(NDH) Mặc dù dự án còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ, nhưng tại đại hội cổ đông bất thường của Công ty CP tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) sáng nay 97% cổ đông tham dự đồng ý thông qua dự án tổ Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
TIN ĐỌC NHIỀU
Dự kiến sau khi đại hội cổ đông HSG thông qua mới bắt đầu triển khai dự án với sự tư vấn độc lập của công ty đến từ Mỹ là Global Metal Consulting (GMC) với chi phí hàng triệu USD. Thông tin này được ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HSG cho biết tại đại hội cổ đông bất thường ngày 6/9 để thông qua chủ trương đầu tư dự án. Tại đại hội, có đến 97% cổ đông tham dự đồng ý thông qua dự án tổ Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
Việc lựa chọn công nghệ nào để thực hiện dự án thì ông Lê Phước Vũ cho biết sẽ trả lời cổ đông sau. Tuy nhiên ông cho biết thông tin là nhiều nhà cung cấp đã tiếp xúc với ông và đề nghị rằng sẽ không lấy chi phí thiết kế, công nghệ mà chỉ cần bán thiết bị để duy trì hoạt động xưởng cơ khí. Ông Vũ cho biết đa số các nhà cung cấp thiết bị cho nhà máy thép hiện nay trên toàn thế giới như Ấn Độ, Úc, Đức… đều đặt xưởng sản suất tại Trung Quốc vì dung lượng thị trường lớn, chi phí nhân công rẻ.
Ông Vũ thông tin với cổ đông rằng Hoa Sen triệu tập đại hội cổ đông để thông qua dự án thép Cà Ná giữa tâm bão Formosa và bão dư luận. Tuy nhiên theo ông Lê Phước Vũ thì thời điểm này là cơ hội vàng để làm dự án thép vì nhu cầu của thị trường đang lớn chưa bao giờ giá thành đầu tư nhà máy thép rẻ như bây giờ.
Ông Lê Phước Vũ cho biết trước khi chọn Cà Ná - Ninh Thuận để đầu tư, Hoa Sen đã tính đến một số phương án ở Đông Hồi tỉnh Nghệ An và Dung Quất Quảng Ngãi nhưng những nơi này không có cảng nước sâu đủ lớn. Ông Vũ cho rằng Cà Ná là một trong những nơi làm thép tốt nhất thế giới vì nằm gần TPHCM, không bao giờ bị bão, có cảng biển nước sâu cho tàu 200.000 - 300.000 tấn cập cảng giúp tiết kiệm cho phí vận tải khoảng 300 triệu USD cho 16 triệu tấn thép/năm.
Chi phí đầu tư cảng Cà Ná vào khoảng 12.000 tỷ đồng nhưng hiện tỉnh Ninh Thuận đang đề nghị Chính Phủ đầu tư theo hình thức PPP, Nhà nước sẽ làm phần đê chắn sóng nên dự kiến vốn đầu tư Hoa Sen bỏ ra vào khoảng 7.000 – 8.000 tỷ. Ngoài ra ở Cà Ná không có sóng nên cảng sẽ không bị bồi lắng và không tốn chi phí nạo vét.
“Nhiều dự án thép như ở Hà Lan, Đức, Trung Quốc cũng nằm ở giữa thành phố nhưng hiện nay tâm lý của chúng ta đang lo sợ dự án thép sau sự cố của Formosa. Theo tôi sự cố của Formosa là do sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất. Các doanh nghiệp trong ngành thép hiện nay như Hòa Phát đang kinh doanh rất tốt với mức lãi gần 2.000 tỷ đồng trong quý vừa qua. Vậy tại sao Hoa Sen không nhảy vào để chia phần?”, ông Lê Phước Vũ nói.
Về nguồn vốn đầu tư dự án, ông Lê Phước Vũ cho biết ngân hàng Vietinbank đã cam kết đầu tư 500 triệu USD cho dự án nên Hoa Sen không có ý định phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu để thu hút vốn. Theo ông, trong vòng 10 năm tới, dự kiến vốn điều lệ của Hoa Sen sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng.
“Làm sản xuất công nghiệp là sẽ có ô nhiễm và có khí thải, nước thải, chất thải. Ai nói không có là nói xạo nhưng với công nghệ hiện đại sẽ xử lý được. Tôi cam kết Hoa Sen không sử dụng công nghệ như Formosa nên sẽ không xảy ra sự cố môi trường. Công nghệ luyện cốc của Hoa Sen là cốc khô và theo kế hoạch thì trong 1,5 triệu tấn đầu tiên thì cũng chưa đầu tư luyện cốc mà sẽ nhập khẩu. Khi các cộng đoạn khác đã hoạt động tốt mới đầu tư luyện cốc bằng và sẽ mời chuyên gia từ Mỹ, châu Âu giám sát”, ông Vũ cam đoan với cổ đông.
Nói về bình luận trên báo chí và mạng xã hội về việc dự án thép Cà Ná sẽ thiếu nước, ông Lê Phước Vũ cho rằng nhiều nhà máy thép trên thế giới hiện nay đều sử dụng nước lọc từ biển để sản xuất. Tại Việt Nam hiện có dự án của tập đoàn Doosan Hàn Quốc ở Dung Quất chuyên sản xuất thiết bị lọc nước biển xuất khẩu sang Trung Đông. Ninh Thuận cũng đã cam kết cung cấp nước cho dự án và hiện đường nước đã được kéo đến dự án.
Ông Heyno Micheal Smith - đại diện công ty tư vấn GMC cho rằng tất cả các khu liên hợp luyện cán thép đều đi kèm với rủi ro về môi trường và có 5 yếu tố cần để tránh được rủi ro này. Đó là sự quyết tâm của nhà đầu tư, những công nghệ hiện đại nhất để bảo vệ môi trường, sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng, tính minh bạch trong báo cáo nghiên cứu, sự kiên trì để khắc phục những sai sót.
Đại diện GMC đưa ra ví dụ về rủi ro trong công đoạn lò cao như khí thải, xỉ, khí lò cao… Sau khi đã xác định được rủi ro thì cần đưa ra giải pháp tối ưu nhất. GMC đề xuất chủ đầu tư Hoa Sen chủ trọng đầu tư cho khu bãi liệu và khâu xử lý nước thải vì đây là nhà máy đặt gần biển. Trước khi bắt đầu thực hiện dự án cũng cần xác định tình trạng bụi thải và nước ngầm thật kỹ lưỡng để đo lường sự tác động sau khi nhà máy đi vào hoạt động.
“Cần có cam kết của chủ đầu tư về bảo vệ môi trường, kêu gọi sự tham gia của chuyên gia quốc tế, xác định tất cả yếu tố tiềm ẩn về môi trường, liên tục theo dõi và giám sát, phương án xử lý khi có rủi ro xảy ra. Theo tôi, khu vực Cà Ná sẽ được giữ nguyên vẹn và thậm chí tốt hơn sau khi Hoa Sen đầu tư nhà máy”, ông Heyno Micheal Smith nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét