Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

RFI: Biển Đông : Tuần duyên Trung Quốc là thủ phạm hầu hết các đụng độ

Thụy My

mediaTàu tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, tiếp cận khu vực giàn khoan 981 nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam, ngày 08/05/2014.Ảnh : Reuters
Các hành động ngày càng hung hãn hơn của các tàu tuần duyên Trung Quốc trên Biển Đông có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực. Các « tàu lạ » ngang ngược trên Biển Đông hầu hết là tàu Trung Quốc. Trên đây là kết luận của các tác giả một công trình nghiên cứu, mới được công bố, về các sự cố trên tuyến đường hàng hải quan trọng này, được Reuters loan tin hôm nay 07/09/2016.
Trong khi các nhà quan sát đang lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện tại vùng biển tranh chấp, không thể coi thường mối nguy hiểm từ những sự cố có liên quan đến các tàu tuần duyên Trung Quốc. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh khu vực của CSIS (Center for Strategic and International Studies – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế) đặt tại Washington nhận định như trên.
Các nhà nghiên cứu của CSIS đã nêu ra chi tiết của 45 vụ đụng độ tại Biển Đông kể từ năm 2010, trong một công trình khảo sát được công bố tuần này trên trang web ChinaPower. Nghiên cứu trải rộng trên nhiều địa điểm và liên quan đến nhiều loại tàu khác nhau, nhưng hành vi của các tàu tuần duyên Trung Quốc thống trị bức tranh toàn cảnh.
Lực lượng tuần duyên của Bắc Kinh có liên can 30 trường hợp trong số những vụ đụng độ được ghi nhận, tức đến hai phần ba. Bốn sự cố khác liên quan đến các tàu chấp pháp của hải quân Trung Quốc.
Báo cáo nêu ra vụ gần đây nhất xảy ra vào ngày 9/7, hai tàu đánh cá QNg 90479 TS và QNg 95001 TS của Việt Nam đang hoạt động gần Đá Lồi (Discovery Reef) tại Hoàng Sa, đã bị hai tàu tuần duyên Trung Quốc Haijing 46101 và Haijing 35103 đâm chìm, và ngăn cản không cho các tàu cá Việt Nam khác đến cứu vớt các ngư dân bị rơi xuống biển.
Bà Glaser nói với hãng tin Reuters : « Những bằng chứng rõ ràng cho thấy đây là cách hành xử tiêu biểu của Trung Quốc, đi ngược lại với việc thực thi pháp luật thông thường. Chúng tôi thấy họ bắt nạt, quấy rối, đâm vào tàu tuần duyên và tàu đánh cá nhỏ hơn của các nước khác, thường là nhằm xác quyết chủ quyền tại Biển Đông ».
Công trình nghiên cứu này cũng tính đến vụ nghênh chiến giữa Bắc Kinh và Hà Nội, do Trung Quốc cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 2014, cũng như vụ đối đầu căng thẳng với Philippines năm 2012 mà kết cục là Trung Quốc chiếm luôn bãi cạn Scarborough.
Ngay giữa hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào hôm nay, có sự tham dự của tổng thống Mỹ Barack Obama, Philippines đã cho công bố rộng rãi hình ảnh chứng minh các tàu tuần duyên và xà lan Trung Quốc di chuyển đến Scarborough, nghi ngờ Bắc Kinh âm mưu xây đảo nhân tạo tại đây. Được hãng tin AP hỏi sự hiện diện của tàu tuần duyên Trung Quốc gây phiền nhiễu cỡ nào, phát ngôn viên của tổng thống Rodrigo Duterte, ông Ernesto Abella trả lời : « Đủ để loan báo việc này ».
Quốc gia Hải dương cục, cơ quan chủ quản của lực lượng tuần duyên Trung Quốc, hiện chưa trả lời câu hỏi của Reuters về công trình nghiên cứu của CSIS.
Công trình này định nghĩa một sự cố là khi tàu tuần duyên hoặc hải quân của một nước sử dụng những biện pháp cưỡng bách vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp cho phép.
Chuyên gia Bonnie Glaser nói rằng trong ngắn hạn, bà tin rằng nguy cơ gây thương tích hoặc tử vong có thể dẫn đến hậu quả tệ hại là đụng độ mang tính dân sự, hơn là giữa các lực lượng hải quân trên Biển Đông – xét đến tần số và cường độ các sự cố trong những năm gần đây. Thông tin liên lạc chưa được mở rộng để ngăn ngừa các vụ chạm trán giữa lực lượng tuần duyên các bên, cũng như đối với hải quân. 
Bản khảo sát dẫn ra những số liệu cho thấy việc Trung Quốc hợp nhất các lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính… vào năm 2013, đi đôi với việc tăng cao ngân sách, đã khiến lực lượng tuần duyên Trung Quốc trở thành lớn nhất thế giới.
Theo tình báo Hải Quân Hoa Kỳ, hiện nay lực lượng này có 205 chiếc tàu, trong đó có 95 tàu trọng tải trên 1.000 tấn – một hạm đội quy mô vượt xa các nước khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản. Còn Naval War College Review cho biết, trong 5 năm qua, ngân sách bình quân hàng năm dành cho tuần duyên Trung Quốc là 1,74 tỉ đô la ; so với Nhật Bản 1,5 tỉ đô la, Việt Nam 100 triệu đô la và Philippines 200 triệu đô la.
Tóm lại theo CSIS, các « tàu lạ » ngang ngược trên Biển Đông hầu hết là tàu Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu tố cáo việc huy động lực lượng tuần duyên - theo truyền thống chỉ nhằm thực thi pháp luật trên biển – vào việc xác quyết chủ quyền, khiến Biển Đông thêm sóng gió, làm mất ổn định tại châu Á.

Không có nhận xét nào: