(Chính trị) - Tại cuộc họp báo thông tin về Lễ hội vang và nho năm 2016 tại tỉnh Ninh Thuận, nội dụng cuộc họp chủ yếu xoay quanh dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.
“UBND tỉnh Ninh Thuận xác định rõ quan điểm ủng hộ chủ trương đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen tại huyện Thuận Nam nếu dự án đáp ứng các yêu cầu về môi trường, công nghệ tiên tiến kiểm soát được môi trường”.
Đó là những khẳng định của ông Phạm Văn Hậu – phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – tại cuộc họp báo thông tin về… Lễ hội vang và nho năm 2016.
Không vì Formosa
mà suy diễn
Trả lời câu hỏi tại sao UBND tỉnh Ninh Thuận quyết tâm đưa dự án thép Cà Ná vào quy hoạch, ông Hậu cho biết dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) kế thừa từ dự án tổ hợp thép của liên doanh giữa Vinashin và Lion Group (Malaysia) vào tháng 8-2008.
Vừa qua Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có cuộc làm việc và nói rằng không vì một Formosa mà chúng ta suy diễn tất cả ngành thép sẽ làm ảnh hưởng vấn đề môi trường.
“Vấn đề là người ta kiểm soát được các công nghệ về môi trường và nhà đầu tư có chịu đầu tư về chi phí môi trường hay không, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ quy trình đầu tư cho tới khi vận hành như thế nào” – ông Hậu nói.
Theo ông Hậu, tỉnh có ý kiến thống nhất về chủ trương ban đầu cho HSG đầu tư. Hiện nay các bộ ngành, Thủ tướng thẩm định hết sức kỹ về việc kiểm soát môi trường.
Về thông tin HSG sẽ sử dụng công nghệ Trung Quốc, ông Hậu cho biết đến nay chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ.
Quan điểm của tỉnh chỉ chấp nhận khi HSG mua sắm các thiết bị, công nghệ tiên tiến và có kiểm soát về vấn đề môi trường.
“Nhà đầu tư có hứa là khi đấu thầu, lựa chọn thiết bị xong thì sẽ công bố công khai công nghệ này cho báo chí” – ông Hậu thông tin.
Về ý kiến sản xuất thép VN có lời nhờ ưu đãi, ông Hậu nói việc ưu đãi thì doanh nghiệp đầu tư ở vùng nào được ưu đãi ở vùng đó theo quy định.
Đối với việc tại sao Ninh Thuận không phát triển công nghiệp công nghệ cao mà thu hút đầu tư dự án thép, ông Hậu nói “điều kiện Ninh Thuận không cho phép”.
Đầu tư khu công nghệ cao phải là những tỉnh thành có tiềm năng lớn, Ninh Thuận chưa đủ sức.
Trả lời về việc dư luận cho rằng Ninh Thuận có vì nguồn thu ngân sách thấp nên thu hút đầu tư bằng mọi giá, kể cả đưa dự án thép vào vị trí nhạy cảm, ông Hậu nói việc cho HSG đầu tư dựa vào “định hướng phát triển ngành thép trên cả nước”.
“Khi xây dựng quy hoạch đã có sự phản biện của các chuyên gia, cơ quan nhà nước. Về quan điểm, tỉnh không đánh đổi môi trường để tăng thu ngân sách” – ông Hậu khẳng định.
Mỗi năm
sẽ có 15.000 tỉ đồng
Tuy nói vậy nhưng trong thông tin gửi báo chí, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 40.000-45.000 lao động trực tiếp (trong đó khoảng 10% là lao động phổ thông), tạo công ăn việc làm gián tiếp cho khoảng 60.000 lao động khu vực xung quanh khu công nghiệp.
Dự kiến mỗi năm dự án sẽ nộp khoảng 15.000 tỉ đồng trở lên vào ngân sách địa phương khi đi vào hoạt động cả hai giai đoạn.
Ngoài ra, việc hình thành và đưa vào hoạt động cảng quốc tế Hoa Sen Cà Ná với quy mô 50 triệu tấn/năm sẽ cộng thêm cho ngân sách tỉnh 3.000-5.000 tỉ đồng từ thuế nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu cho sản xuất của nhà máy thép.
Riêng việc cung ứng nước cho dự án, UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định đảm bảo nguồn nước thô. Cụ thể, giai đoạn I chủ đầu tư yêu cầu khoảng 21.000-30.000 m3/ngày đêm và tổng nhu cầu nước các giai đoạn tiếp theo khoảng 180.000 m3/ngày đêm.
Trước mắt để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng – vận hành giai đoạn I dự án từ năm 2017 có thể kéo thêm tuyến ống truyền tải từ Khu công nghiệp Phước Nam đến Khu công nghiệp Cà Ná (dài khoảng 18km) để tận dụng nguồn nước chưa sử dụng hết từ Nhà máy nước Phước Nam (công suất 30.000 m3/ngày đêm).
“Việc tận dụng nguồn nước này không ảnh hưởng đến các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất khác của tỉnh và huyện Thuận Nam” – ông Hậu trấn an.
Ông Hậu còn nói sau khi đập hạ lưu sông Dinh và hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hoàn thành, có thể phục vụ phát triển các dự án công nghiệp của tỉnh vào khoảng 327.000m³ nước/ngày đêm (vào năm 2020) và 340.000m³ nước/ngày đêm (vào năm 2025), tương đương khoảng 63 triệu m3 nước/năm.
Cùng với trữ lượng nước mặt hơn 1,2 tỉ m3 hoàn toàn có thể đảm bảo nhu cầu nước thô cho dự án của HSG mà không ảnh hưởng đến các mục đích khác.
HSG cần 1.500MW điện cho dự án
Về phương án cấp điện, dự kiến nhu cầu phụ tải giai đoạn 1 của các dự án là 300MW; các giai đoạn tiếp theo là 1.500MW.
Nhu cầu phụ tải đăng ký nêu trên của nhà đầu tư là khá lớn nên tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chủ đầu tư cần có thỏa thuận với ngành điện lực.
Trong giai đoạn đầu thì phương án cấp điện thi công được lấy từ trạm biến áp Ninh Phước quy mô công suất 50MW (hiện nay phụ tải cực đại khoảng 20MW, còn thừa 30MW).
(Theo Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét