Xin ứng "khẩn" 5000 tỷ đồng cho dự án “Lên trời gọi mưa”!
Dân trí Bên cạnh việc đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ để bàn riêng về dự án “Lên trời gọi mưa” thì “cha đẻ” của dự án có tên gọi khác lạ này cũng xin tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10 tới.
>> Hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn khốc liệt hơn
>> Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL gây thiệt hại hơn 4.600 tỷ đồng
Mới đề xuất, tác giả dự án đã đề nghị tạm ứng khẩn 5000 tỷ đồng gọi là để "kịp triển khai"
“Lên trời gọi mưa”, đây là tên dự án đang được một doanh nghiệp là Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh đề xuất lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ ngành liên quan nhằm mục đích chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino.
Được biết, về đề xuất trên, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị 7 bộ cùng tham gia. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có công văn chỉ đạo Công ty An Sinh Xanh liên hệ với 7 bộ để triển khai theo 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Ông Phan Đình Phương, Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh cho biết, mới đây, doanh nghiệp này đã tiếp tục “khẩn trương nghiên cứu” nâng cấp dự án trên theo hướng lập 1.000 trạm điều tiết mưa trong bối cảnh mưa bão hoành hành gây ngập lụt từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh thành khi vừa mới bước vào chu kỳ La Nina (ngược với El Nino khô hạn).
Khoản tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng được đề nghị Thủ tướng cho tạm ứng khẩn với dự án "Lên trời gọi mưa" (Ảnh: Hữu Nghị)
Dự án nâng cấp được miêu tả như sau: Khi gió đưa quá nhiều mây từ biển vào đất liền thì 100 trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố”.
Ngoài ra, còn có 400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. 500 trạm còn lại trên hàng ngàn sông suối và hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa; tạo lập hệ thống đề kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thủy điện thủy lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam bộ, ổn định đời sống, giữ vững an ninh lương thực, quốc phòng và quốc gia.
Như vậy, theo như “bản vẽ” được công ty An Sinh Xanh phác thảo, nếu được thông qua thì đây là lần đầu tiên Việt Nam tác động vào thiên nhiên để điều chỉnh thời tiết liên quan đến đa ngành, đa luật lệ.
Để “khởi sự đúng tầm của dự án” như đánh giá của chính đơn vị đề xuất, trong văn bản trình Thủ tướng, phía An Sinh Xanh đã đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ và công ty này để giới thiệu dự án, thống nhất mục tiêu và phương thức triển khai.
Công ty còn đề xuất, trong cuộc họp này sẽ thành lập Bộ chỉ huy Dự án cấp quốc gia và “tạo cơ chế thông thoáng đặc cách” để quản lý theo hình thức khoán gọn bằng kết quả cuối cùng và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu kịp thời đối phó thực sự hiệu quả với thời tiết.
Theo như đề xuất được công ty đưa ra thì thời gian họp do Chính phủ chủ trì nhưng dự kiến sẽ trong khoảng từ ngày 15 đến ngày 25/9.
Mặc dù cuộc họp này chưa diễn ra và cũng chưa có chủ trương nào từ Chính phủ, tuy nhiên, trong văn bản trình Thủ tướng, đơn vị đề xuất dự án đã rất mạnh dạn đưa ra đề nghị với Chính phủ có hình thức cho dự án tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng.
Số tiền này nhằm kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10/2016 tại Đà Nẵng và có vốn để tiếp tục triển khai trong năm 2016 và 2017.
Con số tổng thể chưa được công ty đề cập do một mình công ty “chưa thể nào tính đúng, tính đủ chi phí với đa phần thiết bị bay phải nhập ngoại”.
Dù vậy, ông Phan Đình Phương tự tin “sẽ đem hết trí lực cùng Chính phủ và 7 bộ thực hiện thắng lợi dự án, hiện thực hóa sự nghiệp cải tạo thiên nhiên, bình ổn khí hậu với hiệu quả kinh tế và nhân văn toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho đất nước và nhân dân”.
Hiện tại, chưa rõ ý kiến của Thủ tướng về đề xuất trên của Công ty An Sinh Xanh như thế nào, nhưng nếu quả thực dự án này có thể “giảm mây bay”, “điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc”, “giảm ngập lụt tắc đường” – đại ý là có thể “hô phong hoán vũ”… như khẳng định của ông Phan Đình Phương thì đây đích thực là một dự án rất đáng để chờ đợi!
Mạnh Quân-Bích Diệp
Siêu dự án 'Lên trời gọi mưa': 5000 tỷ đâu phải vỏ hến?
"Ngăn mưa, tránh bão lụt hàng năm bằng máy móc, tại sao các nước phát triển không thực hiện phổ biến, phải đợi đến Việt Nam? 5000 tỷ đâu phải vỏ hến? Các chuyên gia thở dài về dự án "lên trời gọi mưa.
“Lên trời gọi mưa” là tên dự án đang được một doanh nghiệp là Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh đề xuất nhằm mục đích chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino.
Theo nguồn tin cho biết, mới đây doanh nghiệp này đã tiếp tục “khẩn trương nghiên cứu” nâng cấp dự án trên theo hướng lập 1000 trạm điều tiết mưa trong bối cảnh mưa bão hoành hành gây ngập lụt từ Thủ đô Hà nội đến các tỉnh thành khi vừa mới bước vào chu kỳ La Nina (ngược với El Nino khô hạn). Công ty này cũng mới có đề xuất xin tạm ứng “khẩn” 5000 tỷ để mua sắm thiết bị, máy móc, hóa chất để thực hiện thử nghiệm lần đầu vào 10/10 tới đây.
Tuy nhiên, theo dư luận phản hồi, dự án “Lên trời gọi mưa” hiện đang vấp phải những ý kiến trái chiều từ phía người dân lẫn những nhà khoa học.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Ngô Quang Toàn, Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ biển về vấn đề này.
PV: Thưa ông, sau khi nắm được những thông tin ban đầu liên quan tới dự án “Lên trời gọi mưa” của công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh, ông đánh giá như thế nào về mức độ khả thi của dự án?
Đây là một chuyện không bình thường. Một công ty tư nhân mà đòi làm việc với 5-7 bộ là chuyện không đơn giản. Nhất là chuyện tác động vào thiên nhiên không phải là chuyện "trời ơi đất hỡi". Chuyện chặn mưa, đón mưa rồi chặn bão, đón bão,… làm sao chặn được? Để đưa ra dự án đó, họ đã có làm việc với bên khí tượng thủy văn chưa? Đã có những nghiên cứu cụ thể chưa?
Chuyện phòng tránh, biến đổi khí hậu là chuyện lâu dài, mất rất nhiều thời gian và tâm sức, tiền của. Và phải thực hiện theo bề sâu, là tìm ra nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu mà tìm cách khắc phục chứ không ai làm theo kiểu đi tắt đón đầu. Khác nào chữa bệnh mà chỉ chữa triệu chứng bên ngoài còn nguyên nhân bên trong thì không đề cập đến.
Chuyện tai biến thiên nhiên, biến đổi khí hậu, mưa gió lũ lụt, người ta mới chỉ dừng ở mức độ phòng và tránh để giảm thiểu thiệt hại chứ mấy ai dám chống lại sức mạnh thiên nhiên?
Dự án thì tôi chưa nắm trong tay, chưa biết thực hư như thế nào, nhưng rõ ràng là có vẻ ngông cuồng quá!
TS Ngô Quang Toàn
|
Theo TS, trên thế giới đã có dự án nào liên quan tới việc “đuổi mưa”, “gọi mưa” tương tự chưa?
Thật ra là có những vụ việc tương tự rồi. Ví dụ như khi có một cuộc duyệt binh quan trọng nào đó ở quảng trường Đỏ ở Moscow, họ muốn tránh những cơn mưa lớn có thể ảnh hưởng thì họ thực hiện bắn tên lửa lên trời. Trong đó có những ion bạc làm cho hơi nước tích tụ ở đó, dẫn đến mưa ở ngoại thành. Họ tạo ra mưa nhân tạo để phòng tránh mưa lớn ảnh hưởng buổi lễ. Nhưng làm như vậy tốn kém lắm. Việt Nam mình đã làm được đâu!
Bình thường, cả những nước phát triển trên thế giới cũng chẳng ai làm thế. Vừa rồi, Trung Quốc gặp những cơn bão lớn đổ bộ vào Đài Loan, Giang Tây, Phúc Kiến; hay trước đó, nhiều cơn bão lớn trên thế giới gây thiệt hại về người và của rất lớn, cả ở những quốc gia như Mỹ nữa, tại sao họ lại không tìm cách ngăn mưa, ngăn bão trước đó đi?
Việc thực hiện bắn tên lửa tạo mưa nhân tạo tốn kém lắm! Việt Nam một năm có tới mười mấy cơn bão, chưa nói tới áp thấp nhiệt đới,… Việc đón mưa, bão sẽ thực hiện thế nào đây?
Nga đã từng chi tới gần 8 triệu USD để ngăn mưa trong ngày lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng diễn ra vào 2015
|
TS. bình luận sao về số tiền 5000 tỷ mà công ty này đề xuất xin “ứng khẩn” để thực hiện đợt thử nghiệm tới vào 10/10?
Tiền có phải vỏ hến đâu?
5000 tỷ xây dựng được rất nhiều công trình thủy lợi, tiêu nước, sử dụng lâu dài, đằng này chỉ để thử nghiệm?
Với lại, ai sẽ cho thử nghiệm? Phải có mục đích rõ ràng, có gì khẩn cấp mới phải chi ra số tiền lớn đến vậy chứ?
Chắc chắn, trong quá trình họp bàn, các cơ quan chức năng sẽ rất cẩn trọng xung quanh vấn đề này.
Thời gian vừa qua, biến đổi khí hậu được nói đến rất nhiều, nhiều nhà khoa học, đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế cùng lên tiếng và cũng đã có những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, với trường hợp công ty CP An Sinh Xanh thì nhiều người lại cho rằng họ đang “nổ” để đánh bóng tên tuổi?
Cái đó thì tôi không khẳng định. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự thành công của dự án này là khó.
Chúng ta khuyến khích các cá nhân, tập thể cùng tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nhưng phải trên cơ sở thực tế chứ không phải trên những thứ vô bổ…
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Huệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét