Ảnh về lễ công bố dự án nhà máy luyện thép tại Cà Ná
"Hàng trăm tổ hợp thép trên thế giới đến nay vẫn nằm ngay giữa lòng các thành phố lớn, mặc dù các nước châu Âu có tiêu chuẩn môi trường khắt khe như thế nào. Chúng ta chỉ mới có mỗi vụ Formosa mà đã lớn chuyện! Tại sao chúng ta lại quá sợ sệt như thế? Đó là quan điểm của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group tại ĐHCĐ bất thường ngày 6.9 về vấn đề triển khai dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD của Cty CP Tập đoàn Hoa Sen đang được dư luận quan tâm khá nhiều.
Ngày 6.9, ĐHCĐ bất thường của Cty CP Tập đoàn Hoa Sen đã diễn ra với nội dung nóng nhất chính là về câu chuyện Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD.
Theo tờ trình HĐQT HSG gởi đến cổ đông, ban giám đốc công ty đề xuất nhà đầu tư thông qua chủ trương triển khai đầu tư tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn/năm. Tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017-2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm. Đồng thời, ủy quyền cho HĐQT quyết định về phân kỳ giai đoạn đầu tư, quy mô, vốn đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn, thời điểm đầu tư, hình thức đầu tư. Lựa chọn công nghệ sản xuất và xử lý môi trường, đối tác, nhà cung ứng, đơn vị tư vấn, giám sát…
Vấn đề nóng nhất được quan tâm chính tại ĐHCĐ bất thường lần này là câu chuyện bảo vệ môi trường khi mà dự án này được ví như có nguy cơ trở thành một Formosa thứ hai.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết sau sự kiện Formosa xảy ra làm ai cũng sợ và ví đây là dự án thứ hai của Formosa. Với dự án của Hoa Sen, chúng ta đi theo một hướng khác và đặt yếu tố bảo vệ môi trường lên hàng đầu. HSG là người đi sau nên học được những kinh nghiệm nhiều từ các dự án trước, mặc dù được áp dụng công nghệ tối tân nhất nhưng cũng phải tính toán đến trường hợp xấu nhất, không phải một năm mà cả 100 năm tới.
Theo đó, ông Vũ cho biết dự án này dứt khoát không thu hồi hoá chất sau quá trình luyện cốc để không tạo ra rác thải ra môi trường, thay vào đó sẽ thu nhiệt để phát điện. Hoa Sen đã ký hợp tác với tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới GMC trong suốt quá trình đầu tư dự án. Tập đoàn này sẽ xây dựng những quy trình khép kín quản lý và xử lý những rủi ro về môi trường, bảo đảm giảm tác hại đến môi trường...
Ông Vũ cũng cam kết với cổ đông rằng trong các giai đoạn đầu tiên sẽ không thực hiện luyện cốc mà vẫn nhập cốc, trừ khi các công đoạn khác hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn tuyệt đối thì mới đầu tư cho luyện cốc bằng công nghệ tối tân nhất, dưới sự giám sát của đội ngũ chuyên gia đến từ châu Âu hoặc Mỹ. HSG sẽ sử dụng công nghệ luyện cốc nhưng không thu hồi hóa chất mà thu hồi nhiệt để làm phát điện thì chắc chắn không xảy ra như Formosa. Còn thiết bị, lựa chọn giữa Châu Âu hay Trung Quốc, ông Vũ nói “trả lời sau”.
Cũng theo ông Vũ, đừng nhìn thấy vụ việc của Formosa mà lại sợ sệt không đầu tư. "Hàng trăm tổ hợp được xây dựng như thế rồi, chúng ta chỉ mới có mỗi vụ Formosa mà đã lớn chuyện! Tại sao chúng ta lại quá sợ sệt như thế? Hàng trăm tổ hợp thép trên thế giới đến nay vẫn nằm ngay giữa lòng các thành phố lớn, mặc dù các nước châu Âu có tiêu chuẩn môi trường khắt khe như thế nào. Về công nghệ luyện cốc, chúng ta sẽ không đi theo cách mà Formosa đang làm”, ông Vũ nêu quan điểm.
Về nguồn vốn đầu tư cho dự án, trong kế hoạch đầu tư, ở phân kỳ đầu tư I.1 vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư trên 11 nghìn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD), tương ứng 2.500 tỷ đồng; còn lại là vốn vay ngắn hạn và trung hạn. Về vấn đề này, ông Lê Phước Vũ khẳng định rằng, 500 triệu USD đầu tư cho phân kỳ I.1 đã được ngân hàng Vietinbank ký thoả thuận cam kết tài trợ vốn có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, do vậy HSG sẽ không tính đến chuyện phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Theo báo cáo sơ bộ, doanh thu trong năm nay của HSG đã đạt trên 1,4 nghìn tỷ đồng, dự tính năm sau sẽ trên 2 nghìn tỷ đồng và trong năm tới nữa, một khi dự án thép này đi vào vận hành thì tổng doanh thu còn cao gấp đôi. Trong những giai đoạn đầu tư sau phân kỳ I.1, nếu tiến độ triển khai nhanh thì HĐQT sẽ tính toán đến những kênh huy động vốn khác và sẽ xin ý kiến cổ đông.
“Các nước đã chứng minh, khi nền kinh tế phát triển thì lập tức lĩnh vực thép tăng trưởng mạnh. Cho nên chúng ta đầu tư thép là đúng quy luật và đây là cơ hội vàng. Thứ hai, hiện nay hàng thép Trung Quốc bị đánh chống phá giá tại nhiều nước, do vậy Trung Quốc bị đánh ở đâu thì mình đi tới đó. Về công nghệ, chúng ta lựa chọn của châu Âu hay Trung Quốc tôi sẽ trả lời sau. Tuy nhiên, hiện nay kể cả các tổ hợp thép của Ấn Độ, Brasil, Mỹ, Mexico...đều có xưởng chế tạo nằm ở Trung Quốc hết. Cho nên giờ chúng ta có ký của châu Âu hay Mỹ thì cũng từ Trung Quốc mà ra, đến 90% là như thế! Tôi sẽ đủ khôn ngoan để chọn lựa làm cái gì để đạt hiệu quả cao nhất, đạt cạnh tranh tốt nhất, ông Vũ cho biết
Cũng theo ông Vũ, Hoà Phát đã tập trung đầu tư lò cao thu nhiệt từ luyện cốc nên chỉ một quý thu lợi được hơn 2.000 tỷ đồng, 80% là từ thép. Vậy ngu gì mà không ra! Ngu gì mà không lao vào làm thép. Cách làm này giúp ông Long tập đoàn Hoà Phát (ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT) trở thành người giàu thật sự, còn những người khác chưa chắc, giờ cuối mới biết được", ông Vũ nói.
Ông Vũ cũng cho rằng trong những ý kiến chống đối không tránh khỏi những những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh khi thấy sự lớn mạnh của HSG. "Đừng sợ người khác nói mình xấu mà chỉ sợ mình không tốt. Hãy tin rằng khi đầu tư dự án này tôi sẽ tạo ra được hơn 20.000 lao động, đóng góp cao nhất cho ngân sách quốc gia, không lệ thuộc nhập siêu thép, không làm ô nhiễm môi trường... ", ông Vũ trấn an cổ đông.
Media file không có chú thích
Ảnh về lễ công bố dự án nhà máy luyện thép tại Cà Ná |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét