Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Trần Tiến kể chuyện "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

25/09/2016 13:30 GMT+7

TTO - Trần Tiến kể thời nhập cư Sài Gòn từng "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thấy ngại nên ông trốn ra ngoài công viên Văn Lang ngủ bụi. Trịnh Công Sơn buồn lắm, nói: “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời thì làm sao biết trả ơn người”.
Trần Tiến kể chuyện "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trần Tiến và Hà Trần năm 2016 - ảnh tư liệu
Nhìn lại những bức ảnh xưa cũ, người nhạc sĩ đi qua những năm tháng chiến tranh, những tháng ngày hòa bình vất vả, vào cái tuổi thất thập như Trần Tiến, bỗng “sao bỗng ngại ngần ngó lại ngày xưa”. 
​Trần Tiến nói vậy rồi lại đa cảm gọi đó cũng là một thời yêu dấu. Để nhớ, để quên, để thầm thì kể lại...
Hàm ơn cuộc đời...
Hắn vừa nhập cư Sài thành, trạc tuổi băm, còn thích điệu đàng, lập dị. Áo ngâm vỏ cây người thiểu số, tóc tai hippi, ngực ưỡn, vai khuỳnh. Mở miệng là đại ngôn, bị đồng nghiệp Nam ghét, tẩy chay cả năm trời chẳng ai mời diễn, đói chết mẹ.
Trần Tiến kể chuyện "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Trần Tiến dạo phố Sài Gòn - Ảnh cắt từ phim tư liệu TFS
Căn phòng này là chị Lê bắt về ở, không cho ngủ lang nhà Trịnh (Trịnh Công Sơn) nữa. Thật ra mình chỉ ở với ảnh có dăm ngày thôi vì bị chăm sóc quá đâm ngại, bỏ trốn ra ngoài công viên Văn Lang ngủ bụi.
Anh Tịnh (em trai anh Sơn) tìm được đưa về. Anh Sơn buồn lắm, nói: “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời thì làm sao biết trả ơn người”.
Cửa sổ sau lưng nhìn sang cửa sổ phòng đẻ Bệnh viện Từ Dũ. Nơi đây cho mình “đẻ” một loạt khúc “sinh - đẻ - ca” (Sao em nỡ vội lấy chồng, Thượng đế buồn, Cô bé vô tư, Sói con ngơ ngác). He he...
Trần Tiến kể chuyện "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trần Tiến, Sài Gòn 1981
Cười được với nhau chung một tấm hình...
Lớp học 8C Trưng Vương Hà Nội, lớp của thầy Bài dạy văn. Mình đứng rìa góc phải, cạnh bạn đứng cuối, áo bỏ ngoài quần cà lơ cà láo. Hùng “quay” (nhà bán thịt quay chợ Cửa Nam) cách mình một bạn còn mặc áo đen và không thèm đeo khăn quàng đỏ, “gấu” nhất lớp.
Hồi lớp 9 Hùng cùng Nghiêm “kều” đạp xe đuổi theo một em lớp trên, xinh cực, con ông giáo sư Ngụy Như Kon Tum. Mình cũng khoái em này nhưng nhát, gặp em mặt tái dại. Nghe Hùng - Nghiêm kể chuyện cưa cẩm, đám con trai trong lớp phục lăn.
Lớp sau này đi thanh niên xung phong gần hết, ngày trở về chỉ còn lại một nửa. Nửa kia mãi mãi nằm dưới những tán lá rừng già ẩm mốc của Trường Sơn xa hút. 
Ngày họp lớp hằng năm, bàn ghế trống không. Hai mươi lăm thằng ra đi còn chưa biết mùi đàn bà. Hai mươi lăm nhát chém vào ký ức thời trẻ dại.
Những bức ảnh đen trắng như âm bản hào hùng của một thời “bàn chân học trò bước vào chiến tranh”. Ngày ấy Tổ quốc gọi thì đi, có thằng còn chưa biết bắn.
Cười được với nhau chung một tấm hình xưa hoen ố, nụ cười trẻ thơ hồn nhiên thế này là phúc lắm rồi. Chắc gì đứa nào sống được đến giờ sướng hơn!?
Trần Tiến kể chuyện "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trần Tiến và bạn học lớp 8 phổ thông
Có những tấm ảnh không thể nhìn lâu
Mẹ mất, cả nhà ráng đợi người con thứ bảy đi từ hòn đảo người Chà Và vùng An Giang, tận cuối nước về tới Hà Nội nhìn mẹ lần cuối.
Chị Liên (đứng sau, mặc áo đen) vịn vai em nói trong nước mắt: “Mẹ đợi cậu về để đi đấy!”. Ngày đó cả nhà đều nhớ câu hát mình tặng mẹ:
“Mẹ ơi, sớm nay xuân về Mẹ trông ra ngoài hiên nắng Mẹ mong đứa con xa nhà Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về...”.
(Bài hát Mùa xuân gọi)
Trần Tiến kể chuyện "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Ngày mẹ mất năm 1985 tại Hà Nội
Mùa xuân ấy mình ở làng Châu Giang của người Chà Và, vừa viết xong bài Tiếng trống Paranung giao cho ban nhạc chơi thì nhận được hung tin. Mùa xuân con về:
“Chạy lên thang gác, bóng mẹ còn đâu”.
(Bài hát Mẹ tôi)
Có những tấm ảnh không thể nhìn lâu.
Có những lời không thể nói và cũng không nói được.
_____________
* Các tít trong bài do Tuổi Trẻ đặt.
TRẦN TIẾN

BÌNH LUẬN (5)



Không có nhận xét nào: