thanh tra, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT… Đặc biệt, người dân nói đi thi bằng lái xe, qua trạm cân, kiểm tra xe… vẫn phải chung chi…”.
Ngày 7-9, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tháng 8 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 9-2016.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết trong tám tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 13.612 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.728 người, bị thương 11.781 người. So với cùng kỳ 2015, giảm 1.000 vụ tai nạn, giảm 93 người chết và 1.456 người bị thương.
“Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là công tác thanh tra kiểm soát trên các tuyến đường quốc lộ, đường nội thị, đường nông thôn tại một số địa phương chưa được thường xuyên liên tục, còn hiện tượng xuề xòa và có dư luận về tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi công vụ…” - ông Hùng nói.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông. Ảnh: VIẾT LONG
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng việc tiêu cực của bộ phận này đang gây bức xúc cho xã hội: “Chúng ta phải nói thật với nhau là tình trạng tiêu cực còn phổ biến ở mọi nơi, từ các khâu đăng kiểm, kiểm định, thanh tra, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT. Người dân nói đi thi bằng lái xe, qua trạm cân, kiểm tra xe… vẫn phải chung chi.
Đặc biệt, nhiều xe quá tải, cơi nới thùng xe vẫn qua trạm bình thường mà không bị kiểm tra xử lý. Hoặc bị CSGT tuýt còi lại nhưng hai bên thương lượng, đại ý là “anh cho em đi đi”, vậy là lọt qua. Tất nhiên, xe lọt qua được phải có điều kiện như cưa đôi hay một phần gì đấy... Vì vậy, tôi yêu cầu cần phải có giải pháp phòng, chống tiêu cực quyết liệt trong nội bộ để lấy lại niềm tin của dân, bên cạnh đó giáo dục ý thức chấp hành các quy định pháp luật cho công dân…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến an ninh hàng không, vì nếu để xảy ra tai nạn giao thông ở lĩnh vực này thì rất thảm khốc. Đặc biệt, hiện nay các hãng hàng không tư nhân phát triển mạnh gây nên tình trạng quá tải tại các sân bay. Bên cạnh đó, gần đây xảy ra các vụ tin tặc, đáp nhầm sân bay, chiếu tia laser vào máy bay hết sức nguy hiểm.
“Vì vậy, ngành hàng không phải có cảnh báo, dự báo về những nguy cơ mất an ninh, an toàn bay. Đặc biệt, việc kiểm tra an ninh hàng không phải nghiêm ngặt, như vừa qua phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy, vàng qua đường hàng không. Tôi cho đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, nếu ma túy đưa lên máy bay được thì súng cũng đưa lên được thôi…” - Phó Thủ tướng nhắc nhở ngành hàng không.
Các vụ mất an toàn bay đều do con người
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết trong tám tháng đầu năm 2016, hàng không đã xảy ra 54 sự cố, giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các chỉ số về an toàn đều tăng.
“Các sự cố hàng không đa phần lỗi do con người… Ví dụ, phi công tai nghe không tốt, năng lực điều hành của kiểm soát không lưu, nhân viên mặt đất… Đặc biệt là các vụ va hỏng cửa máy bay, máy bay đâm vào cột đèn…” - ông Thanh nói.
VIẾT LONG