Đúc Khuôn Tội Ác
Chiến tranh,
trong mọi thời kỳ, bởi mọi nguồn cơn, là một tai họa lớn lao. Chiến tranh mang
đến sự hủy diệt của không chỉ nhân mạng, làng mạc, phố xá, sông suối, núi rừng
mà còn cả tình người, điều giúp cho con người tiếp tục là con người ngay cả
trong những hoàn cảnh đen tối nhất. Chiến tranh cũng là cái cớ tuyệt hảo để người
ta đạp đổ những hàng rào luân lý, đạo đức mà không cần phải cảm thấy áy náy. Để
chiến thắng, người ta không ngần ngại áp dụng những thủ đoạn vô luân vô đạo. Một
trong những thủ đoạn này là gắn đầu ác thú lên thân thể kẻ thù. Giới lãnh đạo của
phe chiến thắng trong cuộc nội chiến Bắc Nam vừa qua, gồm thành phần chóp bu của
đảng CSVN, chiếm giải quán quân trong lãnh vực này. Trong chiến tranh Việt Nam
và rất lâu sau đó, họ đã giúp biến người dân người lính miền Nam thành những
con quỷ khát máu, một lũ ăn thịt người trong mắt người dân và bộ đội miền Bắc.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, họ tiếp tục bôi nhọ hình ảnh người lính miền Nam
như thế mặc dù họ đã mỗi ngày chạm mặt, sinh hoạt gần gũi với những con người bằng
xương bằng thịt ở phía Nam đất nước. Cái hình ảnh xấu xa họ dựng lên trong thời
chiến đã thấm sâu vào xương tủy, tim óc người miền Bắc, và sau này, lan tỏa đến
các thế hệ trẻ trong cả nước. Đối với đa số dân chúng, “lính ngụy” và “ăn thịt
người” là hai từ luôn đi đôi với nhau.
Nhà văn Trần Doãn Nho,
tù cải tạo cho đến 1981, kể lại kinh nghiệm của ông về hiện tượng này trong lần
viếng thăm thủ đô Hà Nội trong bài ký “Lô sơn yên tỏa”
mà người viết trích dẫn dưới đây.
Bắt đầu trích --
Hồng im lặng uống hết
cốc nước. Mặt trời lên cao. Tôi cảm thấy người bứt rứt nóng. Tôi trả tiền, ra
đi. Hai chú cháu đi vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Nắng chói chang trên mặt hồ. Tháp
Rùa với lá cờ đỏ dựng trên đỉnh và câu khẩu hiệu treo chung quanh trông nhỏ hẳn
đi. Vài người câu cá quanh bờ hồ. Đám trẻ con chạy nhảy, la hét quanh các ghế
đá. Hồng hỏi tôi:
- Ở quê mình, người ta theo ngụy nhiều không chú?
- Nhiều. Hầu hết đều là ngụy.
- Sao lại hầu hết. Nhân dân ta mà theo ngụy được à. Chỉ có bọn Thiệu chứ. Cháu nghe nói bọn ngụy tàn ác lắm, sao lại có kẻ theo chúng nhỉ. Mà chú, sao ngụy lại ăn thịt người vậy chú?
Tôi quay nhìn Hồng:
- Ai nói với cháu vậy?
- Cháu biết.
- Như chú cũng ngụy mà chú có ăn thịt người đâu.
- Chắc chú lầm lỡ. Chú trông hiền lành, đàng hoàng thế mà ngụy gì!
Tôi cười:
- Cháu sách vở, kinh điển quá.
- Cháu chưa hiểu ý chú.
- Chú muốn nói cháu chỉ lập lại những điều cháu học trong sách vở. Cháu ít biết bên ngoài.
- Cháu đi thực tế luôn à.
- Thực tế ở đây, chứ ở miền Nam cháu đã biết gì đâu.
Cô gái cười, đôi má phúng phính, hồng lên trong nắng. Tôi lách xe đạp tránh một bà cụ băng qua đường. Hai chú cháu đi vào một đoạn đường đầy bóng mát. Tiếng ve kêu ồn ào trên các vòm cây. Hà Nội vào trưa, một buổi trưa hè. Đó là năm 1983.
- Ở quê mình, người ta theo ngụy nhiều không chú?
- Nhiều. Hầu hết đều là ngụy.
- Sao lại hầu hết. Nhân dân ta mà theo ngụy được à. Chỉ có bọn Thiệu chứ. Cháu nghe nói bọn ngụy tàn ác lắm, sao lại có kẻ theo chúng nhỉ. Mà chú, sao ngụy lại ăn thịt người vậy chú?
Tôi quay nhìn Hồng:
- Ai nói với cháu vậy?
- Cháu biết.
- Như chú cũng ngụy mà chú có ăn thịt người đâu.
- Chắc chú lầm lỡ. Chú trông hiền lành, đàng hoàng thế mà ngụy gì!
Tôi cười:
- Cháu sách vở, kinh điển quá.
- Cháu chưa hiểu ý chú.
- Chú muốn nói cháu chỉ lập lại những điều cháu học trong sách vở. Cháu ít biết bên ngoài.
- Cháu đi thực tế luôn à.
- Thực tế ở đây, chứ ở miền Nam cháu đã biết gì đâu.
Cô gái cười, đôi má phúng phính, hồng lên trong nắng. Tôi lách xe đạp tránh một bà cụ băng qua đường. Hai chú cháu đi vào một đoạn đường đầy bóng mát. Tiếng ve kêu ồn ào trên các vòm cây. Hà Nội vào trưa, một buổi trưa hè. Đó là năm 1983.
Hết trích --
Đó là năm 1983. Miền Nam
đã “giải phóng” được 8 năm. Nhưng miền Bắc thì rõ ràng là chưa!
*
Tôi đã nói về đề tài
“lính ngụy ăn thịt người” một vài lần, nhưng chưa hề thấy đủ. Bởi vì chưa hề
đủ! Đã có không ít người, vì những lý do mà họ nghĩ rằng cao cả, chỉ muốn quay
lưng lại, tảng lờ, chối bỏ sự hiện diện của những nọc độc văn hóa đang luân lưu
trong huyết quản dân tộc với luận điệu quen thuộc “Hãy chôn chặt chương sách sử
xấu xa này và cùng hướng về tương lai.” Ừ thì chôn. Nhưng chôn ở đâu? Trong
những cuốn sách của những cây bút thế giá đang tiếp tục bày bán đầy dẫy ở các
hàng sách hoặc nằm nghiêm trang trong các thư viện trên cả nước, hoặc trong
chồng sách giáo khoa được mang ra giảng dạy ở các cấp trung và tiểu học hàng
ngày? Hoặc trên hệ thống Internet, nơi những nọc độc văn hóa được ngụy trang
như là dữ kiện lịch sử sẽ xuất hiện trên màn hình máy vi tính của người đọc chỉ
sau vài cú nhấn trên bàn phím?
Trong số những người tin
vào huyền thoại “lính ngụy ăn thịt người” có thể kể đến Tạ Duy Anh và Hồ Anh
Thái, những nhà văn có tiếng tăm của Việt Nam, "những người mà dựa vào
chức năng của họ, trí tuệ và khả năng tư duy phải vượt trội hơn những tầng lớp
khác trong xã hội" như tôi đã từng phát biểu. Vậy mà, ở vào những năm đầu
thế kỷ 21, hơn một phần tư thế kỷ sau khi cuộc nội chiến kết thúc, họ tiếp tục
sử dụng huyền thoại “ăn thịt người” khi cần phải mô tả tội ác của “lính ngụy”
trong tác phẩm của mình.
Về các nhà văn Tạ Duy
Anh và Hồ Anh Thái, tôi đã đề cập một cách khá chi tiết trong bài viết “Khi nhà
văn không chỉ là kẻ đồng lõa” và phổ biến trên liên mạng cách đây khá lâu. Xin
nhắc lại một số dẫn chứng có liên quan đến điều đang được thảo luận. Những chỗ
in nghiêng là câu đoạn mà người viết muốn lưu ý bạn đọc.
Vào tháng 11 năm 2002,
tôi có cơ hội đọc Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh trên
mạng talawas. Tôi theo dõi Đi tìm nhân vật một
cách thích thú, cho đến gần hết chương 6. Cũng trong năm 2002, tôi có dịp đọc Cõi người rung chuông tận thế của
Hồ Anh Thái. Vào lúc bấy giờ, hình như ông là chủ tịch Hội Nhà văn thủ đô Hà
Nội. Ở một trang nào đó cũng nằm trong chương 6, tôi ngừng đọc. Nơi tôi đã dừng
lại ở hai tác phẩm, có một điểm rất chung.
Phần trích dẫn dưới đây
từ Đi tìm nhân vật đề
cập đến sự tàn bạo của chiến tranh. Tôi không biết Tạ Duy Anh đã gặp những khó
khăn nào trong việc cho ra đời cuốn sách này (hình như sách bị tịch thu/cấm
phát hành một thời gian?) với phần diễn tả sự thống khoái bệnh hoạn của người
lính bộ đội trong khi tàn sát lũ "lính nguỵ" và đám "nguỵ
cái" dưới đây, nhưng tôi phải thú thực đã cảm thấy có sự khiên cưỡng trong
tâm lý nhân vật:
"... Quân ta ào lên,
bắt giết, đâm, giẫm đạp. Một mụ nguỵ cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm
căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào
ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa tắt hy vọng. Giết
người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng nguỵ bị mình xọc lê vào bụng, nghe
‘thụt’ một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt
hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giãy chết như con tôm sống bị ném vào chảo
mỡ."
Đoạn kế tiếp là một xung
đột đầy kịch tính, phục vụ cùng một mục đích: diễn tả sự tàn bạo của chiến
tranh, trong đó người lính là con thú mắc bẫy. Người lính cụ Hồ chọn ném đứa bé
hai tuổi xuống ao nước cho chết đuối thay vì để nó, một cách không thể nghi
ngờ, bị sát hại bởi "Mỹ nguỵ" sau đó. Bất kể có đồng ý với cách hành
xử của người lính hay không, tôi ghi nhận nỗ lực của Tạ Duy Anh trong việc
chuyên chở khá thành công điều xem chừng như một nghịch lý: những tư duy nhân
bản có khi được thể hiện dưới những dạng tàn bạo nhất. Đoạn này chấm dứt như sau:
"Hai ngày sau bọn
địch phản công. Cả trung đội mình bị băm nát. Thằng Thiết bị đạn găm đầy mình,
vừa đưa tay ấn ruột vào, vừa bóp cò. Bọn nguỵ ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống
thằng Thiết. Như
sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn
rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội. Nó đã hy sinh như
một người anh hùng trên chiến trận."
Dưới đây là đoạn trong
chương 6 của Cõi
người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái mà tôi muốn chia sẻ
cùng bạn đọc:
"Hùng lao người bơi
xuôi theo dòng suối tương đối cạn, xa hẳn chỗ Hoa đang nấp. Lũ thám báo văng
tục chạy men bờ đuổi theo. Có những chỗ suối cạn không bơi được, Hùng phải
chạy. Bốn tên thám báo nhảy chồm chồm trên những tảng đá giữa lòng suối, rồi
quây được Hùng vào giữa. Anh quật ngã một thằng. Nó cắm đầu xuống nước, không
thấy động đậy gì. Nhưng những thằng kia đã xúm lại. Chỉ một lát sau, chúng đã
lôi xềnh xệch Hùng lên bờ. Thân thể anh bầm dập đẫm máu. Chúng đấm đá túi bụi
để lấy cung cho tới khi anh ngất đi. Anh tỉnh lại, chúng đánh tiếp. Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến
súng. Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này.
Cuối cùng, điều Hoa
không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo sẽ lôi Hùng đi làm tù binh để
tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng thằng cầm con dao găm của anh đã cúi xuống rạch
một đường thành thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một tiếng rùng rợn.
Ở trên cao, Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia đè chặt chân
tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra.Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay
tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng
chắc là cấp cao hơn."
Tạ Duy Anh là nhà văn có
tay nghề cao. Chỉ cần một câu ngắn, "... chúng quay thằng Thiết như
quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội",
ông đã làm được nhiều việc. Trước hết ông xác lập "thực tế" dựa vào
cung cách diễn đạt ngắn, gọn như một mệnh lệnh của cấu trúc câu. Người đọc
không có thì giờ, và do đó, cơ hội để hoài nghi khẳng định của ông. Thứ đến,
ông "tầm thường hoá", không phải bản chất và mức độ tàn độc mà là sự
hiện hữu và khả năng tái diễn của, một tội ác khủng khiếp bằng cách nói về nó
một cách thản nhiên như đang nói về một sự kiện vô cùng bình thường, cho dù có
trông đợi hay không, sẽ chắc chắn xảy ra một cách đều đặn và tự nhiên như người
Hà Nội sẽ tiếp tục đi ăn chả cá Lã Vọng. Sau hết, ông xác định "ranh
giới" của những tội ác được phép xảy ra: tất cả những gì khác hơn việc ăn
thịt đồng loại, và trong Đi tìm nhân vật, đó là
những tội ác (của bộ đội) xảy ra trước và sau câu văn ngắn gọn nói trên! Không
giống như những đoạn văn khác, Tạ Duy Anh xây dựng đoạn “lính ngụy ăn thịt
người” một cách thoải mái và tự tin, tôi có thể hình dung. Ông không hề ngay cả
trong một sát na hoài nghi điều mình viết xuống. Bởi vì "lính nguỵ ăn thịt
người" là điều có thật, cũng thật như mặt trời sẽ mọc ở hướng Đông vào mỗi
buổi sáng. Ông không phải hư cấu, và ông yên tâm vô cùng.
Riêng về trường hợp Hồ
Anh Thái, không có gì khó khăn để nhận ra đoạn văn của tác giả này chỉ là một
sao chép vụng về từ một điều đã nghe/đọc/nhặt từ một hay nhiều nơi nào khác.
"Thám báo ngụy" và "ăn thịt người" là những cụm từ cũ mèm,
sáo mòn được dùng đi dùng lại không biết bao nhiêu lần bởi những cây viết trước
ông. Hơn thế nữa, khả năng “hư cấu” nghèo nàn của ông khiến câu chuyện càng trở
nên khó tin. Ông không nhìn ra cái chi tiết “Chúng (lính thám báo) nổi lửa nướng
tim gan ăn ngay tại chỗ” đang chửi nhau chan chát với “Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến
súng. Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này.” Tất
nhiên Hồ Anh Thái chưa từng ở vào cái khung cảnh ông đang diễn tả như là một
người lính, bất kể là thám báo “nguỵ” hay trinh sát “Việt cộng.” Cho nên ông
thay vì rón rén mồi lửa lại đi "nổi lửa" nướng thịt người và trong
cùng một lúc rất cẩn thận không dùng đến súng vì sợ gây tiếng động! Ông không
hề biết gì về khoảng cách và tốc độ mà khói và mùi thịt cháy khét, thịt rừng
hay thịt… người, có thể đạt đến!
Trong khi tay nghề cao
thấp khác nhau, cả hai nhà văn đều cùng chia sẻ một điều: niềm tin tuyệt đối vào
chuyện lính ngụy thật sự ăn thịt người. Tất nhiên Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái
không phải là những nhà văn duy nhất sử dụng huyền thoại này để diễn tả tội ác
của người lính miền Nam. Tôi tin rằng còn có nhiều tác phẩm với những tình
huống tương tự. Và tôi cũng tin như đinh đóng cột là tất cả các tác giả chuyên
trị “lính ngụy ăn thịt người” không có ai chứng kiến tận mắt cái tội ác ghê rợn
này. Nhưng tất cả đều thuộc nằm lòng, đều hăng hái nói về, hăng hái viết về, và
sẵn sàng làm chứng cho sự hiện hữu của một tội ác như thế. Không chút đắn đo!
Tai sao? Quyền lực nào
đã khiến cho họ, một cách mù quáng, biến cái tội ác ghê rợn này thành một tín
điều bất khả tư nghị và vất qua một bên lý trí và chức năng sáng tạo của mình
để chỉ sử dụng một cách máy móc một khuôn mẫu mòn nhẵn để cực tả “tội ác” tưởng
tượng của người lính miền Nam? Cái khuôn đến từ đâu, do ai đúc ra, và trong
tình huống nào. Câu hỏi hóc búa, nhức nhối, đầy dằn vặt. Và trong nhiều năm,
tôi không có câu trả lời.
*Các bài viết được đăng
tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của
Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét